Cô gái 20 tuổi phát hiện ung thư buồng trứng sau nửa năm mất kinh

Kỳ kinh nguyệt gây khó chịu với nhiều chị em nhưng đây cũng là “thời điểm vàng” phản ánh sức khỏe phụ nữ. Đặc biệt là các bệnh liên quan tới hệ sinh sản, bao gồm cả ung thư.

Cô Hứa (Đài Loan, Trung Quốc) không dám tin mình mắc ung thư buồng trứng giai đoạn 2 khi mới vừa bước qua tuổi 20. Cô kể lại, vốn từ tuổi dậy thì kinh nguyệt của cô đã không đều, cũng hay bị đau bụng kinh. Lúc đó, cô từng được mẹ đưa đi khám nhưng không phát hiện ra điều gì bất thường. Kể từ đó cô chỉ cho rằng kinh nguyệt của mình khác thường là do “cơ địa”, không để tâm quá nhiều.

Sau này, cô Hứa học đại học xa nhà và rất bận rộn vì vừa học vừa làm thêm. Cộng thêm còn trẻ tuổi, độc thân lại thiếu kiến thức nên cô rất chủ quan với chu kỳ kinh nguyệt cũng như sức khỏe sinh sản của mình. Cô không tính toán hay ghi chép lại chu kỳ hành kinh, khi chậm kinh hoặc không có kinh trong 1 tháng cô còn cảm thấy vui mừng vì bớt được cảm giác đau đớn, bất tiện. Thậm chí, kinh nguyệt “biến mất” trong 6 tháng liên tục cô cũng không cảm thấy lo lắng.

Cho đến khi một bạn cùng phòng ký túc xá nhận ra rất lâu cô không dùng tới băng vệ sinh, không kêu đau bụng kinh mới bắt đầu hỏi thăm. Trái ngược với thái độ thờ ơ của cô Hứa, cô bạn sốt sắng tìm kiếm thông tin trên internet và nhất quyết đưa cô đi khám cho bằng được.

Khi tới bệnh viện, bản thân cô Hứa cũng chỉ nghĩ mình bị rối loạn kinh nguyệt do gần đây hay thức khuya, căng thẳng. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra chỉ ra cô gái trẻ bị ung thư buồng trứng giai đoạn hai. Cô bàng hoàng tới mức không nói năng gì suốt 30 phút sau đó. Đến khi bác sĩ yêu cầu gọi điện thông báo cho người thân, nghe thấy giọng mẹ ở đầu dây bên kia cô mới òa lên khóc nức nở. Cô bạn thân thấy vậy cũng không cầm được nước mắt, cả hai ôm chầm lấy nhau mà khóc.

Cảnh giác với các triệu chứng sớm của ung thư buồng trứng

Tiến sĩ Liu Weimi, Trưởng khoa Phụ sản và Giảng viên tại Cao đẳng Y tế Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, rối loạn kinh nguyệt có thể là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý sinh sản ở phụ nữ. Theo y học, kinh nguyệt là sự bong tróc của niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung) kèm theo chảy máu. Nó xảy ra theo chu kỳ hàng tháng trong suốt cuộc đời sinh sản của phụ nữ, ngoại trừ khi mang thai và chỉ ngừng vĩnh viễn khi mãn kinh.

Rối loạn kinh nguyệt chỉ trạng thái kinh nguyệt thất thường, chu kỳ quá ngắn hoặc quá dài, mất kinh, chảy máu âm đạo giữa chu kỳ, đau bụng kinh bất thường… Đây là một trong những triệu chứng đặc hiệu của các bệnh liên quan đến hệ thống sinh sản, nhất là các bệnh ung thư như ung thư tử cung, ung thư buồng trứng…

Với trường hợp của cô Hứa, trước đây bác sĩ phụ khoa tại địa phương có khuyên nên theo dõi và tái khám định kỳ nhưng cô không thực hiện suốt 5 năm. Bản thân bác sĩ điều trị của cô cũng khá ngạc nhiên bởi tỷ lệ mắc ung thư buồng trứng, lại tiến triển đến gần cuối giai đoạn 2 ở độ tuổi của cô là rất nhỏ. Bệnh này thường phổ biến hơn ở phụ nữ đã mãn kinh.

Mẹ của cô Hứa kể lại, thời gian đầu sau khi phát hiện bệnh, con gái bà đã vài lần muốn tự tử. Tuy nhiên, nhờ sự động viên, phân tích của bác sĩ, gia đình và bạn bè mà cô gái trẻ đã chịu hợp tác điều trị. Bác sĩ cho biết, cô sẽ phải cắt bỏ hoàn toàn một bên buồng trứng, bên còn lại nếu như được giữ lại và điều trị bảo tồn thì cũng không còn chức năng. Kết hợp với hóa trị, cô Hứa có tỷ lệ sống sót sau 5 năm rất cao nhưng chắc chắn sẽ không thể nào sinh nở.

Cô gái 20 tuổi phát hiện ung thư buồng trứng sau nửa năm mất kinh-1
Ảnh minh họa

Thông qua trường hợp của cô Hứa, Tiến sĩ Liu Weimi cũng muốn nhắc nhở chị em phụ nữ hãy quan tâm, chăm sóc sức khỏe sinh sản càng sớm càng tốt. Đặc biệt là đừng xem nhẹ rối loạn kinh nguyệt và các triệu chứng sớm của ung thư buồng trứng sau đây:

- Cảm thấy đầy bụng hoặc đau bụng vùng khung chậu.

- Đau lưng hoặc đau bụng kinh dữ dội.

- Đi tiểu thường xuyên hơn.

- Kích thước vùng bụng tăng bất thường.

- Rối loạn kinh nguyệt, nhất là mất kinh hoặc chảy máu âm đạo bất thường.

- Chảy máu âm đạo sau khi mãn kinh.

- Đau rát khi quan hệ tình dục.

- Ăn uống không ngon miệng.

- Sụt cân không rõ lý do.

- Hay mệt mỏi và cáu gắt.

- Rối loạn đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, ợ nóng, táo bón… kéo dài.

Cần lưu ý rằng bệnh có tỷ lệ mắc cao hơn ở một số đối tượng. Ví dụ như người có tiền sử gia đình mắc ung thư hoặc bản thân từng mắc ung thư (phổ biến nhất là ung thư vú, ung thư đại trực tràng). Phụ nữ trên 50 tuổi, người thừa cân hoặc béo phì, người sử dụng liệu pháp thay thế hormone hay thuốc kích thích phóng noãn, sử dụng bột Talcum...

Theo PNVN

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/co-gai-20-tuoi-phat-hien-ung-thu-buong-trung-sau-nua-nam-mat-kinh-20230524203500701.htm

Ung thư buồng trứng

bệnh ung thư


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.