Thời tiết nóng ẩm mùa hè: Coi chừng trẻ mắc bệnh chốc gây lở loét nguy hiểm

Theo các bác sĩ, thời tiết nóng ẩm có thể khiến bệnh chốc bùng phát ở trẻ, gây ngứa ngáy, lở loét và nhiễm khuẩn.

Theo các bác sĩ, thời tiết nóng ẩm có thể khiến bệnh chốc bùng phát ở trẻ, gây ngứa ngáy, lở loét và nhiễm khuẩn.

Những ngày gần đây, thời tiết TP.HCM liên tục nắng nóng với nhiệt độ rất cao rồi bất ngờ mưa lớn và giông gió nặng.

Theo các chuyên gia, với thời tiết nóng ẩm, trẻ rất dễ mắc các bệnh ngoài da. Trong đó, bệnh chốc là một căn bệnh dễ xuất hiện trong mùa hè nắng nóng.

Bệnh chốc - Căn bệnh dễ lây lan

ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Ngọc, bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết bệnh chốc là một bệnh nhiễm khuẩn da hay gặp ở trẻ nhỏ, đặc trưng bởi các tổn thương cơ bản là bọng nước nông, rải rác, nhanh chóng hóa mủ, dập vỡ đóng vẩy tiết.

Nguyên nhân mắc bệnh chốc thường do vi khuẩn tụ cầu vàng, liên cầu hoặc phối hợp cả hai. Bệnh rất dễ lây lan và thường lây trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành trên cùng một trẻ, hoặc từ trẻ này sang trẻ khác vì vậy bệnh còn được gọi là "chốc lây". Bệnh có thể gây các biến chứng tại chỗ và toàn thân nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Biểu hiện của bệnh chốc
Khởi phát bệnh là những dát đỏ xung huyết đường kính 0,5 – 1 cm đường kính, sau đó bọng nước nhanh chóng phát triển trên các dát đỏ.

Bọng nước có thể hóa mủ nhanh chóng sau vài giờ.

Bọng nước nhanh chóng dập vỡ, đóng vảy tiết màu vàng nâu hoặc nâu nhạt giống màu mật ong. Nếu ở đầu, vảy tiết làm bết tóc.

Thời tiết nóng ẩm mùa hè: Coi chừng trẻ mắc bệnh chốc gây lở loét nguy hiểm-1
Biểu hiện của bệnh chốc. (Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng 1).

Khoảng 7-10 ngày sau, vảy tiết bong đi để lại dát hồng, ẩm ướt, ít lâu sau lành hẳn, không để lại sẹo hoặc chỉ để lại dát tăng sắc tố.

Tổn thương thường ở vùng da hở như tay, mặt, cổ, chi dưới. Trẻ thường không sốt, đôi khi có hạch viêm do phản ứng. Trẻ có thể ngứa nhiều hoặc ít.

Thông thường, bệnh chốc không cần xét nghiệm để chẩn đoán.

Chăm sóc trẻ mắc bệnh chốc

Theo bác sĩ Ngọc nếu tạm thời chưa có điều kiện đưa trẻ đến các cơ sở y tế, phụ huynh nên tắm rửa sạch sẽ cho trẻ. Có thể dùng nước thuốc tím pha loãng 1/10.000, hoặc sử dụng một số loại nước tắm trong dân gian như nước chè xanh làm khô se thương tổn.

"Cha mẹ có thể sử dụng một số thuốc sát trùng như betadine hoặc dung dịch thuốc xanh methylen… Dùng một vài ngày không thấy cải thiện hoặc bệnh có xu hướng nặng lên thì nên gặp bác sĩ để được tư vấn, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra", bác sĩ Ngọc thông tin.

Vì chốc dễ lây lan do thương tổn thường gây ngứa, trẻ sờ gãi vào những thương tổn ở chỗ này, rồi lại làm lây lan ra chỗ khác ngay trên cơ thể nên khi trẻ bị chốc, nên cho trẻ tạm nghỉ ở nhà. Điều này để kiểm soát tốt hơn sự lan rộng của bệnh trên cơ thể trẻ, ngăn ngừa biến chứng và giúp hạn chế bệnh lây sang các bạn khác.

Thời tiết nóng ẩm mùa hè: Coi chừng trẻ mắc bệnh chốc gây lở loét nguy hiểm-2
Bác sĩ bệnh viện Nhi đồng thăm khám cho trẻ.

Các phương pháp điều trị chốc hiện nay

Phương pháp tại chỗ:

- Ngâm tắm ngày một lần bằng nước thuốc tím loãng 1/10.000 hoặc các dung dịch sát khuẩn khác.

- Nếu xuất hiện các bọng nước hoặc bọng mủ: chấm dung dịch thuốc vùng da bị chốc vào buổi sáng (dung dịch Milian, Castellani, eosin 2%..)

- Trường hợp nhiều vảy tiết: đắp nước muối sinh lý 9‰, nước thuốc tím 1/10.000 lên tổn thương, đắp liên tục đến khi bong hết vảy, hoặc bôi mỡ kháng sinh như mupirocin hoặc kem axit fucidic, erythromycin … hai đến ba lần/ ngày.

"Nếu nhiều tổn thương ở một dùng da và/hoặc lan tỏa toàn thân thì bác sĩ sẽ cung cấp cho con của bạn kháng sinh đường uống trong khoảng 5-7 ngày và điều trị các biến chứng nếu có. Nếu bé ngứa nhiều, bác sĩ sẽ cung cấp thêm cho bé thuốc kháng histaimine tổng hợp", bác sĩ Ngọc chia sẻ thêm

Thời tiết nóng ẩm mùa hè: Coi chừng trẻ mắc bệnh chốc gây lở loét nguy hiểm-3
Phụ huynh để nên để cơ thể trẻ được thoáng mát, cho trẻ ở nơi rộng rãi, quần áo vải bông mỏng thoáng.

Các phương pháp dự phòng

Bác sĩ Ngọc khuyên phụ huynh để phòng bệnh nên để cơ thể trẻ được thoáng mát. Cho trẻ ở nơi rộng rãi, quần áo vải bông mỏng thoáng, thấm mồ hôi, tránh để hở da nhiều làm phát sinh bệnh và lây lan.

Cha mẹ nên dạy trẻ chơi ở chỗ sạch, tránh bụi, tránh chơi gần các vật cứng nhọn, hạn chế chơi gần vật nuôi, tránh côn trùng nhằm giúp bảo vệ da trẻ không bị xây xát.

Tắm rửa thường xuyên cho trẻ bằng nước sạch. Thay và giặt sạch quần áo mỗi ngày. Cắt tóc, cắt móng tay ngắn gọn để da không bị đọng chất tiết, mồ hôi dễ gây nhiễm trùng.

Đảm bảo cho trẻ uống nước đầy đủ, ăn nhiều rau xanh và trái cây.

Tránh ở lâu những nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng, để côn trùng đốt.

Theo Helino


phòng bệnh mùa hè

ghẻ lở

nhiễm khuẩn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.