Sai lầm tai hại khi cho trẻ uống oresol không đúng tỷ lệ

Ngoài việc cho trẻ đi khám, điều trị tại các cơ sở y tế khi trẻ bị sốt virus, không ít bậc phụ huynh tự tìm cách hạ sốt và bù nước cho trẻ tại nhà.

Ngoài việc cho trẻ đi khám, điều trị tại các cơ sở y tế khi trẻ bị sốt virus, không ít bậc phụ huynh tự tìm cách hạ sốt và bù nước cho trẻ tại nhà. Các chuyên gia khuyến cáo, sai lầm “chết người” này sẽ gây nguy hiểm cho trẻ.

Ngộ độc do bù nước sai tỷ lệ

Bé Nguyễn Văn Nam (3 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) bị sốt nhẹ kèm nôn, tiêu chảy cấp. Nghĩ con bị rối loạn tiêu hóa nên để chống mất nước cho con, gia đình đã cho bé uống oresol liên tục. Dù vậy bé vẫn khát nước dữ dội, quấy khóc, tiếp tục nôn và tiêu chảy trầm trọng. Nam được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao, môi khô nẻ và có những cơn co giật. Kết quả điện giải đồ cho thấy Nam bị ngộ độc muối do uống oresol sai tỷ lệ.

Cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng trong những ngày nắng nóng (ảnh minh họa).
Cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng trong những ngày nắng nóng (ảnh minh họa).

BS Đại tá Bùi Thanh Tiến – Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Quân y 103) cho biết, oresol có tác dụng bù nước rất tốt, vì ngoài nước cất, còn cung cấp một lượng muối khoáng rất quan trọng. Nó được khuyên dùng trong trường hợp người bị mất nước và chất điện giải do tiêu chảy, nôn, sốt cao... Tuy nhiên, điều quan trọng là sử dụng nó phải đúng cách, pha đúng nồng độ quy định.

Trên thị trường hiện có hai loại oresol: Loại gói nhỏ được chỉ định pha với 200ml nước; Loại gói to pha đủ với 1 lít nước sôi để nguội. Nhưng vẫn có nhiều phụ huynh “sáng tạo” trong việc pha oresol gây nguy hiểm cho trẻ. Do có trẻ không thích uống oresol, sợ con uống ít không đủ bù nước, cha mẹ liền pha cả gói với vài thìa nước. Sự “sáng tạo” này vô tình gây nguy hiểm cho trẻ. Khi uống oresol với nồng độ quá đặc, có thể bổ sung ít nước nhưng lại làm hàm lượng muối trong máu tăng lên khiến áp lực thẩm thấu trong máu cao hơn bình thường dẫn đến tình trạng trẻ bị co giật, sốt cao, vật vã, kích thích, hôn mê. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể đe dọa tính mạng trẻ. Ngược lại, pha loãng lại không có tác dụng bù nước, giá trị cung cấp điện giải sẽ kém đi.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho biết, việc pha oresol không đúng quy định sẽ càng gây rối loạn nước và điện giải, tình trạng tiêu chảy càng nặng hơn, thậm chí trẻ có thể tử vong.

Một trong những cách pha sai lầm hay gặp là nhiều người chia nhỏ gói oresol uống thành nhiều lần, trong khi đáng lẽ phải hòa tan hết 1 gói oresol trong 200ml nước mới đảm bảo nồng độ các chất, bù nước cho cơ thể bị mất. Có người lại cắt 1/2 hoặc 1/3, 1/4 gói thuốc rồi nhẩm tính số nước tương ứng giảm đi so với yêu cầu chuẩn. Các cách này dễ khiến trẻ bị ngộ độc muối.

Tốt nhất, phụ huynh pha theo chỉ dẫn trên bao bì, bảo đảm đúng tỷ lệ và cho trẻ uống từng ngụm nhỏ nhiều lần. Thực tế đã có trường hợp cháu bé bị tiêu chảy nhưng người thân đã cho cháu uống hơn 3 gói oresol bằng cách pha từng phần ra chén và cho uống liên tục vì thấy bé vẫn khát. Lượng muối quá đậm đặc đã khiến trẻ tử vong vì phù não cấp tính.

Làm gì khi trẻ sốt?

Một sai lầm khác trong cách bù nước, hạ sốt cho trẻ mà nhiều phụ huynh đang làm là truyền dịch. Họ cho rằng, mọi thứ sốt, thậm chí sốt ác tính chỉ cần truyền một chai dịch cũng giảm ngay mà không có hại đối với trẻ nhỏ. Song bản chất truyền dịch không phải cắt sốt, hạ sốt. Việc tự ý truyền dịch sẽ vô cùng nguy hại đến sức khỏe, chỉ khi sốt kéo dài bác sĩ mới chỉ định truyền dịch.

“Truyền dịch không bù nước nhanh cho cơ thể. Ngoài các nguy cơ sốc dẫn đến tử vong, khi truyền dịch sát khuẩn không tốt có thể dẫn đến lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng như viêm gan siêu vi. Nếu cháu bé bị sốt do viêm phổi, việc truyền dịch còn làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh. Thậm chí, nếu lượng dịch truyền quá nhiều so với tình trạng bệnh sẽ gây phù phổi, suy tim. Do đó, chỉ trường hợp thật sự cần thiết, các bác sĩ mới chỉ định truyền dịch để bù nước”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo.

Theo các chuyên gia, trời nắng nóng trẻ rất dễ bị sốt. Biểu hiện của trẻ sốt virus chủ yếu là nhiệt độ cơ thể tăng cao trên 38oC, sốt kéo dài, chân tay lạnh, ho nhiều, một số trường hợp xuất hiện kèm các nốt phát ban… Một số trẻ nhỏ bị sốt virus còn lên cơn co giật liên hồi kèm tình trạng khó thở. Bởi vậy cần chú ý để đưa trẻ đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời.

Cha mẹ cần lưu ý khi trẻ sốt trên 38,5oC. Cho trẻ nằm ở nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng, tắm nước ấm, đồng thời cho trẻ uống nước đầy đủ theo nhu cầu để bù lại lượng nước đã mất. Trẻ bị sốt cao thường ra nhiều mồ hôi nên dễ bị mất nước, vì vậy cần cho bé uống nhiều nước, sữa, nước trái cây, cháo, súp… để bù mất nước.  Tuyệt đối không cho trẻ uống nước ngọt và nước có ga. Cần theo dõi phản ứng của trẻ. Nếu đã bù oresol đường uống đúng cách mà trẻ vẫn nôn quá nhiều, có dấu hiệu mất nước như mệt, kêu khát nước, tiểu ít… nên đưa trẻ đến viện để bác sĩ điều trị, phòng nguy cơ mất nước rất nguy hiểm.

Để phòng tránh trẻ sốt cần cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng. Cho trẻ mặc quần áo phù hợp với thời tiết để tránh bị cảm sốt hay sốt do thân nhiệt tăng do quần áo quá dày. Uống đủ nước hàng ngày. Điều đặc biệt cần lưu ý là tiêm vaccine phòng bệnh do virus như sởi, quai bị…

Theo GĐXH



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.