Lý do virus Nipah có thể gây đại dịch chết người giống như Covid-19

Năm 2018, bang Kerala miền nam Ấn Độ từng đánh bại virus Nipah chết người. Ba năm sau, bang Kerala lại ghi nhận các ca nhiễm Nipah mới ở thời điểm bang này vẫn đang “quay cuồng” vì đại dịch Covid-19.

Lý do virus Nipah có thể gây đại dịch chết người giống như Covid-19-1
Một đoạn đường bị chặn trong đợt bùng phát dịch bệnh do virus Nipah tại bang Kerala, Ấn Độ đầu tháng 9/2021. Ảnh: Getty

Virus Nipah đang trở thành tâm điểm chú ý sau những thông tin về cậu bé 12 tuổi tử vong do nhiễm virus này hôm 5/9 tại quận Kozhikode của Kerala. Cậu bé được đưa vào một bệnh viện tư nhân sau khi bị sốt cao và có các triệu chứng của viêm, sưng não.

Mặc dù việc tìm cách ngăn ngừa và điều trị các trường hợp nhiễm virus Nipah đã có những tiến bộ nhất định, nhưng virus này vẫn là một mối quan tâm, không chỉ ở Ấn Độ mà còn trên toàn thế giới.

Tiến sĩ Stephen Luby, giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Stanford, cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Nipah vào loại “virus đáng lo ngại” đối với các dịch bệnh trong tương lai vì “mỗi năm virus này lây từ vật chủ động vật sang người” và khi con người nhiễm virus, nó có thể được truyền từ người này sang người khác.

Theo Tiến sỹ Luby, virus Nipah không có khả năng lây truyền như một số loại virus khác. Thỉnh thoảng có những trường hợp siêu lây lan Nipah truyền bệnh cho nhiều người, nhưng tỷ lệ lây truyền trung bình là chưa đến 1 người trên một trường hợp nhiễm bệnh.

“Tuy nhiên, có nguy cơ xuất hiện một chủng mới với khả năng lây truyền từ người sang người cao hơn và nó có thể tạo ra một đợt bùng phát dịch bệnh kinh hoàng. Thực tế, do 70% những người bị nhiễm virus tử vong, một chủng mới như vậy có thể sẽ đem lại một đại dịch tồi tệ nhất mà nhân loại từng phải đối mặt”, ông Luby nói.

Còn nhiều điều chưa biết về virus Nipah

Sau cái chết của cậu bé 12 tuổi, các cơ quan y tế công cộng Ấn Độ đã nhanh chóng truy tìm bạn bè, thành viên gia đình và các nhân viên y tế đã từng tiếp xúc với cậu bé. Có 251 người được xác định đã tiếp xúc với cậu bé và hiện đã được cách ly, trong đó có 30 người thân trong gia đình.

11 mẫu từ những người tiếp xúc gần đã được gửi đi xét nghiệm ngày 8/9 và đều có kết quả âm tính. Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ cậu bé này đã nhiễm virus Nipah như thế nào.

Tiến sĩ Thekkumkara Surendran Anish, phó giáo sư về y học cộng đồng tại Trường Cao đẳng Y tế Chính phủ ở Thiruvananthapuram, cho biết: “Thực sự rất khó để xác định nguyên nhân gây ra bệnh của cậu bé. Bệnh nhân bị ốm quá nặng và không thể cho chúng tôi biết cậu bé đã đã ăn những gì hoặc làm những gì. Đó là lý do tại sao tất cả chỉ là suy đoán”.

Với 2 chủng Nipah đã gặp cho đến nay – một chủng có nguồn gốc ở Malaysia vào năm 1999 và chủng thứ 2 có nguồn gốc từ Bangladesh - lợn và dơi ăn quả được cho là vật chủ trung gian.

“Một giả thuyết hợp lý là những người bị nhiễm bệnh [ở Kerala] đã ăn thức ăn hoặc trái cây bị nhiễm nước bọt hoặc phân của dơi”, ông Anish cho biết.

“Chúng tôi hiểu rất rõ về cách virus Nipah di chuyển từ dơi ăn quả vào người. Dơi bị thu hút bởi nhựa cây chà là sống được thu hoạch vào mùa đông. Khi người ta uống nhựa cây chà là sống đã bị dơi làm ô nhiễm, họ có nguy cơ nhiễm virus Nipah”, Tiến sỹ Luby nói.

Tổ chức Y tế Thế giới gọi thức uống này là “nguồn có khả năng” bùng phát dịch bệnh do virus Nipah trên người ở Ấn Độ và Bangladesh.

Một số báo cao cho rằng cậu bé ở Kerala có thể đã nhiễm Nipah do ăn chôm chôm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những lo ngại trái cây là nguyên nhân làm nhiễm bệnh chỉ là suy đoán thuần túy và không có bằng chứng.

Người nhiễm virus Nipah có tỷ lệ sống sót thấp

Mặc những người nhiễm virus Nipah có thể phục hồi, nhưng tỷ lệ tử vong cao khá cao.

Năm 2018, khi Nipah lần đầu tiên xuất hiện ở Kerala, chỉ có 2 trong số 19 người nhiễm virus sống sót. Khi dịch bệnh phát hiện trở lại vào năm 2019, bệnh nhân là một người đàn ông 23 tuổi, nhưng việc cách ly nhanh chóng đã ngăn chặn virus lây lan sang những người khác trong cộng đồng. Bệnh nhân này cũng sống sót.

