Một tuần sau thông tin đường dây sản xuất gần 600 loại sữa giả bị phanh phui, người dân bất an, lo lắng, nhưng câu hỏi về trách nhiệm quản lý, hậu kiểm khi để để số lượng rất lớn các loại sữa giả “lọt" ra thị trường vẫn còn bỏ ngỏ.
“Một mâm cơm 5 người quản lý”
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dùng cụm từ này khi đề cập đến vấn đề “trách nhiệm thuộc về ai” trong vụ đường dây sản xuất, kinh doanh gần 600 loại sữa giả.
Cụ thể, ngày 17/4, tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nêu, Quốc hội từ 5 khóa nay đều bàn vấn đề "một mâm cơm 5 người quản lý". Đến vấn đề sữa giả này, ai chịu trách nhiệm?
Sữa giả cũng làm "nóng" không khí thảo luận khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2024.
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải thẳng thắn đặt vấn đề hàng trăm loại sữa giả trong đường dây này được bày bán công khai trên thị trường suốt 4 năm qua, liệu có tồn tại những "lỗ hổng, khoảng trống" trong công tác quản lý thị trường sữa và trong các văn bản pháp lý?
Điểm chung trong 2 ý kiến này là đều nhắc đến thông tin về trách nhiệm của Bộ Công Thương và Bộ Y tế.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết, không thực hiện việc cấp phép và quản lý trực tiếp các sản phẩm do 2 công ty này đang sản xuất, kinh doanh. Bộ này cho biết “chỉ có thể tiến hành kiểm tra đối với các doanh nghiệp này khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao”.
Theo Bộ Công Thương, các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt hiện do Bộ Y tế quản lý.
Một ngày sau khi Bộ Công Thương lên tiếng, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, hiện nay đa phần việc quản lý thực phẩm đã phân cấp về địa phương và giao địa phương quản lý. Thực tế, quy định hiện hành giao Bộ Y tế quản lý nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm.
Một quy trình sản xuất sữa của Hacofood trong video quảng cáo. Ảnh cắt từ clip
Ngoài việc phân cấp quản lý về địa phương, Bộ Y tế còn cho rằng, trách nhiệm của cá nhân/tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm rất quan trọng, thông qua việc được trao quyền “tự công bố, và đăng ký bản công bố” sản phẩm, cá nhân/tổ chức sản xuất phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hồ sơ, “chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm đã công bố”.
Về phần trách nhiệm của mình, Bộ Y tế lý giải đã "ban hành các kế hoạch thanh tra, kiểm tra".
Do phân cấp quản lý về địa phương nên Cục An toàn thực phẩm ngày 14/4 có công văn yêu cầu các địa phương rà soát, cung cấp thông tin liên quan đến đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa giả.
Trả lời trên truyền hình, Sở Y tế Hoà Bình nhận trách nhiệm khi để "lọt lưới" hàng trăm loại sữa giả thời gian qua. Đây là nơi tiếp nhận hơn 300 hồ sơ công bố sản phẩm thuộc 4 công ty trong đường dây trên (chiếm hơn 50% tổng số loại sữa). Dù vậy, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hòa Bình chưa một lần hậu kiểm bất kỳ sản phẩm nào của 4 công ty.
Sữa giả "lọt" vào bệnh viện, bác sĩ quảng cáo sữa giả, người tiêu dùng biết tin ai?
Sữa trong đường dây của công ty sản xuất gần 600 loại sữa giả không chỉ được bán công khai trên thị trường, mà còn “lọt” vào bệnh viện. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) thừa nhận có sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus (của Công ty Dược Rance) được cung ứng trong bệnh viện. Thực tế, không ít bệnh nhân được nhân viên y tế tại đây tư vấn dùng sữa này ngay sau khi phẫu thuật.
Để vào Bệnh viện 108, sữa Hofumil Gold Plus phải “trải qua quá trình đấu thầu rộng rãi đúng quy định pháp luật”. Bệnh viện cho rằng, nếu sữa này được kết luận là giả thì “bệnh viện và người bệnh là bên bị hại".
Sữa Hofumil Gold Plus được cung ứng trong Bệnh viện 108. Ảnh: NVCC
Rất nhiều vấn đề được đặt ra từ đây. “Có phải chỉ dừng lại ở Bệnh viện 108 hay không hay còn nhiều bệnh viện khác cũng để lọt sữa trong đường dây rúng động gần 600 loại sữa giả? Bộ Y tế thay vì chỉ yêu cầu các địa phương rà soát thì cũng nên yêu cầu các bệnh viện rà soát xem sữa giả có ‘lọt’ vào nội viện hay không”, độc giả Thế Anh nêu ý kiến.
Trong khi đó, nhiều người dân, người bệnh bày tỏ hoang mang khi sữa giả đã vào tới bệnh viện một cách công khai, ‘chính thống’. “Bệnh nhân khi vào viện, tin thầy thuốc hơn tất cả. Đương nhiên khi được tư vấn sữa nào đều nghe, mà sữa có rẻ đâu. Trách nhiệm của bệnh viện ở đâu khi để loại sữa này trúng thầu? Bên nào kiểm soát chất lượng và nguồn gốc”, bạn đọc Q.A bày tỏ.
Độc giả có tên H.L cho rằng, các khuyến cáo của y tế đều nói trước khi dùng loại sữa gì, đặc biệt cho trường hợp bệnh lý, cần tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế, bác sĩ dinh dưỡng.
Thế nhưng, trong bệnh viện thì nhân viên y tế tư vấn dùng, trên quảng cáo thì bác sĩ nổi tiếng nói rất hay về sản phẩm, kêu ‘yên tâm sử dụng’, cuối cùng khi phát hiện sản phẩm, công ty sản xuất đó đều nằm trong đường dây sữa giả, bệnh viện kêu ‘bị hại’, bác sĩ quảng cáo kêu ‘bị lợi dụng’, vậy người sử dụng biết tin ai?
Trong công điện được thông báo tối 17/4, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra kết luận về vụ án sản xuất, buôn bán sữa bột giả để thông tin cho người tiêu dùng; sớm xét xử.
Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ tăng cường quản lý thị trường, sớm phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo rà soát, xử lý các sai phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm trên báo chí, môi trường mạng và các xuất bản phẩm.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì rà soát quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm với sản phẩm sữa; có biện pháp xử lý phù hợp, đề xuất sửa đổi quy định hiện hành trong trường hợp cần thiết.
UBND các tỉnh, thành được giao kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm với sản phẩm sữa trên địa bàn phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Xem link gốc
https://vietnamnet.vn/gan-600-loai-sua-gia-lot-luot-cau-hoi-trach-nhiem-con-bo-ngo-2392476.html?fbclid=IwY2xjawJumulleHRuA2FlbQIxMAABHumP_6e_F7nTJgJN8HX8t_4scjPe4ut8VFXD5lY5EWANBKcla0bOY1KceUi9_aem_EYkvTj4SBDU-W7vae4hRZQ