Tối 22/1 (tức ngày 28 tháng Chạp), khi các nhân viên khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, đang khẩn trương làm việc và chuẩn bị tận hưởng kỳ nghỉ Tết bên gia đình, bất ngờ, một cuộc điện thoại gọi đến từ Hệ thống báo động bệnh truyền nhiễm. Khoa được thông báo chuẩn bị tiếp nhận hai bệnh nhân người Trung Quốc nghi ngờ nhiễm virus corona, cần được cách ly ngay. Mọi kế hoạch hoàn toàn thay đổi kể từ sau cuộc điện thoại này.
Hơn nửa tháng điều trị, chăm sóc hai bệnh nhân Trung Quốc dương tính với nCoV là khoảng thời gian không bao giờ quên trong ký ức của cán bộ, nhân y tế Bệnh viện Chợ Rẫy. Dù đã qua nhiều đợt chống dịch nguy hiểm, lần này, các nhân viên y tế vẫn không khỏi lo lắng. Bởi loại virus này có độc lực rất cao và chưa có phác đồ điều trị.
“Chúng tôi đã có rất nhiều đợt chinh chiến trong các trận dịch bệnh, từ dịch cúm gia cầm H1N1, hay dịch SARS, MERS… tuy nhiên, đây là trận chiến áp lực nhất và để lại trong mỗi người nhiều cảm xúc xúc nhất”, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, người trực tiếp điều trị cho hai bệnh nhân người Trung Quốc mắc nCoV chia sẻ.
Bác sĩ Hùng cho biết điều khiến họ áp lực là hai ca bệnh mang chủng virus corona mới, biến thể so với SARS hay MERS. Chúng lại có độc lực cao, khả năng lây lan nhanh và từ người sang người lại chưa có phác đồ điều trị. Điều này khiến cho nhân viên y tế dù đã được chuẩn bị tâm thế, kinh nghiệm vẫn có chút cảm xúc lo lắng.
Lãnh đạo khoa Bệnh Nhiệt đới cho rằng bác sĩ là một nghề được tôi rèn qua nhiều trải nghiệm và kiến thức. Hơn thế, tập thể khoa đã cùng chinh chiến qua nhiều đợt dịch nên luôn mang tâm thế sẵn sàng cho bất cứ dịch bệnh nào.
Ngay khi hai bệnh nhân vào khu cách ly, tập thể hơn 30 y bác sĩ, nhân viên chụp X-quang tại giường, đội ngũ vệ sinh… có chuyên môn cao của khoa đã được huy động để phân luồng, chia lịch trực, cách ly và theo dõi người bệnh.
Dù lịch trực Tết đã được sắp xếp trước đó, song, vì tính chất quan trọng của căn bệnh, các nhân viên y tế vẫn chấp nhận thay đổi lịch trực, tăng ca. Sáng 29 tháng Chạp, hai bệnh nhân đều được xác định dương tính với nCoV.
Bác sĩ Hùng chia sẻ khó khăn đầu tiên trong việc điều trị cho hai bệnh nhân này chính là họ rất e ngại khi vào khu điều trị. Người cha không nói được tiếng Việt hay tiếng Anh, lại có phản ứng dữ dội, không tuân thủ điều trị, tháo ga trải giường và không chịu mặc quần áo bệnh nhân.
Trong khi đó, người con nói tiếng Anh không nhiều, lại có tâm lý không chấp nhận mình cũng mang bệnh. Các bác sĩ phải mất nhiều thời gian thuyết phục người con trong quá trình điều trị. Sự chăm sóc tận tình của nhân viên y tế đã khiến hai bệnh nhân dần tin tưởng, đồng ý hợp tác.
“Họ nhiễm chủng virus hoàn toàn mới, không ai biết được cách điều trị, không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới cũng vậy. Chúng tôi phải chọn lựa phương pháp điều trị thay đổi phác đồ theo từng diễn biến sức khỏe của người bệnh.
Ngoài tập trung điều trị, nhân viên y tế phải đảm bảo sự kỹ lưỡng trong các quy trình để tránh mang mầm bệnh ra ngoài. Trong các ổ dịch, mọi người đều chạy ra xa, còn chúng tôi là những người trực tiếp phải xông vào”.
