Trận chung kết cuộc đời "Táo Quân": Tiếp tục hay dừng lại?

Chúng ta không thể so sánh Táo Quân và bóng đá, thế nhưng tôi vẫn có một ấn tượng hết sức đặc biệt rằng, các nghệ sỹ đóng Táo Quân luôn phải thi đấu một trận chung kết đặc biệt.

Chúng ta không thể so sánh Táo Quân và bóng đá, thế nhưng tôi vẫn có một ấn tượng hết sức đặc biệt rằng, các nghệ sỹ đóng Táo Quân luôn phải thi đấu một trận chung kết đặc biệt.

Năm 1970, đội tuyển bóng đá Brazil đoạt chức vô địch thế giới lần thứ 3 trong 04 kỳ World cup liên tiếp và là đội tuyển duy nhất sở hữu vĩnh viễn cúp vàng Julet Rimet huyền thoại.

Đội bóng của Pele, Tostao, Jairzinho, Rivelino… đã biến bóng đá trở thành một môn nghệ thuật vĩ đại mà ở đó Selecao giữ vị trí chúa tể và độc tôn.

Người ta cho rằng Pele và các hậu duệ của ông sẽ mãi mãi vô địch bóng đá thế giới với một lối đá đẹp như mơ và những tài năng bóng đá bãi biển và đường phố không bao giờ cạn kiệt.

Thế nhưng Pele không thể mãi mãi đá bóng hay như năm 1970 và các thế hệ hậu duệ của ông không thể mãi mãi khuynh đảo làng bóng đá thế giới…

20 năm sau, 1990, người Brazil gục ngã ngay tại vòng 1/16 trước một Argentina tuy đã suy yếu nhưng đầy mưu mẹo và thực dụng. Đó là đỉnh điểm của một nỗi thất vọng lớn lao đối với riêng người Brazil và với giới hâm mộ môn thể thao vua.

Vẫn lối đá ấy, triết lý bóng đá ấy nhưng đã 20 năm kể từ lần đăng quang cuối cùng năm 1970, người Brazil thậm chí không thể lọt vào một trận chung kết nào trong một giải đấu mà cái tên của họ luôn được xác định là để giành ngôi vô địch.

Để rồi vào thời điểm ít được hy vọng nhất, năm 1994, với một lối đá thực dụng kiểu Châu Âu cùng những cái máy quét và những lực sỹ như Dunga, Jorginho… họ đã lại một lần nữa lên ngôi vô địch thế giới theo phong cách Châu Âu, thực dụng, hội nhập, đổi mới.

Chúng ta không thể so sánh Táo Quân và bóng đá, thế nhưng tôi vẫn có một ấn tượng hết sức đặc biệt rằng vào dịp cuối năm, đã 15 năm nay, các nghệ sỹ đóng Táo Quân lại phải thi đấu một trận chung kết đặc biệt, một trận chung kết của cuộc đời.

Trận chung kết ấy cũng có hàng chục triệu khán giả cả nước theo dõi qua màn hình, gửi trọn cả niềm tin và tất nhiên là cả sức ép vô cùng to lớn đối với những nghệ sỹ ấy.

Biết bao lo âu, vất vả, lo toan thường nhật được dẹp sang một bên để xem Táo Quân, để được kỳ vọng sẽ có những tiếng cười sâu sắc, thâm thúy, nhưng đầy lịch lãm, lắng đọng và tinh tế để quên đi những nỗi sầu, để lắng đọng nhưng vẫn cười, vẫn hy vọng vào tương lai.

Hy vọng của hàng chục triệu khán giả xem truyền hình. Đâu có khác gì hy vọng của cả một dân tộc vào một trận chung kết bóng đá…

Đã 15 năm qua, vẫn với vị HLV ấy, những nghệ sỹ - cầu thủ ấy, họ đã giành nhiều huy chương vàng trong lòng người hâm mộ.

