Chủ tịch AIC trốn ra nước ngoài 'cũng không thoát được sự trừng trị'

Trả lời về quy trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án Công ty AIC khi đối tượng liên quan đã bỏ trốn, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương khẳng định vẫn có thể xử lý theo quy định.

Chiều 18/11, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học chủ trì họp báo thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo).

Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương khẳng định đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực không làm chùn bước, nhụt chí và không gây tâm lý sợ sai, không dám làm.

Tòa vẫn có thể xử vắng mặt

Trả lời câu hỏi về quy trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án liên quan công ty AIC khi các đối tượng liên quan đã bỏ trốn, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học dẫn lại phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, rằng “dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát được sự trừng trị của luật pháp”.

Theo ông Học, các cơ quan tiến hành tố tụng đã được giao nghiên cứu quy định luật pháp để truy tố, xét xử bị cáo theo đúng quy định. Nếu trốn ra nước ngoài mà quy định có thể xử vắng mặt thì vẫn xử vắng mặt.

Cụ thể, khoản 2 Điều 290 Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định Tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo nếu bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa hoặc nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì bất khả kháng, không do trở ngại khách quan và không gây trở ngại cho việc xét xử.

Chủ tịch AIC trốn ra nước ngoài cũng không thoát được sự trừng trị-1

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC. Ảnh: Tiền Phong.

“Do vậy, nếu có đầy đủ cơ sở, chứng cứ nhưng đối tượng bỏ trốn, chúng ta vẫn có thể vận dụng quy định của luật pháp để xử lý”, ông Học nhấn mạnh.

Theo ông, vụ việc này sẽ được làm đồng bộ ở cả Trung ương và địa phương.

Vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan... là một trong 6 vụ án trọng điểm mà Ban Chỉ đạo yêu cầu phải hoàn thành xét xử trong năm 2022.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã ban hành kết luận điều tra liên quan vụ án này và đề nghị truy tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc AIC) cùng 35 bị can khác về 5 tội danh.

Trong các bị can, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn và bị truy nã. Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT đề nghị truy tố bà Nhàn cùng Phó tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà về 2 tội Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Bộ Công an đã kê biên 2 biệt thự, 6 căn hộ chung cư của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn tại Hà Nội, phong tỏa hơn 107,3 tỷ đồng trong 4 tài khoản Công ty AIC mở tại ngân hàng.

Cơ quan điều tra cho rằng sau khi Công ty AIC được lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tạo điều kiện tham gia, trúng 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn cùng thuộc cấp đã đưa hối lộ ông Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy) và Đinh Quốc Thái (cựu chủ tịch tỉnh) 14,5 tỷ đồng mỗi người.

Bà Nhàn cũng đưa hối lộ ông Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai) 14,8 tỷ đồng; đưa bà Bồ Ngọc Thu (cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) một tỷ đồng.

Vụ Vạn Thịnh Phát "đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp"

Đưa ra nhận định về vụ án Vạn Thịnh Phát, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nhấn mạnh “Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng sai phạm liên quan đến công ty Vạn Thịnh Phát đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trong thời gian khá dài”.

Các cơ quan đã được Ban Chỉ đạo giao rõ trách nhiệm xử lý. Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có trách nhiệm kiểm tra cấp ủy, tổ chức đảng liên quan. Cơ quan điều tra sẽ tập trung điều tra nội dung, đối tượng liên quan để sớm có kết quả điều tra, đưa vụ án ra xử lý.

Chủ tịch AIC trốn ra nước ngoài cũng không thoát được sự trừng trị-2

Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học trả lời báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: Hồng Phong.

Liên quan đến vụ Việt Á, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương khẳng định các cơ quan đang tập trung chỉ đạo rất quyết liệt, nhưng diện vi phạm trong vụ án này rất rộng, đối tượng liên quan nhiều (gồm nhiều cán bộ, đảng viên”. Vì vậy, quá trình xem xét, xử lý đòi hỏi khẩn trương nhưng phải rất thận trọng, đánh giá bối cảnh tình hình dẫn đến vi phạm và xử lý “có phân hóa”.

“Vừa rồi Bộ Chính trị có kết luận để có chủ trương phân hóa trong quá trình xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên liên quan. Quá trình xử lý vi phạm vụ Việt Á sẽ xem xét, đánh giá điều kiện, nguyên nhân, bối cảnh để quyết định đối tượng nào phải xử lý nghiêm, đối tượng nào giảm nhẹ, đối tượng nào được miễn”, ông Học nói và nhấn mạnh cần đánh giá toàn diện, các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ xử lý.

Khẳng định chủ trương sớm kết thúc vụ Việt Á, song ông Học cho rằng để trả lời cụ thể khi nào kết thúc rất khó, vì có những vụ việc khởi tố, điều tra, xử lý nhưng có vụ việc còn đang trong quá trình xem xét.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy từ đầu nhiệm kỳ XIII, Ban Chỉ đạo cho biết Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 67 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 7 Ủy viên Trung ương Đảng, 6 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng.

Các cơ quan cũng đã khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Thống kê cho thấy có 15 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị khởi tố, điều tra.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/chu-tich-aic-tron-ra-nuoc-ngoai-cung-khong-thoat-duoc-su-trung-tri-post1376565.html

vụ án


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.