Hạn chế học thêm tràn lan: Giảm áp lực và đề cao tính tự học

Nhiều độc giả đánh giá cao khi Thông tư 29 đi vào cuộc sống, và cho rằng các quy định đã phần nào thực hiện được mục tiêu giúp học sinh không phải đi học thêm tràn lan, đưa giáo dục trở lại đúng nguyên lý vốn có.

"Cấm học thêm tràn lan, đẩy mạnh tự học là sự sống còn cho tương lai con em chúng ta", độc giả Nguyễn Thị Hằng bày tỏ. 

Độc giả Cao Thị Hiền ủng hộ việc siết chặt dạy thêm để học sinh có thời gian vui chơi, thư giãn: "Chúng tôi không muốn thấy tình trạng dạy thêm tràn lan. Học sinh cần có tuổi thơ đúng nghĩa, và giáo viên cũng cần có thời gian chăm lo cho gia đình". 

Nhiều người cũng bày tỏ sự đồng tình với việc quản lý chặt chẽ hơn các trung tâm dạy thêm học thêm, ngăn chặn tình trạng giáo viên ép học sinh học thêm để tăng thu nhập, tạo môi trường giáo dục lành mạnh.

Hạn chế trong trường, bùng nổ trung tâm: Vẫn là gánh nặng cho phụ huynh?

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng thuận, nhiều độc giả đã chỉ ra không ít "lỗ hổng" và vấn đề phát sinh sau hơn một tháng thực hiện Thông tư 29.

"Sau Thông tư 29, các trung tâm dạy thêm học thêm mọc lên như nấm, học phí tăng cao", độc giả Đặng Trí Dũng phản ánh.

Nhiều người cũng lo ngại về tình trạng giáo viên "lách luật" bằng cách dạy ở trung tâm hoặc tại nhà riêng, gây khó khăn cho việc quản lý. "Cấm học thêm ở trường, thầy cô lại ra trung tâm dạy, cuối cùng phụ huynh vẫn phải 'gồng mình' chi trả" thêm phí thuê trung tâm", một người khác lên tiếng khác. 

Minh chứng cho điều này, một độc giả phản ánh, tại địa phương anh, trước kia học thêm trong trường, học sinh phải đóng 20.000-30.000 đồng/buổi, còn nay ra trung tâm 50.000-70.000 nghìn đồng mỗi buổi.

Nhận thấy tình trạng tương tự, phụ huynh tên Hương Nguyễn phản ánh, trước khi có Thông tư 29, con chị học thêm bên ngoài giá 60.000 đồng/buổi, sau khi Thông tư có hiệu lực, chị phải chi 70.000 đồng/buổi trong khi việc học vẫn y chang như trước, vì nay phải "cõng" thêm phí cho trung tâm. 

Cũng không thể ngừng cho con học thêm, một người mẹ than phiền vì một phiền phức khác: "Hồi trước học xong 4h30 chiều tụi nhỏ ăn uống và chơi bóng rổ, cầu lông ở sân trường rồi học thêm luôn, giờ thì bố mẹ phải trốn việc đến đón hoặc giao con mình cho xe ôm để đi đến chỗ học thêm là một căn nhà cấp 4 chật chội trong hẻm. Vừa tốn nhiều tiền vừa đẩy con mình vào chỗ không an toàn".

Một phụ huynh tên Tuyết Lan bày tỏ: "Đã cấm dạy thêm thì cần cấm cả trung tâm dạy thêm, vì có học sinh đi học mà con mình không đi cũng lo, trong khi tiền học ở trung tâm lại cao hơn". 

Cùng tâm tư này, một vị khác cho rằng: "Cho trung tâm dạy thêm thì còn làm khổ học sinh và phụ huynh vì tiền thì đóng nhiều mà vẫn là các thầy cô trong trường ra trung tâm dạy".

