Bác sĩ kể kỳ tích cứu em bé ngừng tim, ngừng thở trong khu cách ly

Em bé mắc bệnh bại não nên các cơ hô hấp yếu, lại có tiền sử viêm phế quản. Nếu chỉ cấp cứu muộn một vài phút, bệnh nhi sẽ có khả năng tử vong rất lớn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đương (Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương) là bác sĩ điều trị chính tại khu cách ly Đại học Sao Đỏ (TP. Chí Linh, Hải Dương). Khoảng 600 trường hợp cách ly tại nơi này đều thuộc diện F1 hoặc ca nghi nhiễm Covid-19.

9h sáng 8/2, anh Đương đang khám cho một số người có bệnh nền, chợt nghe thấy tiếng la thất thanh, hò hét rất lớn dưới sảnh tầng 1: “Có người ngừng thở, ngừng tim rồi”.

Hỏi qua về tình hình, bác sĩ Đương lập tức chạy tới phòng của trường hợp đang nguy kịch. Bệnh nhân là một bé trai 11 tuổi, bị bại não.

Khi bác sĩ tiếp cận được bệnh nhi, cháu bé đã tím tái, tim không còn đập. Người mẹ ngồi cạnh gào khóc trong tuyệt vọng. Chị cho biết vừa dùng xilanh bơm sữa cho con uống thì cháu bị sặc. Người mẹ cố gắng vỗ lưng cho con nhưng tình hình càng nghiêm trọng.

Nhận định đây là trường hợp sặc sữa gây tắc nghẽn đường thở, suy hô hấp, bác sĩ Đương ngay lập tức tiến hành khai thông đường thở, lấy các dịch mũi họng làm bít tắc đường thở và cấp cứu ngừng tuần hoàn.

Lúc này, một điều dưỡng tại khu cách ly và một cán bộ trong đoàn công tác của Sở Y tế cũng vào giúp sức khi biết tin.

Bác sĩ kể kỳ tích cứu em bé ngừng tim, ngừng thở trong khu cách ly-1

Bác sĩ Nguyễn Văn Đương tại khu cách ly Đại học Sao Đỏ (TP. Chí Linh, Hải Dương) - Ảnh: Phạm Công

Sau khoảng vài phút ép tim liên tục, bóp bóng, tim của bệnh nhi đã có dấu hiệu đập trở lại. “Cả gian phòng như vỡ òa. Chúng tôi rất mừng vì cứu được cháu bé”, bác sĩ Đương chia sẻ.

Ngay sau đó, cháu bé được các bác sĩ của Trạm Y tế phường Thái Hòa đem thêm trang thiết bị, thuốc men vào tiếp tục hồi sức. Xe cấp cứu của Bệnh viện Nhi Hải Dương nhanh chóng đón cháu bé lên tuyến trên điều trị.

Bác sĩ Đương cho hay, bệnh nhi mắc bại não nên các cơ hô hấp yếu, lại có tiền sử viêm phế quản nên khả năng hô hấp kém. Nếu chỉ cấp cứu muộn một vài phút, cháu bé sẽ có khả năng tử vong rất lớn.

Ở khu cách ly tập trung Đại học Sao Đỏ, nhóm hỗ trợ y tế gồm 10 người. Trong đó, bác sĩ Nguyễn Văn Đương nhận nhiệm vụ điều trị chính. Ngoài ra, khu cách ly còn có 3 điều dưỡng, 2 kỹ thuật viên và 4 sinh viên tình nguyện.

Người cách ly tại Đại học Sao Đỏ đặc biệt hơn các khu khác bởi rất nhiều trường hợp là bệnh nhân tại Trung tâm Y tế TP. Chí Linh, có liên quan dịch tễ với các ca dương tính nên phải chuyển cách ly.