Về quá trình điều trị cho hai bệnh nhân này, bác sĩ Hùng cho biết nCoV hiện chưa có phác đồ điều trị chính thống, do đó, khuyến cáo chung vẫn là điều trị hỗ trợ, vệ sinh phòng bệnh và mở cửa thông thoáng. Hai bệnh nhân được súc họng bằng dung dịch sát khuẩn giảm đời sống virus corona, giảm nhiễm khuẩn.
Theo bác sĩ Hùng, đây là điểm mới trong phác đồ điều trị dựa trên kinh nghiệm và bằng chứng khoa học về chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus, các tài liệu nước ngoài và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chưa từng đề cập.
Sau nhiều ngày thay phiên chăm sóc, điều trị, tình trạng bệnh nhân Li ZiChao chuyển biến tốt và nhận kết quả xét nghiệm âm tính. Đến ngày 30/1, bệnh viện lại tiếp tục đón nhận thành quả với kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 của người cha.
“Đó là chỉ là bước khởi đầu. Vui mừng có, hạnh phúc có, nhưng không vì thế mà chúng tôi cho phép mình lơ là. Công tác chăm sóc, điều trị cho hai bệnh nhân vẫn tiến hành theo đúng quy trình để hướng đến mục đích cao nhất: Cả hai cha con đều khỏi bệnh”, bác sĩ Hùng nói.
Do tình hình bệnh nhân có cải thiện, nhân viên y tế thay phiên thăm khám 3 lần mỗi ngày thay vì 4 lần như những ngày đầu tiếp nhận. Mỗi ngày, bệnh nhân được lấy sinh hiệu 4 lần, đưa cơm nước 3 lần và được hỗ trợ vận động, đi lại.
Với mong muốn góp thêm thông tin vào bức tranh dịch tễ toàn cầu, các y bác sĩ tại Viện Pasteur và Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định viết báo cáo về hai bệnh nhân người Trung Quốc gửi đến tạp chí y khoa The New England Journal of Medicine.
PGS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết sau 5 ngày thu thập tài liệu, phản biện các câu hỏi của chuyên gia, bản báo cáo được đăng tải. Điều này thể hiện năng lực dịch tễ và năng lực phối hợp nhịp nhàng của các bác sĩ. Đây là báo cáo về trường hợp lây nhiễm nCoV từ người sang người đầu tiên ngoài Trung Quốc và cũng là công trình đầu tiên hoàn toàn được nghiên cứu và thực hiện bởi nhóm bác sĩ Việt Nam.
The New England Journal of Medicine là "Kinh thánh y khoa" của thế giới - nơi đăng nhiều công trình nghiên cứu quan trọng về lâm sàng trên thế giới. Mỗi tuần có hàng nghìn bài báo được gửi về NEJM nhưng chỉ 5% trong số đó được xuất bản. Việc bác sĩ được đứng tên tác giả của một nghiên cứu lâm sàng về y khoa là niềm tự hào của ngành y Việt Nam.
Trước những cố gắng của tập thể lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo các khoa, bác sĩ điều trị, điều dưỡng và nhân viên y tế, ngày 29/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định khen thưởng các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Pasteur TP.HCM, vì đã nỗ lực cấp cứu và điều trị, điều trị thành công cho hai bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm bệnh đầu tiên ở Việt Nam. Trước ngày bệnh nhân xuất viện, các bác sĩ cho biết đã đảm bảo 100% bệnh nhân không lây nhiễm cho người khác.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cũng nhận định Bệnh viện Chợ Rẫy đã làm rất tốt khâu cách ly, điều trị. Không có nhân viên y tế nào bị lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Thậm chí, các bác sĩ còn chăm sóc rất tốt cho hai bệnh nhân này. Trong những ngày Tết, với bệnh nhân người nước ngoài mang tâm tư xa nhà, sự quan tâm, động viên của y bác sĩ là điều quan trọng để hỗ trợ tinh thần người bệnh.
