Hơn 1 năm tan tác, chủ nhà hàng bỏ Thủ đô trốn về quê

Sau gần một năm mở nhà hàng ăn ở Thanh Hóa, anh Mỹ thấy mình quá may mắn khi quyết định chuyển về quê kinh doanh sau một thời gian dài ở Hà Nội.

Cuối năm 2020, anh Phạm Thanh Mỹ (chủ nhà hàng Káy tại Hà Nội) đã phải cân não khi chuyển địa điểm kinh doanh từ Hà Nội về Thanh Hóa. Năm 2019, vợ chồng anh đầu tư kinh doanh một nhà hàng chuyên về ếch tại khu vực Bách Khoa, phục vụ đối tượng sinh viên và giới trẻ. Với mức giá hợp lý cùng tay nghề chuyên nấu ăn tại các khách sạn lớn của anh, quán thu hút đông đảo khách.

Công việc kinh doanh đang khá thuận lợi thì ảnh hưởng của dịch bệnh. Từ chỗ mỗi ngày hàng trăm khách, nhà hàng phải bán online và hoạt động phập phù theo các đợt chống dịch. Có thời điểm, nhà hàng đóng cửa cả tháng.

Anh Mỹ cho hay, nhà hàng phục vụ chính là nhóm khách hàng sinh viên nên mỗi khi họ nghỉ dịch, lượng khách cũng giảm mạnh. Chưa kể, các đợt cao điểm chống dịch, cửa hàng phải đóng cửa nên không có doanh thu, trong khi vẫn phải trả chi phí thuê nhà.

Mặc dù Hà Nội là một thị trường tiềm năng phù hợp cho kinh doanh ăn uống nhưng lại khá rủi ro vì ảnh hưởng thường xuyên bởi các đợt dịch bệnh. Cuối năm 2020, vợ chồng anh Mỹ tính cách chuyển nhà hàng về quê.

Hơn 1 năm tan tác, chủ nhà hàng bỏ Thủ đô trốn về quê-1

Kinh doanh ăn uống ở tỉnh ít ảnh hưởng bởi dịch (Ảnh: Bảo Anh)

Theo tính toán của anh Mỹ, kinh doanh ăn uống ở quê có lợi thế là với mức giá mặt bằng như hiện nay ở Hà Nội, anh có thể thuê được địa điểm tốt ở trung tâm Thanh Hóa. Chưa kể, nguồn nguyên liệu, nhân lực ở quê nhiều và giá rẻ nên không lo thiếu. Tuy nhiên, lượng khách hàng sẽ không đông như Hà Nội.

Vợ chồng anh Mỹ bàn tính mở một nhà hàng ở quê song song với duy trì nhà hàng ở Hà Nội. Thời gian đầu, hai vợ chồng đi đi về về giữa hai nơi để quản lý. Sau khi vận hành ổn định, anh sẽ xác định chọn một nơi quản lý chính.

Đi vào hoạt động từ cuối năm 2020, nhà hàng ở Thanh Hóa đang mang lại nguồn doanh thu lớn. Mỗi tháng, doanh thu của cửa hàng này lên tới 400 triệu đồng. Còn nhà hàng ở Hà Nội vẫn đóng cửa từ khi bùng phát dịch tới nay. Khi Hà Nội yêu cầu ngừng kinh doanh, anh điều toàn bộ nhân viên từ Hà Nội về Thanh Hóa nên không ai bị mất việc.

Anh Mỹ cho hay: “Nếu thời điểm đó, vợ chồng mình không quyết liệt thì giờ đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhà hàng phục vụ chủ yếu khách mua trực tiếp nên các đơn hàng mua online hoặc mang về không mang lại hiệu quả”.

“Ở Hà Nội, các đợt dịch bùng phát liên tục nên kinh doanh nhà hàng rất phập phù, nếu tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay thì việc mở cửa trở lại còn khá lâu”, anh dự đoán.

Tương tự như anh Mỹ, chị Nguyễn Thị Cúc (chủ chuỗi kinh doanh đồ ăn tại Hoàng Mai, Hà Nội) cũng chuyển hẳn địa bàn hoạt động về Nam Định. Chị Cúc cho biết, từ năm ngoái, cửa hàng tại Hà Nội gặp khó khăn thường xuyên do phải đóng cửa theo các đợt chống dịch của Thủ đô. Hoạt động bán hàng online không hiệu quả do phụ thuộc khá nhiều vào các ứng dụng và phải trả phí hoa hồng cao.

Hơn 1 năm tan tác, chủ nhà hàng bỏ Thủ đô trốn về quê-2

Trong khi Hà Nội đóng cửa hàng quán thì tại địa phương vẫn có khách (Ảnh: Bảo Anh)

Tháng 3/2021, hợp đồng thuê nhà hết hạn, chị quyết định ngừng kinh doanh tại Hà Nội chuyển về Nam Định mở nhà hàng. Về quê mặt bằng cho thuê giá rẻ, nhân lực dồi dào. Chỉ trong thời gian ngắn, chị đã xây dựng được một cơ sở kinh doanh khang trang ở trung tâm thành phố.

Kinh nghiệm từ hoạt động nhà hàng ở Hà Nội được chị áp dụng vào quán mới nên lượng khách tới quán khá đông. Dù không đạt doanh thu lớn như ở Thủ đô, nhưng nhà hàng này đang mang lại cho gia đình chị thu nhập ổn định.

“Nếu tiếp tục duy trì nhà hàng ở Hà Nội, mình sẽ tốn rất nhiều chi phí mà không có nguồn thu. Hà Nội hay xảy ra dịch nên kinh doanh ăn uống không hề dễ dàng, chỉ cần đóng cửa cả tháng là coi như âm vốn”, chị cho biết thêm.

Bên cạnh xu hướng bỏ phố về quê để ở thì nhiều nhà hàng cũng đang chuyển dần hoạt động kinh doanh từ Hà Nội về các địa phương. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, việc mở rộng kinh doanh ở những khu vực ít bị ảnh hưởng đang là xu hướng tất yếu.

Theo chia sẻ kinh nghiệm từ anh Mỹ, nhờ áp dụng bằng công nghệ nên việc quản lý nhà hàng dễ dàng hơn. Hóa đơn bán hàng và doanh thu hàng ngày đều hiện rõ trên điện thoại di động, camera theo dõi tình hình quán, nên khi ở Hà Nội anh vẫn có thể quản lý vận hành địa điểm kinh doanh tại Thanh Hóa.

“Cứ ngon, đẹp, rẻ là khách truyền tai nhau tới đông lắm. Nhà mình chuyển về đây cũng không phải chạy chương trình khuyến mại như Hà Nội”, anh nói.

Còn theo chị Cúc, hoạt động vận chuyển đang khá thuận tiện. Ngay cả ở Nam Định, chị vẫn có thể phục vụ khách một vài món ăn có nguyên liệu từ Hà Nội như bia hơi Hà Nội,... Khi được hỏi có tiếc khi bỏ phố về quê, chị Cúc cho hay: “Giờ thì mình không quan niệm là ở quê hay phố, cứ nơi nào kinh doanh ra tiền là được”.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/bo-thu-do-ve-que-nha-hang-song-qua-mua-dich-755961.html

Covid-19

nhà hàng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.