Nhưng – cũng như những vinh quang và cay đắng trong bóng đã, đội hình Táo Quân đã phải trải qua những chỉ trích, ca thán thậm chí có những lời cay đắng là nên dừng chương trình vì quá nhàm chán, đã đi theo lối mòn…

Trận chung kết cuộc đời Táo Quân: Tiếp tục hay dừng lại? - Ảnh 2.

Có một điều mà cá nhân người viết nhận định rằng, không nên bỏ Táo Quân, bởi đó chính là những trận chung kết của cuộc đời, rằng thiếu Táo Quân thì nhiều gia đình, nhiều con người sẽ buồn khổ lắm, họ cần lắm một tiếng cười để sum vầy để dẹp đi thậm chí cả những cãi vã vợ chồng, con cái, dâu rể trước đêm giao thừa, để cùng vui vẻ trước màn hình khi thấy Cô Đẩu chân đã ngắn lại còn mặc váy hồng, thấy người khác nói là lại nhảy xổ ra, mà Ngọc Hoàng thì vẫn bỏ qua…

Trước khi nói về những người nghệ sỹ, những cầu thủ thi đấu trên sân bóng Táo Quân cuối năm, ta hãy nói về đạo diễn của chương trình, người Huấn luyện viên trên sân thi đấu.

Năm 2004, sau thất bại nặng nề của bóng đá Đức tại Euro 2004, bị loại từ vòng bảng, liên đoàn bóng đá Đức đã quyết định lựa chọn bộ đội Klinsman – Joachim Lowe mới toanh để thay thế.

Họ đã thực sự làm nên một cuộc cách mạng với bóng đá Đức, từ bỏ lối chơi sử dụng 01 libero đã quá cũ kỹ để thử nghiệm một lối chơi tấn công phóng khoáng với nhiều cầu thủ trẻ, mạnh dạn tước bỏ băng thủ quân của đại công thần Oliver Kahn và trao lại cho cầu thủ trẻ hơn và giàu khát vọng hơn Micheal Ballack.

Bóng đá Đức đã thực sự thay đổi tư duy từ thời điểm ấy và trở lại vĩ đại trị vì ngôi đền của bóng đá thế giới.

15 năm đã trôi qua kể từ trận chung kết đầu tiên, khi mà người đạo diễn của Táo Quân vẫn còn đầy khát vọng của tuổi trẻ với những mảng miếng, sáng tạo, những khát khao thể hiện mạnh mẽ… Đến ngày hôm nay, anh đã thành danh, đã ở trên đỉnh cao của sự nghiệp.

Liệu có phải khát vọng của anh đã không còn như thủa ban đầu, niềm đam mê của anh đối với việc chinh phục khán giả, chinh phục và giành huy chương vàng tại các trận chung kết Táo Quân đã không còn quan trọng bằng việc làm thế nào để làm vừa lòng khán giả…

Và khi khát vọng không còn đủ lớn, liệu đã tới thời điểm để có một sự thay đổi, để lựa chọn một lối chơi khác...

Còn đối với các nghệ sỹ trong vai các Táo, những cầu thủ đá chính và quan trọng nhất trong những trận chung kết này, dù họ có thành danh trong sân khấu nào, trận đấu nào đi nữa thì cuối năm, Táo Quân với họ vẫn là một trận chung kết thực sự.

Trận chung kết cuộc đời Táo Quân: Tiếp tục hay dừng lại? - Ảnh 3.

Ở đó, hàng chục triệu khán giả cả nước sẽ cùng xem họ - như đã xem 15 năm qua. Chí Trung, Xuân Bắc, Tự Long, Vân Dung, Quang Thắng, Quốc Khánh, Công Lý… trong một năm qua có thể xuất hiện ở rất nhiều chương trình.

Có chương trình trẻ con xem, chương trình người lớn xem, chương trình thanh niên xem, băng đĩa cụ già xem…

Nhưng chỉ có ở Táo Quân là tất cả mọi người đều xem, đều kỳ vọng với tất cả thị hiếu và hỷ nộ ái ố rất khác nhau.

