Chuyên gia tâm lý Việt chỉ cách phòng nguy cơ "mẹ giết con"

Những trường hợp phụ nữ tự tử hoặc tự tử cùng con trong quá trình mới sinh hoặc nuôi con nhỏ đã được ghi nhận ở nhiều nước trên thế giới và ở Việt Nam.

Liên quan đến vụ việc bà mẹ giết đứa con 35 ngày tuổi, nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng phần lớn đang gán nguyên nhân là do người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Thị Thanh Thủy, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, người đã có công trình nghiên cứu về trầm cảm sau sinh.

Những trường hợp phụ nữ tự tử hoặc tự tử cùng con trong quá trình mới sinh hoặc nuôi con nhỏ đã được ghi nhận ở nhiều nước trên thế giới và ở Việt Nam.

Theo TS Lê Thị Thanh Thủy, dùng thuật ngữ chuyên môn hay một mã bệnh một cách vô căn cứ để gán cho một vẫn đề xã hội cũng rất thường xảy ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, để xác định nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử hoặc tự tử cùng con không đơn giản bởi sự phức tạp của các vấn đề tâm lý và tâm thần, hoàn cảnh gia đình và môi trường xã hội và đặc biệt là không nên có kết luận vội vàng bằng các thuật ngữ chuyên môn nếu người phụ nữ đó chưa được khám, đánh giá bởi những người làm công tác chuyên môn.

Vậy trầm cảm sau sinh là gì? Những yếu tố nào có thể khiến người phụ nữ bị chứng trầm cảm sau sinh và chúng ta có thể hỗ trợ gì cho người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh để tránh những hậu quả đau lòng?


TS. Lê Thị Thanh Thủy, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

TS. Lê Thị Thanh Thủy, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

Là một trong những nhà tâm lý ít ỏi có đề tài nghiên cứu về trầm cảm sau sinh, TS Lê Thị Thanh Thủy đã chia sẻ rất thật về lý do chị lựa chọn đề tài này là chính bản thân chị cũng nhận ra những thay đổi tâm lý trong thời kỳ mới sinh con.

Và trong quá trình làm luận án tiến sĩ, tiếp xúc với 366 bà mẹ vừa sinh, TS Thanh Thủy đã gặp trường hợp một bà mẹ trẻ vừa sinh con đầu lòng đã không ngừng khóc khi kể về những căng thẳng, mệt mỏi “ám ảnh” cô trong suốt thời gian làm dâu, làm mẹ. Từ chuyện không được ngủ theo nhu cầu cơ thể do mẹ chồng lên phòng riêng xem phim cùng vợ chồng quá lâu; không gian sống chật hẹp đến việc chồng chỉ chia sẻ với mẹ, tình cảm với mẹ như một đứa trẻ cho đến chuyện nhà chồng không muốn cho cho con dâu cháu nội về nhà ngoại thường xuyên 2 ngày cuối tuần, nỗi lo tài chính gia đình khi phương tiện đi lại còn mượn bố chồng nhưng chồng lại chi tiêu cho hiếu hỉ quá rộng rãi…

Một trường hợp khác lại là nỗi căng thẳng của ngượi mẹ trẻ khi rơi vào tình trạng cha mẹ đẻ “cấm được kêu khổ” vì kết hôn khi gia đình nhà chồng không đồng ý.

Những yếu tố có thể gây ra nguy cơ trầm cảm sau sinh

Trên thực tế, những lo lắng về tài chính, về lối sống của gia đình nhà chồng, những thất vọng về người chồng… không hiếm gặp trong cuộc sống hôn nhân hiện đại. Vậy tại sao nhiều phụ nữ vượt qua nhưng cũng có những người chuyển thành tâm bệnh?

Trao đổi với phóng viên, TS Thanh Thuỷ cho biết theo các nghiên cứu tâm lý phụ nữ sau sinh đã có từ rất lâu trên thế giới, 80% phụ nữ có cảm giác buồn chán (baby blue) sau sinh.

Hiện tượng này xuất hiện vào ngày thứ 4 - 5 sau sinh với biểu hiện thờ ơ, hơi buồn bã… và sẽ thuyên giảm vào ngày thứ 10 sau sinh.

Tuy nhiên, có một số ít gặp điều kiện không thuận lợi, không thể thuyên giảm thì có thể dẫn đến trầm cảm sau sinh, thường xuất hiện ở tuần thứ 4 sau sinh. Theo nhiều nghiên cứu, tỉ lệ này ở Việt Nam là 10-15% và trong nghiên cứu công bố năm 2016 của TS Thanh Thủy, tỉ lệ này là 15,5% trên 366 phụ nữ được lựa chọn ngẫu nhiên từ 6 tỉnh thành).

Theo TS Thanh Thủy, những yếu tố có thể tác động tới trầm cảm ở phụ nữ sau sinh là:

Đặc điểm kiểu hình thần kinh không ổn định.

