Tất cả những điều cần biết để phòng tránh căn bệnh quái ác mà ca sĩ Tuấn Hưng đang mắc phải

Thông tin nam ca sĩ Tuấn Hưng chia sẻ cho thấy mình mắc bệnh vẩy nến, cảm thấy như bị phát điên gần 1 tháng trời khiến nhiều người hâm mộ không khỏi bàng hoàng.

Thông tin nam ca sĩ Tuấn Hưng chia sẻ cho thấy mình mắc bệnh vẩy nến, cảm thấy như bị phát điên gần 1 tháng trời khiến nhiều người hâm mộ không khỏi bàng hoàng.

Xôn xao thông tin nam ca sĩ Tuấn Hưng mắc bệnh vẩy nến khắp người, không thể che chắn hết

Theo chia sẻ trên facebook cá nhân, nam ca sĩ Tuấn Hưng mắc bệnh vẩy nến đã gần 1 tháng nay. Căn bệnh khiến nam ca sĩ luôn cảm thấy phát điên với những biểu hiện nổi vảy nến khắp người, đầy trên đầu, mặt và tay chân... Dường như không có chỗ nào là vẩy nến không tấn công.

"Hưng che chắn các kiểu nhưng vẫn có những nơi trên cơ thể không thể che chắn, nguỵ trang. Có lúc căng thẳng, buồn dẫn đến suy sụp luôn. Tắm biển bôi thuốc, uống nước mát vẫn không thuyên giảm", nam ca sĩ chia sẻ trên facebook cá nhân.

Theo chia sẻ trên facebook cá nhân, nam ca sĩ Tuấn Hưng mắc bệnh vẩy nến đã gần 1 tháng nay. (Ảnh: Facebook ca sĩ Tuấn Hưng)

Sau chuyến đi London về, không chịu nổi nữa, Tuấn Hưng quyết định tìm đến một bác sĩ và được chẩn đoán chắc chắn bị vẩy nến khiến nam ca sĩ càng thêm căng thẳng. May mắn là điều trị theo phác đồ của bác sĩ, hiện nay nam ca sĩ đã khỏi đến 70%.

Trước những thông tin này, không ít bạn bè, đồng nghiệp cùng nhiều fan hâm mộ đã bày tỏ cảm xúc, động viên nam ca sĩ chóng hồi phục. Theo Mayo Clinic, bệnh vẩy nến không lây và phần lớn do di truyền. Khi các tế bào da tích tụ lại, những mảng sần màu đỏ được hình thành trên da, gây ngứa và đau. Tuy nhiên, giữa các đợt bùng phát của bệnh, làn da trông hoàn toàn bình thường. Mặc dù bệnh lành tính nhưng thường tái phát, dễ phát triển thành mạn tính và gây khó chịu, cản trở sinh hoạt của người bệnh.

 

Từ trước đến nay, căn nguyên gây ra bệnh vẩy nến chưa được xác định rõ ràng. Hầu hết các nhà nghiên cứu và chuyên gia sức khỏe thừa nhận bệnh có liên quan đến các rối loạn miễn dịch và mang yếu tố di truyền. Bên cạnh đó, một số yếu tố khác như căng thẳng thần kinh (stress), nhiễm khuẩn trên da, chấn thương, thời tiết, khí hậu, sử dụng một số loại thuốc… cũng có thể làm cho bệnh tiến triển nặng thêm.

Chân Tuấn Hưng với những nốt vẩy nến tấn công. (Ảnh: Facebook ca sĩ Tuấn Hưng)

Bệnh vẩy nến – Càng bị stress thì bệnh càng nặng thêm, hiện chưa có thuốc chữa khỏi dứt điểm

Theo TS Lê Hữu Doanh (Phó Giám đốc bệnh viện Da liễu Trung ương), bệnh vẩy nến là bệnh da mãn tính. Nhiều người cảm thấy vô cùng xấu hổ và ngại ngùng khi mắc bệnh. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, bệnh vẩy nến ảnh hưởng tới sức khỏe của khoảng 2-3% dân số thế giới. Hiện có khoảng 125 triệu người mắc bệnh. Ở Việt Nam tuy chưa có số liệu điều tra chính xác nhưng theo ước tính có từ 1,5-2% dân số mắc bệnh vẩy nến.

Dấu hiệu nhận biết bệnh vẩy nến bao gồm xuất hiện các mảng và sẩn màu đỏ có vẩy trắng bạc. Khi cạo nhẹ vảy bong ra để lại ở dưới những đốm máu nhỏ. Các sẩn hoặc đám thương tổn nhỏ tụ lại thành mảng lớn. Các thương tổn có thể có ở toàn thân nhưng có một số vị trí rất hay gặp là đầu, ngón tay, bàn tay- bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, ụ ngồi, mông và cẳng chân. Bệnh thường đối xứng hai bên cơ thể, mặt ít khi bị tổn thương.

Ca sĩ Tuấn Hưng khẳng định căn bệnh khiến anh cảm thấy phát điên (Ảnh: Facebook ca sĩ Tuấn Hưng)

Bệnh vẩy nến thể thông thường, gồm vảy nến thể giọt, thể đồng tiền, thể mảng. Vảy nến thể đặc biệt: Thể đảo ngược, thể ở lòng bàn chân-bàn tay, thể đỏ da toàn thân vảy nến, thể mủ, vảy nến móng-khớp, viêm đầu chi liên tục, vảy nến niêm mạc. Trong đó, vẩy nến thông thường là bệnh thường gặp hơn cả.

Bệnh ở da đầu có đặc điểm là nhiều vảy da bong, không gây rụng tóc nhưng hay ngứa và gây phiền phức cho người bệnh vì vảy da bong liên tục. Trái lại, các thương tổn vảy nến ở kẽ mông, sinh dục thì lại có ít vảy da do vùng da đó ẩm ướt. Móng tay, móng chân bị tổn thương với biểu hiện móng bị tách, móng sùi dễ gãy, có các vết rỗ trên móng.

Tổn thương móng trong vẩy nến dễ bị chẩn đoán nhầm là nấm móng. Thương tổn móng có thể cùng với thương tổn khớp do vẩy nến và cũng là biểu hiện làm cho người bệnh rất ngại ngùng khi giao tiếp. Hơn nữa, nhiều trường hợp gây biến dạng móng và khớp để lại di chứng trầm trọng cho người bệnh.

Bệnh thường xuất hiện ở tuổi ngoài 20, có thể gặp ở người lớn tuổi ngoài 50, đôi khi ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh vẩy nến là như nhau ở nam và nữ. Các yếu tố có thể làm bệnh vẩy nến nặng hơn là các sang chấn như gãi, chà sát mạnh, nhiễm trùng mà thường là nhiễm liên cầu, các stress tâm lý, sử dụng thuốc corticosteroid, lithium, các thuốc chống sốt rét, interferon... Rượu cũng là tác nhân làm cho bệnh nặng lên.

"Bệnh vẩy nến không gây chết người nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh", TS Lê Hữu Doanh khẳng định. Để chẩn đoán bệnh có thể tiến hành làm sinh thiết. Bệnh không lây, hiện chưa có cách chữa khỏi. Mặc dù vậy, việc tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ có thể giúp bạn kiểm soát bệnh tốt nhất.

Theo Helino


Tuấn Hưng

bệnh vảy nến


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.