Thanh An: Chúng tôi được biết rằng Phó Giáo sư chính là một trong những người Việt Nam đầu tiên liên hệ với các phòng thí nghiệm (laboratory) trên thế giới để theo dõi thông tin về tình hình bệnh dịch này. Vậy thì đến thời điểm nào chúng ta biết bệnh này là do virus Corona chủng mới thưa bà?
PGS. TS Lê Thị Quỳnh Mai: Thực ra nơi chia sẻ thông tin bệnh này đầu tiên không phải là WHO. Chúng tôi được biết thông tin này nhờ có những mối quan hệ, những diễn đàn công việc mà ở đó đồng nghiệp giữa các quốc gia sẵn sàng chia sẻ mọi thông tin với nhau.
Chính xác là thông qua Hệ thống giám sát Cúm toàn cầu, chúng tôi nhận thấy rằng đã có những vấn đề lạ trong giám sát, tình hình đang có những dấu hiệu bệnh mới. Tôi nhớ không nhầm thì có thể là ngay từ đầu tháng 1 năm 2020 các đồng nghiệp của chúng tôi trong hệ thống đã nhận định: đang xuất hiện một dạng bệnh viêm phổi có khả năng do virus mới gây ra tại Trung Quốc.
Đương nhiên là người trong ngành chúng tôi rất quan tâm đến nó. Lúc đó chúng tôi chủ động tìm hiểu nhằm cung cấp cho mình thêm thông tin, rằng nếu bệnh do virus mới thì chính xác nó là virus gì? Tuy nhiên, các đầu mối cung cấp thông tin đầu tiên cũng chỉ chia sẻ bệnh có thể do tác nhân này, tác nhân kia; rồi người ta cũng chỉ nhắc đến rằng đó là virus lạ thôi. Do đó, gọi tên cho được chủng virus ấy chính là mối quan tâm của chúng tôi tại thời điểm ban đầu.
Điều quan trọng là tại Việt Nam lúc đó chưa xuất hiện mẫu bệnh phẩm nào, tất cả mới chỉ loanh quanh ở Trung Quốc thôi. Thậm chí chúng tôi cũng chưa thấy quốc gia nào thông báo tình trạng bệnh lây lan cả.
Đến giữa tháng 1, khi mà thông tin về virus này dần được chuyển về dồn dập và đa chiều hơn, WHO thông báo đấy là virus Corona, thì chúng tôi biết rằng à, vậy là chúng ta chuẩn bị phải chiến đấu với Corona. Đơn giản vậy thôi.
Thanh An: Những ngày đầu tiên đối diện với dịch bệnh này, ngành Y tế dự phòng mà cụ thể là hoạt động xét nghiệm, chẩn đoán bệnh đã phải làm những gì thưa Phó Giáo sư?
PGS. TS Lê Thị Quỳnh Mai: Hai kết quả dương tính đầu tiên ở Việt Nam cho thấy có virus Corona chủng mới gây bệnh viêm đường hô hấp, là do các bạn đồng nghiệp ở Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm và phát hiện.
Thực ra mà nói ngay trong hệ thống của chúng tôi tại thời điểm các bạn ấy làm xét nghiệm đã luôn cập nhật tình hình với nhau, từ kỹ thuật viên đã làm những gì, biến chuyển ra sao, cho đến gặp khó khăn nào… tất cả đều chia sẻ với nhau hết. Chính quá trình trao đổi đó chúng ta mới biết rằng Việt Nam lúc bấy giờ chưa có mẫu chứng dương để đối chứng phục vụ xét nghiệm phát hiện ra virus mới này. Mà đương nhiên rồi, muốn đọc được phản ứng thì phải có mẫu đối chứng. Thời điểm đó không phải chỉ có mỗi viện Pasteur TP.HCM đâu, cả thế giới đều không có vì trung tâm hiểu biết về virus vẫn chỉ dừng lại ở Trung Quốc.
