Trẻ 1 tuổi tử vong vì tay chân miệng, cha mẹ cần nhớ các dấu hiệu nguy hiểm

Một bé trai tại tỉnh Đắk Lắk vừa tử vong trong tình trạng suy hô hấp, sốc nhiễm trung nặng, tổn thương đa cơ quan do mắc tay chân miệng độ 4. Dấu hiệu nào để nhận biết tình trạng nguy hiểm khi trẻ mắc tay chân miệng?

Thưa bác sĩ, bệnh tay chân miệng hay gặp ở trẻ nhỏ vào mùa hè mà không có vắc xin phòng ngừa. Tôi đọc tin và biết bé trai 1 tuổi đã tử vong khi mắc bệnh này. Vậy dấu hiệu nhận biết trẻ bị tay chân miệng ra sao ạ? Lan Anh, 30 tuổi, Bình Dương). 

Bác sĩ Trần Ngọc Lưu, Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, tư vấn:

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người do một nhóm siêu vi đường ruột, có thể tạo thành dịch. Bệnh chủ yếu lây theo đường tiêu hoá từ nước bọt, bỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. 

Bệnh tay chân miệng gặp quanh năm nhưng có xu hướng tăng cao từ tháng 3 đến tháng 5, từ tháng 9 đến tháng 12. Đối tượng hay mắc bệnh là trẻ dưới 5 tuổi.

Các dấu hiệu khi trẻ bị tay chân miệng bao gồm sốt, loét miệng, xuất hiện hồng ban mụn nước thường ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, khuỷu, mông...

Trẻ 1 tuổi tử vong vì tay chân miệng, cha mẹ cần nhớ các dấu hiệu nguy hiểm-1
Vết ban mụn nước ở trẻ bị tay chân miệng. Ảnh: GL.

Bệnh có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng ở não như viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não cũng như các biến chứng khác về tim mạch, hô hấp. Trẻ gặp biến chứng có thể tử vong nếu không được xử lý kịp thời.

Do đó, phụ huynh đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế ngay khi phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, tuân thủ lịch tái khám.

Phụ huynh cần đặc biệt chú ý các biểu hiện nghi ngờ biến chứng của bệnh như sốt cao liên tục khó hạ, giật mình nhiều (trên 3 lần/giờ hoặc 2 lần/30 phút), yếu chi đi loạng choạng, co giật, ói nhiều, thở nhanh, thở mệt, tím tái, lơ mơ, hôn mê.

Hiện nay, chưa có vắc xin ngừa bệnh tay chân miệng. Trẻ cần được phòng bệnh bằng cách hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Trẻ nhỏ bị tay chân miệng nên nghỉ học để tránh lây lan cho bạn bè.

Luôn giữ vệ sinh môi trường sống, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc và đồ chơi của trẻ. Thường xuyên rửa tay và nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Người lớn nên rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã, chăm sóc trẻ, xử lý phân, dịch tiết.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/dau-hieu-benh-tay-chan-mieng-can-benh-mua-he-o-tre-cha-me-can-nho-2148981.html

tay chân miệng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.