Sau 30 phút di chuyển từ nội thành, chúng tôi có mặt tại cổng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội. Dòng chữ đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là lời đề nghị: "Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến bệnh viện đeo khẩu trang Y tế trước khi vào bệnh viện", kèm theo đó là một sơ đồ Quy trình sàng lọc người bệnh.
Người bệnh đến được yêu cầu đeo khẩu trang và được hỏi 2 câu hỏi. 1. Có đi Trung Quốc, Đài Loan, hoặc sân bay quốc tế trong thời gian 14 ngày gần đây không? 2. Có tiếp xúc với người bệnh nghi bị viêm phổi corona virus không? Nếu Không, người bệnh sẽ tới Khoa Khám bệnh, còn nếu Có, họ sẽ được chỉ dẫn xuống Khoa Cấp cứu (Lối đi phía ngoài, không đi lối hành làng – biển báo chỉ rõ). Chỉ cách nhau có 1 mũi tên, nhưng hai hướng đi sẽ mang lại cảm giác nặng nề và nhẹ nhõm hoàn toàn khác nhau.
Sau 3 phút đi theo đúng chỉ dẫn của bệnh viện chúng tôi đã tới Khoa Cấp cứu. Ngay lập tức chúng tôi bắt gặp chiếc xe cấp cứu biển xanh in dòng chữ đỏ ‘Ambulance' do một lái xe mặc kín đồ bảo hộ màu trắng đỗ xịch trước cửa.
Lái xe nhanh chóng bước xuống, trên tay anh cầm tờ giấy ghi danh sách những bệnh nhân tới thăm khám sàng lọc virus Corona. 6 thanh niên lần lượt bước xuống và khẩn trương đi vào Khoa Cấp cứu. Trên tay mỗi người cầm một tờ giấy khai báo tình hình sức khỏe được bệnh viện phát từ trước. Rất mau chóng, lái xe cầm bình xịt dung dịch sát khuẩn xịt vào trong khoang chứa bệnh nhân, đóng cửa xe và di chuyển.
Mọi việc diễn ra như được lập trình.
Những thanh niên đều đeo khẩu trang kín mít bước qua ô cửa kính tự động vẫn còn dán hình con chuột Chúc mừng Năm mới 2020 của Khoa Cấp cứu. Có người vẫn còn mang theo cả vali du lịch. Có người thì đội mũ, bịt khẩu trang và đeo kính kín mặt.
Phía trong quầy ghi danh, chừng 5 bác sĩ mặc đồ phòng dịch màu xanh dương, màu trắng, màu xanh lục đứng sẵn. Các bệnh nhân lần lượt được tách ra để thăm khám sàng lọc.
Trong quá trình sàng lọc người bệnh nghi nhiễm Corona, các bác sỹ sẽ căn cứ trên các bằng chứng về lâm sàng và dịch tễ để tiếp tục phân loại bệnh nhân
Tuy nhiên không phải lúc nào công tác sàng lọc bệnh nhân cũng diễn ra suôn sẻ theo như quy trình y khoa. Rất nhiều trường hợp, đội ngũ y bác sĩ đã phải đối mặt với tình huống bệnh nhân phản ứng dữ dội khi họ phải chấp nhận một cuộc sống khác biệt trong vòng 14 ngày.
Ngay khi chúng tôi có mặt, mội phụ nữ trở về từ Trung Quốc đã tới khám bệnh nhưng nhất quyết không chịu tới khu cách ly. Chị này kể: "Sau khi người dân khu chung cư biết tôi đi du lịch Trung Quốc về, hàng xóm đã dán giấy A4 vào cửa yêu cầu tôi đi xét nghiệm virus nCov, nếu có có kết quả xét nghiệm âm tính thì mới được vào khu chung cư, nếu không sẽ không được về nhà. Nên tôi chỉ làm xét nghiệm có bị hay không. Nhưng tôi không thể vào khu cách ly được, vì tôi còn rất nhiều công việc".
Nữ bệnh nhân khăng khăng đòi khám bệnh rồi về nhà tự cách ly chờ kết quả xét nghiệm chứ dứt khoát không nhập viện. Chị này liên tục phân bua "Bản thân em không bị sốt, cơ thể hoàn toàn bình thường, việc gì phải cách ly".
Cán bộ Bộ Y tế và bác sĩ thuyết phục một phụ nữ trở về từ Trung Quốc làm xét nghiệm để đảm bảo an toàn cho mình và người khác.