“Với Covid-19, bạn dễ truyền bệnh nhất trước khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Một khi các triệu chứng xuất hiện, khả năng lây nhiễm sang người khác sẽ giảm đi. Nhưng đó không phải là trường hợp của Nipah. Khi các triệu chứng xuất hiện, bạn mới bắt đầu lây lan virus”, Tiến sỹ Anish cho biết.

Theo ông, ở những khu vực dễ bị nhiễm virus Nipah như Bangladesh, Malaysia, Ấn Độ và Singapore, nhận thức được điều này sẽ rất hữu ích.

Tiến sĩ K. Puthiyaveettil Aravindan, cựu giáo sư về bệnh lý học tại Trường Cao đẳng Y tế Kozhikode, cũng cho rằng, các biện pháp phòng ngừa Covid-19 đã giúp kiểm soát sự lây lan của Nipah ở Kerala.

Do virus lây lan từ người sang người thông qua giọt bắn, nên việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội đã giúp ích rất nhiều trong việc ngăn ngừa dịch bệnh.

Vaccine và thuốc điều trị vẫn đang trong quá trình nghiên cứu

Hiện các nghiên cứu phát triển vaccine ngừa virus Nipah đang được tiến hành.

“Một số ứng cử viên vaccine ngừa virus Nipah đầy hứa hẹn đã chứng tỏ hiệu quả cao trên động vật. Ngoài ra, Liên minh Đổi mới Chuẩn bị sẵn sàng trước dịch bệnh của Ấn Độ cũng đang hỗ trợ các thử nghiệm trên người với nhiều ứng viên vaccine khác”, Tiến sỹ Luby cho biết.

Một trong số các nghiên cứu về vaccine ngừa virus Nipah hiện tập trung vào ChAdOx1 - một vaccine vetor đa năng có thể được tùy chỉnh để mang ADN từ nhiều loại mầm bệnh. Trong một thử nghiệm trên khỉ xanh châu Phi,vaccine này cho thấy có hiệu quả khi được điều chỉnh để chống lại virus Nipah.

Ngoài các ứng viên vaccine đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, cũng có một loại thuốc điều trị người nhiễm virus Nipah chưa được cấp bằng sáng chế có tên M 102.4, do Christopher C. Broder, giáo sư miễn dịch học và vi sinh tại Đại học Khoa học Y tế ở Maryland phát triển. Đây là một loại kháng thể đơn dòng có thể gắn vào các protein trong virus và làm cho nó trở nên vô hiệu.

“Giả sử bạn nhiễm một lượng lớn virus trong cơ thể. Quá trình khởi phát bệnh và virus làm tổn thương các tế bào cơ thể bạn sẽ chỉ là vấn đề thời gian. Bạn không có đủ thời gian để trông chờ vào phản ứng miễn dịch do vaccine tạo ra tại thời điểm đó. Trong trường hợp này, bạn phải sử dụng một tác nhân khác để vô hiệu hóa virus”, Tiến sỹ Anish cho biết.

Trong đợt bùng phát năm 2018, M 102.4 đã được chuyển từ Queensland, Australia đến Kerala để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Vào thời điểm đó, M 102.4 chưa được thử nghiệm trên người. Nhưng kể từ đó, các thử nghiệm ban đầu ở người đã thành công. Theo một nghiên cứu được The Lancet đăng tải cũng cho biết, các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một trên người cho thấy loại thuốc này có thể vô hiệu hóa virus Nipah.

Giáo sư về bệnh lý học Aravindan cho biết, trong trường hợp xuất hiện đợt bùng phát virus Nipah trên diện rộng, các cơ quan y tế ở Kerala và các địa phương khác có thể sử dụng loại kháng thể đơn dòng này để kiểm soát dịch bệnh.

Có khả năng virus Nipah đang lây lan nhưng chưa được phát hiện

Một số chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng các bang khác của Ấn Độ cũng có thể đang bị ảnh hưởng bởi virus Nipah.

“Kerala không thể là điểm nóng duy nhất. Có thể hệ thống y tế ở các bang khác không có thể phát hiện được những trường hợp nhiễm bệnh”, ôÔng Aravindan nói.

Giáo sư Aravindan cũng lo ngại về khả năng lây lan dịch bệnh do virus Nipah trong tương lai. Có thể đã có những thay đổi gen trong virus, có nhiều vật chủ hơn chứ không chỉ các loài dơi và những yếu tố này làm cho virus dễ dàng lây truyền sang người hơn. Ông nói thêm rằng dịch bệnh do virus Nipah có thể trở thành một vấn đề toàn cầu tương tự như Covid-19 do thương mại quốc tế, du lịch toàn cầu và biến đổi khí hậu, khiến các loài dơi tìm kiếm môi trường sống mới.

Vì những lý do này, ông Aravindan cho rằng, cần phải nhanh chóng phân tích những loài dơi nào có thể mang mầm bệnh, nơi chúng sinh sống và liệu có thêm động vật chủ trung gian nào khác hay không.

Hiện tại, mối đe dọa virus Nipah ở Kerala dường như đã được kiểm soát. Nhưng “chừng nào chúng ta còn chưa biết rõ về loại virus này thì không thể loại trừ khả năng bùng phát dịch bệnh” ông Anish nói./.

Theo VOV

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ly-do-virus-nipah-co-the-gay-dai-dich-chet-nguoi-giong-nhu-covid-19-890515.vov

đại dịch

virus


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.