Tiêm vaccine COVID-19 xong không sốt, có phải không hiệu quả?

Nhiều người quan niệm nếu không sốt sau tiêm vaccine COVID-19 nghĩa là vaccine mình đã tiêm không mang lại hiệu quả, điều này thực hư thế nào?

Tiêm vaccine COVID-19 xong không sốt, có phải không hiệu quả?-1
Sốt hay không sốt sau tiêm vaccine không phản ánh hiệu lực của vaccine COVID-19.

Sau khi tiêm vaccine COVID-19, nhiều người gặp phải các phản ứng phụ bao gồm đau cánh tay, mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn và sốt… Đây là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch đang đáp ứng với vaccine.

Nhưng cũng có người không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào cũng như không bị sốt sau tiêm vaccine . Vậy, có phải với những người này vaccine không hoạt động hiệu quả?

Sốt sau tiêm vaccine COVID-19 tại sao người có, người không?

Trao đổi với Báo Sức khỏe & Đời sống, Ts.Ds. Tạ Thanh Sơn (tốt nghiệp tiến sĩ tại Viện công nghệ Dược sinh học, Đại học Marburg, CHLB Đức) cho biết: Mặc dù có những công nghệ vaccine mới xuất hiện, nhưng tất cả các loại vaccine đều phục vụ cùng một mục đích là làm cho hệ thống miễn dịch của cơ thể quen với mầm bệnh đó để hệ thống miễn dịch có thể xây dựng khả năng phòng thủ và giữ cho bạn khỏe mạnh.

Khi một mầm bệnh xâm nhiễm vào cơ thể, hệ thống phòng thủ của cơ thể chúng ta, được gọi là hệ thống miễn dịch được kích hoạt khiến mầm bệnh bị tấn công và tiêu diệt. Khi chúng ta tiêm vaccine là chúng ta đang tạo miễn dịch thích ứng để lần sau gặp lại tác nhân xâm nhập tương tự thì cơ thể sẽ đáp ứng lại nhanh và đủ mạnh để tiêu diệt chúng.

Miễn dịch bẩm sinh phản ứng nhanh tức thì khi phát hiện ra các tác nhân lạ, nhưng tính đặc hiệu không cao, còn miễn dịch tập nhiễm cần thời gian để hình thành kể từ lần gặp đầu tiên.

Mục tiêu của bất kỳ loại vaccine nào là đạt được khả năng miễn dịch lâu dài bằng cách kích hoạt phản ứng miễn dịch thích ứng. Miễn dịch thích ứng được kích hoạt với sự hỗ trợ của các thành phần miễn dịch bẩm sinh và dẫn đến việc tạo ra các tế bào T và kháng thể, bảo vệ chống lại sự lây nhiễm khi tiếp xúc với virus sau này.

Phản ứng sau tiêm nên được hiểu là sự thể hiện đặc tính hệ miễn dịch của mỗi cá nhân và đặc tính của vaccine chứ không phải là tiêu chí để đánh giá hiệu quả của vaccine.

Không giống như các phản ứng miễn dịch bẩm sinh, miễn dịch thích ứng sẽ không khởi phát quá trình viêm. Hầu hết mọi người trải qua phản ứng viêm này bởi cả hệ thống miễn dịch bẩm sinh và thích ứng đều bị phóng đại và biểu hiện như một tác dụng phụ.

Do vậy có sốt hay không sốt sau tiêm vaccine, cũng không làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của vaccine.

Ở một số người, mặc dù hoạt động bình thường, nhưng phản ứng không ở mức độ có thể gây ra các tác dụng phụ đáng chú ý. Nhưng dù bằng cách nào, khả năng miễn dịch chống lại virus cũng được thiết lập.

Tiêm vaccine COVID-19 xong không sốt, có phải không hiệu quả?-2
Ts.Ds.Tạ Thanh Sơn

Các yếu tố ảnh hưởng đến phản ứng sau tiêm vaccine

Cũng theo Ts.Ds.Tạ Thanh Sơn, các phản ứng khác nhau với vaccine có thể do một số yếu tố như sức khỏe, tuổi tác, giới tính, khả năng miễn dịch sẵn có, di truyền, dinh dưỡng, môi trường, việc sử dụng một số loại thuốc điều trị như thuốc chống viêm…

Phản ứng của hệ thống miễn dịch có xu hướng suy yếu dần theo tuổi tác. Đây là một lý do tại sao những người trẻ tuổi báo cáo các tác dụng phụ thường xuyên hơn những người lớn tuổi.

Phụ nữ cũng thường xuất hiện phản ứng phụ sau tiêm nhiều hơn nam giới là do hormone testosterone được biết là có hiệu quả làm giảm các phản ứng viêm thường cao hơn ở nam giới. Bệnh nhân đang phải dùng thuốc ức chế miễn dịch cũng thường ít khi gặp tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine do các cơ chế viêm đang bị kìm hãm.

Vì vậy, việc sau tiêm vaccine, một số người có thể có một hoặc vài trong số các dấu hiệu thường gặp như sốt sau tiêm vaccine, ớn lạnh, khó chịu, mệt mỏi, đau/sưng/đỏ tại chỗ tiêm… là hiện tượng bình thường, không nên quá lo lắng. Ngược lại với những người, nếu không có phản ứng gì, thì cũng không vì thế, mà băn khoăn, nghi ngờ về tác dụng của vaccine.

Những lợi ích to lớn của việc tiêm vaccine phòng COVID-19 là không thể bàn cãi. Tiêm vaccine có thể giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh, giảm tỉ lệ nhập viện, giảm tỉ lệ tử vong và giảm tỉ lệ lây lan dịch bệnh, là biện pháp hiệu quả để phòng chống dịch COVID-19.

Theo SKĐS

Xem link gốc Ẩn link gốc https://suckhoedoisong.vn/tiem-vaccine-covid-19-xong-khong-sot-co-phai-khong-hieu-qua-169210905171415536.htm

Vaccine Covid-19

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.