Chế độ ăn uống có gây ra ung thư vú không?

Ung thư vú là một bệnh lý do nhiều yếu tố gây ra, trong đó phụ nữ thừa cân, béo phì, uống rượu có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Khi phát hiện mắc ung thư vú, tôi băn khoăn liệu chế độ ăn của tôi có phải là nguyên nhân gây bệnh? Tôi nhận được rất nhiều lời khuyên khác nhau như uống nước cà rốt, không ăn đường, không ăn đậu phụ. Tôi thực sự rất bối rối. Xin bác sĩ tư vấn! (Nguyễn Thu Hương - Hoàng Mai, Hà Nội)

Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thị Vân Anh, Khoa Xạ 2, Bệnh viện K tư vấn:

Nhiều phụ nữ đã đặt câu hỏi về chế độ ăn của họ khi biết mình mắc bệnh ung thư vú. Tâm lý của bệnh nhân muốn biết về nguyên nhân gây ung thư là một phản ứng tự nhiên. Nhưng ung thư là một bệnh lý có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra chứ không chỉ một yếu tố nào. 

Nguy cơ ung thư vú có thể liên quan đến chế độ ăn. Nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc ung thư tăng ở những người thừa cân, béo phì, uống rượu.

Người bệnh ung thư sẽ phải đối mặt với nhiều sự lựa chọn trong chế độ ăn. Thói quen ăn uống lành mạnh có thể giảm nguy cơ tái phát ung thư vú và cải thiện thời gian sống. Điều quan trọng nhất trong lối sống được khuyến cáo ở bệnh nhân ung thư vú là đạt được và duy trì cân nặng hợp lý bằng cách thay đổi chế độ ăn, hoạt động thể chất.

Chế độ ăn uống có gây ra ung thư vú không?-1
Ngũ cốc nguyên hạt tốt cho người bệnh ung thư. Ảnh: P.Thúy.

Chế độ ăn lý tưởng nhất là ít chất béo, nhiều rau xanh, củ quả và ngũ cốc nguyên hạt. Bạn có thể duy trì hoạt động thể chất, ví dụ đi bộ 3-5 giờ mỗi tuần.

Những thực phẩm này cung cấp chất xơ, vitamin và chất khoáng cũng như những chất chống ung thư tự nhiên có trong thực vật. Hầu hết thức ăn làm từ thực vật có năng lượng thấp, ít chất béo thích hợp cho người cần giảm cân. Khi chọn thực phẩm nên chọn loại ít qua chế biến nhất có thể. Có thể chọn đậu, đỗ thay thế cho thịt.

Hạn chế các chất béo bão hòa có trong mỡ động vật, chế phẩm từ sữa như bơ, kem, phô mai, một số dầu thực vật như dầu dừa, dầu cọ, bơ, ca cao. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn ít những chất béo trên giúp giảm nguy cơ tim mạch và một số loại ung thư. 

Những nghiên cứu trên người, đặc biệt là với phụ nữ châu Á, cho thấy tiêu thụ nhiều đậu nành sau khi mãn kinh giúp giảm nguy cơ ung thư vú.

Phụ nữ mắc ung thư vú thường cần bổ sung thêm canxi và vitamin D do nguy cơ loãng xương là tác dụng phụ của điều trị hóa chất và nội tiết.

Bạn có thể ăn các loại rau họ cải như súp lơ, cải bắp… chứa nhiều vitamin A, vitamin C và các chất có hoạt tính sinh học khi chuyển hóa trong cơ thể. 

Rau củ quả chứa nhiều caroten như cà rốt, bí đỏ, khoai lang… có mối liên hệ với giảm nguy cơ một số loại ung thư vú. Những loại cá béo như cá hồi, cá mòi, cá thu rất giàu axit béo omega-3 và vitamin D. Các loại hợp chất này có tác dụng phòng chống ung thư. Omega-3 có thể giúp giảm độc tính của hóa chất trong quá trình điều trị ung thư vú, giảm đau khớp và các tổn thương về thần kinh, nhận thức khi điều trị ung thư vú.

Các quan niệm nhịn ăn để bỏ đói tế bào ung thư là sai lầm. Chế độ ăn lành mạnh, cân đối và đa dạng thực phẩm luôn được khuyến khích cho bệnh nhân ung thư. Bạn hãy lựa chọn những thực phẩm tốt cho cơ thể của bạn.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/an-uong-co-gay-ra-ung-thu-vu-hay-khong-2290410.html

bệnh ung thư

ung thư vú


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.