Việc giành được huy chương vàng trong trái tim khán giả ở một trận đấu đặc biệt như vậy quả thật là vô cùng khó khăn nếu như đam mê và khát vọng thi đấu của các vận động viên – nghệ sỹ ấy không còn sôi sục như thủa ban đầu.

Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh của nghệ sỹ Tự Long với những bài hát chế đã đi vào huyền thoại như "nhìn cảnh toàn dân đua nhau bơi lội cứ như hội thi, người dân phấn khởi nay phố mát hơn mọi khi"; Xuân Bắc và Công Lý song ca "money money money, chỉ cần như thế, không cần xét giấy tờ"…

Những ca khúc mà thế hệ chúng tôi đã nghe đi nghe lại và tập nhiều lần để hát trong các buổi liên hoan, hội trại, nhậu nhẹt cùng bạn bè…

Đó là những cống hiến, những pha bóng đã để lại huy chương vàng trong lòng người hâm mộ, nhiều tháng, nhiều năm sau. Với những ca từ và thể hiện đầy khát khao, cháy bỏng cống hiến, đầy sâu sắc và duyên dáng.

Tôi nhớ một nghệ sỹ đã từng tâm sự rằng, để có những câu thoại, lời ca đặc sắc trong Táo Quân, các anh đã phải đi sưu tầm tới từng câu nói vui, câu chém gió trong các quán trà đá vỉa hè, quán bia, quán rượu, từ các bác xích lô, tới các bác bán hàng ở chợ…

Có ý nào hay là mở sổ ghi chép vào và cuối cùng chỉ để chọn lọc được 1 vài câu hay đưa vào lời thoại cho đêm diễn. Sự đam mê và sáng tạo đó đã tạo ra hiệu quả to lớn.

Thời gian đã trôi qua thật mau, như Tự Long đã hát bài hát về căn nhà cấp bốn của anh trong Táo Quân cách đây vài năm, "nhà cấp bốn giờ đã cho thuê, tôi đi ở chỗ khác, một tháng 400 đô, nên đủ tiền để mua ô tô…".

Đến trận chung kết Táo Quân 2018 năm nay, nhiều nghệ sỹ trong vai Táo hẳn đã thành danh, nhiều anh, chị đã ở vị trí lãnh đạo và quản lý mà nhiều người phải mơ ước, được tặng các danh hiệu nghệ sỹ ưu tú, nhân dân.

Nhưng sao tôi vẫn ước ao được nghe anh Tự Long hát đầy đam mê và khao khát như ngày anh còn đóng vai ông Táo Thoát nước gần 10 năm trước chứ không phải là hát về facebook như năm nay, tôi vẫn muốn nghe anh Xuân Bắc và Công Lý đối đáp như cái thời mà các anh còn chưa được phong danh hiệu cấp nhà nước...

Trận chung kết cuộc đời Táo Quân: Tiếp tục hay dừng lại? - Ảnh 5.

Chỉ có Ngọc Hoàng là vẫn như vậy, như chính anh Quốc Khánh đã hát vào năm con gà "Năm nay năm con gà, còn Ngọc Hoàng thì vẫn là ta". Tất nhiên mơ ước cũng vẫn chỉ là mơ ước thôi…

Các anh chị, từ đạo diễn đến các nghệ sỹ đều đang ở độ tuổi 40 đến 50 tuổi, độ tuổi chín muồi của sự nghiệp diễn, của nghề diễn như tôi hiểu một cách thô vụng như thế.

Các anh chị vẫn tập luyện và lao động hăng say, miệt mài, đổ mồ hôi vất vả hơn cả 15 năm trước, bởi khi đó các anh chị còn trẻ, khỏe hơn bây giờ rất nhiều.

