Đưa “chất độc” vào người khi dùng sai
Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH-CN) mới đây đã lựa chọn ngẫu nhiên 8 sản phẩm màng bọc thực phẩm tại siêu thị để kiểm tra, trong đó có 3 mẫu nhập khẩu từ Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và 5 mẫu sản xuất trong nước. Kết quả, có 3 mẫu không phù hợp với chỉ tiêu “Cặn khô trong n-heptane ở 25°C, 60 phút”. Theo quy định mức giới hạn tối đa của QCVN 12-1/BYT là 150 µg/mL, trong khi các mẫu có hàm lượng “Cặn khô trong n-heptane ở 25°C, 60 phút” từ 162 µg/mL đến 187 µg/mL.
Sai lầm khi dùng màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng. Ảnh: TG
Các chuyên gia cho rằng, việc phát hiện hàm lượng cặn khô vượt ngưỡng trong sản phẩm màng bọc thực phẩm là vấn đề đáng lưu ý, bởi nếu trong cặn khô tồn tại chất hóa học độc hại thì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng. Trước đó một thời gian, thông tin về màng bọc thực phẩm chứa chất hóa dẻo dễ gây ung thư cũng đã khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại.
Trên thị trường, màng bọc thực phẩm hiện đa dạng về cả mẫu mã và thương hiệu. Các loại màng bọc với thành phần chủ yếu là nhựa PVC, PE hay màng nhôm. Và xuất xứ của màng bọc thực phẩm cũng vô cùng đa dạng, từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam...
PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, thực tế chúng ta không thể phủ nhận sự tiện dụng của màng bọc thực phẩm trong việc bảo quản thức ăn, thực phẩm. Màng bọc thực phẩm phần lớn dùng nhựa PE đã được quy định sử dụng làm bao bì thực phẩm, bọc thức ăn chín. Còn tính chất hóa học của vật liệu PVC, khi chế tạo, các nhà sản xuất phải sử dụng phụ gia DEHA (Di-ethylhexyl adipate) hoặc DEHP (Di-ethylhexyl phthalate) để làm mềm và làm trong suốt màng bọc. Nếu sản xuất theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định vẫn đảm bảo.
Tuy nhiên, việc sử dụng màng bọc thực phẩm không đảm bảo chất lượng hoặc không đúng cách có thể rước độc vào người vì các chất độc thôi nhiễm ra. Bởi không phải môi trường nhiệt độ nào cũng có thể sử dụng chúng. Một số sai lầm mà nhiều người vẫn mắc phải khi sử dụng hay gặp:
Dùng trong lò vi sóng: Màng bọc thức ăn cho phép bọc nóng. Nhưng khi đưa vào lò vi sóng thì lại khác vì cách tạo nhiệt của lò vi sóng khác với cấp nhiệt từ bên ngoài vào. Cách tạo nhiệt từ lò vi sóng tức là nóng từ giao động phân tử bên trong ra bên ngoài nên độ độc phát ra có thể nhiều hơn. Lúc này màng sẽ bị phân huỷ và giải phóng các hợp chất clo thuộc nhóm gây độc. Để không phải đối mặt với các tác dụng phụ, khi hâm nóng đồ ăn, bạn cần bỏ màng bọc ra, dù là màng bọc loại nào.
Bọc thực phẩm nhiều dầu mỡ, gia vị: Sau khi tiếp xúc với những thực phẩm này, thành phần hoá học chứa trong màng bọc sẽ thẩm thấu vào thức ăn, tạo ra các phản ứng hóa học gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, việc bọc những thực phẩm ở môi trường acid, kiềm cũng dễ khiến chất độc thôi nhiễm.
Bọc thực phẩm có hàm lượng vitamin cao: Một nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu dùng màng bọc thực phẩm để bọc các loại rau củ quả có hàm lượng vitamin C cao như cà rốt, dưa chuột, đậu đũa… sẽ làm lượng vitamin C bị giảm lớn.
Bọc sát không đảm bảo đúng khoảng cách: Nguyên tắc màng bọc thực phẩm cần cách thức ăn ít nhất là 2,5cm để tránh các chất có trong màng bọc thâm nhập vào thức ăn, nhưng đa phần mọi người hay bọc sát để kín. Tốt nhất các bà nội trợ nên đựng thức ăn vào những hộp thủy tinh cao thành rồi mới bọc màng bọc thực phẩm.
Lựa chọn màng bọc an toàn
PGS.TS Trần Hồng Côn khuyến cáo, để tránh những nguy hại người tiêu dùng nên chọn các sản phẩm được cho phép có kí hiệu là EU hoặc USA, hoặc các sản phẩm trong nước, có xuất xứ rõ ràng và đã có đăng ký, kiểm nghiệm chất lượng. Đối với những sản phẩm trôi nổi trên thị trường sẽ rất nguy hiểm cho người tiêu dùng
Ngoài ra, người tiêu dùng cần phân biệt được màng PE và màng PVC. Theo đó, màng PVC có màu trắng ngà/hoặc vàng nhạt và ít dai khi kéo giãn; sờ có cảm giác dính tay, khó tách các lớp màng bọc khi chúng tiếp xúc trực tiếp với nhau; khó cháy, chỉ cháy khi đốt trực tiếp bằng lửa và có mùi hắc. Còn màng PE màu trắng, trong suốt, dai khi kéo giãn; khi sờ và sản phẩm ít dính tay, dễ dàng tách các lớp màng bọc khi chúng tiếp xúc trực tiếp với nhau; dễ bị đốt cháy bằng lửa và cháy rất nhanh, không tắt và hầu như không tạo ra mùi khi cháy. Người tiêu dùng có thể dựa vào các dấu hiệu này để lựa chọn.
Đối với màng bọc PVC chỉ nên dùng với thực phẩm chưa qua chế biến và cần rửa sạch lại thực phẩm khi chế biến, còn màng PE phù hợp bảo quản thức ăn đã qua sơ chế. Loại màng nhôm không bọc cho thực phẩm giàu axít, vì sau một vài ngày được bọc trong giấy bạc, lượng axít trong món ăn sẽ phản ứng với chất nhôm. Nó có thể thẩm thấu vào thức ăn và làm cho món ăn có vị kim loại. Có thể dùng để bọc bên ngoài thực phẩm như cá, thịt nướng giúp thức ăn không bị bay hơi hay mất mùi và không bị cháy.
Cách nhận biết màng bọc PE và PVC Màng PE: Có màu trắng, trong suốt, dai khi kéo giãn; khi sờ và sản phẩm ít dính tay, dễ dàng tách các lớp màng bọc khi chúng tiếp xúc trực tiếp với nhau; dễ bị đốt cháy bằng lửa và cháy rất nhanh, không tắt và hầu như không tạo ra mùi khi cháy. Màng PVC: Có màu trắng ngà/hoặc vàng nhạt và ít dai khi kéo giãn; sờ có cảm giác dính tay, khó tách các lớp màng bọc khi chúng tiếp xúc trực tiếp với nhau; khó cháy, chỉ cháy khi đốt trực tiếp bằng lửa và có mùi hắc. |