Mua yến sào nhưng nhận… nấm tuyết

Mua yến sào trên mạng, người mua nhận được... nấm tuyết. Mua iPhone 12 nhận được... cục gạch.

Bỏ tiền mua yến sào nhưng sản phẩm mà người mua nhận được chỉ là bịch nấm tuyết với giá rẻ hơn rất nhiều. Tình trạng mua hàng qua mạng xã hội Facebook bị lừa đảo như trường hợp này xảy ra khá nhiều.

Tưởng mua được yến sào giá rẻ

Nạn nhân của trò lừa đảo trắng trợn này là chị V.T.T.H., ngụ tại TPHCM. Phản ánh đến Báo Phụ Nữ TPHCM, chị cho biết, trên fanpage “Tổ Yến - Yến sào Nha Trang thượng hạng” rao bán yến sào với giá khá thấp, 100g yến xơ mướp Khánh Hòa - Nha Trang chỉ 680.000 đồng, còn được tặng thêm táo đỏ, đường mật mía, miễn phí giao hàng và cam kết hoàn lại tiền nếu sản phẩm không đúng chất lượng. Do thấy giá rẻ nên chị đề nghị lấy loại yến đặc biệt, được niêm yết giá 780.000 đồng/100g. 

Mua yến sào nhưng nhận… nấm tuyết-1

Mua yến nhưng chị H. nhận về toàn nấm tuyết

Khi nhận hàng, chị kiểm tra nhưng chưa phát hiện bất thường. Chỉ đến khi xé lớp bao ni-lông bọc bên ngoài, chị mới biết đó là nấm tuyết. “Nấm tuyết được quấn bao ni-lông có hình dạng như tai yến, được đựng trong hộp yến nên nhìn sơ qua rất giống yến. Tôi gọi điện thoại thì cửa hàng này không trả lời, chức năng bình luận trên fanpage cũng bị tắt”, chị H. kể. 

Không chỉ chị H. mà nhiều khách hàng khác cũng là nạn nhân của trang này. Nhưng nếu khách hàng có phản hồi, tố cáo thì vài phút sau phản hồi này sẽ bị xóa hoặc chặn. Họ chỉ biết bày tỏ bức xúc bằng cách để các biểu tượng “phẫn nộ” dưới các bài đăng. Fanpage này chỉ khoảng 500 lượt theo dõi. Dưới mỗi bài viết rao bán sản phẩm yến, nếu có 51 lượt thích thì đã có 47 lượt để biểu tượng “phẫn nộ”. Mặc dù là trang rao bán yến sào nhưng biểu tượng của trang lại có hai chữ “thời trang”. Theo thông tin chị H. cung cấp, chị đã theo dõi trang này rất lâu, trước đây chuyên rao bán quần áo.

“Tôi đã từng đặt tại fanpage này một áo đầm giá 200.000 đồng, nhưng khi nhận hàng lại là một cái áo trẻ sơ sinh chỉ vài ngàn đồng. Trang này rao bán hết hàng này đến hàng khác để lừa người tiêu dùng”, chị H. cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện fanpage này còn “nhân” ra nhiều trang “con” có tên “Yến sào Gia Bảo” với cùng logo của fanpage “Tổ Yến - Yến sào Nha Trang thượng hạng”; phương thức bán hàng giống nhau, giá tiền yến cũng như nhau là 680.000 đồng/100g. Đáng nói, các trang này sử dụng số điện thoại và địa chỉ của một nhà hàng yến tại Khánh Hòa - Nha Trang, nhưng nhà hàng lại khẳng định không bán yến qua mạng. 

Tình trạng mua hàng qua mạng xã hội Facebook bị lừa đảo như chị H. khá nhiều. Chị T.T.A., ngụ tại TP.HCM, cho biết vừa qua có đặt tại fanpage Bopbo Tee hai chiếc ba-lô trẻ em với giá 340.000 đồng, được cam kết sản phẩm chất lượng, có giải quyết đổi trả. Giống các điểm bán khác, cửa hàng này nhấn mạnh không cho phép kiểm tra hàng trước khi nhận vì lý do sợ bưu tá tráo đổi, lấy cắp hàng.

“Đúng một tuần sau, tôi nhận được hàng nhưng không đúng như mình lựa chọn, chất liệu rất kém, bung chỉ chỗ nọ chỗ kia, vải nhăn nhúm. Tôi nhắn tin qua fanpage yêu cầu giải quyết thì không thấy ai trả lời. Nhìn fanpage khá hoành tráng nhưng lại lừa đảo khách hàng”, chị A. cho hay. 

