Nhiều bệnh nhân Covid-19 trở nặng nhanh, hơn 30 ca tổn thương phổi

Trong số 399 ca bệnh Covid-19 đang điều trị, nhiều trường hợp trở nặng nhanh, phải thở máy không xâm nhập.

Ngày 7/2, Tiểu Ban Điều Trị, Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid-19 tiếp tục hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện trên cả nước về tình hình điều trị bệnh nhân nặng.

GS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc cùng GS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam đồng chủ trì từ điểm cầu Bộ Y tế.

Trong số 402 ca bệnh được ghi nhận từ ngày 28/1 đến nay, đã có 3 bệnh nhân tại Hải Dương được công bố khỏi bệnh. 

GS Bình nhấn mạnh, lần này tỉ lệ bệnh nhân nặng không cao nhưng các thầy thuốc không được chủ quan do một số bệnh nhân nặng lên rất nhanh, phải thở máy không xâm nhập.

Nhiều bệnh nhân Covid-19 trở nặng nhanh, hơn 30 ca tổn thương phổi-1

GS Ngô Quý Châu và GS Nguyễn Gia Bình (từ phải qua) hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện 

"Bệnh nhân khó thở phải được coi là bệnh nhân nặng để phòng ngừa những diễn biến xấu", GS Bình đề nghị tất cả các bác sĩ điều trị bám sát hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế, chuẩn bị đầy đủ thuốc theo danh mục.

Tại Bệnh viện dã chiến số 1 đặt tại Trung tâm Y tế TP. Chí Linh, Hải Dương đang điều trị gần 170 bệnh nhân, trong đó có 30 bệnh nhân bị tổn thương phổi, đang được các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương theo dõi sát.

Bệnh viện dã chiến số 2 đặt tại Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đang điều trị 116 bệnh nhân. Trong số này có 2 bệnh nhân nặng, 2 bệnh nhân còn sốt.

Bệnh nhân nặng nhất tại đây là ca bệnh 1965, 52 tuổi, vào viện ngày 4/2. 2 ngày sau, bệnh nhân xuất hiện khó thở, trở nặng nhanh, chuyển vào Hồi sức tích cực điều trị. Hiện tại bệnh nhân tỉnh, không đau ngực, không phù, bạch cầu có xu hướng tăng dần lên, đang thở oxy kính.

Theo ý kiến của Hội đồng chuyên môn, do biễn biến nhanh, bệnh nhân đã có tổn thương phổi vì vậy cần làm thêm một số xét nghiệm, bổ sung máy thở oxy dòng cao, xem xét tăng thêm liều thuốc; vỗ rung, nằm sấp, thay đổi tư thế cho bệnh nhân; xem xét tình trạng hô hấp xâm lấn, đồng thời tăng sử dụng thuốc kháng virus.

Nhiều bệnh nhân Covid-19 trở nặng nhanh, hơn 30 ca tổn thương phổi-2

Các điểm cầu cùng tham gia hội chẩn 

"Trường hợp bệnh nhân không tiến triển, các thầy thuốc có thể xem xét đặt nội khí quản cho bệnh nhân 1965”, GS Bình nói.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân 1863, nam, 58 tuổi. Bệnh nhân có tiền sử viêm gan B, đã chuyển vào đơn nguyên Hồi sức tích cực do khó thở tăng lên vào ngày 6/2. Hình ảnh chụp CT phổi cho thấy tổn thương phổi tăng lên nhiều hơn, bạch cầu tăng. Hiện bệnh nhân tỉnh, được thở oxy dòng cao.

Theo Hội đồng chuyên môn, nam bệnh nhân có diễn biến nhanh song các thầy thuốc tại Bệnh viện dã chiến số 2 ở Hải Dương đang đi đúng hướng trong phác đồ điều trị.

Bệnh viện dã chiến số 2 Quảng Ninh hiện có 24 bệnh nhân Covid-19, trong đó bệnh nhân 1562, nữ, 55 tuổi là trường hợp nặng.

Sau 9 ngày điều trị, bệnh nhân đã đỡ mệt, cắt sốt song vẫn còn phải thở oxy. Các chuyên gia đề nghị bệnh viện tiếp tục duy trì điều trị, thay đổi tư thế nằm sấp cho bệnh nhân.

Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đề nghị nghị các giáo sư đầu ngành hỗ trợ hội chẩn ca bệnh 1536, nữ, 79 tuổi. Bệnh nhân này có rất nhiều bệnh nền, tiểu đường, tăng huyết áp…

Bệnh nhân hiện đông đặc 2 đáy phổi, đã phải dùng đến hệ thống hỗ trợ tim phổi nhân tạo ECMO đến ngày thứ 5 kết hợp dùng an thần, giãn cơ, dinh dưỡng đường tĩnh mạch song vẫn trong tình trạng rất nguy kịch, tiên lượng tử vong cao. Hội đồng chuyên môn đề nghị bệnh viện theo sát vì tất cả các biện pháp điều trị đã được áp dụng.

Ngoài ra tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương còn 2 trường hợp nặng là 1643 và 1725, trong đó ca bệnh 1725, 30 tuổi đang phải thở máy.

Theo  VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/nhieu-benh-nhan-covid-19-tro-nang-nhanh-hon-30-ca-ton-thuong-phoi-711676.html

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.