Thấy gì từ ‘thương vụ tỷ đô’ giữa Vingroup và Masan?

Cú bắt tay lịch sử giữa Vingroup và Masan trong những ngày cuối năm 2019 được đánh giá là một động thái tích cực, thể hiện tính năng động và đoàn kết của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước - hợp tác để cùng phát triển.

Cú bắt tay lịch sử giữa Vingroup và Masan trong những ngày cuối năm 2019 được đánh giá là một động thái tích cực, thể hiện tính năng động và đoàn kết của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước - hợp tác để cùng phát triển.

Sự lớn mạnh và chuyên môn hóa của doanh nghiệp Việt

Vingroup khẳng định việc chuyển giao VinMart/VinMart+ và VinEco (thuộc VinCommerce) cho Masan giúp Tập đoàn này giải phóng nguồn lực cho hệ thống để tập trung hết sức cho mảng Công nghệ và Công nghiệp. Đây cũng là điều dễ nhận thấy nhất ở giao dịch “khủng” này giữa 2 “ông lớn” trong Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Thấy gì từ ‘thương vụ tỷ đô’ giữa Vingroup và Masan?-1
VinCommerce hiện sở hữu hệ thống bán lẻ VinMart & VinMart+ có quy mô và tốc độ phát triển nhanh nhất Việt Nam

Vingroup vẫn được biết đến là một tập đoàn kinh tế đa ngành, đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, từ bất động sản, công nghệ, công nghiệp sản ô tô, đến y tế, giáo dục, nông nghiệp, bán lẻ… Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2018, doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã công bố chuyển hướng phát triển để trở thành một Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Thương mại dịch vụ. Với định hướng mới này, việc Vingroup nhường “mặt trận” bán lẻ và nông nghiệp cho Masan cũng là điều dễ hiểu.

Đặc biệt, khi mà bán lẻ và nông nghiệp đều là những lĩnh vực đòi hỏi nguồn nhân lực rất lớn, đầu tư dàn trải và “thu tiền lẻ” thì để tiến xa, tiến nhanh hơn trong lĩnh vực ưu tiên là Công nghệ - Công nghiệp, Vingroup đã lựa chọn việc bỏ bớt những mục tiêu không phải cốt lõi, dù đó đều là những lĩnh vực rất tiềm năng.

“Chúng tôi đã khởi tạo hai doanh nghiệp quy mô lớn là VinFast và VinSmart với khát vọng toàn cầu. Do vậy, chúng tôi phải tối ưu hoá mọi nguồn lực nhằm đưa VinFast và VinSmart thành các doanh nghiệp mạnh, có tầm vóc quốc tế”, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, khẳng định.

Ngược lại, với tư cách là tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, lại đang đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực chăn nuôi (với thương hiệu MeatDeli) thì việc tiếp nhận thêm mạng lưới bán lẻ lớn nhất cả nước cùng mảng nông nghiệp đã khẳng định được vị thế vững chắc từ Vingroup, Masan chẳng khác gì “hổ mọc thêm cánh”.

“Sự gia nhập của VinCommerce và VinEco không chỉ cộng hưởng và nâng cao giá trị cho năng lực cốt lõi của Masan mà còn giúp chúng tôi nhanh chóng đạt được mục tiêu trở thành Tập đoàn hàng Tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu trong nước, hướng tới vươn ra thế giới”, ông Trương Công Thắng, Chủ tịch HĐQT Masan, khẳng định.

Trên thế giới, chuyên môn hóa để tối ưu nguồn lực cũng là một xu hướng của nhiều ông lớn. Chính vì thế, sự hợp tác giữa Vingroup và Masan sẽ giúp tăng sức mạnh của cả hai. Với riêng Vingroup, sứ mệnh tạo dựng thương hiệu ô tô Việt đẳng cấp thế giới hứa hẹn có thêm những bước tiến mới.  

Giữ thị phần bán lẻ cho doanh nghiệp Việt

Dự báo, đến năm 2020, thị phần kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam sẽ tăng từ 25% hiện tại lên 40%. Với quy mô ước tính 180 tỷ USD, Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Nói một cách hình ảnh, miếng bánh bán lẻ Việt Nam rất hấp dẫn và các doanh nghiệp cả nội và ngoại đều muốn chiếm phần hơn.

Riêng khối ngoại, không chỉ có những cái tên rất mạnh đang “tham chiến” như Central Group (Thái Lan) với chuỗi siêu thị BigC, Aeon (Nhật Bản) với chuỗi Aeon Mall, Lotte (Hàn Quốc) với Lotte Mart… mà còn cả những “ông lớn” với nguồn vốn khổng lồ đang “ngó nghiêng chờ thời cơ” như Amazon, Walmart (Mỹ), Carrefour (Pháp), Alibaba (Trung Quốc)…

Cạnh tranh trên thương trường là tất yếu và cần thiết bởi người tiêu dùng chính là đối tượng được hưởng lợi. Nhưng nếu kênh bán lẻ bị doanh nghiệp nước ngoài nắm quyền chi phối thì nguy cơ doanh nghiệp và sản phẩm Việt bị “ra rìa” là rất lớn.

Thấy gì từ ‘thương vụ tỷ đô’ giữa Vingroup và Masan?-2
Masan Consumer Holdings là công tiêu dùng hàng đầu Việt Nam với nhiều thương hiệu nổi tiếng, uy tín trên thị trường.

Đến thời điểm hiện tại, Vingroup có thể xem là đã thành công trong việc giữ thị trường Việt cho doanh nghiệp Việt khi xây dựng được VinMart/VinMart+ thành chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Ở Đông Nam Á, cũng chỉ duy nhất tại Việt Nam, doanh nghiệp nội đang làm chủ ở mảng này. Nhưng trước làn sóng xâm thực ngày càng mạnh mẽ của các thương hiệu ngoại thì cần có thêm nhiều nỗ lực hơn nữa, bao gồm cả sự bắt tay của các doanh nghiệp Việt, để khẳng định phần thắng của khối nội.  

Bởi thế, một điểm nhấn rất đáng chú ý trong “thương vụ tỷ đô” giữa Vingroup và Masan là kênh phân phối lớn nhất Việt Nam vẫn thuộc về người  Việt. Vẫn với mục tiêu bảo vệ các nhà sản xuất Việt, Vingroup có lý do khi chọn Masan chứ không phải một doanh nghiệp ngoại nào khác để trao lại “con gà đẻ trứng vàng” trong mảng bán lẻ.

Theo lộ trình đã được VinCommerce công bố mới đây, dự kiến tới năm 2025, hệ thống sẽ sở hữu hơn 300 siêu thị VinMart, gần 10.000 cửa hàng VinMart+, tiên phong phủ sóng tại khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước. Nay, với việc VinMart/VinMart+ được chuyển giao cho Masan, doanh nghiệp hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam, thì tương lai về một tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ tầm cỡ hơn nữa, không chỉ giữ vững “mặt trận” trong nước mà còn tự tin vươn ra khu vực và thế giới, là hoàn toàn có cơ sở.

Minh Tuấn


cửa hàng bán lẻ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.