Sinh viên ký túc xá khốn khổ vì kiến ba khoang

Những ngày qua, sinh viên sống tại ký túc xá nhiều trường đại học tại TP.HCM liên tục "kêu trời" vì kiến ba khoang xuất hiện khắp nơi.

Những ngày qua, sinh viên sống tại ký túc xá nhiều trường đại học tại TP.HCM liên tục "kêu trời" vì kiến ba khoang xuất hiện khắp nơi.

TP.HCM đang bước vào mùa mưa, nhiều khu vực ẩm ướt, tạo điều kiện cho các loài côn trùng, trong đó có kiến ba khoang. Đây cũng là khoảng thời gian nhiều sinh viên sống tại ký túc xá (KTX) Đại học Quốc gia TP.HCM “ám ảnh” bởi kiến ba khoang xuất hiện ở khắp mọi nơi.

Kiến ba khoang "tấn công" ký túc xá

Trần Nguyễn Mỹ Hạnh (sinh viên ĐH Nông Lâm TP.HCM) cho biết nhiều năm nay, mỗi lần đến mùa mưa, kiến ba khoang lại xuất hiện ở KTX rất nhiều. “Mình từng bị kiến ba khoang cắn nhiều lần. Tuy nhiên, lần này có vẻ nặng. Vết lở loét khắp nơi ở cổ, tay. Nếu va chạm mạnh, vết thương chảy nước, nó sẽ lan rộng hơn”, Hạnh nói.

Cùng chung hoàn cảnh, Huỳnh Phi Yến (sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) cũng kêu trời vì nhiều ngày qua không dám về KTX để ngủ.

“Kiến ba khoang xuất hiện nhiều vào buổi tối. Nếu không may chà xát con vật này, để nó tiết dịch độc lên da, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Mình bị mẩn đỏ, mụn nước ở phần lưng, vai và nhiều vị trí trên cổ, phải đến điều trị da liễu tại bệnh viện. Nếu vết thương ở tay chân còn bớt sợ, không may vết loét trong người thì rất dễ lây lan”, Yến lo lắng nói.

Sinh viên ký túc xá khốn khổ vì kiến ba khoang-1
Kiến ba khoang trở thành nỗi ám ảnh của sinh viên ký túc xá khi mùa mưa đến. Ảnh: Cooky.

Trên trang fanpage Hội những người ở KTX Khu B, các bạn sinh viên liên tục đăng tải bài viết kèm hình ảnh vết thương do kiến ba khoang gây ra. Nhiều người “kêu trời” vì chỉ sau một đêm ngủ, các bạn bỗng nhiên trở thành nạn nhân của kiến ba khoang với các vết loét chi chít trên người.

Một số bạn sinh viên lo lắng, không dám ngủ tại phòng ký túc xá. Trong khi đó, nhiều bạn lại tỏ ra không quá ngạc nhiên. Lê Hồng Loan (sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) cho biết đã quen với tình cảnh này khi sống tại ký túc xá. Theo Loan, mỗi khi đến mùa mưa, kiến ba khoang lại liên tục tấn công, nhiều bạn bị nặng phải nghỉ học gần hai tuần.

Nhiều sinh viên cho biết vào mùa mưa khoảng tháng 6, tháng 7, tình trạng này lại tái diễn. Chỉ cần bật đèn, mở cửa sổ buổi tối là đàn kiến ba khoang sẽ kéo tới bu bám khắp phòng và gây vết thương cho những ai vô tình chạm phải chúng.

Bạn Huỳnh Phi Yến cho biết mỗi khi đến mùa kiến ba khoang, Ban quản lý KTX đều có đợt phun thuốc diệt kiến. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn không thuyên giảm, thậm chí, kiến ba khoang còn xuất hiện nhiều hơn sau khi phun thuốc.

Làm gì khi bị kiến ba khoang đốt?

Theo BSCKII Lâm Bình Diễm, khoa Da liễu, Bệnh viện Quận 2, TP.HCM, thời gian gần đây, đơn vị này liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp đến thăm khám do kiến ba khoang đốt với các biểu hiện như tổn thương da, phù nề nhẹ, có mụn nước hoặc mủ.

Sinh viên ký túc xá khốn khổ vì kiến ba khoang-2
Một bạn sinh viên đăng tải hình ảnh vết thương do kiến ba khoang gây ra lên mạng xã hội. Ảnh: FBNV.

Bệnh thường do tiếp xúc với côn trùng có tên là Paederus. Loài vật này có mình dài, kích thước từ 1,5-20 mm, màu đỏ nâu, hơi giống kiến. Dân gian gọi bằng nhiều tên khác nhau như kiến ba khoang, kiến lác, kiến gạo, kiến nhốt, kiến cong đít. Chúng tiết ra chất pederin có độc tính gây bỏng, khi tiếp xúc với da người sẽ tạo nên phản ứng viêm da bóng nước.

Những tình huống làm cho bệnh nhân dễ mắc bệnh thường gặp nhất là khi làm việc, kiến ba khoang vô tình rơi vào mặt, cổ và vùng da hở trên cơ thể. Bệnh nhân vô ý quẹt tay hoặc đập nát côn trùng, làm da tiếp xúc với chất pederin gây viêm da bóng nước. Một số trường hợp kiến ba khoang bám vào khăn mặt, quần áo, mắt kính,… bệnh nhân không chú ý sẽ khiến chất độc tiếp xúc với da.

“Lúc đầu, bệnh nhân thấy hơi ngứa rát, da đỏ nhẹ. Sau 6-12 giờ, vùng da đỏ nhiều, thành vệt hay đường, xuất hiện mụn nước, mụn mủ. Lúc này, bệnh nhân thường thấy đau rát kèm theo khó chịu, nổi hạch. Nếu tổn thương gần mắt có thể gây sưng hai mắt”, bác sĩ Diễm cho hay.

Bác sĩ Diễm khuyến cáo nếu không may dính phải nọc độc của loài côn trùng này, người bệnh cần nhanh chóng lấy nước rửa sạch chỗ kiến đốt. Bệnh nhân cần hạn chế làm tổn thương lây lan, không tự ý điều trị mà nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc, xử lý đúng cách.

Nếu vết thương ở thể nặng, bệnh nhân sẽ được chỉ định uống kháng sinh, thuốc giảm đau hoặc dùng corticosteroid. Thông thường, bệnh sẽ ổn định sau 5-7 ngày.

Theo bác sĩ Diễm, không phải ai cũng kịp thời đến bệnh viện xử lý vết thương do kiến ba khoang. Nhiều người thấy vết thương mà không biết kiến ba khoang cắn nên xử lý sai cách, khiến tình trạng tăng nặng.

Đáng chú ý, một số người còn hiểu lầm giữa mẩn đỏ do kiến ba khoang cắn và bệnh giời leo (zona). Họ tự ý ra hiệu thuốc tây mua thuốc thoa lên da hoặc đi “thầy” để phán vết thương. Kiến ba khoang không nguy hiểm và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, nếu người bệnh xử lý không phù hợp, tình trạng tổn thương da sẽ nặng hơn”, bác sĩ Diễm cảnh báo.

Theo Zing


Kiến ba khoang


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.