Người có cơ địa dị ứng có nên tiêm vaccine COVID-19? Chuyên gia dị ứng chỉ cách kiểm tra

Không phải ai cũng bị dị ứng vaccine, chỉ có những người có cơ địa dị ứng mới có nguy cơ dị ứng vaccine. Vậy những người có cơ địa dị ứng có cách nào để biết mình có thể tiêm vaccine COVID-19 hay không?

Tỉ lệ dị ứng vaccine không đáng kể

PGS. TS. Hoàng Thị Lâm, Trưởng bộ môn Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, Đại học Y Hà Nội; Trưởng khoa Dị ứng Miễn dịch và Da liễu, Bệnh viện E cho biết mặc dù tỉ lệ dị ứng vaccine và phản vệ do vaccine rất thấp, nhưng với số lượng sử dụng lớn nên các tai biến do vaccine, đặc biệt là dị ứng rất được quan tâm, đặc biệt khi cả thế giới trong đó có Việt nam đang trong thời kỳ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Bà Lâm phân tích tỉ lệ dị ứng vaccine rất khác nhau giữa khu vực này và khu vực khác, giữa quần thể cư dân này với quần thể cư dân khác.

Chính vì vậy, để đưa ra con số chính xác về tỉ lệ dị ứng vaccine trên cộng đồng chung dường như khá khó khăn. Theo tổng hợp từ một số nghiên cứu, tỉ lệ dị ứng vaccine khoảng 1-50/500 000-1 triệu liều cho hầu hết các vaccine (số liệu của Hiệp hội nhi khoa Mỹ năm 2006).

Phản vệ là phản ứng dị ứng cấp tính có thể đe dọa tính mạng. Mặc dù hiếm xảy ra nhưng đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người phân vân khi quyết định sử dụng vaccine. Ở Úc, tỉ lệ sốc phản vệ do vaccine khoảng 0,36-1,25/1 triệu liều vaccine.

"Vaccine cũng giống như các thuốc khác đều có tiềm năng gây dị ứng, và bất kỳ thành phần nào của vacine cũng có thể đóng vai trò là một dị nguyên", PGS Lâm nói.

Theo PGS Hoàng Thị Lâm, dị ứng vaccine có thể là dị ứng type nhanh hoặc dị ứng type chậm (qua trung gian IgE hoặc không).

Dị ứng type nhanh có thể xảy ra trong vòng vài phút hoặc vài giờ với các biểu hiện như mày đay, phù Quincke, khó thở, phản vệ v.v…., trong đó cấp tính nhất và nguy hiểm nhất vẫn là phản ứng phản vệ, đặc biệt là sốc phản vệ, có nguy cơ đe dọa tính mạng.

Khoảng 80% các trường hợp phản vệ do vaccine xảy ra trong vòng 30 phút đầu sau tiêm vaccine. Các triệu chứng có thể có là mày đay mẩn ngứa, ban đỏ, hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi, xuất hiện nhanh sau tiêm vaccine.

Người có cơ địa dị ứng có nên tiêm vaccine COVID-19? Chuyên gia dị ứng chỉ cách kiểm tra-1
80% các trường hợp phản vệ do vaccine xảy ra trong vòng 30 phút đầu. Ảnh minh họa

Sau đó các triệu chứng tiếp tục tiến triển như khó thở, choáng váng, ngất suy hô hấp, trụy tim mạch v.v…. Nếu không cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể tử vong.

Dị ứng type chậm xảy ra sau vài giờ đến vài ngày, thậm chí là vài tuần sau khi dùng vaccine. Các thể lâm sàng của dị ứng chậm là hội chứng Stevens Jhonson, hội chứng Lyell. Hội chứng Dress, AGEP, viêm da tiếp xúc v.v….

Thành phần gây dị ứng trong vaccine rất đa dạng, tùy từng loại vaccine. Đó có thể là gelatin (có trong vaccine sởi, rubela, thủy đậu...), có thể là protein trứng (vaccine sốt vàng, sởi, rubella, vaccine dại …), protein sữa (bạch hầu, ho gà, uốn ván….).

Một số chất bảo quản trong vaccine như thimerosal, aluminum, và phenoxyethanol cũng có tiềm năng gây dị ứng. Kháng sinh, chất chống nấm sử dụng trong vaccine hoặc là latex, và chính bản thân vaccine, đều là những thành phần kháng nguyên dễ gây dị ứng. PEG và Polysorbate là hai thành phần có trong vaccine ngừa COVID-19 cũng được liệt kê các dị nguyên tiềm năng.

