Hậu quả khôn lường khi lạm dụng thuốc kháng sinh

Tình trạng sử dụng kháng sinh tràn lan, thiếu kiểm soát đối với mọi lứa tuổi đang dẫn tới những hậu quả vô cùng nguy hại.

Tình trạng sử dụng kháng sinh tràn lan, thiếu kiểm soát đối với mọi lứa tuổi đang dẫn tới những hậu quả vô cùng nguy hại.

Không ít các loại bệnh lý nhiễm khuẩn đang ngày càng nguy hiểm, phức tạp và trở thành nỗi lo lớn đối với các bác sĩ lẫn người bệnh, do tình trạng vi khuẩn kháng thuốc nên bệnh tật chữa mãi không khỏi.

Sử dụng bừa bãi

Gần hai tuần nằm điều trị tại Khoa hô hấp, Bệnh viện Nhi trung ương, bé Minh (4 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn sốt cao và khó thở vì căn bệnh viêm phổi. Mệt mỏi sau nhiều đêm thức trắng chăm con, chị Hà, mẹ cháu Minh, chia sẻ: “Mới đầu, cháu chỉ bị sốt và húng hắng ho, tôi cứ tưởng cháu bị cảm cúm thông thường nên như mọi lần lại ra hiệu thuốc gần nhà mua ít thuốc cảm và hai vỉ kháng sinh Amoxcilin cho cháu uống. Ai ngờ, cả tuần uống hết chỗ thuốc mua, bệnh cháu không khỏi mà còn nặng thêm. Khi tới bệnh viện, kết quả xét nghiệm cho thấy cháu đã bị biến chứng viêm phổi nặng do dùng thuốc không đúng”.

Hậu quả khôn lường khi lạm dụng thuốc kháng sinh 1
Sử dụng thuốc kháng sinh cần phải có toa thuốc và sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ.

TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi trung ương cho biết, vào những đợt cao điểm nắng nóng hay giai đoạn thời tiết chuyển mùa, bệnh viện thường xuyên phải tiếp nhận nhiều trẻ bị các bệnh về viêm đường hô hấp, trong đó không ít trường hợp bệnh rất nặng, bị biến chứng gây nguy hiểm sức khỏe, tính mạng khiến việc điều trị rất khó khăn. Nguyên nhân chỉ vì gia đình trước đó đã tự ý cho trẻ sử dụng nhiều loại kháng sinh khác nhau dẫn tới vi khuẩn kháng thuốc.

Theo Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới trung ương - TS Nguyễn Văn Kính, về nguyên tắc, nếu không phải bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn thì không nên dùng kháng sinh. Chỉ dùng kháng sinh khi bị bội nhiễm vi khuẩn nhưng việc sử dụng phải có sự chỉ dẫn và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ. Thế nhưng hiện nay, rất nhiều người lại tự ý sử dụng tràn lan kháng sinh trong chữa bệnh, bất kể loại bệnh gì nên dẫn tới những hậu quả nguy hại. Nếu nhẹ là phản ứng thuốc, dị ứng, còn nặng có thể dẫn tới tình trạng kháng thuốc, khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng, khó chữa, kéo dài thời gian điều trị và rất tốn kém.

TS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, kết quả khảo sát việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng thuốc kháng sinh của người bán thuốc lẫn người dân đều rất thấp, đặc biệt ở nông thôn. Có đến 88% số dân ở thành thị, 91% số dân ở nông thôn sử dụng kháng sinh không có đơn của bác sĩ.

Hậu quả khôn lường

Hắt hơi, sổ mũi, đau đầu... là ngay lập tức ra hiệu thuốc mua vài vỉ Ampicilin hay Amoxicilin về uống mà không hề gặp bất cứ trở ngại nào từ phía nhà thuốc vì không có đơn thuốc của bác sĩ. Thậm chí, nếu tới bệnh viện thì cũng có không ít bác sĩ sau một hồi khám xét cũng lại kê đơn thuốc mà trong đó không thể thiếu vài vỉ... kháng sinh. “Không quá khi nói rằng việc mua bán kháng sinh tại các hiệu thuốc ở nước ta hiện nay dễ như mua rau. Người Việt cũng có thói quen sử dụng kháng sinh như ăn cơm, hễ ốm là tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh về uống...” - TS Nguyễn Văn Kính thẳng thắn chỉ ra.

Theo các chuyên gia y tế, kháng thuốc là tình trạng các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng kháng lại thuốc kháng sinh đã nhạy cảm với các vi sinh vật này trước đây. Sinh vật đề kháng (virus, vi khuẩn, ký sinh trùng) có thể chịu đựng được sự tấn công của các thuốc kháng sinh chống vi khuẩn dẫn tới việc áp dụng các phương pháp, thuốc điều trị đặc hiệu trở nên không hiệu quả, nhiễm khuẩn kéo dài, thậm chí gây tử vong và có thể lây lan cho người khác. Rõ ràng, tình trạng sử dụng kháng sinh tràn lan, thiếu sự kiểm soát đang dẫn tới những hệ lũy và hậu quả nghiêm trọng.

TS Nguyễn Văn Kính cho biết, do tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng cao đã làm cho việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn - nhất là nhiễm trùng huyết - bị thất bại, dẫn đến tỷ lệ tử vong do sốc nhiễm khuẩn ngày càng gia tăng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, các căn bệnh nguy hiểm như lao, sốt rét, nhiễm trùng huyết, tả lỵ... đang bị kháng thuốc rất nghiêm trọng.

Theo nghiên cứu của Trung tâm theo dõi phản ứng phụ của thuốc, ĐH Y Dược Hà Nội, ngoài kháng sinh thông thường, có tới 13/30 loại kháng sinh thế hệ mới đã bị kháng do việc dùng thuốc vô tội vạ. Trong số nạn nhân của tình trạng kháng kháng sinh, trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất, dẫn đến có thể bị suy tủy, rối loạn chuyển hóa hay chậm phát triển.

Báo cáo của WHO cho biết tình trạng kháng thuốc kháng sinh có thể khiến 70% ca nhiễm trùng sơ sinh không được điều trị bằng kháng sinh và 67% ca tử vong do vi khuẩn kháng thuốc. Còn nghiên cứu của Cục Quản lý khám chữa bệnh về thực trạng sử dụng kháng sinh trên hơn 1.000 hồ sơ bệnh án tại các khoa điều trị tích cực của 19 bệnh viện lớn tại Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM cho thấy, tỷ lệ sử dụng kháng sinh không phù hợp lên tới 74% khiến việc điều trị nhiều bệnh gặp khó khăn, thậm chí thất bại. Không chỉ làm cho bệnh tật ngày càng thêm nặng, tăng tỷ lệ tử vong, kháng kháng sinh còn làm tăng gánh nặng bệnh, cũng như tốn kém về kinh tế cho bệnh nhân và xã hội, bao gồm tăng chi phí chữa bệnh, thời gian điều trị dài hơn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng kháng thuốc kháng sinh trong bệnh viện và cộng đồng ngày một gia đáng quan ngại. Hậu quả từ kháng thuốc cũng hết sức nghiêm trọng, hàng năm gây tử vong hơn 25.000 trường hợp tại khu vực các nước EU, 38.000 trường hợp tại Thái Lan, 23.000 trường hợp tại Mỹ.

Theo Sài Gòn Giải Phóng




Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.