Dấu hiệu cảnh báo sớm trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh là những rối loạn cảm xúc khiến phụ nữ rơi vào trạng thái thường xuyên mệt mỏi, lo lắng, buồn rầu và có thể gây ra hành vi tiêu cực.

Với nhiều phụ nữ, sinh con là thời khắc hạnh phúc nhất trong cuộc đời. Tuy nhiên, giai đoạn sau khi sinh con, phụ nữ có thể biến đổi nhiều về mặt tâm lý do bận rộn, thiếu ngủ và bỡ ngỡ với em bé mới. Nhiều người còn cảm thấy chán nản, buồn bã hoặc lạc lõng. Bạn không đơn độc, rất nhiều phụ nữ được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm sau sinh.

Trầm cảm sau sinh là gì?

Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), đây là loại trầm cảm nhiều phụ nữ gặp phải sau khi sinh con. Vấn đề phổ biến này ảnh hưởng hơn 1/10 phụ nữ trong vòng một năm sau khi sinh con. Đặc biệt, nó cũng có thể ảnh hưởng cảm xúc của người cha.

Về cơ bản, bệnh trầm cảm sau sinh là tình trạng phụ nữ bị rối loạn cảm xúc, hay có suy nghĩ tiêu cực, mệt mỏi, buồn chán và lo lắng về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Bệnh lý này có thể ở mức nhẹ, vừa hoặc nặng, tự khỏi, nhưng cũng phát triển trầm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

Dấu hiệu cảnh báo sớm trầm cảm sau sinh-1
Phụ nữ sau sinh dễ mắc trầm cảm. Ảnh: Smartparenting.


Nhiều người thường nhầm lẫn trầm cảm sau sinh với hội chứng "baby blues" (thay đổi tâm trạng sau sinh). Trên thực tế, cả hai rất khác nhau.

Nội tiết tố của phụ nữ thay đổi sau khi mang thai và sinh con. Thêm vào đó, tình trạng thiếu ngủ và việc có thêm thành viên mới trong gia đình có thể khiến người mẹ cảm thấy thấp thỏm, bất ngờ và dễ cáu kỉnh. Đa số phụ nữ sẽ gặp ít nhất một hoặc nhiều triệu chứng "baby blues" sau khi sinh.

"Baby blues" là điều bình thường và chỉ kéo dài vài tuần. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài hơn hoặc ngày càng trở nên trầm trọng, bạn có thể đang bị trầm cảm sau sinh.

Triệu chứng

Theo Webmd, trầm cảm sau sinh thường không được phát hiện cho đến khi người bệnh có những hành động dại dột, ảnh hưởng sức khỏe của bản thân. Do đó, nhận biết các dấu hiệu ban đầu của trầm cảm sau sinh chính là cách để bảo vệ bản thân khỏi những tác động tiêu cực của bệnh.

Hội chứng "baby blues" không giảm: Thông thường, người mẹ trải qua cảm giác thay đổi tâm trạng sau khi sinh con như khóc lóc, buồn, lo lắng và bồn chồn. Những cảm giác này thường biến mất sau 1-2 tuần.

Tuy nhiên, nếu những triệu chứng kéo dài, dữ dội hoặc bắt đầu muộn hơn, bạn có thể bị trầm cảm sau sinh. Nó có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào trong năm đầu tiên sau khi bạn sinh con.

Buồn bã thường xuyên hoặc có cảm giác tội lỗi: Thỉnh thoảng bạn cảm thấy khó chịu là bình thường. Nhưng nếu bạn thường xuyên khóc, không vui khi làm mẹ hoặc tự ti với vai trò mới, đây có thể là dấu hiệu đầu tiên của chứng trầm cảm.

Dấu hiệu cảnh báo sớm trầm cảm sau sinh-2
Nhiều người không phân biệt được sự khác nhau giữa hội chứng "baby blues" và trầm cảm sau sinh. Ảnh: Scientificamerican.


Mất hứng thú với thứ mình thích: Bạn có vui vẻ khi xem bộ phim hài lãng mạn yêu thích của mình không? Bạn có muốn được chồng/đối tác âu yếm không? Có hứng thú với món ăn không?... Nếu câu trả lời hầu hết là không, bạn hãy nói chuyện sớm với bác sĩ về những thay đổi này.

