Nữ bệnh nhân bị xương cá đâm xuyên cổ, BS cảnh báo: Tuyệt đối không làm điều này khi ăn

Một nữ bệnh nhân vừa được các bác sĩ BV Tai Mũi Họng Trung ương cấp cứu thành công vì bị hóc xương cá đâm xuyên từ thực quản ra ngoài cổ.

Một nữ bệnh nhân vừa được các bác sĩ BV Tai Mũi Họng Trung ương cấp cứu thành công vì bị hóc xương cá đâm xuyên từ thực quản ra ngoài cổ.

Hàng loạt ca Hóc xương cá khi ăn nhập viện cấp cứu

Ths.BS Trần Hữu Thắng – Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương) cho biết, thời gian gần đây khoa thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân đến cấp cứu do bị hóc xương khi ăn uống. “Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 ca đến khám vì hóc xương, trong đó có những ca nặng phải phẫu thuật và nằm viện điều trị nhiều ngày”, BS Thắng cho hay.

Điển hình như trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị T. (ở Hải Hậu, Nam Định), nhập viện do bị hóc xương cá. Nguy hiểm hơn, bệnh nhân T. còn bị xương cá đâm xuyên từ thực quản ra ngoài cổ.

Nữ bệnh nhân bị xương cá đâm xuyên cổ, BS cảnh báo: Tuyệt đối không làm điều này khi ăn-1

Nữ bệnh nhân bị xương cá đâm xuyên cổ vẫn đang phải điều trị tại bệnh viện.

Theo chia sẻ của người bệnh, trong bữa cơm bệnh nhân có ăn món cá và vừa ăn vừa nói chuyện nên bị hóc. Sau khi bị hóc bệnh nhân dùng các mẹo dân gian như cố gắng ăn thêm miếng thức ăn lớn và các mẹo khác để trôi dị vật, nhưng không có kết quả.

Do đau vùng cổ, nhất là mỗi khi nuốt nên bệnh nhân T. đã ra phòng khám tư thăm khám. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán nghi ngờ có dị vật ở vùng cổ nên đã chuyển lên BV Tai Mũi Họng Trung ương cấp cứu.

BS Thắng cho biết, kết quả chụp phim bệnh nhân cho thấy, bệnh nhân có dị vật (xương cá) đâm xuyên từ lòng thực quản ra vùng cổ, ngay sau đó bệnh nhân được các bác sĩ BV TMH Trung ương mở cạnh cổ lấy dị vật.

Nữ bệnh nhân bị xương cá đâm xuyên cổ, BS cảnh báo: Tuyệt đối không làm điều này khi ăn-2

Nữ bệnh nhân bị xương cá đâm xuyên cổ, BS cảnh báo: Tuyệt đối không làm điều này khi ăn-3

Hình ảnh bệnh nhân hóc xương cá và sau khi được lấy ra.

Một trường hợp khác là bệnh nhân Lý Thị Ph. (SN 1959, Cao Sơn, Đà Bắc, Hòa Bình), bị hóc xương gà và phải nhập viện trong tình trạng rất đau đớn. Chia sẻ với phóng viên, bà Ph. cho biết, bà có sở thích ăn đầu gà. Trong một lần ăn bà nuốt mỏ gà và bị hóc ở thực quản, gia đình có dùng mẹo chữa nhưng đều không có kết quả.

Do quá đau đớn, bà Ph. có ra bệnh viện tỉnh thăm khám, sau đó được chuyển xuống Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương. Tại đây, bệnh nhân đã được chụp phim CT và nghi ngờ có dị vật trong thành thực quản, bệnh nhân đã được nội soi thực quản ống cứng, nhưng không phát hiện ra dị vật và các bác sỹ đã phải mở cạnh cổ kiểm tra và phát hiện 3 mảnh xương gà, mảnh dài nhất 3cm trong thành thực quản.

Nữ bệnh nhân bị xương cá đâm xuyên cổ, BS cảnh báo: Tuyệt đối không làm điều này khi ăn-4

Có những bệnh nhân bị hóc nhiều xương cùng 1 lúc.