Với trường hợp này, đích thân bác sĩ Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Trung Cấp đã tới giải thích về quy trình sàng lọc và quy định đối với việc chống dịch. Tuy nhiên, cũng phải mất gần 2 tiếng đồng hồ, bệnh nhân trên mới chấp thuận việc thực hiện các xét nghiệm và tiến hành cách ly theo quy trình.
Theo bác sĩ Cấp, trường hợp bệnh nhân này cũng còn tương đối dễ chịu. Có những người cương quyết bỏ về, khiến bệnh viện phải cấp tốc báo cáo lãnh đạo để thông tin cho các cơ quan chức năng. Bệnh viện cũng đã từng phải tiếp đón những người tới gây sự hòng câu views, câu like cho để trục lợi trên mạng xã hội. Những người đó đã chất thêm một gánh ức chế lên cơ thể đã phải làm việc quá tải trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Thạch – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết hiện Bệnh viện hiện đang điều trị 4 ca dương tính, 1 ca đã có kết quả âm tính. Các ca đã được điều trị có sức khỏe ổn định và được tiếp tục theo dõi. Bệnh viện bố trí 2 nơi cách ly cho người dương tính với virus corona và khu vực cách ly đối với 57 ca.
"Chúng tôi huy động tất cả cán bộ y tế tham gia công tác chống dịch nCoV, trong đó có 60 cán bộ trực tiếp chăm sóc, điều trị người dương tính và theo dõi giám sát người nghi ngờ. Bệnh viện đã thành lập 2 đội cấp cứu cơ động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới. Đối với bệnh nhân cách ly, chúng tôi đã phục vụ ăn uống tại giường", ông Thạch nói.
Di chuyển đến Khu vực bệnh nhân, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, dòng chữ song ngữ đập vào mắt chúng tôi: "Thêm nỗ lực thêm cuộc đời – The more effort the more life".
Không nói về mình, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nhắc tới một chiến binh nơi tuyến đầu chống Corona. Đó là chị Nguyễn Thị Thu Hà - điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu. Chị Hà cho biết, đều mệt mỏi nhất không chỉ đến từ việc chăm sóc, điều trị những ca dương tính với Corona, mà còn đến từ việc hàng ngày phải tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân đến khám sàng lọc.
Chị Hà và nhiều y bác sĩ khác đã có một số ngày chưa về thăm con vì phải đảm đương một khối lượng công việc khổng lồ. Một số người khác chủ động hạn chế về nhà để bảo vệ người thân tránh lây nhiễm. "Việc trực xuyên đêm trong mùa dịch là chuyện rất bình thường với chúng tôi bởi có khi số lượng bệnh nhân đến khám là cả một đoàn đã đi cùng nhau trên một hành trình nào đó và đều có nguy cơ lây nhiễm như nhau. Đây chính là lúc cần phải nỗ lực hơn, nỗ lực hơn nữa đều chống dịch", nữ điều dưỡng trưởng có dáng người nhỏ nhắn khẳng định bằng một giọng nhẹ nhàng nhưng chắc nịch.
Được sự chỉ dẫn của bác sĩ, sau khi trang bị đồ phòng hộ chúng tôi tiến sâu vào khu vực cách ly tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Gió mùa đông bắc vẫn thổi lạnh buốt mỗi khi cửa kính tự động mở ra mở vào lúc có bệnh nhân tới thăm khám. Gió lạnh chạy cả vào hành lang. Tại đây, các bác sĩ mặc bộ đồ màu trắng dẫn những bệnh nhân lên xét nghiệm chuyên sâu. Bác sĩ mặc áo màu phòng dịch màu xanh cầm các kết quả xét nghiệm tới các phòng chuyên môn. Và cả bóng người nhà bệnh nhân đang bồn chồn lo lắng.
Bên hành lang của Khoa Cấp cứu, một phụ nữ chạc ngoài 40 đứng lên ngồi xuống, dáng vẻ vừa lo âu vừa khấp khởi. Lại gần hỏi thăm, chúng tôi mới biết đó là chị Chị Trần Thị Hiệp, 45 tuổi, xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Chị Hiệp là phụ huynh của bệnh nhân Nguyễn Văn Linh (sinh năm 1998). Linh vốn là sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội mới tốt nghiệp đại học và đang ở nhà để chuẩn bị cho những dự định công việc mới.