Tham khảo thông tin quốc tế chúng tôi được khuyến cáo có thể sử dụng virus SARS-CoV cho xét nghiệm tìm virus mới này. Thế mà virus SARS-CoV lại chính là con virus cách đây 16 - 17 năm Viện vệ sinh dịch tễ TW đã phân lập ra. Chúng tôi vẫn lưu trữ nó phục vụ công tác nghiên cứu. Lúc này chúng tôi đã tiến hành vào trong phòng An toàn sinh học cấp 3 để lấy những con virus ấy ra và tạo ra những mẫu chứng dương ban đầu, chia sẻ cho các đồng nghiệp ở viện Pasteur TP.HCM để họ có điều kiện làm xét nghiệm chẩn đoán và xác định được kết quả đáng tin cậy.
Thanh An: Bà vừa nhắc đến phòng An toàn sinh học cấp 3, nơi lưu giữ những con virus SARS-CoV, nó gợi cho tôi cảm giác về một phòng chứa bí mật. Vậy Phó Giáo sư có thể cụ thể hơn về phòng An toàn sinh học cấp 3 là gì?
PGS. TS Lê Thị Quỳnh Mai: Điều đầu tiên tôi phải nhắc đến là những xét nghiệm với những tác nhân mới như vừa nói ở trên bắt buộc phải thực hiện ở phòng Thí nghiệm An toàn sinh học cấp 3, đó là quy định. Nhưng phòng đấy là phòng không thể bê đi được. Nó rất đắt tiền và hoạt động đầu tư xây dựng, mua sắp trang thiết bị cần thiết lên đến hàng triệu USD, cho nên không phải chỗ nào cũng xây dựng được. Hiện giờ tại Việt Nam phòng Thí nghiệm An toàn sinh học cấp 3 của Viện Vệ sinh Dịch tế TW là đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới và đủ điều kiện để thực hiện những xét nghiệm – với các tác nhân vi sinh mới và các tác nhân gây nhiễm nguy hiểm.
Tiêu chuẩn của phòng An toàn sinh học cấp 3 thì rất nhiều nhưng đại khái nó là nơi có thể thực hiện những thao tác xét nghiệm trên các mầm bệnh nguy hiểm mà không lo nó phát tán ra môi trường bên ngoài. Tại phòng An toàn sinh học cấp 3 đó, các kỹ thuật viên được bảo hộ tối đa và các trang thiết bị đủ điều kiện để có thể ngăn ngừa phơi nhiễm không mong muốn hoặc kiểm soát thất thoát tác nhân gây bệnh và độc tố. Còn những nơi không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn sinh học nếu tiến hành làm xét nghiệm chưa được đánh giá nguy cơ thì cực kỳ nguy hiểm bởi vì virus có khả năng phát tán ra ngoài.
Chúng tôi chỉ là người thực hành làm việc trong phòng Thí nghiệm An toàn sinh học cấp 3 mà thôi, nhưng biết chắc chắn rằng nó có những tiêu chuẩn cực kỳ nghiêm ngặt, đặc biệt đối với nghiên các cứu viên. Đơn cử như muốn đủ điều kiện làm việc trong đấy bắt buộc chúng tôi phải có giấy khám sức khỏe, một số những bệnh nhất định sẽ không được vào làm. Rồi áp lực không khí trong phòng này phải là áp lực âm để không khí không thể thoát các tác nhân gây nhiễm ra ngoài, và làm việc trong điều kiện áp suất âm không hề dễ chịu.
Thanh An: Có những nguy hiểm gì không khi nhân viên phòng thí nghiệm tiếp xúc với những mẫu bệnh phẩm của một bệnh mới như thế này, thậm chí là ngay trong phòng An toàn sinh học cấp 3 thưa Phó Giáo sư?
PGS. TS Lê Thị Quỳnh Mai: Nguy hiểm lắm chứ! Tại vì nếu kỹ thuật viên mà không cẩn thận một tý thôi thì chính mình sẽ trở thành nạn nhân của việc này. Cho nên an toàn sinh học vẫn luôn luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Đấy cũng chính là lý do vì sao chúng tôi rất không muốn có quá nhiều người vào khu vực phòng thí nghiệm của Viện thời điểm này. Virus không thể nhìn thấy được bằng mắt thường, chúng ta sẽ không thể kiểm soát được. Nếu chẳng may có bất kỳ sơ sẩy gì với những người chưa được đào tạo về an toàn sinh học, thì phòng thí nghiệm có khả năng bị đóng cửa vĩnh viễn.