Gặp khó khăn khi đưa ra quyết định: Có thể bạn quá mệt mỏi để suy nghĩ về vấn đề nào đó. Nhưng cũng có lẽ là do bạn không quan tâm. Nếu bạn không thể quyết định có nên rời giường, đi tắm, thay tã cho con hay đưa con đi dạo, đó có thể là những dấu hiệu ban đầu của chứng trầm cảm sau sinh.

Lo lắng mình không thể trở thành người mẹ tốt: Đó là điều phổ biến ở những người mẹ có con bị ốm, sinh non hoặc sinh ra trong trường hợp đặc biệt. Nhưng nếu bạn có em bé khỏe mạnh, việc thường xuyên nghi ngờ bản thân với tư cách là một người mẹ có thể cảnh báo tâm lý của bạn có vấn đề.

Thay đổi về giấc ngủ: Mất ngủ là điều phổ biến khi bạn có con. Nhưng nếu bạn thậm chí không thể nghỉ ngơi khi con ngủ hoặc bạn ngủ suốt ngày, đó có thể là điều gì đó bất ổn.

Nghĩ đến việc làm hại chính mình: Suy nghĩ tự tử, làm tổn thương chính bạn hoặc con là những dấu hiệu nghiêm trọng của chứng trầm cảm sau sinh. Thậm chí, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nó có thể dẫn đến rối loạn tâm thần sau sinh.

Những người dễ mắc trầm cảm sau sinh

Theo Mayo Clinic, phụ nữ với một số đặc điểm sau sẽ có nguy cơ cao mắc trầm cảm sau sinh hơn những người khác:

- Có tiền sử bị trầm cảm sau sinh trước đó.

- Có tiền sử mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần khi mang thai.

- Không có gia đình hoặc bạn bè thân thiết hỗ trợ.

- Mâu thuẫn vợ chồng, với gia đình.

- Gặp vấn đề gây căng thẳng gần đây trong cuộc sống, chẳng hạn có người thân qua đời, thất nghiệp, bệnh tật...

- Thai kỳ không mong muốn.

Phụ nữ mới sinh nên nhận thức được các yếu tố nguy cơ để chuẩn bị cho những gì có thể xảy ra. Khi có chuẩn bị, bạn sẽ dễ dàng nhận ra triệu chứng để yêu cầu hỗ trợ sớm hơn. Can thiệp sớm là chìa khóa thành công để điều trị trầm cảm sau sinh.

Dấu hiệu cảnh báo sớm trầm cảm sau sinh-3
Phụ nữ có tiền sử trầm cảm sau sinh trước đó dễ tái phát ở lần sinh con sau. Ảnh: Lucieslist.

Có thể ngăn ngừa trầm cảm sau sinh không?

Nếu bạn có tiền sử trầm cảm ở bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời, đặc biệt là sau sinh, điều quan trọng là bạn phải nói với bác sĩ nếu chuẩn bị mang thai tiếp.

Khi mang thai, bác sĩ sẽ theo dõi bạn chặt chẽ để kiểm tra các dấu hiệu trầm cảm. Bạn sẽ được làm sàng lọc trầm cảm vào thời điểm nào đó trong thai kỳ và một lần nữa sau khi sinh.

Trầm cảm nhẹ có thể được quản lý bằng tư vấn, hỗ trợ hoặc liệu pháp tâm lý khác. Trong một số trường hợp, thuốc chống trầm cảm có thể được sử dụng. Bác sĩ sẽ kê cho bạn loại thuốc an toàn với thai kỳ.

Sau khi bạn sinh con, bác sĩ sẽ đề nghị bạn đi khám sớm để tầm soát các dấu hiệu trầm cảm. Nếu bạn bị trầm cảm sau sinh trong lần mang thai trước đó, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc chống trầm cảm ngay sau khi sinh con. Uống thuốc chống trầm cảm sớm có thể giảm các triệu chứng mạn tính mà bạn phải đối mặt.

 

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/dau-hieu-canh-bao-som-tram-cam-sau-sinh-post1157962.html

trầm cảm


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.