Nhưng có lẽ khát khao khẳng định bản thân và cống hiến đã không còn như trước nữa, vì vậy mà mỗi trận Chung kết Táo Quân hàng năm với các anh chị có lẽ đã không còn là một trận chung kết của cuộc đời, nơi thể hiện khát khao mãnh liệt để khẳng định mình, để cống hiến mà giống như đội tuyển Argentina năm 1990 của Maradona trong giai đoạn đi xuống của sự nghiệp, cố gắng kéo đối thủ đến loạt Penalty để hạ họ bằng loạt may rủi…

Thế nhưng tôi lại nhìn thấy trong ánh mắt của những nghệ sỹ trẻ, những nghệ sỹ đóng vai phụ, chưa được đóng vai Táo những khát vọng cống hiến và thể hiện mình, nhưng rất tiếc là họ chưa thể vào sân đá chính, bởi vì dù sao đó cũng là một trận chung kết và trận chung kết đó, nếu theo triết lý bóng đá thực dụng, thì phải đá một cách an toàn, luôn luôn không được phép thua… cho nên không thể sử dụng những cầu thủ trẻ một cách quá phiêu lưu được…

Các em U23 Việt Nam ngày hôm nay sẽ không thể mãi mãi sống với ký ức hào hùng của mưa tuyết ở Thường Châu. Vào các cuộc đấu mới, với những đối thủ ở cấp đội tuyển quốc gia, mạnh hơn, tinh ranh hơn, có đẳng cấp hơn.

Đó sẽ là một cuộc đấu rất khác. Và ở đó, trong môi trường khắc nghiệt ấy, chắc chắn sẽ có nhiều em không thể có được những vinh quang như đã từng có với U23 Việt Nam ngày hôm nay.

Và cũng còn có nhiều cầu thủ giỏi và huấn luyện viên giỏi khác cũng rất khát khao nhưng chưa bao giờ được đá trận chung kết Táo Quân, trận chung kết của cuộc đời ấy. Họ cũng rất khát khao có một cơ hội.

Và khi cơ hội tới, tôi tin chắc rằng những người có khát vọng và niềm đam mê cháy bỏng sẽ thi đấu hết mình, cống hiến tới hơi sức cuối cùng.

Bởi trận chung kết đó đã là của hàng chục triệu khán giả truyền hình của cả đất nước mình, từ Bắc, Trung, Nam, không phải của riêng cá nhân ai, của riêng một vùng miền nào nữa…

Tôi còn nhớ cách đây đã nhiều năm, có một chương trình hài có tên gọi là Gặp nhau cuối tuần, rất được hâm mộ và yêu thích.

Thế rồi thời gian trôi qua, chương trình ấy do không còn thu hút được khán giả mỗi dịp cuối tuần nữa, ai đó đã gọi chương trình đó bằng cái tên vui là "Vật nhau đuối dần".

Để kết thúc cho những dòng tâm sự đầu năm của mình, tôi xin kể câu chuyện về cậu con trai nhỏ của tôi, chỉ mới 10 tuổi, học lớp 4, hôm đó nói với tôi rằng, bố đã nghe Đi để trở về của Soobin Hoàng Sơn chưa. Tôi không biết người ca sỹ đó là ai, bài hát đó là bài hát nào.

Và khi con trai tôi nói như vậy, tôi đã quyết định nghe thử bài hát. Đó là một ca sỹ và một bài hát rất được giới xì tin bây giờ hâm mộ.

"Cuộc đời thật đẹp khi được đi muôn nơi xa xôi rộng lớn, nhưng ta vẫn có nơi để trở về sau mỗi chuyến đi, điều kỳ diệu là con người ta đi xa hơn để trưởng thành hơn".

Trận chung kết cuộc đời Táo Quân: Tiếp tục hay dừng lại? - Ảnh 7.

Tôi suy nghĩ về điều ấy. Và Táo Quân, những trận chung kết của cuộc đời, có lẽ sẽ cần tiếp tục đi tới một nơi thật xa xôi rộng lớn hơn, để trở về và để trưởng thành hơn.

Để mỗi trận chung kết của cuộc đời ấy, Táo Quân luôn giành giải Fairplay trong lòng người hâm mộ - những huy chương vàng đích thực, dù kết quả có như thế nào đi nữa…

Theo Nguyễn Phước Thắng

Trí thức trẻ


Táo quân 2018


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.