Hít thở sâu bị đau ngực khi nào là dấu hiệu bệnh tim?

Hít thở sâu bị đau ngực có thể có nhiều nguyên nhân. Một số lý do khiến bạn cảm thấy ngực căng tức khi hít thở sâu cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như đau tim hoặc phình tách động mạch chủ.

Hít thở sâu bị đau ngực không phải lúc nào cũng là trường hợp cần chăm sóc y tế khẩn cấp như đau tim hay phình tách động mạch chủ nhưng đau ngực khi thở là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe nào đó không nên bỏ qua. Điều quan trọng là nhận thấy các bất thường sức khỏe kèm theo và thăm khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán phù hợp và đúng cách.

1. Hít thở sâu bị đau ngực do đâu?

Dưới đây là các nguyên nhân dẫn tới tình trạng đau ngực khi thở sâu liên quan tới tim, phổi,... mà bạn có thể tham khảo. Lưu ý rằng các thông tin này không thể thay thế cho chẩn đoán từ bác sĩ.

1.1. Đau ngực khi thở sâu do nguyên nhân liên quan tới tim

- Nhồi máu cơ tim (đau tim): Nhồi máu cơ tim xảy ra khi lưu lượng máu đến một phần cơ tim bị ngừng khiến tim không nhận được đủ oxy cần thiết dẫn tới các tế bào cơ tim chết dần. Một trong những dấu hiệu đau tim chính là cảm giác hít thở sâu bị đau ngực. Cơn đau ngực được mô tả là đau nhói, cảm giác như ngực bị tì đè (đè nặng), lặp lại nhiều lần. Cơn đau có thể lan tới vai và tay trái, hàm, lưng, cổ.

Hít thở sâu bị đau ngực khi nào là dấu hiệu bệnh tim?-1Một trong những dấu hiệu đau tim chính là cảm giác hít thở sâu bị đau ngực (Ảnh: ST)

Ngoài triệu chứng này thì người bị đau tim có thể gặp các dấu hiệu khác như chóng mặt, choáng váng, tay chân lạnh, vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn và nôn mửa, mệt mỏi nghiêm trọng không rõ nguyên nhân. Nhồi máu cơ tim là tình trạng cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.

- Viêm màng ngoài tim: Viêm màng ngoài tim còn được gọi là viêm màng tim là hiện tượng lớp màng bọc bên ngoài tim bị sưng viêm to lên. Nguyên nhân bao gồm nhiễm trùng, ung thư như ung thư phổi và vú và bệnh tim mạch liên quan đến điều trị ung thư.

Triệu chứng viêm màng ngoài tim bao gồm: Đau ngực khi thở, cơn đau tăng lên khi nằm nghỉ hoặc thở sâu và giảm nhẹ khi ngồi dậy hoặc cúi người về phía trước; khó thở khi nằm; sốt nhẹ; cảm giác hồi hộp; yếu và mệt mỏi, thiếu năng lượng; ho; sưng chân hoặc bụng.

- Bóc tách động mạch chủ: Là sự xuất hiện dòng máu chảy qua vết rách nội mô động mạch chủ với sự phân tách lớp nội mạc và trung mạc tạo ra một lòng giả (kênh giả) khiến máu lưu thông tới các bộ phận khác của cơ thể bị chậm lại hoặc tắc nghẽn. Đây là trường hợp cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.

Triệu chứng bóc tách động mạch chủ có thể khởi phát đột ngột, đó là cảm giác đau thắt ngực, đau nhói lên ở ngực cảm giác như bị xé toạc; chóng mặt hoặc có thể ngất xỉu; tụt huyết áp; tiếng thổi tâm trương; các triệu chứng tựa như dấu hiệu đột quỵ như liệt một bên cơ thể, rối loạn chức năng ngôn ngữ và chức năng vận động.

- Tăng áp lực mạch phổi (tăng áp phổi): Được mô tả là tình trạng áp lực trong tuần hoàn phổi. Trong tăng áp phổi các mạch máu phổi bị co thắt hoặc tắc nghẽn dẫn tới phì đại và suy thất phải ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng tim phải.

Dấu hiệu tăng áp phổi bao gồm: Đau hoặc tức ngực, cơn đau tăng lên khi tập thể dục khiến người tập phải hít thở sâu để lấy không khí vào phổi; chóng mặt hoặc ngất xỉu, mệt mỏi; tim đập nhanh như đánh trống ngực; khó thở khi vận động và cả khó thở khi nghỉ ngơi; sưng phù ở mắt cá chân, chân, vùng bụng; da tím tái; mệt mỏi.

