Báo Mỹ: Bí ẩn đằng sau khả năng miễn dịch với COVID-19 và phương án đưa bác sĩ khỏi bệnh lên "tiền tuyến"

Miễn dịch của cơ thể đối với virus corona chủng mới ở những người đã khỏi bệnh sẽ đem lại một số lợi ích cho quá trình phòng chống đại dịch COVID-19.

Báo Mỹ: Bí ẩn đằng sau khả năng miễn dịch với COVID-19 và phương án đưa bác sĩ khỏi bệnh lên tiền tuyến-1
Ảnh: Xinhua/Alamy Live News

Miễn dịch của cơ thể

Khi số lượng người nhiễm COVID-19 trên thế giới vượt qua ngưỡng 450.000 ca trên toàn cầu và hơn 1 tỉ người buộc phải thực hiện lệnh phong tỏa, các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang tìm đáp án chính xác cho câu hỏi hóc búa: Những người đã khỏi bệnh có thể trở nên miễn dịch trước virus corona hay không?

Theo New York Times, câu trả lời gần như chắc chắn là có, với một số trường hợp ngoại lệ. Thông tin này rất quan trọng và có thể có ích trong nhiều trường hợp. Ví dụ, những người được xác nhận đã có miễn dịch với COVID-19 có thể đi ra khỏi nhà và giúp đỡ chăm sóc những người khác cho tới khi vaccine được hoàn thành. Đặc biệt, những nhân viên y tế có kháng thể với COVID-19 sẽ điều trị cho những bệnh nhân ốm nặng một cách hiệu quả hơn.

Một xã hội với nhiều người có kháng thể cũng sẽ giúp kết thúc dịch bệnh: khi ngày càng có ít người để lây nhiễm, virus corona sẽ mất đi lợi thế và thậm chí những người dễ bị lây bệnh nhất cũng tránh được nguy cơ từ virus.

Sự miễn dịch cũng có ích cho quá trình chữa trị sớm. Kháng thể thu được từ những người đã khỏi bệnh có thể được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh.

Mới đây, thống đốc Andrew M. Cuomo thông báo New York sẽ là bang đầu tiên ở Mỹ thử nghiệm sử dụng kháng thể từ người khỏi bệnh để chữa cho những ca mắc COVID-19 có triệu chứng nặng.

"Sở Y tế New York đã làm việc với các cơ quan y tế tốt nhất thành phố, và chúng tôi nghĩ sẽ có tiến triển tích cực," ông Cuomo nói.

Cơ chế phòng thủ đầu tiên của cơ thể trước virus là một kháng thể có tên immunoglobulin M, có nhiệm vụ "báo động" cho phần còn lại trong hệ thống miễn dịch trước sự xâm nhập của virus và vi khuẩn.

Sau khi cơ thể bị nhiễm bệnh, hệ thống miễn dịch sẽ biến kháng thể này thành loại thứ 2, có tên immunoglobulin G, được thiết kế đặc biệt nhằm nhận dạng và vô hiệu hóa một loại virus nhất định.

Quá trình thay đổi này có thể sẽ mất cả tuần; một số người tạo ra được kháng thể đủ mạnh để chống lại lây nhiễm, trong khi cơ thể những người khác chỉ có phản ứng nhẹ với virus.

Kháng thể được tạo ra trong quá trình chống lại một số loại virus - ví dụ như bệnh bại liệt hoặc bệnh sởi - có thể đảm bảo miễn dịch suốt cuộc đời. Nhưng kháng thể với dòng virus corona chỉ có thể tồn tại trong khoảng 1 năm tới 3 năm - và điều này có thể đúng với cả virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).

Ích lợi của miễn dịch với COVID-19

Một nghiên cứu đối với những con khỉ bị nhiễm virus corona chủng mới cho thấy một khi nhiễm bệnh, khỉ tạo ra kháng thể để kháng cự lại virus. Nhưng hiện tại vẫn chưa rõ miễn dịch này ở khỉ - hoặc ở người - kéo dài bao lâu.

Một số người bị nhiễm bệnh trong đại dịch SARS có miễn dịch từ 8 năm tới 10 năm với bệnh này. Vineet D. Menachery, một nhà virus học tại Đại học Texas, cho biết những người khỏi bệnh MERS - một dòng virus corona khác - có miễn dịch trong thời gian ngắn hơn. Theo ông Menachery, người nhiễm COVID-19 sẽ có miễn dịch trong ít nhất từ 1 năm tới 2 năm. "Còn việc liệu họ có miễn dịch lâu hơn hay không, chúng tôi không thể đoán được," ông nói.

Tuy nhiên, kể cả khi miễn dịch không còn và bị mắc bệnh lần thứ 2, bệnh nhân sẽ có triệu chứng nhẹ hơn nhiều so với lần đầu - Florian Krammer, một nhà vi sinh học tại Trường Y Icahn ở New York, cho biết.

Theo ông, thậm chí sau khi cơ thể ngừng sản xuất kháng thể, một tập hợp các tế bào có bộ nhớ miễn dịch có thể tái kích hoạt để phản ứng hiệu quả với virus.

Một câu hỏi quan trọng khác là liệu trẻ em và người lớn có triệu chứng nhẹ có tạo ra miễn dịch đủ mạnh hay không.

Tiến sĩ Marion Koopmans, một nhà virus học tại Đại học Erasmus ở Rotterdam, đã nghiên cứu các phản ứng kháng thể lấy từ 15 bệnh nhân và nhân viên y tế nhiễm COVID-19. Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng thêm mẫu máu của 100 người từng bị nhiễm với 1 trong 4 loại virus corona gây ra bệnh cúm. 

Theo tiến sĩ Koopmans, nếu những mẫu máu này cho thấy phản ứng kháng thể đối với virus corona chủng mới, thì điều này sẽ lí giải tại sao một số người chỉ có triệu chứng nhẹ. Những kháng thể với virus chủng cũ được cho là có hiệu quả nhất định trong việc đề kháng virus chủng mới.

Theo cơ quan y tế của Anh, những người đã có miễn dịch với COVID-19 có thể quay trở lại sinh hoạt bình thường. 

Ngoài ra, miễn dịch đặc biệt có ích đối với các nhân viên y tế. Những người này có thể "chiến đấu" trên tiền tuyến thay cho những người chưa nhiễm bệnh.

Angela Rasmussen, một nhà virus học tại Đại học Columbia ở New York, nói: "Nếu miễn dịch kéo dài trong nhiều tháng, ví dụ trong vòng 18 tháng như một số chuyên gia dự đoán, thì việc có những nhân viên y tế có miễn dịch với COVID-19 sẽ thực sự rất, rất hữu ích".

Tìm ra những người có kháng thể mạnh cũng góp phần không nhỏ cho việc tạo ra cách chữa trị mới. Một số bác sĩ đã đưa kháng thể từ máu của bệnh nhân đã phục hồi vào cơ thể người đang nhiễm bệnh và đạt được một số hiệu quả nhất định.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết cần phải có những quy chuẩn an toàn trước khi áp dụng phương pháp này trên diện rộng, ví dụ như đảm bảo máu của bệnh nhân hồi phục không chứa virus và các chất độc hại.

Theo ICT Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc http://ictvietnam.vn/bao-my-bi-an-dang-sau-kha-nang-mien-dich-voi-covid-19-va-phuong-an-dua-bac-si-khoi-benh-len-tien-tuyen-82020273659437.htm

Covid-19

virus corona

dịch bệnh

virus


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.