Đến bây giờ ở Viện chúng tôi chưa xảy ra bất cứ tai nạn nào, nhưng rõ ràng không ai có thể nói hay chuyện này được. Chúng ta vẫn chưa thể quên câu chuyện sinh nghề tử nghiệp vì SARS của bác sĩ Carlo Urbani hồi năm 2003. Cái chết của bác sĩ Urbani là điển hình của vấn đề tai nạn nghề nghiệp trong quá trình làm việc với virus. Ông ấy là chuyên gia của WHO về các bệnh truyền nhiễm, qua đời ở tuổi 46 vì SARS-CoV - căn bệnh mà ông là người đầu tiên gửi cảnh báo đến WHO, đồng thời cùng Bộ Y tế thúc đẩy việc lập hàng rào cách ly, ngăn chặn dịch bệnh lan rộng…
"Đó là hành trình trớ trêu, ông ấy chết vì SARS trong khi tìm cách bảo vệ người khác khỏi dịch này" - cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đã nói như vậy về cái chết của bác sĩ Urbani cơ mà.
Và trong thời gian dịch SARS hoành hành như chúng ta đã biết, một số nhân viên y tế của Việt Nam đã tử vong bởi vì chúng ta không trang bị đồ bảo hộ ngay từ đầu. Bởi vì thực ra lúc đó chúng ta và cả thế giới đều chưa đủ hiểu biết về con virus này… Những lúc ban đầu ấy, người làm việc trực tiếp với bệnh phẩm chính là đang đối diện với nguy hiểm.
Thanh An: Mười mấy năm trước, có phải Phó Giáo sư chính là người đã phân lập thành công con virus SARS?
PGS. TS Lê Thị Quỳnh Mai: Khi dịch SARS xuất hiện đầu năm 2003, GS.TSKH Hoàng Thuỷ Nguyên là người chỉ đạo các hoạt động nghiên cứu, GS đã phân công các cán bộ khoa Virus thực hiện công việc phân lập virus. PGS.TS Nguyễn Thị Hiền Thanh và Bs Nguyễn Thị Thường là những người đầu tiên tiến hành phân lập virus trên những mẫu bệnh phẩm đầu tiên, tôi và một số đồng nghiệp khác thực hiện phân lập các mẫu sau đó.
Lúc phân lập được virus SARS-CoV thành công, nói thật với bạn rằng chúng tôi không thể tin rằng mình đã làm được việc đấy! Tại vì rất nguy hiểm. Bạn nhìn thấy đấy, thời bấy giờ điều kiện của mình quá ư nghèo nàn, các đồng nghiệp của chúng tôi thì vừa tử nạn. Nguy hiểm như thế.
Vấn đề là chúng ta lúc đó không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất, mà còn thiếu thốn cả kiến thức nữa. Lúc đó, chúng ta đã biết gì về câu chuyện an toàn sinh học đâu. Từ trước 2003 chúng ta chưa hề nói về an toàn sinh học. Chính thực trạng các bác sĩ ở bệnh viện Việt Pháp bị nhiễm bệnh SARS-CoV từ bệnh nhân trong vụ dịch năm đó dẫn đến người ta mới sực tỉnh, bắt đầu đặt ra những khái niệm đầu tiên về an toàn sinh học. Để rồi cho đến tháng 8 năm 2006 Bộ Y tế mới ban hành Quyết định về việc thành lập Ban Tư vấn an toàn sinh học, rồi Quốc hội thông qua Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm vào ngày 21/11/2007.
Thanh An: Quả thực dịch SARS 2003 vẫn khiến cho tất cả mọi người phải ám ảnh.
PGS. TS Lê Thị Quỳnh Mai: Quá ám ảnh! Những ai mà trải qua dịch bệnh đấy rồi mới thấy rằng những ngày tháng đó không thể nào quên, và thành tích, phần thưởng lớn nhất của chúng tôi là sự sống.
Thanh An: Ngày hôm nay cũng là đang đối diện với một loại virus mới, với những thông tin chưa đầy đủ về nó, tâm trạng của Phó Giáo sư và các đồng nghiệp ra sao?
PGS. TS Lê Thị Quỳnh Mai: Thật ra mà nói tất cả chúng tôi khi làm công việc này đều ở trong một tinh thần, gọi là tinh thần nghe hơi quá, nhưng nói chung là trong một tâm thế tất cả chỉ vì sức khỏe của cộng đồng. Cho nên có thể giúp nhau bất kỳ việc gì về kỹ thuật hay thông tin… chúng tôi cũng đều chia sẻ.