Hít thở sâu bị đau ngực khi nào là dấu hiệu bệnh tim?-2Tăng áp lực mạch phổi (tăng áp phổi) được mô tả là tình trạng áp lực trong tuần hoàn phổi (Ảnh: ST)

- Hẹp van động mạch chủ: Là tình trạng van không thể mở ra hoàn toàn khiến lưu lượng máu từ tim đi nuôi cơ thể bị giảm hoặc tắc nghẽn. Lúc này tim cần hoạt động nhiều hơn để bù đắp nhưng về lâu dài khiến phì đại cơ tim thất trái hoặc suy tim.

Khi hẹp van động mạch chủ nhẹ, người bệnh thường không cảm thấy bất kỳ dấu hiệu nào. Triệu chứng nhận biết bệnh hẹp van động mạch chủ có thể kể đến như: đau ngực, hít thở sâu bị đau ngực hoặc đau tăng lên khi gắng sức; khó thở; mệt mỏi; ngất xỉu; rối loạn nhịp tim. Khi có triệu chứng cơ năng, diễn tiến đến tử vong nhanh, cụ thể: khi có dấu hiệu đau ngực, tiên lượng sống còn trung bình là 5 năm, ngất là 3 năm và suy tim chỉ còn 2 năm.

1.2. Hít thở sâu bị đau ngực do nguyên nhân liên quan đến phổi

Phổi của chúng ta không có thụ thể đau. Nhưng các tình trạng bệnh lý liên quan tới phổi lại có thể gây ra cơn đau theo nhiều cách và thường thì cơn đau xuất phát từ viêm màng phổi do màng phổi bị kích thích.

- Ung thư phổi: Xảy ra khi các tế bào bất thường phát triển không kiểm soát được. Theo Medical News Today, khoảng 20 - 40% bệnh nhân ung thư phổi bị đau ngực và cơn đau ngực trở nên nghiêm trọng hơn khi hít thở sâu (hít thở sâu bị đau ngực).

Triệu chứng ung thư phổi bao gồm: Ho kéo dài và ho ra máu; khó thở, thở hụt hơi, giãn nở tĩnh mạch cổ; sưng và phù nề ở mặt, cổ và cánh tay. Một khi các tế bào ung thư phổi lan rộng, nó có thể gây ra các triệu chứng ở các bộ phận mà ung thư phổi di căn như xương, gan,...

Hít thở sâu bị đau ngực khi nào là dấu hiệu bệnh tim?-3Khoảng 20 - 40% bệnh nhân ung thư phổi bị đau ngực và cơn đau ngực trở nên nghiêm trọng hơn khi hít thở sâu (Ảnh: ST)

- Viêm màng phổi: Là tình trạng viêm ảnh hưởng tới màng phổi do nhiều nguyên nhân, từ nhiễm trùng tới ung thư. Triệu chứng đặc trưng của viêm màng phổi là đau ở vai hoặc đau ngực. Cơn đau do viêm màng phổi nặng hơn khi thở, ho, hắt hơi hoặc chuyển động cơ thể. Cơn đau được mô tả có cảm giác đau âm ỉ, đau nhói, nóng rát.

Triệu chứng viêm màng phổi bao gồm: Sốt, ớn lạnh bất thường; ho khan kéo dài; đau tức ngực khi thở; khó thở; mệt mỏi.

- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD): Được mô tả là tình trạng viêm niêm mạc đường thở mãn tính dẫn tới chức năng thông khí ở phổi bị suy giảm. Người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thường cảm thấy khó thở do đường thở bị hẹp.

Dấu hiệu bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có thể gồm: Đau ngực, khó thở, hít thở sâu bị đau ngực chẳng hạn như khi tập luyện thể thao; thở khò khè; tức ngực; ho có đờm kéo dài; thường xuyên bị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp; mệt mỏi; sưng phù ở mắt cá chân, bàn chân hoặc ở chân; sốt nhẹ và ớn lạnh; giảm cân không rõ nguyên nhân.

- Viêm phổi: Là tình trạng viêm nhiễm của nhu mô phổi bao gồm viêm phế nang, túi phế nang, ống phế nang, tổ chức liên kết khe kẽ và viêm tiểu phế quản tận cùng do virus, vi khuẩn, nấm. Người bị viêm phổi có thể có triệu chứng hít thở sâu bị đau ngực.