Sự thay đổi hoóc môn của phụ nữ do quá trình mang thai, sinh nở

Yếu tố từ đứa con không như kỳ vọng khi mang thai, đặc biệt khi con cái bệnh tật, quấy khóc triền miên, mất ngủ dài sẽ tác động rất lớn tới tri giác người mẹ, gây ra những căng thẳng, lo lắng, thất vọng.

Nguy cơ nữa là trong quá trình mang thai và nuôi con, có những sang chấn (phá sản, vợ chồng ly hôn, người thân mất…) cũng làm tăng nguy cơ trầm cảm.

Bản thân sự kiện sinh đẻ cũng là 1 sang chấn khi có bao lo lắng, hồi hộp, nhiều người đã bị ám ảnh khi vào phòng sinh, thấy cảnh dao kéo loảng xoảng, thái độ của bác sĩ đỡ đẻ cáu gắt, lạnh nhạt, mổ đẻ…). N hững sang chấn diễn ra sau sinh sẽ tác động mạnh hơn sang chấn diễn ra trong quá trình mang thai.

Cùng với đó là những vấn đề trong mối quan hệ với chồng, đặc biệt khi thấy người chồng không đặt bản thân vào tâm thế làm chồng, làm cha, làm người trụ cột gánh vác gia đình hoặc chính bản thân người phụ nữ chưa sẵn sàng làm mẹ nên còn bỡ ngỡ, chưa quen với các vai xã hội mới, đã từng có tiền sử trầm cảm; trong gia đình có người trầm cảm.

Những trường hợp kinh tế khó khăn, chưa chuẩn bị đủ nguồn lực tài chính cho việc sinh nở, nuôi con.

Tất cả những yếu tố này đều có thể là những nguy cơ khiến người phụ nữ bị trầm cảm ở những mức độ khác nhau, phụ thuộc vào việc phát hiện sớm và hỗ trợ có hiệu quả không.

Để dễ dàng vượt qua những khó khăn trong quá trình nuôi con

Theo TS Thanh Thủy, trầm cảm ở phụ nữ sau sinh có những biểu hiện chung của trầm cảm nhưng thường gắn với tâm thế, tình huống làm mẹ và đứa trẻ mới sinh. Đó là khi xuất hiện những dấu hiệu sau:

- Cảm xúc trầm buồn (âm tính) với biểu hiện mất hứng thú ngay cả với những hoạt động từng rất thích, có cảm giác tội lỗi, xấu hổ, cho rằng mình không phải là bà mẹ tốt như bản thân mong đợi, mọi người kỳ vọng.

- Nhận thức tiêu cực với hiểu hiện suy giảm tập trung trí nhớ (với những câu nói quen thuộc như “hay quên lắm”, “như người mất trí”), cảm giác hèn kém, vô dụng, không biết nuôi con; sự bất lực, không tin vào tương lai và bản thân.

- Tình trạng suy giảm hoạt động, với biểu hiện chỉ nằm dài và né tránh giao tiếp.

- Cảm giác cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi, giấc ngủ, cảm giác ngon miệng thay đổi.

Những biểu hiện này, lúc nhẹ thường dễ bị những người xung quanh bỏ qua do nghĩ rằng đó là biểu hiện bình thường của người mới sinh con

Trên thực tế, TS Thanh Thủy đã từng ghi nhận những tâm sự của người trầm cảm, rằng “thà cụt chân cụt tay - người ngoài sẽ dễ thấy - chứ đau đớn về tâm lý thì thật là khổ sở. Người ngoài bảo an nhàn thế sao lại suy nghĩ tiêu cực như vậy, sao mà yếu ớt thế”…

Do đó, việc nhận biết trước tiên sự bất ổn tâm lý của mình và ý thức tìm kiếm sự giúp đỡ rất quan trọng. TS Thanh Thủy khuyên:

- Truyền thông cần giúp người phụ nữ và cộng đồng nhận biết, hiểu về các thay đổi tâm lý và những vấn đề sau sinh.

- Sự hỗ trợ của gia đình và người thân rất quan trọng.

- Người phụ nữ nên tự trang bị cho mình những kiến thức nuôi con, sự sẵn sàng làm mẹ, nhận vai trò mới như làm mẹ, làm con dâu, làm vợ để khỏi lúng túng trong vai trò này.

Khi có các dấu hiệu trên, chị em nên tìm đến nhà tâm lý, bác sĩ tâm thần, nhân viên công tác xã hội bởi đây là người được đào tạo bài bản. Hiện nay tại một số bệnh viện đã có phòng Công tác xã hội, họ sẽ thực hiện việc kết nối người phụ nữ với những nhà chuyên môn khác. Hoặc các bà mẹ có thể tìm đến các trung tâm phụ nữ, hội phụ nữ… là những nơi cũng thực hiện chức năng hỗ trợ và kết nối.

Theo Dân trí


trầm cảm sau sinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.