Dầu dừa thực sự "thần dược" đến đâu?

Thời gian gần đây, dầu dừa trở thành sản phẩm nổi lên như là một "bảo bối" với nhiều tác dụng chữa bệnh và làm đẹp. Hãy nghe chia sẻ của chuyên gia để hiểu hơn về bản chất vấn đề.

Thời gian gần đây, dầu dừa trở thành sản phẩm nổi lên như là một "bảo bối" với nhiều tác dụng chữa bệnh và làm đẹp. Hãy nghe chia sẻ của chuyên gia để hiểu hơn về bản chất vấn đề.

Hỏi:Ông có rành về những phép làm đẹp của chị em không? Gần đây chị em đang "phát sốt phát rét" về một loại "thần dược" gọi là dầu dừa làm đẹp. Dùng dầu dừa để dưỡng da như cách chị em đang làm có cơ sở nào không thưa ông? Có rủi ro nào không?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Tôi không rành mấy chiêu phù phép làm đẹp của quý bà, miễn đẹp mà không ai biết mình làm đẹp là được. Trong dầu dừa có khoảng 50% acid lauric. Acid này có thể chống khuẩn, virus, nấm ở mức độ nhẹ nên có thể bảo vệ da khỏi bị nhiễm khuẩn, mốc meo.

Dầu dừa dưỡng da nhưng dưỡng bằng cách giữ ẩm cho da đối với những người da bị khô thôi, chứ còn dầu dừa làm trắng da hay chống rạn da thì chỉ có mấy người bán dầu dừa công nhận, chứ khoa học chưa thừa nhận công dụng này.

Hỏi:Thế còn công dụng dưỡng tóc của dầu dừa thì sao?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: À, công dụng dưỡng tóc của dầu dừa thì khoa học công nhận. Không chỉ có thịt thà tim gan phèo phổi hay đậu hũ mới là protein, tóc cũng là protein đấy, nhưng bị hóa sừng.

Acid lauric trong dầu dừa có ái lực mạnh, nghĩa là rất thích protein của tóc, nên nó ngấm thẳng vào lõi tóc, phủ một lớp ngoài bảo vệ, không để nước ngấm vào và làm giảm mức trương nở tóc, nhờ đó tóc mượt và ít hư hại.

Tóc mượt thì khi chải, hay trước và sau khi gội khỏi bị gãy. Đã có những nghiên cứu cho thấy đặc điểm này dầu dừa hơn hẳn các loại dầu dưỡng da khác như dầu khoáng (mineral oil) và dầu hướng dương.

Đối thoại với chuyên gia ATTP Vũ Thế Thành: Dầu dừa - thần dược đến đâu? - Ảnh 1.

Hỏi:Còn trị mụn trứng cá?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Khoa học chưa công nhận điều này. Như tôi đã nói ban nãy, dầu dừa có tính kháng khuẩn nhẹ, mà mấy bà lại hay táy máy nặn mụn. Nặn xong rồi lấy dầu dừa thoa lên coi như chống nhiễm trùng, sau đó cho rằng dầu dừa trị mụn.

Kết luận như thế không ổn, mà các bác sĩ da liễu cũng chẳng khuyến khích mấy bà "tay không nặn mụn" kiểu này đâu.

Hỏi:Dùng dầu dừa để "tẩm bổ" cho dung nhan thì có vẻ cũng tạm ổn. Người ta còn súc miệng bằng dầu dừa mỗi ngày để chống viêm răng nướu, giúp răng chắc khỏe, trắng bóng nữa. Chả giấu gì ông, tôi cũng dùng, cũng có cảm giác có tác dụng thật!

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Dầu dừa có tính kháng khuẩn nhẹ nên súc miệng bằng dầu dừa để chống viêm răng nướu là điều có thể. Nhưng đó là tôi suy diễn cho… vui thôi, chứ tôi không có bằng chứng.

Còn dầu dừa làm răng chắc, răng trắng thì tôi không biết. Tôi cũng không có bằng chứng khoa học, nên không dám nói bừa. Nhưng nếu thích, mỗi sáng bạn có thể súc miệng bằng dầu dừa. Bắt đầu một ngày bằng "cảm giác" dầu dừa cũng không phải là điều quá tệ.

Hỏi:Người ta nói dầu dừa rất tốt cho tim mạch đấy ông ạ, thậm chí còn so sánh với dầu oliu trong việc phòng ngừa các bệnh tim mạch nữa. Điều đó có thật không?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Cái này cũng liên quan đến acid lauric. Nhiều thí nghiệm cho thấy dầu dừa làm tăng cả cholesterol tốt (HDL) lẫn cholesterol xấu (LDL) trong máu, nhưng làm tăng HDL (tốt) nhiều hơn.

Dù còn nhiều tranh cãi, nhưng giới y học hiện nay vẫn e ngại mức cholesterol xấu (LDL) cao làm tăng rủi ro bệnh tim mạch.

