Cô gái bỏ cơm để giảm cân nhưng đường huyết vẫn tăng vù vù, bác sĩ chỉ ra sai lầm chí mạng

Dù cắt bỏ hẳn cơm ra khỏi bữa ăn hàng ngày nhưng cô gái trẻ vẫn bị tăng đường huyết, bác sĩ cho biết đây là trường hợp rất đáng cảnh báo, cần đi khám ngay lập tức.

Mới đây, một chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người đang trong quá trình giảm cân cảm thấy lo lắng. Theo chia sẻ của Thùy An (32 tuổi, ở Hà Nội), thời gian gần đây cô cảm thấy cơ thể mình béo lên, đi khám sức khỏe trừ chỉ số đường huyết hơi cao, còn lại không có bất thường gì. Tuy nhiên, việc tăng cân khiến thân hình An xồ xề, mặc quần áo không được đẹp như xưa, vì thế cô quyết định lên kế hoạch giảm cân.

Sau khi cân nhắc, An đã chọn phương pháp giảm cân bằng cách cắt bỏ tinh bột, tức bỏ hẳn cơm ra khỏi chế độ ăn hàng ngày. An cho rằng, phương pháp này sẽ "một mũi tên trúng hai đích" khi vừa giảm được cân, lại hạ được đường huyết.

Thực đơn của An hàng ngày chỉ có các loại rau, củ, quả và bổ sung đạm từ thịt nạc, ức gà, cá hồi nhưng không nhiều. Những ngày áp lực công việc tại công ty, An vẫn không ăn cơm mà đặt thêm trà sữa để uống. “Như tuần vừa rồi, em chỉ uống 2 ly trà sữa chỉ khi thật sự đói, cơ quan có người đặt thì em mua cùng chứ không uống thường xuyên”, An chia sẻ.

Cô gái bỏ cơm để giảm cân nhưng đường huyết vẫn tăng vù vù, bác sĩ chỉ ra sai lầm chí mạng-1

Việc không ăn tinh bột nhưng đường huyết vẫn tăng là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc tiểu đường rất cao. Ảnh minh họa.

Sau 2 tuần bỏ hẳn tinh bột, cân nặng của An vẫn không giảm, đi kiểm tra đường huyết thì chỉ số lúc đói ở mức 6.3mmol/l. Với tình trạng trên, Thùy An lo lắng nên chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội với mong muốn được các “quân sư mạng” hoặc những người đi trước “chỉ giáo”.

Với trường hợp trên, TS.BS Từ Ngữ (Hội Dinh dưỡng Việt Nam) cho biết, cô gái này tuổi còn trẻ mà chỉ số đường huyết lúc đói như vậy là có nguy cơ đái tháo đường, việc trước mắt là phải đi kiểm tra kỹ để phát hiện đái tháo đường (nếu có). Theo bác sĩ Ngữ, với người bình thường chỉ số đường huyết lúc đó thường chỉ ở ngưỡng 3.9 - 5.5 mmol/l, trường hợp trên có chỉ số đo được là 6.3mmol/l là cao hơn ngưỡng trung bình, vì thế không nên chủ quan.

Điều nhiều người thắc mắc nhất là, đã không ăn cơm (tinh bột) một thời gian nhưng đường huyết vẫn cao là vì sao? TS Từ Ngữ cho biết, trường hợp không ăn cơm nhưng đường huyết vẫn tăng có thể là do sử dụng nhiều đồ uống hoặc thực phẩm chứa nhiều đường như trà sữa, nước ngọt. Một nguyên nhân khác cũng có thể xảy ra đó là do bị rối loạn chuyển hóa, cơ thể tự chuyển hóa đường. Do vậy, với trường hợp này cần có chế độ dinh dưỡng do chuyên gia tư vấn kỹ lưỡng, thậm chí phải ăn theo chế độ của người đái tháo đường chứ không học theo hay nghe theo tư vấn trên mạng.

Cô gái bỏ cơm để giảm cân nhưng đường huyết vẫn tăng vù vù, bác sĩ chỉ ra sai lầm chí mạng-2

Ngay cả với bệnh nhân tiểu đường, các bác sĩ không tư vấn bỏ cơm ra khỏi thực đơn. Ảnh minh họa.

BSCK II Đoàn Thị Anh Đào (Phó trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, việc cắt hoàn toàn tinh bột trong bữa ăn hàng ngày là sai lầm. Theo bác sĩ Đào, ngay cả bệnh nhân bị đái tháo đường các bác sĩ cũng không khuyên cắt bỏ tinh bột hoàn toàn trong chế độ ăn, mà cần ăn đủ 4 nhóm chất, tăng cường vận động. Với nhóm tinh bột, tùy vào cơ thể mỗi bệnh nhân, cũng như chỉ số đường huyết các bác sĩ sẽ có khuyến cáo ăn bao nhiêu lượng tinh bột cho phù hợp.

Riêng với việc cắt tinh bột để giảm cân, TS Từ Ngữ cũng cảnh báo, đây là biện pháp giảm cân phản khoa học, bởi nhóm đường bột chủ yếu đến từ cơm có vai trò rất quan trọng với cơ thể. Theo đó, đường bột là nguồn năng lượng chính của cơ thể, đồng thời cũng là nguồn nhiên liệu cực kỳ quan trọng và cần thiết cho các cơ quan, đặc biệt là hệ thần kinh và tổ chức não bộ.

“Tình trạng cơ thể không có đường trong máu (hạ đường huyết), có thể gây tử vong. Ngược lại, đường huyết luôn ở mức cao sẽ gây ra rất nhiều biến chứng trong cơ thể, ví dụ như ở thận, tim, mắt, mạch máu… Do vậy, cần đi khám sức khỏe định kỳ, sau đó các bác sĩ sẽ dựa vào những chỉ số để có lời khuyên ăn uống và sử dụng tinh bột hợp lý nhất”, TS Từ Ngữ cho hay.

Một số trường hợp có yếu tố nguy cơ sau, cần xét nghiệm đường huyết khi đói một năm/lần:

- Người có các thành viên trong gia đình mắc bệnh lý đái tháo đường tuýp 2;

- Người mang thai mắc đái tháo đường thai kỳ hoặc sản phụ sinh trẻ có cân nặng lớn hơn 4kg;

- Người mắc tăng huyết áp;

- Người bị hội chứng buồng trứng đa nang;

- Người có tiền sử mắc phải bệnh lý tim mạch;

- Người bệnh mắc phải hội chứng đề kháng insulin hoặc những bệnh lý khác liên quan đến vấn đề kháng insulin.

Theo Người đưa tin

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/co-gai-bo-com-de-giam-can-nhung-duong-huyet-van-tang-vu-vu-bac-si-chi-ra-sai-lam-chi-mang-a603818.html

Giảm Cân


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.