Ví dụ như các bạn ở Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford chẳng hạn. Khi họ muốn nghiên cứu về con virus mới này, tuy rằng hệ thống chẩn đoán mà chúng tôi có được còn chưa qua các lần đánh giá, chưa thực sự đảm bảo chính xác nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng chia sẻ để giúp nhau cùng tìm hiểu về nó. Trong chuyện này, hễ làm được cái gì, hỗ trợ được cái gì là chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ nhau thôi. Chúng tôi liên hệ với nhau trên tinh thần không phải "nhờ" mà đây là vấn đề chúng ta cùng làm việc, có cái gì thì chúng ta cùng chia sẻ để làm tốt nhất công việc của mình.
Kể cả những chia sẻ mang tính quốc tế cũng vậy. Ngay trong các quốc gia thuộc ASEAN + 3 nơi chúng ta có chung hệ thống xét nghiệm. Hiện tại một số nước đang vướng phải vấn đề giống chúng ta buổi ban đầu là không có mẫu chứng dương phục vụ xét nghiệm. Họ cần chứng dương của virus SARS-CoV mà chúng tôi có, chúng tôi cũng đã thông báo để bất kỳ một đơn vị bạn nào cần, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ. Hôm vừa rồi các bạn Brunei bày tỏ muốn tìm hiểu thủ tục pháp lý để có thể nhận được những chứng dương từ chúng tôi.
Viện tôi thời điểm này mọi người vẫn thường trào phúng nhau về "hành khúc ngày và đêm". Thực ra các bạn phòng thí nghiệm rất vất vả. Tại vì hơn ai hết bạn ấy đang nỗ lực hết sức để sớm có kết quả nhất, giúp cho mọi người có thể biết được chính xác nhất tình hình. Nếu trường hợp dương tính thì có thể tiến hành cách ly sớm, tránh ảnh hưởng đến cộng đồng. Nếu âm tính, người bị tình nghi sẽ bớt được áp lực và khó khăn.
Nhưng yếu tố chúng tôi ưu tiên nhất vẫn phải là sự chính xác. Bởi vì kết quả từ phòng thí nghiệm luôn phải đặt yếu tố chính xác, chuẩn mực lên hàng đầu. Cho nên chúng tôi luôn luôn cẩn thận trong từng thao tác, từng quy trình một. Đặc biệt trong giai đoạn này khi mà các hệ thống chẩn đoán, thực sự ra mà nói là vừa làm vừa đánh giá. Cho nên nhiều lúc không được như mình mong muốn, bắt buộc chúng tôi phải hết sức căng thẳng trong việc làm sao để đánh giá và đưa ra kết quả chính xác nhất.
Thanh An: Có những trường hợp cụ thể nào vừa làm vừa đánh giá khiến bà cảm thấy căng thẳng chưa?
PGS. TS Lê Thị Quỳnh Mai: Có chứ. Với những trường hợp đầu tiên mà chúng tôi chẩn đoán, lúc bấy giờ chúng tôi chưa có phương tiện, chưa có chứng dương… Cho nên những trường hợp đầu tiên bắt buộc phải sử dụng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) cho các xét nghiệm phát hiện. Tuy nhiên mỗi một mẫu này có giá rất đắt, thực hành lại rất phức tạp trên một khoảng thời gian rất lâu. Hệ thống đấy ai đã làm rồi sẽ biết rằng nó rất nhạy cảm. Nhưng cũng chính bởi vì nó rất nhạy cảm nên chỉ cần một sự trục trặc về điện, về nhiệt độ… thôi là có thể bị dừng lại hết. Nó "dỗi" không hoạt động nữa.
Lúc bấy giờ chúng tôi rất căng. Ngày 30 Tết rồi ngày mùng 1 Tết vẫn phải quay cuồng cùng nhau ở Viện để canh hệ thống hoạt động. Nói thật, tất cả chỉ cầu mong sao cho nó chạy êm. Đấy lúc bấy giờ chính là thời khắc căng thẳng nhất. Nhưng xúc động là thời điểm nhận định được ra kết quả. Bởi có những quá trình làm việc căng thẳng và chính xác như thế cho nên chúng tôi tự tin với kết quả mình.