Tuyệt đối không cười đùa khi ăn uống

Ths.BS Trần Hữu Thắng cho biết, trong số các ca hóc dị vật thường gặp nhất vẫn là hóc xương cá. Nguyên nhân là do người dân thường có thói quen vừa ăn vừa nói chuyện hoặc cười đùa. Ngoài ra còn do cách chế biến cá để nguyên con, không lọc hoặc loại bỏ phần xương trước khi ăn.

“Bản chất dị vật xương cá thường là sắc nhọn và dài vì thế rất dễ hóc. Hơn nữa, khi bị hóc người bệnh ban đầu không để ý, hoặc cố tình giấu chỉ đến khi sưng đau thì mới đến viện để thăm khám. Tuy nhiên, đến lúc đó tình trạng đã chuyển biến nặng gây nhiễm trùng, đặc biệt là trường hợp hóc xương cá biển”, BS Thắng chia sẻ.

Thông thường, tất cả các bệnh nhân khi hóc xương đều được soi ống cứng kiểm tra, nếu có dị vật sẽ tiến hành gắp luôn. Trong trường hợp soi không thấy dị vật, các bác sĩ có thể chọn phương pháp mở cạnh cổ để lấy dị vật. Tuy nhiên, phương pháp này yêu cầu các bác sĩ phải có kinh nghiệm phẫu thuật đầu cổ, vì xương hóc thường nhỏ và dài rất dễ lẫn với tổ chức gân cơ vùng cổ.

Nữ bệnh nhân bị xương cá đâm xuyên cổ, BS cảnh báo: Tuyệt đối không làm điều này khi ăn-5

Hình ảnh chụp chiếu phát hiện có dị vật trong thanh quản.

“Vùng cổ là nơi có nhiều mạch máu lớn, đó là chưa kể người bệnh đã bị nhiễm trùng và dị vật sắc nhọn... vì thế nguy cơ chảy máu rất cao. Ngoài ra, những trường hợp có bệnh lý mãn tính cũng đòi hỏi bác sĩ phải đưa ra phương pháp điều trị sao cho hợp lý”, BS Thắng cho hay.

Điển hình như một nữ bệnh nhân 74 tuổi, bị thủng thực quản do hóc dị vật, gây áp xe cạnh cổ và áp xe trung thất. Tuy nhiên, qua chụp chiếu lại không tìm thấy dị vật, dù có chỉ định mổ nhưng bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, suy tim nên khả năng mổ sẽ gặp nhiều nguy cơ nên gia đình và bệnh nhân cũng rất băn khoăn. 

Với trường hợp này, bệnh nhân được chỉ định dùng phương pháp điều trị nội khoa (dùng kháng sinh mạnh: Meronem và Valcomycin), kết hợp với nội soi hút mủ qua lỗ thực quản đồng thời người bệnh phải ăn qua đường sonde dạ dày. Sau 3 tuần điều trị tình trạng nhiễm trùng mới thuyên giảm.

Với sự nguy hiểm của việc hóc xương đối với người bệnh khi ăn, BS Thắng khuyến cáo, người dân khi ăn không nên cười đùa và nói chuyện. Ngoài ra, khi chế biến thức ăn đặc biệt cho người già và trẻ nhỏ cần phải lưu ý lọc bỏ phần thịt và phần xương riêng.

Việc xử trí những dị vật đã chui qua thực quản ra ngoài vùng cổ sẽ phải tiến hành những phẫu thuật lớn, thời gian điều trị kéo dài gây đau đớn cho bản thân người bệnh và chi phí cũng rất lớn.

Trong trường hợp bị hóc xương, không nên tự ý dùng tay để cố lấy dị vật hoặc dùng mẹo để chữa, mà đến ngay các cơ sở y tế được được thăm khám và xử trí kịp thời.

Theo Khám phá


hóc dị vật

Hóc xương cá


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.