Các bệnh nhân cao tuổi đa số mắc bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch. Những ngày thời tiết lạnh, “trái gió trở trời”, bệnh nền thường diễn tiến xấu rất nhanh. Bên cạnh đó, khu cách ly cũng tiếp nhận rất đông trẻ em. Do các hệ cơ quan còn yếu, trẻ nhỏ hay gặp các vấn đề về ho sốt, tiêu chảy.

Bác sĩ kể kỳ tích cứu em bé ngừng tim, ngừng thở trong khu cách ly-2

Bác sĩ Đương thăm khám cho các bệnh nhân tại khu cách ly - Ảnh: Phạm Công

Mỗi ngày, tổ y tế chia làm các nhóm, thực hiện nhiệm vụ khác nhau. Một nhóm lo việc phát thuốc, tiêm thuốc cho các bệnh nhân mắc bệnh nền. Một đội đi đo nhiệt độ tất cả những người cách ly 2 lần mỗi ngày, hỏi từng người có xuất hiện triệu chứng đặc biệt như ho, khó thở hay không.

Ngoài ra, bác sĩ sẽ kiêm nhiệm thêm cả việc trực tại phòng cố định để người có vấn đề sức khỏe được khám bệnh.

Bác sĩ Đương tâm sự, ở khu cách ly, trang thiết bị, vật tư, thuốc men đều thiếu thốn, không đầy đủ như các cơ sở y tế. Bởi vậy, nhân viên y tế phải rất nỗ lực để thực hiện mục tiêu đảm bảo điều trị tại chỗ cho người bệnh, hạn chế khả năng lây lan mầm bệnh ra bên ngoài.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các y bác sĩ đôi lúc gặp rất nhiều khó khăn.

Mới nhất, bác sĩ Đương điều trị cho 2 bệnh nhi nhỏ tuổi là chị em ruột. Bố mẹ các cháu đều dương tính SARS-CoV-2, hai bệnh nhi và ông bà thuộc diện F1. Các cháu bị trướng bụng, đi ngoài, ông bà lo lắng nên một mực muốn chuyển tuyến điều trị, thậm chí rất căng thẳng với nhân viên y tế.

Bác sĩ Đương phải kiên nhẫn giải thích, thuyết phục gia đình, đồng thời mời bác sĩ bên ngoài mang các trang thiết bị hiện đại vào cùng khám, hội chẩn. May mắn, sau đó tình trạng bệnh nhi ổn định dần.

10 thành viên của tổ y tế, khu cách ly Đại học Sao Đỏ đều tình nguyện đăng ký vào tâm dịch Chí Linh hỗ trợ ngay khi dịch mới bắt đầu bùng phát. Cường độ làm việc liên tục để chăm sóc y tế cho 600 người cách ly, họ quên đi cả khái niệm không gian, thời gian.

“Mỗi buổi sáng dậy, chúng mình mặc đồ bảo hộ, leo 5 tầng của các khu nhà, vào từng phòng, đo nhiệt độ và khai thác tình hình của từng người. Xong một vòng cũng là đến trưa. Đầu giờ chiều tiếp tục công việc ấy, xong hết cũng đến tối. Mình thậm chí không nhớ hôm nay đã là ngày bao nhiêu Tết”, Phạm Thu Trang, sinh viên Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, thành viên tổ y tế chia sẻ.

Bác sĩ Đương tâm sự, đêm 28/1, khi có thông tin kêu gọi nhân viên y tế vào tâm dịch Chí Linh hỗ trợ điều trị, anh đã đăng ký tham gia và lên đường ngay sáng sớm 29/1.

“Hải Dương là quê hương tôi, các nhân viên y tế đang vất vả trong tâm dịch cũng là đồng nghiệp của tôi. Chung thêm một cánh tay sẽ giúp công việc của mọi người được giảm tải hơn, đỡ vất vả hơn, lại tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dân. Tôi hy vọng có thể góp chút sức nhỏ giúp dịch bệnh nhanh qua đi”, bác sĩ Đương nói.

Theo VietNamNet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.