Thanh An: Tự tin với kết quả xét nghiệm nhưng có điều gì khiến Phó Giáo sư phải trăn trở thời điểm này?
PGS. TS Lê Thị Quỳnh Mai: Điều mà tôi trăn trở trong đợt dịch này là làm sao để cho CBCNV của mình bớt bớt khổ đi. Chứ làm việc vất vả quá thì sớm hay muộn chất lượng công việc cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Tính đến ngày 6/2, Viện nhận gần 600 mẫu bệnh phẩm gửi về, chúng tôi đã làm và trả kết quả cho trên 500 mẫu. Để có được tiến độ này, toàn Viện phải chia thành 3 đội xét nghiệm cho cả 3 ca: sáng, chiều và tối. Theo lý thuyết, mỗi ngày Viện chỉ nên thực hiện xét nghiệm khoảng từ 10 - 25 mẫu, số lượng mẫu này mới phù hợp với năng lực và khả năng của Viện. Thế mà bây giờ năng suất hoạt động đã phải tăng lên gấp 3 lần/ ngày.
Nhưng chúng ta nên nhớ rằng hoạt động xét nghiệm đánh giá của chúng tôi có đặc thù riêng. Từ lúc nhận mẫu bệnh phẩm đến khi ra kết quả chúng tôi vẫn luôn luôn muốn phải được ít nhất từ 24 - 48 giờ đồng hồ mới đảm bảo sự chuẩn xác. Chứ không thể nào sớm hơn được. Còn lại, để tính từng quy trình, từng bước một thì nhanh nhất cũng phải 5 tiếng và lâu nhất là 9 tiếng 25 phút. Đấy là chúng tôi đã tính ra cả từng phút hoạt động một như vậy. Có nghĩa là gì? Thời điểm này chúng tôi đang làm việc liên tục không ngừng nghỉ để có được một kết quả nhanh nhất và chính xác nhất.
Như vậy là để đáp ứng nhu cầu của việc phòng chống dịch thì tất cả chúng tôi đều đang quá tải công việc, cho nên khó khăn nhiều lắm, chả có thể nói cho hết được. Làm việc trong hoàn cảnh bình thường cũng đã khó khăn rồi bởi vì đất nước mình dù gì đi nữa vẫn còn nhiều thiếu thốn. Nhưng riêng với vụ dịch này thì đúng là thời gian quá gấp. Chống dịch như chống giặc trong khi những trách nhiệm khác với gia đình, với con cái… mình vẫn phải đảm nhiệm. Đặc thù của Viện tôi phần lớn cán bộ làm việc ở phòng thí nghiệm là nữ. Bản thân tôi con cái lớn rồi thì không nói làm gì, nhưng các bạn khác con còn nhỏ mà bây giờ lại đang phải nghỉ học để chống dịch. Đó là cả một vấn đề với tất cả mọi người, không biết làm thế nào để giải quyết. Chính bản thân tôi cũng chịu. Tôi thậm chí chả dám hỏi nhân viên, vì có giúp gì được cho họ đâu.
Rồi trong quá trình chúng tôi đi sớm về muộn để làm việc thì quá trình cung cấp sinh phẩm để chuẩn đoán đâu có phải lúc nào cũng đầy đủ đâu.
Thanh An: Lý do vì sao có sự gián đoạn hay thiếu sinh phẩm xét nghiệm vào lúc này thưa Phó Giáo sư?
PGS. TS Lê Thị Quỳnh Mai: Là bởi vì bây giờ cả thế giới nước nào cũng phải lao vào phòng chống dịch bệnh như mình. Họ cũng cần phải có công cụ để tiến hành rất nhiều các hoạt động xét nghiệm, chuẩn đoán và nghiên cứu… Họ cũng có nhu cầu đặt mua những mặt hàng giống mình cho nên dẫn đến tình trạng sinh phẩm để cho chuẩn đoán bây giờ đang ở trạng thái khan hàng. Bắt buộc nhà cung cấp người ta không thể cung cấp được ngay.