Bạn đọc Trần Hạnh ái ngại, bây giờ thậm chí việc dạy thêm còn ngang nhiên hơn vì "ai chả xin được giấy phép kinh doanh giáo dục, dạy thêm lại được bảo trợ bởi thuế".

Theo độc giả Lê Trọng Kim, sau Thông tư 29, trung tâm dạy thêm mọc lên tràn lan, một phòng học vài chục mét vuông cũng là trung tâm, xuất hiện biến tướng cô này dạy lớp kia, cô kia dạy lớp này, tiền học thêm "cõng" thêm phí thuê trung tâm nên tăng vọt... và thiếu vắng cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát.

Một bất cập khác dẫn tới một thực trạng "dở cười dở khóc" như chia sẻ của độc giả Minh Hiền: "Lớp thì bỏ không. Giáo viên và học sinh kéo nhau ra trung tâm học ngày học đêm. Phí tăng gần gấp đôi. Cuối cùng vẫn làm khổ phụ huynh gánh chi phí".

Giải pháp nào để Thông tư 29 thực sự hiệu quả?

Để Thông tư 29 thực sự có tác động tích cực, nhiều độc giả đề xuất cần có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn.

Độc giả Nguyễn Anh Tuấn góp ý: "Cấm triệt để dạy thêm ngoài nhà trường, thay vào đó, tổ chức dạy tăng cường buổi 2 ngay tại trường với sự giám sát cao của cơ quan quản lý. Giáo viên được trả lương phù hợp, phụ huynh không phải lo chạy vạy".

Một số ý kiến khác nhấn mạnh vào việc kiểm soát các trung tâm dạy thêm. Độc giả Nguyễn Thị Lan kiến nghị: "Bộ cần có văn bản kiểm tra và đóng cửa các trung tâm không đủ điều kiện. Ai cấp phép cho trung tâm hoạt động trái quy định cũng cần bị xử lý trách nhiệm".

Độc giả khác góp ý: Phải đi thanh tra các giấy phép dạy thêm tại nhà riêng, tại chung cư, xem họ làm thế nào mà dễ dàng xin giấy phép vậy? Theo vị này, cần xử nghiêm những tư nhân nhận dạy thêm học sinh tiểu học, đồng thời bổ sung qui định cấm dạy thêm sau 20h.

Ngoài ra, một số người cho rằng nên tận dụng công nghệ để giảm phụ thuộc vào dạy thêm. Độc giả Huy Nguyễn đề xuất: "Bộ Giáo dục nên khuyến khích học sinh tự học trên Internet, sử dụng công nghệ AI để hỗ trợ việc học. Nếu không có đủ lực lượng kiểm tra, cần lập trang web để người dân phản ánh vi phạm".

Một giải pháp khác đến từ độc giả Trinh Viên: "Cần thống nhất chương trình giáo khoa, giảm tải lý thuyết, tăng cường thực hành. Khi áp lực học tập giảm, nhu cầu học thêm tự khắc cũng giảm theo".

Thông qua VietNamNet, độc giả Ngọc San Nguyễn kiến nghị nên xây dựng và sử dụng ngân hàng đề thi chung trên toàn quốc, giúp đảm bảo tính khách quan, công bằng trong đánh giá năng lực học sinh, đồng thời hạn chế tình trạng giáo viên ra đề thi mang tính "đánh đố" hoặc thiên vị. Theo anh, Bộ GD-ĐT cần giao trách nhiệm tổ chức thi/kiểm tra đánh giá cho bộ phận giáo vụ/quản lý đào tạo, từ đó giảm thiểu tình trạng giáo viên tự ý ra đề, chấm điểm không công bằng, hoặc thông đồng với các trung tâm dạy thêm bên ngoài. Ngoài ra, cần có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, có thể cảnh cáo, khiển trách, hạ bậc lương, đình chỉ công tác, hoặc thậm chí là loại khỏi ngành.

Theo VietNamNet