
1. Gỏi cá
Khi ăn gỏi cá và hải sản tươi sống, người dùng có thể nhiễm giun Anisakis, loài ký sinh bám vào thành ống tiêu hóa, dạ dày và ruột. Ngoài ra, nguy cơ nhiễm sán lá gan, sán dây cũng cao. Đặc biệt khi ăn phải trứng sán dây, trứng có thể di chuyển khỏi ruột và hình thành nang ấu trùng trong mô, cơ quan.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Nguyên Huyền tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bên cạnh rượu bia, những món tưởng chừng vô hại như gỏi cá, ốc tái cũng có thể trở thành "sát thủ" đối với gan.
"Ấu trùng sán lá gan từ thực phẩm sống có thể xâm nhập vào cơ thể, di chuyển đến tá tràng rồi ngược lên đường mật, ký sinh tại gan và gây bệnh", bác sĩ Huyền cảnh báo.
Nếu không được phát hiện sớm, loại ký sinh trùng này có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như viêm đường mật, xơ gan, thậm chí ung thư. Đây là những căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao.

2. Thịt bò tái
Thịt bò tái được ưa chuộng nhờ vị mềm, ngọt, nhưng đây cũng là món dễ nhiễm sán dây bò nhất. Sán trưởng thành có thể dài 4-8 mét, ký sinh trong ruột, gây suy dinh dưỡng, rối loạn tiêu hóa. Nếu ấu trùng sán di chuyển lên não, chúng có thể gây động kinh, đau đầu dữ dội.
Theo các chuyên gia sức khỏe, ăn bò tái có thể đưa ký sinh trùng vào cơ thể một cách nghiêm trọng. Do đó, để đảm bảo an toàn và sức khỏe, khuyên bạn nên nấu chín thịt bò trước khi ăn.
3. Tiết canh
Tiết canh được chế biến từ tiết sống của lợn, dê, vịt.... Đây là món ăn không thể loại bỏ vi khuẩn, virus hay trứng giun sán. Đáng sợ nhất là liên cầu lợn (Streptococcus suis) - vi khuẩn gây viêm màng não, sốc nhiễm độc, tử vong nhanh. Ngoài ra, tiết canh còn tiềm ẩn sán dây lợn, ấu trùng giun xoắn, có thể gây tổn thương não, gan.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn ưa chuộng các món tiết canh mà không lường trước nguy cơ nhiễm bệnh.

4. Nem chua
Nem chua được tạo thành nhờ quá trình lên men từ thịt lợn sống chưa qua chế biến hay bất kỳ thao tác xử lý nhiệt nào. Với cách chế biến này, nếu thịt lợn làm nem chua bị nhiễm sán, giun, nguy cơ lây sang người rất cao.

Dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng: Dễ nhầm lẫn, hậu quả khó lường
Giai đoạn đầu, bệnh thường không rõ triệu chứng. Khi gan bị tổn thương, người bệnh có thể thấy đầy bụng, chán ăn hoặc đau âm ỉ vùng hạ sườn phải. Khi bệnh tiến triển nặng, các dấu hiệu như vàng da, gan to, suy kiệt mới xuất hiện.
Ăn chín uống sôi là cách đơn giản bảo vệ gan
Để phòng bệnh, bác sĩ Huyền nhấn mạnh: "Tuyệt đối tránh ăn đồ sống, tái. Thực phẩm phải được nấu chín kỹ để tiêu diệt ấu trùng sán". Thói quen ăn chín, uống sôi không chỉ bảo vệ gan mà còn ngăn ngừa nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.
Nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ, người dân nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng đáng tiếc.

Theo Thương trường