Tôi cũng phải nói rõ là ở những phòng thí nghiệm như của Viện Vệ sinh dịch tễ TW, chúng tôi đặt mua sinh phẩm để sử dụng chứ không phải là các bộ Kit kiểm tra nhanh. Sinh phẩm chứ không phải Kit. Hai câu chuyện khác hẳn nhau. Kit giống như mì ăn liền ấy, chỉ việc thả mẫu vào là xong, và nó phù hợp cho các thí nghiệm chẩn đoán phổ thông ở quy mô lớn. Còn sinh phẩm chúng ta phải phối trộn theo công thức để tạo thành những hỗn hợp phản ứng và phải điều chỉnh trong quá trình phối trộn đó. Dùng sinh phẩm cho những xét nghiệm ban đầu cho ưu điểm là sẽ rẻ hơn và điều chỉnh được theo đúng ý của mình.
Và để đáp ứng được yêu cầu công việc, chúng tôi đã nhờ bên Đại học Nagasaki, Nhật Bản đặt hộ. Bằng cách này thời gian giao hàng nhanh hơn rất nhiều, chứ nếu như đặt từ Việt Nam thì thời gian giao hàng sẽ rất lâu.
Thanh An: Việc "bắt" con virus này còn phụ thuộc vào những yếu tố nào nữa, thưa bà?
PGS. TS Lê Thị Quỳnh Mai: Một người làm về virus học trên thế giới thì đích cuối cùng vẫn là phải có con virus, phải "bắt" được nó. Chỉ khi mình cầm trong tay được nó, muốn nói gì mới có thể nói được. Chứ còn nếu không cũng chỉ là như thầy bói xem voi.
Bởi vì chúng ta phải hiểu rằng, các xét nghiệm phát hiện ra con virus tại các phòng thí nghiệm, người ta chỉ dùng một đoạn gen nhỏ đặc hiệu của nó là có thể xác định được có hay không có con virus ấy trong vật chủ thôi. Tuy nhiên, một đoạn gen thì chưa thể nói lên tất cả cấu trúc, đặc tính di truyền, hay hệ số lây nhiễm cơ bản của con virus ấy cả. Kết quả phân lập virus nCoV từ phía Trung Quốc cho thấy chiều dài trình tự ARN của nó khoảng chừng là 30.000 - 36.000 nucleotit.
Vậy nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu ở Việt Nam là phải giải trình tự được con nCoV này, để có đầy đủ thông tin về chính nó. Từ đó mới so sánh để xem là giữa chủng ở Trung Quốc với chủng virus phát hiện thấy ở Việt Nam có bị biến đổi gì không? Vì virus biến đổi liên tục. Theo nguyên tắc, virus sau nhiều lần nhân bản sẽ bị khác đi một tý, thành ra, các bệnh từ virus mới rất khó đoán.
Việc nuôi cấy và phân lập thành công được con virus này ở trong phòng thí nghiệm sẽ là cơ sở quan trọng để bắt đầu rất nhiều bước nghiên cứu khác, hướng đến tìm ra được vacxin phòng virus này.
May mắn là cuối cùng chúng tôi cũng đã "bắt" được nó. Nhưng phải nói thật đây là việc rất khó vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố lắm.
Thiết bị, tế bào… tất cả các điều kiện để nhân nuôi nó chúng ta đều có. Tuy nhiên như tôi đã nói là mỗi một con virus sẽ có một tế bào gọi là tế bào cảm thụ khác nhau. Nếu mà mình biết tế bào cảm thụ của nó thì mình sẽ bắt được nó rất nhanh. Tuy nhiên, với loại virus mới này, các thông tin về nó chưa có nhiều, mình hoàn toàn không biết được loại tế bào nào phù hợp với nó. Đồng nghĩa là chúng tôi sẽ phải sử dụng rất rất nhiều loại tế bào khác nhau để từ đó tìm ra tế bào thụ cảm phù hợp. Nếu mà mình chọn đúng thì mình sẽ có khả năng, cơ hội.
Tôi chỉ dám giải thích ngắn gọn như vậy thôi để bạn hiểu rằng chuyện nuôi được con virus nó còn có cả may rủi nữa. Thế cho nên trên thế giới, rất nhiều nước có điều kiện tốt hơn mình nhiều, nhưng mà mới chỉ có rất ít nước thông báo rằng mình đã tóm được, phân lập được con virus này. Và bây giờ Việt Nam chính thức là nước tiếp theo làm được điều đó.
