Cách đếm nhịp thở cho trẻ mắc Covid-19 tại nhà để biết bệnh trở nặng

Theo bác sĩ, khi chăm sóc, điều trị trẻ mắc Covid-19 tại nhà, về vấn đề hô hấp, bố mẹ cần phải đặc biệt chú ý đến các triệu chứng đường hô hấp của trẻ, đặc biệt là nhịp thở.

Thời gian gần đây, số ca nhiễm trên cả nước tăng cao khiến số lượng trẻ mắc Covid-19 và chuyển nặng cũng tăng.

Theo Bộ Y tế, 3 tiêu chí lâm sàng đối với trẻ là F0 điều trị tại nhà là trẻ em ≤ 16 tuổi mắc Covid được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên do người chăm sóc tự làm tại nhà hoặc do nhân viên y tế, cơ sở y tế thực hiện.

Trẻ không có triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (không khó thở, không suy hô hấp, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời, nhịp thở bình thường theo tuổi).

Thứ 3, trẻ không có bệnh nền hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định. Đồng thời, trẻ phải có bố, mẹ, người thân... có khả năng chăm sóc, theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, có khả năng liên lạc với nhân viên y tế (qua các phương tiện như điện thoại, máy tính...) để được nhân viên y tế theo dõi, giám sát và xử trí khi có tình trạng cấp cứu.

PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng, Phó chủ nhiệm Bộ môn Nội Khoa Y - Đại học Quốc Gia Hà Nội, cho biết, trẻ nhỏ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ điều trị ở nhà là hoàn toàn phù hợp, điều này giúp tránh quá tải cho ngành y tế.

Tuy nhiên, việc điều trị ở nhà, thậm chí là trẻ không có triệu chứng, phụ huynh không nên chủ quan. Dù tỷ lệ trẻ nhỏ gặp triệu chứng nặng không cao nhưng phụ huynh, cán bộ y tế được phân công giám sát, hướng dẫn vẫn phải quan tâm để phát hiện kịp thời trẻ chuyển nặng.

"Điều đầu tiên phải chú ý đến thân nhiệt của trẻ và điều thứ 2 cũng rất quan trọng chính là hệ hô hấp của trẻ", PGS.TS.BS Phượng tư vấn.

PGS Phượng cho biết, nếu trẻ sốt trên 38.5 độ, cho uống hạ sốt theo hướng dẫn. Nếu trẻ uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ, cần phải nhờ đến sự trợ giúp của cán bộ y tế có chuyên môn. Qua thăm khám, tư vấn cán bộ y tế sẽ quyết định có chuyển trẻ đến cơ sở y tế điều trị hay không.

Về vấn đề hô hấp, bố mẹ cần phải đặc biệt chú ý đến các triệu chứng đường hô hấp của trẻ, đặc biệt là nhịp thở. PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng lưu ý, đo chỉ số SpO2 với trẻ nhỏ đôi khi rất khó hoặc không đo được, hơn nữa kỹ thuật không đúng cũng dễ dẫn tới sai lệch. Do vậy, việc đếm nhịp thở là rất quan trọng.

"Ví dụ, trẻ dưới 12 tuổi nếu nhịp thở của trẻ trên 30 lần/phút hoặc trẻ từ 2 đến dưới 12 tháng nhịp thở trên 60 lần/phút, lúc đó cần phải nhờ đến sự can thiệp, tư vấn của bác sĩ", bác sĩ Phượng chia sẻ.

Việc đo nhịp thở cho trẻ các bố mẹ cũng phải hết sức lưu ý, tốt nhất là dùng tay để đo để có kết quả chính xác nhất bởi dùng máy móc, thiết bị nhưng không biết vận hành, kết quả sẽ sai lệch.

"Để đo tốc độ và nhịp thở của trẻ, bố mẹ có thể đặt tay dưới vòm hoành lồng ngực (hõm ức) rồi đếm theo nhịp tay số lần ngực trẻ nhấp lên và hạ xuống trong một phút. Hoặc cũng có thể nhìn vào hõm cổ của trẻ rồi đếm theo nhịp thở. Nếu nhịp thở ở ngoài phạm vi bình thường cho từng độ tuổi của trẻ, có thể trẻ đang có vấn đề về sức khỏe.

Trường hợp không biết đo, đếm nhịp thở của trẻ, phụ huynh có thể nhìn các biểu hiện khác như cánh mũi phập phồng, lồng ngực co kéo, thở dốc, quấy khóc không ngừng…Đây chính là những dấu hiệu cần phải liên hệ ngay với cơ sở y tế", PGS.TS.BS Hoàng Thị Phượng tư vấn.

Những điều cần chú ý khi theo dõi sức khỏe trẻ mắc Covid-19 tại nhà:

Đối với trẻ dưới 5 tuổi: Người chăm sóc theo dõi các dấu hiệu tinh thần, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), bú/ăn, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, màu sắc da, niêm mạc, rối loạn tiêu hóa.

Phụ huynh cần theo dõi các triệu chứng bất thường. Khi có bất kỳ một trong các dấu hiệu sau cần báo nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chữa bệnh:

- Tinh thần: Trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, co giật

- Sốt cao liên tục trên 39 độ C và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt + chườm/lau người bằng nước ấm; hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ;

- Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi: Trẻ dưới 2 tháng khi thở ≥ 60 lần/phút; trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng khi thở ≥ 50 lần/phút; trẻ từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi khi thở ≥ 40 lần/phút.

- Trẻ thở bất thường: Khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn...; dấu hiệu mất nước: môi se, mắt trũng, khát nước, đái ít...; tím tái.

- SpO2 dưới 96% (nếu có máy đo SpO2); nôn mọi thứ; trẻ không bú được hoặc không ăn, uống được; trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng...; bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần cấp cứu.

Đối với trẻ từ 5 tuổi trở lên: Cha mẹ cần theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, màu sắc da, niêm mạc, ăn uống, đau ngực, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mất khứu giác, thính giác.

Triệu chứng bất thường cần báo nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chữa bệnh khi có bất kỳ một trong các dấu hiệu sau:

Cảm giác khó thở; ho thành cơn không dứt; không ăn/uống được; sốt cao không giảm hay sốt không cải thiện sau 48 giờ; nôn mọi thứ; đau tức ngực; tiêu chảy; trẻ mệt, không chịu chơi; SpO2 dưới 96% (nếu có máy đo SpO2 ).

Trẻ thở nhanh: nhịp thở của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: ≥ 30 lần/phút, trẻ từ 12 tuổi: ≥ 20 lần/phút; thở bất thường: co kéo hõm ức, liên sườn...; bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần cấp cứu.

Các gia đình có trẻ em mắc Covid-19 chăm sóc tại nhà cần có điện thoại, số điện thoại của các cơ sở y tế (trạm y tế, trung tâm y tế quận, huyện, trung tâm vận chuyển cấp cứu, bác sỹ, tổ tư vấn cộng đồng, tổ phản ứng nhanh...) để liên lạc, xử trí khi có tình trạng cấp cứu.

Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc Covid-19 - Bộ Y tế

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/tu-van-f0/cach-dem-nhip-tho-cho-tre-mac-covid-19-khi-khong-the-do-spo2-820945.html

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.