Không phải ai cũng bị dị ứng vaccine, chỉ có những người có cơ địa dị ứng mới có nguy cơ dị ứng vaccine. Những người có cơ địa dị ứng là những người bản thân hoặc có thành viên trong gia đình mắc các bệnh dị ứng như: dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn, dị ứng vaccine, hen phế quản, viêm mũi dị ứng v.v…

Các loại test giúp nhận biết một người có cơ địa dị ứng có nên tiêm vaccine COVID-19 hay không

Theo PGS TS Hoàng Thị Lâm, hiện nay, có rất nhiều phác đồ hướng dẫn cách tiếp cận và chẩn đoán dị ứng vaccine ở những người có cơ địa dị ứng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là thăm khám lâm sàng để nhận biết những người có nguy cơ dị ứng vaccine.

Với những người có cơ địa dị ứng cần có các cách tiếp cận thích hợp với từng đối tượng (cá thể hóa) bằng các phương pháp như thăm khám lâm sàng, xét nghiệm, thủ thuật hoặc test kích thích với chính bản thân vaccine và/hoặc thành phần vaccine.

Người có cơ địa dị ứng có nên tiêm vaccine COVID-19? Chuyên gia dị ứng chỉ cách kiểm tra-2
PGS TS Hoàng Thị Lâm

Một số phòng xét nghiệm có thể xác định được mức kháng thể dị ứng với vaccine, thông thường là kháng thể IgE đặc hiệu với vaccine và/hoặc thành phần vaccine. Test da với vaccine và/hoặc thành phần vaccine cũng được sử dụng. Đây là thủ thuật đơn giản dễ làm và rất có ý nghĩa trên lâm sàng.

"Có rất nhiều cách tiến hành test da với vaccine và/hoặc thành phần vaccine, nhưng các hướng dẫn gần đây đều cho rằng nên bắt đầu bằng test lẩy da với chính bản thân vaccine và/hoặc thành phần vaccine không pha loãng".

Nếu bệnh nhân có tiền sử dị ứng nặng, nên pha loãng vaccine khi thực hiện test lẩy da. Nếu test lẩy da âm tính cần thực hiện thêm test nội bì. Tất cả các test này cần có test đối chứng để loại bỏ các trường hợp dương tính giả và âm tính giả.

Test da cũng có thể gây phản ứng phản vệ, nên chỉ được thực hiện tại các đơn vị có trang bị đầy đủ phương tiện cấp cứu và được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa hoặc có chứng chỉ về việc thực hiện test này, PGS Hoàng Lâm cho hay.

Ngoài ra, vị PGS này cũng cho biết thêm, tùy từng vaccine chúng ta sẽ có nồng độ pha loãng riêng biệt. Ngoài test da, chúng ta có thể thực hiện xét nghiệm IgE đặc hiệu với dị nguyên (vaccine) như protein trứng, protein sữa, gelatin, latex và nấm mốc hoặc kháng sinh (thành phần của vaccine).

Trong một số trường hợp đặc biệt, các bác sĩ dị ứng sẽ sử dụng test kích thích với vaccine và/hoặc thành phần của vaccine để chẩn đoán người bệnh có dị ứng với vaccine hay không. Đây cũng là thủ thuật có tính nguy hiểm cao, nên chỉ được thực hiện tại các cơ sở y tế có trang bị đầy đủ phương tiện cấp cứu và được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa dị ứng hoặc các bác sĩ được đào tạo chuyên khoa này.

Nếu test da, test kích thích và các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm âm tính, khả năng dị ứng vaccine đó rất thấp. Nếu bất cứ một test nào nêu trên dương tính, cân nhắc thay thế vaccine nếu có thể. Nếu không thể thay thế vaccine, và người bệnh cần thiết phải tiêm vaccine đó, cân nhắc tiêm vaccine theo phác đồ liều tăng dần hay còn gọi là giảm mẫn cảm với vaccine. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được thực hiện bởi các bác sĩ dị ứng tại các cơ sở có đầy đủ phương tiện cấp cứu.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doanhnghieptiepthi.vn/nguoi-co-co-dia-di-ung-co-nen-tiem-vaccine-covid-19-chuyen-gia-di-ung-chi-cach-kiem-tra-161211507153011191.htm

Vaccine Covid-19

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.