Thanh An: Bà có thể kể lại kỹ hơn chặng đường đầy thử thách nuôi cấy con virus này?
PGS. TS Lê Thị Quỳnh Mai: Con virus này lạ lắm. Thông thường những con virus gây bệnh sẽ ảnh hưởng lên tế bào vật chủ, làm cho tế bào ốm hoặc giết chết tế bào. Con này chúng tôi nuôi cấy đến 72 tiếng sau mà tế bào vẫn cứ đẹp.
Sáng ngày 7/2 đến giờ làm việc như thường lệ, chúng tôi lấy ra để kiểm tra thì thấy dường như có sự phát triển của virus ở trong tế bào. Thế nhưng muốn khẳng định thì bắt buộc phải nhìn thấy được hình ảnh của nó. Chúng tôi mới quyết định làm tiêu bản, cố định cho nó không hoạt động được nữa sau đó mới chuyển xuống kính hiển vi điện tử.
Cỡ khoảng 10h sáng, chúng tôi vẫn ngồi họp với nhau, ở dưới kính hiển điện tử các bạn ấy mới báo "nhìn thấy virus rồi!" Lúc đấy tôi mới dám gọi điện cho sếp xác nhận tin vui. Tại vì sếp - Giáo sư Đặng Đức Anh - Viện trưởng cũng nóng lòng lắm. Chuyện sử dụng kính hiển vi điện tử suốt thời gian cho vụ dịch này, tôi phải nói rõ rằng đây là chỉ đạo ưu tiên của anh Đức Anh. Từ khi mới bắt đầu có dịch, chúng tôi rất khó khăn trong việc chẩn đoán. Anh Đức Anh đã tính đến việc kể cả dịch họng đầu tiên từ mẫu bệnh phẩm cũng phải được xử lý để soi hiển vi điện tử. Gần như chúng tôi được tập trung tối đa mọi nguồn lực trong Viện để làm việc.
Cho đến bây giờ khi mà nhìn thấy con virus, tất cả gần như đều vỡ òa cảm xúc. Bởi phải nói rằng là dù đã cố gắng hết sức nhưng đúng là yếu tố may mắn đã đến với chúng tôi. Nghĩa là chúng tôi vẫn còn có duyên để truy tìm ra virus mới.
Tôi vẫn nhớ sau virus SARS_Co, con virus gây ấn tượng lớn đối với chúng tôi khi truy bắt chính là con H5N1. Bởi việc giải trình thành công virus H5N1 không chỉ có ý nghĩa đối với y học dự phòng trong nước mà còn hết sức quan trọng đối với quốc tế. Chính những con virus đầu tiên chúng tôi nuôi thành công thì bây giờ cả thế giới đang sử dụng để phát triển vacxin. Đó là một tiếng vang lớn mà chúng tôi hết sức tự hào.
Thanh An: Giải trình tự được con virus Corona, công việc tiếp theo của các vị sẽ là gì?
PGS. TS Lê Thị Quỳnh Mai: Nó sẽ mở ra cho chúng tôi một quá trình nghiên cứu sâu hơn về loại virus này. Từ đây chúng tôi sẽ bước sang giai đoạn nghiên cứu để biết xem nó tiếp cận với tế bào vật chủ như thế nào? Cơ chế hoạt động của nó? Phương cách nó nhân lên ở trong tế bào ra sao? Trong quá trình nhân lên, nó làm ảnh hưởng gì đến tế bào? Có làm cho tế bào bị ốm, bị chết hay nó vẫn sống chung cùng tế bào? Tế bào này sẽ biểu hiện ra những triệu chứng lâm sàng ra sao?... Trả lời được những câu hỏi đó rất quan trọng để hiểu được bản chất của con virus.
Trong quá trình nghiên cứu các loại virus, tôi vẫn nói với các đồng nghiệp của mình rằng con người cứ cho mình là loài tinh khôn, thống trị thế giới nhưng thật ra virus nó thông minh hơn mình nhiều lắm.