Tuy nhiên vài cuối tháng 1/2020, khi phát hiện Linh sốt cao và ho nhiều, chị Hiệp đã đưa con vào bệnh viện huyện khám để biết tình hình bệnh tình. Sau đó các bác sĩ đã chuyển Linh lên bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 tại Giải Phóng, Hà Nội và tiếp tục được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 1 tại Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội vào ngày 31/1/2020.
"Khi phát hiện con trai sốt và ho, tôi và gia đình rất lo lắng. Do trong dịp Tết cháu có tiếp xúc với một bạn du học sinh từ Vũ Hán (Trung Quốc) về nên chúng tôi đã chủ động cho con đi khám để xét nghiệm xem có nhiễm virus Corona không. Hiện con trai chị nằm cách ly tại tầng 6 của bệnh viện. Rất may chiều nay khi tới đây lấy kết quả, cháu đã âm tính với virus Corona", chị Hiệp chia sẻ.
Khi con trai nhập viện, chị Hiệp và gia đình cũng chủ động cách ly để tránh trường hợp lây lan. Ngoài ra gia đình cùng các bác sĩ cũng theo dõi song song tình trạng sức khỏe của du học sinh từ Vũ Hán (Trung Quốc) về nước. "Cho tới nay đã ngoài 20 ngày, cán bộ y tế đã xác nhận bạn du học sinh đó không nhiễm bệnh nên gia đình cũng an tâm phần nào. Chứ đầu tiên chúng tôi cũng khoang mang lắm. Không rõ ngày mai ra sao", chị Hiệp nói.
Những ngày chờ đợi kết quả xét nghiệm, chị Hiệp đã liên tục cập nhật thông tin về virus Corona và rất lo lắng khi thấy số người nhiễm bệnh và tử vong do virus Corona trên thế giới tăng lên. Tuy nhiên, những lo lắng đó cũng vơi bớt khi chị thấy con trai được các bác sĩ chăm sóc và chữa trị tận tình.
"Con trai tôi được cách ly tại tầng 6 của bệnh viện, gia đình cũng không được tiếp xúc. Khi cảm thấy không an tâm tôi gọi điện cho bác sĩ thì được bác sĩ trả lời ngay. Hoặc nếu cháu có vấn đề gì thì bác sĩ cũng chủ động liên lạc. Có lúc bác sĩ thông báo cháu sốt cao, có lúc thông báo diễn biến đã tốt hơn. Từ bữa cơm tới viên thuốc tôi đều thấy đội ngũ y bác sĩ rất chu đáo. Gia đình luôn cảm ơn các bác sĩ và bệnh viện", chị Hiệp xúc động nói. Chị cho hay, từ hôm phát hiện cháu bị sốt và phải cách ly, ngày nào cũng có cán bộ y tế vào nhà thăm hỏi. Các bệnh viện mà chị đưa con thăm khám, từ trạm y tế xã tới các bệnh viện tuyến trên cũng liên tục gọi điện để hỏi về tình hình sức khỏe bệnh nhân.
Câu chuyện giữa chúng tôi gián đoạn bởi cuộc điện thoại giữa chị Hiệp và bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Sau cuộc điện thoại, chị phấn khởi thông tin, những lo lắng trong khi con trai bị cách ly giờ đã tan biến cả vì bước đầu cháu đã có kết quả xết nghiệm âm tính. "Kết quả xét nghiệm của con trai sau thời gian cách ly này khiến gia đình tôi rất mừng, cả xã, cả huyện mừng" – chị Hiệp cười tươi chốt hạ.
Tuy nhiên không phải người nhà bệnh nhân nào cũng sẵn lòng chia sẻ câu chuyện như chị Hiệp. Một người nhà bệnh nhân (giấu tên) cho biết họ rất ngại phải thông tin thực trạng bệnh tình của người thân vì khi về nhà sẽ bị kỳ thị.
"Đôi khi nghĩ tủi thân, người nhà đã bị bệnh, đã phải vào viện đối mặt với dịch nhưng khi ra ngoài lại bị coi như tội đồ. Chúng tôi không sợ bệnh vì bệnh sẽ có bác sĩ chữa mà chúng tôi sợ nhất sự kì thị của cộng đồng. Chúng tôi chỉ là bệnh nhân. Chúng tôi không phải thủ phạm. Chúng tôi cũng không bao giờ muốn lây bệnh sang người khác…" - ông Nguyễn T.H (cha của một bệnh nhân đang được cách ly để sàng lọc virus Corona chia sẻ).
