Yêu thích và kinh doanh đồ hiệu, chị Linh - chủ một
tiệm ảnh có tiếng ở phố Lê Trực, Hà Nội cho rằng 90% tín đồ hàng hiệu
Việt Nam không am hiểu về món hàng mình mua.
"Chỉ khoảng 10% còn lại là những người hiểu biết thật sự về đồ hiệu", chị Linh nhận xét.
Theo chị, nhiều người có tiền vội vã đi mua hàng hiệu mà không biết rằng món đồ đó hoàn toàn không phù hợp hoặc chưa chắc đã phải là hàng thật.
"Có người quen của tôi bỏ ra 15 triệu đồng để mua túi xách nữ tại một trung tâm thương mại, gắn mác thương hiệu nổi tiếng. Nhưng vừa nhìn qua tôi đã biết chắc đó là hàng "fake", thân túi là hàng Trung Quốc có giá nhập chưa đến 2 triệu đồng và chỉ có cái mác là giống hàng hiệu", chị Linh kể.
![]() |
Sự cố Gucci & Milano khiến nhiều người thay đổi thói quen mua sắm hàng hiệu. Ảnh: Quốc Thắng |
Thường xuyên đi du lịch nước ngoài và cũng nhiều bạn bè, người thân ở nước ngoài, chị Linh nhập giày dép, quần áo, đồng hồ của các hãng Gucci, Salvatore, Chanel, hay Hermes về bán lại. Chị chỉ bán cho bạn bè, khách quen, những người am hiểu thật sự về sản phẩm.
Chung quan điểm với chị Linh, chị Phương, một đại diện bán hàng của Âu Châu, công ty chuyên phân phối các hàng hiệu cho biết nhiều người chỉ nhìn thấy cửa hàng lớn, ở trung tâm thương mại đẳng cấp là choáng ngợp và vội tin ngay vào sản phẩm.
"Sự cố ở Gucci & Milano là một ví dụ. Đến khi hai cửa hàng này bị niêm phong, nhiều người mới ngã ngửa và vội đi kiểm tra lại nguồn gốc hàng đã mua", chị Phương nhận xét.
Cả chị Phương và chị Linh đều cho rằng không phải cứ đắt tiền là hàng đẹp và nhiều khi giá trị của hàng hiệu lại nằm chủ yếu ở cái mác. Như thương hiệu Hermes đã có từ hàng trăm năm nay với uy tín hàng đầu thế giới, nên giá có thể lên đến hàng trăm triệu mỗi chiếc túi. Tuy nhiên chất liệu da của chúng không hẳn tốt nhất. "Nhiều thương hiệu đồ da của Italy có chất lượng tôt hơn nhưng vì tên tuổi của họ chưa vươn xa như Hermes nên có giá rẻ hơn", chị Linh cho biết.
Xem xét kỹ hóa đơn, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và các loại certificate đi kèm là bí quyết để phân biệt hàng thật, hàng giả, chị Linh đưa ra lời khuyên cho khách. Tất cả những sản phẩm của các hãng có tên tuổi đều có các loại thẻ, giấy chứng nhận đi kèm.
Ngoài ra, khách hàng phải "học thuộc" một danh sách các bí quyết phân biệt thật giả với từng thương hiệu. Ví dụ như sản phẩm LV luôn đi kèm một "data code" và một dãy serie, ghi rõ ngày tháng sản xuất. Hay với sản phẩm của Burberry, dây mác của sản phẩm luôn là màu xanh tím trong khi hàng fake thường là màu nâu. Logo trên áo Polo của Lacoste có hình con cá sấu được thêu chi tiết đến từng chiếc răng, còn trên logo áo "fake" không có cái răng nào hoặc răng "lưa thưa".
Tuy nhiên, hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi đến mức kể cả người trong ngành nhiều khi cũng "hoa mắt". Có lần chị Phương cầm trên tay hai chiếc túi LV thật và giả mà không thể nhận ra chiếc nào là hàng thật vì chúng quá giống nhau, chiếc túi fake cũng có cả số seris như thật. Chiếc túi LV fake giá chỉ 2,2 triệu đồng còn hàng xịn lên đến 1.600 đôla Mỹ (hơn 30 triệu đồng).
![]() |
Một "góc" trong bộ sưu tập giày của chị Linh. |
Sự cố Gucci & Milano bị niêm phong sẽ ảnh hưởng nhiều đến thói quen mua sắm hàng hiệu của người dân, những chuyên gia trong ngành đồ hiệu nhận định. Thay vì cứ có tiền là vung tay như trước, giờ đây khách hàng sẽ trở nên thận trọng hơn nhiều.
Ngoài ra, kinh tế suy thoái cũng ảnh hưởng ít nhiều đến lực mua sắm, chị Linh cho biết. Có những khách hàng của chị trước đây tháng nào cũng "order" (đặt hàng) thì nay vài ba tháng mới mua một lần.
Là một tín đồ hàng hiệu, bản thân chị Linh có một tủ quần áo giày dép đồ sộ. Trong đó riêng tủ giày chứa hơn 100 đôi đủ các nhãn hiệu lớn trên thế giới. "Đôi giày tôi thích nhất có giá hơn 1.000 USD", chị Linh tiết lộ. Với giày moka, chị Linh thích đi của hãng Tod, hay cao gót chị thường chọn Gucci hoặc Salvatore, quần áo váy vóc cho cả nhà chị thường chọn của Burberry.
Còn với chị Phương, chị cho biết mình không phải là
tín đồ hàng hiệu. Với những thương hiệu bình dân như Mango, Diesel, thu
nhập 20 đến 40 triệu đồng là có thể mua. Nhưng với những sản phẩm như
Salvatore, Rolex, người nào kiếm được hàng trăm triệu đồng mỗi tháng mới
nên sở hữu, chị Phương nhận định.
Theo Vnexpress