Tại vì nó là loài biết cách né tránh rất nhiều bẫy phát hiện của đối thủ. Nếu nói về quá trình tiến hóa, virus có sự tiến hóa rất nhanh chóng để chống lại tất cả mọi nỗ lực tấn công từ con người. Hệ miễn dịch của con người sinh ra để tiêu diệt nó thì nó đã nhanh chóng lẩn được qua để tấn công vào các tế bào sống của cơ thể người. Con người phải mất hàng nghìn năm để tiến hóa, trong khi đó con virus cúm A mà chúng tôi nghiên cứu chỉ qua 2 - 3 năm nó đã chuyển thành một loại khác rồi. Vẫn tên là A do con người đặt ra đấy, nhưng nó đã mang 1 dáng vẻ rất khác. Con người lại phải vội vội vàng vàng tìm cách đối phó. Mình cứ mãi mãi đi đối phó với nó thôi.
Nhưng có một điều chúng tôi có thể yên tâm rằng trong cuộc chiến giữa loài người với virus, chúng tôi chẳng bao giờ lo thất nghiệp! Sẽ có một số nghề nghiệp bị thay đổi do nhu cầu và sự phát triển của xã hội, nhưng nghiên cứu virus, chiến đấu chống lại virus thì chúng tôi không bao giờ lo mất việc.
Thanh An: Tôi thấy mọi người gọi bà là "thủ lĩnh", tôi rất tò mò về danh xưng này…
PGS. TS Lê Thị Quỳnh Mai: Thủ lĩnh trong vài lĩnh vực nhé, chứ không chỉ là công việc đâu. Hôm trước mới buồn cười, thấy các bạn làm việc vất vả quá tôi có hứa hẹn rằng: Nếu phân lập được ra con virus ấy thì mọi người thích món gì cũng sẽ mời! Thế mà tất cả lại yêu cầu món thịt bò kho. Có lẽ mình làm món đấy cũng khá hay sao ấy.
Nhớ lại ngày đầu tôi trực tiếp nhân bào đến ngày thứ hai thì các bạn ấy kiểm tra. Dù chưa nhìn thấy cái gì hết cả, các bạn ấy chỉ nhìn vào 6 chai sản phẩm của mình trong phòng An toàn sinh học cấp 3, thấy màu có thay đổi là reo lên bảo nhau: "Được bò kho rồi!"
Đến chiều tối hôm đấy, chúng tôi lấy một chút mẫu trong chai dung dịch ra để kiểm tra, lúc ấy cũng đã gần 7h tối rồi. Tôi mới giao việc cho mọi người và đi về sau khi nhắn: "Muốn có con bò thì làm đi!" Đang trên đường đi nhận được điện thoại, các bạn ấy không nói gì về chuyên môn cả chỉ bảo là "Mua bò đi!".
Tôi vui quá, dù lúc bấy giờ đã hơn 7h tối rồi, biết tìm mua thịt ở đâu? Thế mà cuối cùng vẫn phải đi lùng mua được hơn 2kg thịt bò về nấu. Vui quá, dù lúc bấy giờ cũng đã chắc chắn cái gì đâu!
Trong công việc điều mà tôi yêu cầu mọi người là phải luôn có ý tưởng mới cho mình. Bạn biết vì sao virus nguy hiểm không? Vì nó luôn thay đổi. Cơ chế nhân bào của nó là không sửa sai. Nó cứ thế nhân đôi và sẽ mang chính những điểm sai khác đó thành vũ khí ở những lần nhân bào tiếp theo. Chúng ta cũng vậy thôi. Sai thì đã sai rồi, việc của mình là lúc nào cũng phải tiến lên.
Chúng tôi ở đây cũng thế thôi, hầu như cán bộ của Viện đều phải đi học, phải được đào tạo ở nước ngoài. Chúng ta đừng chỉ dừng lại ở tư duy HOW TO DO (làm như thế nào – PV). Tôi muốn cán bộ mình phải được đào tạo để HOW TO THINK (Nghĩ như thế nào - PV) cơ. Bản thân tôi cũng được các thầy đào tạo theo kiểu như thế. Cho nên việc phân lập được một con virus còn khẳng định rằng những ý tưởng, những khát khao chinh phục cái mới trong nghiên cứu khoa học của chúng tôi là không bao giờ dừng lại.
Thanh An: Rất cảm ơn những chia sẻ mà Phó Giáo sư đã dành cho chúng tôi!
Theo Trí Thức Trẻ