Cách "nơi đặc biệt nhất Hà Nội" trong cuộc chiến chống Corona - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vài trăm cây số - là "nơi đặc biệt nhất Thanh Hóa". Đó chính là ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Tr (25 tuổi, trú huyện Yên Định, Thanh Hóa). Chị Tr vừa rời bệnh viện đa khoa Thanh Hóa trở về nhà sau khi đã tống khứ hoàn toàn virus Corona.
Khi phóng viên đến, mọi người trong nhà Nguyễn Thị Tr đều đi vắng, chỉ còn mình chị đang thu mình trong căn phòng nhỏ khóa trái cửa. Qua vài phút chuyện trò, biết chúng tôi là phóng viên, chị cũng đồng ý chia sẻ để hiểu hơn về hành trình đấu tranh 10 ngày của mình cùng y bác sĩ chống lại bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Hàng ngày, chị Tr. chỉ ở một mình trong căn phòng nhỏ trên tầng hai. Thi thoảng, chị Tr. mới bước ra khỏi phòng để sinh hoạt, ăn uống. Mỗi khi có người đến, chị Tr. lại lui vào phòng để vừa đảm bảo cho bản thân, vừa tạo cảm giác an tâm cho mọi người.
Vẫn với chiếc khẩu trang y tế che gần hết mặt, Tr. cho hay: "Biết tôi khỏi bệnh về nhà thì cũng có mấy người thân đến hỏi thăm. Bố mẹ dặn mọi người trong nhà hạn chế đi lại, đóng kín cửa cho mọi người đừng đến để phòng tránh cho mọi người vì lỡ có bị lây bệnh gì cho họ thì khổ".
Nhớ lại khoảng thời gian làm việc tại Trung Quốc, Tr. kể, khoảng tháng 11/2019, khi đang làm việc tại một công ty ở tỉnh Vĩnh Phúc thì chị được công ty điều sang TP. Vũ Hán (Trung Quốc) tập huấn cùng 7 đồng nghiệp khác. Quá trình làm việc tại Vũ Hán, chị và mọi người ít đi ra ngoài mà chỉ ở trong ký túc xá.
Ngày 17/1, sau 2 tháng tập huấn, chị Tr. trở về Việt Nam bằng máy bay và được công ty đón về tại trụ sở tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 23/1, Tr. bắt xe khách về quê chuẩn bị đón tết. Tối 23/1, Tr. bất ngờ có biểu hiện sốt nhẹ, ho. Đến sáng 24/1, cơn sốt vẫn không dứt. Qua báo đài, chị Tr. biết mình vừa trở về từ vùng dịch virus corona nên chị lo lắng mình bị nhiễm và lập tức nhờ người thân đưa xuống Bệnh viện huyện để thăm khám.
"Ban đầu không nghĩ mình bị nhiễm virus corona vì mình không đi đâu, không tiếp xúc gì nhiều trong thời gian ở Vũ Hán. Khi xuống bệnh viện, mình nói vừa trở về từ Vũ Hán thì mọi người ở viện ai cũng giật mình. Bệnh viện sau đó chuyển mình xuống Bệnh viện tỉnh để theo dõi và cách ly. Hôm đó đúng chiều 30 Tết Nguyên đán, cảm giác buồn khó tả", chị Tr. nhớ lại.
Nhập viện chỉ sau gần 1 ngày trở về nhà, lại đúng vào chiều 30 Tết khiến chị Tr. vừa buồn vừa lo lắng. Bao nhiêu dự định trước đó lỡ dở cả.
Đêm giao thừa, thay vì quây quần bên mâm cơm tất niên cùng với gia đình để chào đón năm mới thì Tr. lại nằm trên giường bệnh với một mớ máy móc, dây chuyền cùng một đống thuốc.
Đưa con đi nhập viện và ở lại cùng con, ông Nguyễn Văn L. (bố của Tr.) là người phập phồng hơn bao giờ hết. Ông biết, con mình vừa trở về từ tâm dịch bệnh và có thể đã mang căn bệnh nguy hiểm đó.
Ngồi theo dõi con từ ngoài ô cửa kính, ông L. bồn chồn không yên, nhưng ông không thể đến bên con mình để vỗ về an ủi, động viên. Thương con nên ông cứ quẩn quanh bên ngoài mà không dám đi đâu xa căn phòng con nằm điều trị.
