Từ sản phẩm trị nám, chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng: Bóc gỡ đường dây siêu lừa

Giả mạo thương hiệu “trị nám Bà Nhàn”, cả lãnh đạo và nhân viên của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Khang Thịnh (đăng ký kinh doanh tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) đã lừa đảo hàng nghìn người trên cả nước, chiếm đoạt trên 100 tỷ đồng.

Từ sản phẩm trị nám, chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng: Bóc gỡ đường dây siêu lừa-1
Các đối tượng lừa đảo bị công an bắt giữ.

Qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Công an huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) phát hiện một nhóm đối tượng “núp bóng” doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng chăm sóc sắc đẹp (trị nám, tàn nhang) để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhận định đường dây lừa đảo này không chỉ quy mô lớn, bị hại nhiều mà các đối tượng còn “vươn vòi bạch tuộc” đến nhiều tỉnh, thủ đoạn tinh vi. Đại tá Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Công an huyện Thạch Hà chủ lực, phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Hà Tĩnh) lập chuyên án, vào cuộc điều tra, tập trung đấu tranh, làm rõ.

Quá trình xác minh, cơ quan công an xác định, đứng sau đường dây này là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Khang Thịnh. Công ty do Ngô Duy Khánh (SN 1995, trú tại Tam Thanh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) làm Tổng Giám đốc và Nguyễn Thị Huyền Thương (SN 1997, trú tại Nghĩa Đàn, Nghệ An) làm Phó Tổng Giám đốc. Doanh nghiệp này có 8 chi nhánh, mỗi chi nhánh có từ 10 - 15 người, chuyên kinh doanh các sản phẩm chức năng chăm sóc sắc đẹp.

Phương thức hoạt động của công ty này hết sức tinh vi. Các đối tượng lập nên thương hiệu “trị nám Bà Nhàn”. Theo một cán bộ điều tra (Công an huyện Thạch Hà), nhân vật “Bà Nhàn” này không có thật, là thương hiệu “rởm”, sản phẩm của công ty gửi cho khách hàng không điều trị khỏi nám, tàn nhang.

Để tăng lượng tiếp cận đến đông đảo khách hàng trên cả nước, công ty này cho chạy quảng cáo trên các nền tảng mảng xã hội. Sau khi khách hàng mua sản phẩm, một thời gian sau, nhân viên tư vấn của công ty liên hệ với khách hàng để hỗ trợ hoàn tiền nếu sử dụng sản phẩm không hiệu quả. Qua đó yêu cầu khách hàng phải đóng các khoản phí làm hồ sơ để hoàn tiền vào các số tài khoản khác nhau của công ty rồi chiếm đoạt.


Lãnh đạo Công an huyện Thạch Hà cho biết: Chuyên án thực hiện trong điều kiện khó khăn, các đối tượng có phương thức lừa đảo hết sức tinh vi, hoạt động chủ yếu trên không gian mạng. Hàng chục cán bộ điều tra phải “nằm vùng” để điều tra, thu thập chứng cứ.

“Tất cả các số điện thoại mà nhân viên công ty này sử dụng đều là sim rác, tài khoản zalo ảo. Để xác định được dòng tiền lừa đảo của đường dây này gặp rất nhiều khó khăn. Đối tượng không yêu cầu khách hàng chuyển tiền trực tiếp qua thẻ ngân hàng mà hòa trộn vào hàng trăm nghìn loại hàng hóa khác nhau của các công ty viễn thông, chuyển phát nhanh, theo hình thức COD - nhận hàng mới giao tiền” - một cán bộ điều tra, Công an huyện Thạch Hà chia sẻ.

Sau quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, ngày 28/6, Công an huyện Thạch Hà phối hợp với các Phòng nghiệp vụ (Công an tỉnh Hà Tĩnh) và Công an phường Mộ Lao (quận Hà Đông, TP Hà Nội) huy động 80 cán bộ, chiến sĩ xuất phát trong đêm, kiểm tra đột xuất 2 địa điểm làm việc của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Khang Thịnh tại Hà Nội.

Quá trình bắt giữ, khám xét tại 2 địa điểm của công ty này, Tổ công tác đã triệu tập làm việc với 35 đối tượng, thu giữ 105 điện thoại, 42 máy tính, phong tỏa 16 tài khoản ngân hàng và thu nhiều tang vật khác có liên quan.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thạch Hà đã ra quyết định khởi tố 16 bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Ngô Duy Khánh (SN 1995, trú tại Tam Thanh, huyện Vụ Bản, Nam Định) - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Khang Thịnh cùng 7 Phó Tổng Giám đốc công ty gồm: Nguyễn Thị Huyền Thương (SN 1997, trú tại Nghĩa Đàn, Nghệ An); Trần Văn Lộc (SN 1993, trú tại xã Phú Cường, huyện Đại Từ, Thái Nguyên); Vũ Nhật Nam (SN 2002, trú tại xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định); Nguyễn Đức Toàn (SN 2000, trú tại xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy, Nam Định); Nguyễn Lan Anh (SN 1997, trú tại Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội); Thiều Thu Thảo (SN 2000, trú tại xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ); Phạm Thị Mến (SN 1996, trú tại thôn Nậm Chữ, xã Bản Cầm, Bảo Thắng, Lào Cai).

Do tính chất vụ án quy mô lớn, phức tạp, bị hại nhiều, số tiền lừa đảo lớn, Công an huyện Thạch Hà đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định pháp luật.

Theo ban chuyên án, các đối tượng thừa nhận từ đầu năm 2022 đến nay đã lừa đảo hàng nghìn người trên cả nước. Đến thời điểm này cơ quan điều tra chưa thống kê, tiếp cận hết bị hại. Riêng tại Hà Tĩnh, số bị hại bước đầu xác định có 5 người với số tiền bị lừa đảo khoảng 500 triệu đồng. Số tiền mà các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt của các bị hại trên cả nước lên đến hơn 100 tỷ đồng.

Theo Đại đoàn kết 

Xem link gốc Ẩn link gốc http://daidoanket.vn/tu-san-pham-tri-nam-chiem-doat-hon-100-ty-dong-boc-go-duong-day-sieu-lua-5723305.html

lừa đảo


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.