PGS Lương Ngọc Khuê cho biết hiện nay, tất cả bệnh nhân nhiễm nCoV điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh tiến triển rất khả quan, nhiều bệnh nhân được ra viện và không có nhân viên y tế bị lây nhiễm chéo. “Chúng tôi mong muốn người dân hết sức bình tĩnh, yên tâm. Hiện nay, tất cả ca bệnh chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được và có khả năng chữa khỏi”, PGS Khuê khẳng định.
Ngày ra viện, Li ZiChao ngượng ngùng trước đông đúc phóng viên và ống kính. Vẫn mang khẩu trang và giữ khoảng cách với mọi người, anh gửi lời cảm ơn đến Bộ Y tế, chính phủ Việt Nam và các bác sĩ.
Anh cho biết chính sự quan tâm, hỗ trợ cả về mặt thể chất lẫn tinh thần của các bác sĩ chính là yếu tố giúp gia đình an tâm điều trị. Anh xúc động trước sự chu đáo của lãnh đạo bệnh viện khi đồng ý cho cha con anh được ở phòng riêng, chăm sóc và động viên tinh thần nhau. Li ZiChao bắt tay, cảm ơn từng người trong suốt gần 2 tuần đã luôn túc trực bên cạnh anh.
Cho đến ngày Li ZiChao xuất viện, điều dưỡng Nguyễn Minh Tâm - người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân vẫn còn rưng rưng xúc động khi nhớ lại công việc tất bật của gần 2 tuần qua.
Mỗi ngày của điều dưỡng Tâm đều bắt đầu bằng việc thay trang phục bảo hộ, sau đó, vệ sinh phòng cách ly, mở cửa thông thoáng và hướng dẫn bệnh nhân vệ sinh cá nhân. Công việc này lập lại 3 lần mỗi ngày, mỗi lần kéo dài khoảng 3 tiếng.
“Từ đầu, tôi đã xác định làm thật kỹ các bước để đảm bảo không mang mầm bệnh ra ngoài. Nếu không may nhiễm bệnh, tôi cũng không còn run sợ gì nữa mà chỉ cố gắng không để lây nhiễm cho người thân, đồng nghiệp”, điều dưỡng Tâm chia sẻ.
BSCKI Nguyễn Ngọc Sang, người trực tiếp điều trị cho hai bệnh nhân cho biết hầu như trong suốt kỳ nghỉ Tết, các bác sĩ phải thay phiên nhau trực chiến để chăm sóc, động viên tinh thần của người bệnh, kể cả việc ăn uống. Họ là người nước ngoài lại ở khu cách ly nên rất hoang mang và thường xuyên tìm bác sĩ để trao đổi.
"Có những y bác sĩ vừa ra ngoài thay xong đồ bảo hộ, anh Li ZiChao lại gọi tìm. Thế là mất khoảng 20-25 phút, chúng tôi thay lại trang phục bảo hộ để vào phòng cách ly trao đổi và động viên bệnh nhân. Thời gian đó, chúng tôi dùng mọi phương pháp để trò chuyện với họ mà nhiều nhất là ngôn ngữ hình thể", bác sĩ Sang nhớ lại.
Ngày đầu tiên ông Li Ding và Li ZiChao vào khu cách ly, nhà bếp chưa kịp chuẩn bị phần ăn, mỗi lần vào thăm khám, các bác sĩ trong khoa sẽ hỏi hai bệnh nhân muốn ăn gì, sau đó tranh thủ đi mua cho họ.
“Có lần, bệnh nhân Li ZiChao muốn ăn thanh long, trong đêm, chúng tôi đã tìm mua cho anh ấy. Tất cả những điều này là để cho bệnh nhân tin mình. Nếu họ không tin mình, mình không thể làm gì được. Đây là những trải nghiệm quý giá mà không phải nhân viên y tế nào cũng có được”, bác sĩ Sang kể lại.
Một trong hai bệnh nhân nhiễm virus corona đầu tiên tại Việt Nam đã xuất viện trong niềm hạnh phúc của y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. Người cha đang tiến triển khả quan và có thể sớm nhận được tin vui.
Mùa dịch bệnh chắc chắn sẽ qua đi, duy chỉ có tinh thần thép và bước chân vững vàng vào phòng cách ly của y bác sĩ sẽ còn tiếp tục mãi.
Theo Zing