Địa chỉ mà fanpage giới thiệu là tầng 2, gian 5, trung tâm thương mại Mipec Long Biên, TP.Hà Nội. Nhưng địa chỉ trên bưu phẩm mà khách hàng nhận được lại là 22 Lương Ngọc Quyền, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội. Ngay cả số điện thoại trên fanpage này cũng khác với số điện thoại in trên bưu phẩm gửi cho khách hàng. 

Ham rẻ dễ “sập bẫy”

Chưa kể, mua hàng qua kênh bán lẻ trực tuyến, khách hàng còn gặp tình trạng nhân viên giao hàng tráo đổi sản phẩm. Mới đây, xảy ra vụ việc hai khách hàng tại tỉnh Đồng Tháp và Hà Tĩnh đặt mua iPhone 12 qua website của hệ thống bán lẻ Di động Việt. Khách hàng tại Đồng Tháp đã thanh toán 32 triệu đồng nhưng lại nhận được… cục gạch. Còn khách hàng ở Hà Tĩnh nhận được… hộp tô màu. Hay như vụ việc một khách hàng tại TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng gửi 500g yến tinh chế giá 17 triệu đồng thông qua công ty G. nhưng đối tác của khách này lại nhận được… một đôi giày rách. 

Mua yến sào nhưng nhận… nấm tuyết-2

Nấm tuyết được "ngụy trang" khéo léo khiến người mua nhìn qua không phát hiện được mình bị lừa

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), kênh mua sắm phổ biến của người dân hiện nay là mạng xã hội Facebook và Zalo, chiếm đến 66%. Nhưng đây lại là kênh mua sắm tiềm ẩn nhiều rủi ro về hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đúng như quảng cáo, thậm chí là lừa đảo người tiêu dùng như các trường hợp kể trên. Đa phần khách hàng phản ánh bị lừa đảo khi mua sắm trực tuyến đều là trên Facebook và Zalo.

Tuy nhiên, việc kiểm soát, quản lý rất khó khăn vì chưa có biện pháp khẩn cấp dừng, chặn các trang này khi phát hiện sai phạm. Hơn nữa, trình độ kỹ thuật và năng lực nghiệp vụ của cán bộ quản lý ở lĩnh vực này lại hạn chế. Trong khi đó, việc lập trang fanpage hay Zalo để quảng cáo, rao bán hàng khá dễ nên người lập đều khai báo thông tin “ảo”, gây khó cho công tác kiểm tra, quản lý. Để tránh bị lừa đảo khi mua hàng qua mạng xã hội, người tiêu dùng nên lựa chọn địa chỉ uy tín, mua của người quen và không nên ham rẻ. Như nạn nhân mua yến, do ham rẻ nên mới bị lừa trắng trợn, vì làm gì có chuyện 100g yến chỉ có giá 780.000 đồng. 

Riêng với các vụ việc mua điện thoại lại nhận được cục gạch, hộp tô màu hay mua yến nhận về đôi giày rách… theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, đó là sự “cướp bóc” trắng trợn, tráo hàng của những nhân viên biến chất thuộc các công ty chuyển phát. Do đó, trách nhiệm của công ty chuyển phát là phải đền bù cho khách hàng. 

Hiện nhiều kênh bán lẻ trực tuyến, trong đó phần lớn là các sàn thương mại điện tử đều áp dụng chính sách “không hỗ trợ đồng kiểm khi nhận hàng”. Theo ông Dũng, việc không cho kiểm hàng là muốn đẩy nhanh việc giao hàng, đẩy nhanh phát triển thương mại điện tử, điều này đúng. Nhưng thời gian qua, xảy ra nhiều bất cập khi mà người mua hàng bị xâm phạm quyền lợi chính đáng một cách thô bạo. “Bản thân người bán hàng, chủ sàn thương mại điện tử, công ty giao nhận phải ngồi lại với nhau để có giải pháp tốt nhất. Nếu thời gian này vẫn còn tình trạng tráo hàng, thì bắt buộc người mua phải kiểm hàng”, ông Nguyễn Ngọc Dũng nói.

Theo Báo phụ nữ

Xem link gốc Ẩn link gốc https://www.phunuonline.com.vn/mua-yen-sao-nhung-nhan-nam-tuyet-a1424122.html

yến sào


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.