Hít thở sâu bị đau ngực khi nào là dấu hiệu bệnh tim?-4Người bị viêm phổi có thể có triệu chứng hít thở sâu bị đau ngực (Ảnh: ST)

Các dấu hiệu viêm phổi có thể gặp như: Ho bị đau ngực, ho có đờm; mệt mỏi; sốt và ớn lạnh; buồn nôn và nôn mửa; đau nhức cơ thể, đau bụng; chấn ăn;... Bệnh viêm phổi ở trẻ em có thể không bất kỳ dấu hiệu sớm nào, cha mẹ cần quan sát các triệu chứng như trẻ bứt rứt, mệt mỏi, bỏ bú, bỏ ăn, thở rút lõm lồng ngực, da tím tái,... để nhanh chóng thăm khám bác sĩ.

1.3. Nguyên nhân khác

Ngoài các nguyên nhân gây ra tình trạng hít thở sâu bị đau ngực kể trên thì một số vấn đề sức khỏe khác cũng có thể khiến bạn đau ngực khi thở như: Nhiễm trùng do virus: Virus Coxsackie, hợp bào hô hấp, virus RSV, virus cúm, adenovirus, virus EBV, cytomegalovirus.

Hoặc các bệnh như tràn khí màng phổi, bệnh hen suyễn, nhồi má phổi, bệnh lao, COVID-19, tràn mủ màng phổi, bệnh van tim, bệnh cơ tim phì đại, rối loạn nhịp tim,... Tùy từng trường hợp và thể trạng mà các triệu chứng có thể khác nhau giữa mỗi người.

Đau đột ngột xuất hiện sau khi gãy xương sườn và thường là do chấn thương gây đau đớn và cơn đau có thể trở nên trầm trọng hơn khi hít thở sâu hoặc đau ngực khi ho.

Hít thở sâu bị đau ngực khi nào là dấu hiệu bệnh tim?-5Tùy từng trường hợp và thể trạng mà các triệu chứng hít thở sâu bị đau ngực có thể khác nhau giữa mỗi người (Ảnh: ST)

Hít phải quá nhiều khói, dù là từ lửa trại hay do sống ở khu vực dễ xảy ra cháy rừng, đều có thể gây kích ứng và tình trạng hít thở sâu bị đau ngực.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể gây trào ngược axit nghiêm trọng, ợ nóng và đôi khi gây ho mãn tính kèm đau ngực.

2. Khi nào đau ngực khi hít thở sâu cần thăm khám bác sĩ?

Trước tiên, tùy từng nguyên nhân gây ra hít thở sâu bị đau ngực là gì mà biện pháp điều trị sẽ khác nhau. Nếu hít thở sâu bị đau ngực đã loại trừ các tình trạng nguy hiểm tiềm ẩn như đau tim với chuyên gia y tế, có một số bước bạn có thể thực hiện tại nhà để cố gắng giảm đau.

Các mẹo để giảm đau ngực khi thở bao gồm: Thử thay đổi tư thế cơ thể, sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen, hít thở một cách chậm rãi, đặt gối lên ngực khi ho hoặc khi hít thở sâu.

Nếu tình trạng hít thở sâu bị đau ngực gây ra cơn đau dữ dội và kéo dài hơn một vài ngày, các triệu chứng kèm theo tăng lên và nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc thở, gây ra các cơn chóng mặt và choáng váng như sắp ngất, bị ho ra máu, sốt cao trên 38 độ C và/hoặc ớn lạnh, nhịp tim đập nhanh hoặc đập không đều.

Hít thở sâu bị đau ngực khi nào là dấu hiệu bệnh tim?-6Tùy từng nguyên nhân gây ra hít thở sâu bị đau ngực là gì mà biện pháp điều trị sẽ khác nhau (Ảnh: ST)

Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên tình trạng hít thở sâu bị đau ngực như tần suất cơn đau, cường độ đau, điều gì khiến cơn đau tăng nặng hoặc giảm nhẹ cũng như các triệu chứng kèm theo cơn hít thở sâu bị đau ngực là gì. Các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang ngực, chụp CT, chụp MRI, siêu âm tim, nội soi phế quản, nội soi lồng ngực hay các xét nghiệm máu, điện tâm đồ, sinh thiết mô phổi, đánh giá chức năng phổi có thể cần thiết để chẩn đoán chính xác nguyên nhân.
 

Theo Phụ nữ Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/hit-tho-sau-bi-dau-nguc-khi-nao-la-dau-hieu-benh-tim-20241017152449997.htm

Bệnh tim


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.