'Mắc ung thư vú, tôi đòi ly hôn nhưng chồng không đồng ý'

40 ngày sau phẫu thuật cắt khối u ung thư vú, với chiếc đầu trọc, Tuyết trở lại bệnh viện chăm sóc bệnh nhân, hiên ngang như một chiến binh.

Tôi gặp kỹ thuật viên gây mê Phạm Thị Bạch Tuyết tại lớp học yoga cười của bệnh nhân ung thư. Không chỉ là một trong bệnh nhân trẻ nhất tại lớp học, Bạch Tuyết là kỹ thuật viên gây mê công tác tại Bệnh viện ung bướu TP.HCM.

“Không bao giờ là quá muộn để trở thành chiến binh cừ khôi chống lại ung thư. Bệnh nhân mạnh mẽ một, thầy thuốc mắc ung thư phải mạnh mẽ đến mười”, Tuyết cười khi kể về biến cố đã qua.

Những ngày đen tối nhất cuộc đời


Năm 2018, cuộc sống của Bạch Tuyết bỗng dưng bị đảo lộn hoàn toàn bởi kết quả chẩn đoán ung thư vú giai đoạn 2A. Đây có lẽ là điều mà nữ kỹ thuật viên gây mê ung bướu nằm mơ cũng không thể tin được lại xảy ra với mình.

“Người bình thường mắc ung thư sợ một, nhưng với thầy thuốc, nỗi sợ phải gấp mười. Bởi biết rõ căn bệnh, nắm đường di căn và sự quái ác của ung thư như thế mà mình lại là nạn nhân của nó. Giá như mình không là thầy thuốc, có lẽ sự đau khổ không đến dồn dập và dằn vặt đến vậy”, cô nói.

Mắc ung thư vú, tôi đòi ly hôn nhưng chồng không đồng ý-1
Phạm Thị Bạch Tuyết mắc ung thư vú khi đang là kỹ thuật viên gây mê của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Ảnh: NVCC.


Sau khi nhận kết quả chẩn đoán, Tuyết không thông báo với gia đình mà bình tĩnh gọi cho một người bạn - người cũng mắc căn bệnh như cô.

“Người bạn khuyên tôi dành một tuần để khóc. Tuy nhiên, sáng hôm sau, tôi vẫn trực đêm. Ngày thứ 2, tôi tranh thủ làm tất cả xét nghiệm để ngày thứ 3 lên bàn phẫu thuật. Không nhớ mình đã rơi nước mắt trong vô thức bao nhiêu lần nhưng đó là những ngày đen tối nhất trong cuộc đời tôi”, Tuyết kể.

Tuyết chọn cách đối mặt và nhập viện để hóa trị. Đau đớn là điều chỉ bệnh nhân ung thư như cô mới thấm thía sau những liều hóa chất.

Thời gian đầu, Tuyết bị mất vị giác, cơ thể mệt lả, không thể ăn uống, tim đập nhanh. Tuyết chỉ có thể nằm nhìn lên trần nhà, ứa nước mắt. Cảm xúc tiêu cực bủa vây đến mức nếu không nghĩ đến gia đình, có lẽ cô đã tìm đến cái chết. Nhưng đau đớn không chỉ dừng lại đây.

Tác dụng phụ đáng sợ nhất của hóa chất với phụ nữ là rụng tóc. Mỗi sáng, Tuyết bàng hoàng nhìn từng lọn tóc rơi. Thậm chí, thở nhẹ cũng khiến vài sợi tóc rơi xuống.

Để chấm dứt cảnh tượng này, Tuyết nhờ chồng cạo trọc đầu nhưng anh không làm được vì xót. Cô đành tự ra tiệm. Chồng Tuyết nhìn vợ, bật khóc.

Sau đó, trong đợt hóa trị tiếp theo hay những lúc cơn đau đớn đến dồn dập, Tuyết không gào khóc hay chạy trốn. Cô chấp nhận ung thư như một phần cơ thể.

Mắc ung thư vú, tôi đòi ly hôn nhưng chồng không đồng ý-2
Sau biến cố, nụ cười giúp bệnh nhân ung thư chữa lành vết thương cảm xúc. Ảnh: Y học cộng đồng.Không từ bỏ nụ cười


"Tôi đòi ly hôn nhưng chồng không đồng ý", Tuyết kể bản thân không muốn làm gánh nặng cho chồng. Chồng cô phớt lờ ý định của vợ. Anh chuyển hẳn công việc về TP.HCM để tiện chăm sóc con và ngày đêm bên cạnh vợ.

“Tình cảm gia đình đã tiếp thêm động lực cho tôi chống chọi qua từng đợt hóa trị. Động lực giúp bệnh nhân ung thư vượt qua biến cố cuộc đời không chỉ nằm ở y học, hơn hết vẫn là tình thân, sự động viên của bạn bè, đồng nghiệp”, nữ chiến binh của Bệnh viện Ung bướu chia sẻ.

Những ngày yếu đuối vì truyền hóa chất, không thể nói chuyện hay làm việc nhà, Tuyết không dám nói cho con trai biết. Thế nhưng, con trai 9 tuổi của cô tự lên mạng để đọc thông tin về ung thư.

“Cu cậu còn dặn ba ráng chịu đựng mẹ vì những ngày tới, mẹ sẽ rất cực. Con giành làm hết việc nhà. Nhìn bóng dáng nhỏ nhắn, lúi húi một cách vụng về, tôi làm sao có thể buông xuôi. Vậy là tôi như có thêm sức mạnh, mấy đợt hóa trị sau vẫn đau nhưng trải qua nhẹ nhàng”, Tuyết tự hào nói.

Mắc ung thư vú, tôi đòi ly hôn nhưng chồng không đồng ý-3
Trở lại bệnh viện công tác, Bạch Tuyết là người bạn thân thiết, truyền năng lượng cho bệnh nhân ung thư. Ảnh: NVCC.


Bạch Tuyết chia sẻ có thể tế bào ung thư đã tồn tại trong cơ thể 6-10 năm trước khi chúng ta phát hiện bệnh. Điều đó có nghĩa ung thư đã xâm lấn nhiều cơ quan. Do đó, người bệnh không còn cách nào khác ngoài thái độ chấp nhận. Khi đó, việc chiến đấu với ung thư sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.

Ngoài vấn đề tài chính, bệnh nhân ung thư lúc này phải đối mặt áp lực tinh thần và sự kỳ thị từ chính những người xung quanh.

Chia sẻ kinh nghiệm điều trị bệnh, Tuyết cho biết: “Ung thư không phải bệnh truyền nhiễm. Nó không phải án tử. Chúng ta cũng phải chấp nhận ung thư không thể khỏi hoàn toàn. Do đó, người bệnh đừng trốn tránh thực tế mà hãy dũng cảm đối mặt, vạch ra kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn điều trị, kể cả phương án xấu nhất”.

40 ngày sau phẫu thuật, Tuyết trở lại bệnh viện công tác. Cô là người bạn thân thiết của bệnh nhân ung thư. Bởi hơn ai hết, cô thấm thía nỗi đau trong cả thể chất lẫn tinh thần mà những “chiến binh đầu trọc” đang trải qua.

Một năm sau đợt hóa trị cuối cùng, với tinh thần lạc quan và tập luyện đều đặn, Tuyết cải thiện sức khỏe rõ rệt. Cô hiện là một trong các thành viên tích cực và truyền cảm hứng cho cộng đồng bệnh nhân ung thư tại TP.HCM.

 

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/mac-ung-thu-vu-toi-doi-ly-hon-nhung-chong-khong-dong-y-post1143822.html

ung thư


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.