"Hai bố con bị cách ly, cảm giác thấy buồn vô cùng. Lúc đấy lại là đêm 30 tết nữa, cảm thấy thương bố mẹ vì không được đón tết như bao người khác mà phải lo chăm mình. Mình gọi về cho mẹ ở nhà thì mẹ động viên, nhưng qua giọng nói mình biết mẹ sợ lắm, lo lắm nên mẹ khóc. Sợ mẹ buồn, mình cố gắng không khóc rồi động viên lại để mẹ an tâm", Tr. chia sẻ.
Những ngày nằm viện, chị Tr. bị cách ly trong căn phòng nhỏ chỉ chừng 10m2. Cảm giác trống vắng, u ám buồn bực luôn vây quanh nên cũng có lúc Tr. thấy sợ hãi. Nhưng rồi tự trấn an mình bằng những suy nghĩ tích cực hơn đã khiến Tr. có thêm động lực để chiến đấu với bệnh tật.
Để "giết" thời gian, từng ngày trôi qua Tr. lại làm bạn với những cuốn sách và với chiếc điện thoại để nói chuyện cùng bạn bè cho đỡ buồn.
"3 ngày đầu nhập viện, mình sốt cao, ho nhiều. Lúc nào cũng chỉ thấy căn phòng trống vắng, các y bác sỹ thì bịt kín mặt mũi vào chuyền thuốc, hỏi han rồi lại đi ra nên buồn và lo. Nhưng đến ngày thứ 4 thì mình khỏe dần và không còn sốt nữa. Mình tự ý thức được cần phải khỏe để thắng bệnh tật nên lúc nào cũng ăn nhiều cho khỏe. Các bác sỹ thì quan tâm, tận tình chăm sóc nên giúp mình có thêm niềm tin và nghị lực hơn", Tr. tâm sự. Bác sỹ dặn không được nằm mà phải đi lại nhiều cho nhanh khỏe, nên Tr. thỉnh thoảng lại đi vòng quanh chiếc giường và vòng quanh trong căn phòng nhỏ bé mình nằm.
Tr. tâm sự, những ngày điều trị tại bệnh viện đối với cô là quãng thời gian dài nhất từ trước tới nay trong cuộc đời. Nhưng rồi, những mảng màu trắng lạnh của bệnh viện, của giường bệnh, của những chiếc áo mà y bác sỹ khoác trên mình dần dần trở thành thân thuộc với Tr. Có đã xem những y bác sỹ như người thân vì luôn được họ động viên, chăm sóc tận tình khi không có bố mẹ ở bên.
"Ở trong đó chỉ luôn mong nhanh khỏe để về nên nghe tin mình khỏi bệnh là sướng lắm, hạnh phúc lắm. Giờ mình thấy mình khỏe hẳn rồi nhưng bác sỹ dặn vẫn phải cách ly với mọi người nên mình chỉ ngồi trên phòng thôi, không tiếp xúc với ai, cũng không ăn cơm với mọi người. Trải qua bệnh này rồi mới biết bệnh rất nguy hiểm. Nhưng mình thấy, để chiến thắng bệnh tật, cần phải lạc quan, ăn uống cho khỏe mạnh, nghe theo lời bác sỹ, thì bệnh sẽ khỏi mà không cần quá lo lắng.
Mình không sợ bị bệnh, chỉ sợ do mình mà lây cho bố mẹ, cho người thân, cho bạn bè thì khổ người ta. Trước tết, mình về có ngủ chung với 2 em gái, sợ 2 em bị lây. Nhưng may mắn là đến nay vẫn chưa thấy 2 em có biểu hiện gì khác thường. Hỏi các em có sợ bị lây bệnh của chị không thì các em cười nói không sợ".
"Em không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn sâu sắc tới đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, sau khi ra viện, em sẽ ăn uống bồi bổ để nâng cao sức đề kháng và tiếp tục điều trị cách ly tại nhà thêm một thời gian nữa để sức khỏe được tốt hơn" – chia tay chúng tôi, Tr đã nói như vậy và cho biết, dự kiến hết hai tuần cách ly chị sẽ trở lại công ty tại Vĩnh Phúc để làm việc để bắt đầu những ngày mới của một người bình thường khỏe mạnh...
Theo Trí Thức Trẻ