Hơn 90% acid béo trong dầu dừa là acid béo no, loại acid được cho là yếu tố rủi ro cao gây ra các bệnh tim mạch. Trong dầu dừa không chỉ có acid lauric mà còn nhiều loại acid béo khác nữa. Do đó, không thể vì acid lauric trong dầu dừa làm tăng mức cholesterol tốt (HDL) mà cứ thế uống dầu dừa để phòng ngừa tim mạch. Chẳng có bác sĩ tim mạch nào dám xúi dại như thế cả.

Dầu dừa được cho là phòng ngừa bệnh tim mạch (nếu có) thì liên quan đến cholesterol, còn dầu oliu liên quan tới các acid béo không no. Không thể suy diễn đơn giản là thay dầu oliu bằng dầu dừa được.

Đối thoại với chuyên gia ATTP Vũ Thế Thành: Dầu dừa - thần dược đến đâu? - Ảnh 2.

Hỏi: Tôi có đọc 1 bài báo còn nói dầu dừa chữa được bệnh xơ gan, nhân vật trong bài báo khăng khăng là đã dùng thử và thấy có tác dụng. Chẳng lẽ dầu dừa lại thần dược như thế?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Không có tài liệu khoa học nào nói dầu dừa trị được bệnh xơ gan cả. Còn xác nhận hiện tượng lạ này có thật hay không thì thuộc thẩm quyền của giới y học, ngoài chuyên môn của tôi.

Hỏi:Một bài báo khác kể về một vị tiến sĩ chữa bệnh mất trí nhớ cho chồng bằng cách mỗi ngày cho ăn 2 thìa dầu dừa. Điều này có cơ sở khoa học không?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Dầu dừa chữa bệnh alzheimer là có cơ sở khoa học đấy, chỉ tiếc rằng hiệu quả thực tế lại rất lỏng lẻo.

Hầu hết acid béo trong các loại dầu thực vật đều có dây phân tử dài, từ 12 carbon trở lên. Riêng trong dầu dừa, thì khoảng 60% acid béo lại có độ dài trung bình, chỉ từ 6-12 carbon. Khi dầu dừa vào tới hệ tiêu hóa, thì các acid béo trung bình này chẳng biết loay hoay thế nào mà chúng lại sinh ra được một nhóm chất gọi là thể ketone (ketone bodies).

Bình thường cơ thể tạo năng lượng bằng cách đem glucose ra đốt, thiếu glucose thì đem chất béo ra xài. Riêng tế bào não chỉ chịu xài glucose, chứ dứt khoát không chịu xài "chất đốt" nào khác. Nếu kẹt lắm thì mới xài tới các thể ketone để đốt.

Những người bị bệnh alzheimer hay parkinson không hiểu vì sao não của họ cứ kém dần khả năng xài glucose, nên ketone trở thành hàng quý hiếm. Trong quá trình tiêu hóa dầu dừa tạo ra được ketone, nên dầu dừa có liên quan đến việc trị bệnh alzheimer là vì vậy.

Khoa học đã có những nghiên cứu dùng thẳng acid béo dây trung bình để trị bệnh alzheimer. Kết quả sau 45 ngày bệnh nhân có cải thiện nhận thức một chút so với nhóm đối chứng dùng giả dược, nhưng sau 90 ngày, hai nhóm này lại giống nhau, nghĩa là chẳng thuyên giảm gì cả.

Hỏi:Từ khi nổi lên phong trào dùng dầu dừa, chị em tha hồ ứng dụng dầu dừa vào cuộc sống. Nhiều người còn chuyển hẳn sang dùng dầu dừa để nấu ăn cho gia đình, cho trẻ ăn dặm. Điều này có nên hay không thưa ông?

Chuyên gia Vũ Thế Thành: Dầu dừa có 90% là acid béo no, nên khi chiên xào nó ít bị oxy hóa hơn, ít phát sinh ra độc chất hơn so với các loại dầu khác. Dầu dừa lại có điểm bốc khói cao, nếu chiên xào không để lửa quá mạnh, thì dầu ít khét hơn, cũng xài đi xài lại được 2-3 lần.

Nhưng acid béo no không có lợi cho tim mạch, nếu không muốn nói là có hại. Nấu (thêm vào canh) hoặc trộn salad thì nên xài các loại dầu khác như dầu đậu nành, dầu cải, dầu hướng dương, dầu oliu … thì tốt hơn. Những loại dầu này có nhiều acid béo không no, được xem là tốt cho sức khỏe.

Còn cho trẻ ăn dặm với dầu dừa thì tôi thấy lợn cợn thế nào ấy. Dù sao, thì dầu có nhiều acid béo không no vẫn tốt hơn nếu đừng chiên xào mạnh tay.

Theo Trí Thức Trẻ


dầu dừa

Vũ Thế Thành


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.