Tưởng tắc sữa ai ngờ ung thư, mẹ HN lặng người nghe con nói "mẹ chết, con sống với ai?"

Chị Nguyên mắc ung thư vú giai đoạn IV, bệnh đã di căn sang gan. Điều khiến chị trăn trở nhất trong những ngày tháng bệnh tật chính là việc sẽ phải sống và dạy dỗ các con nên người.

Chị Nguyên mắc ung thư vú giai đoạn IV, bệnh đã di căn sang gan. Điều khiến chị trăn trở nhất trong những ngày tháng bệnh tật chính là việc sẽ phải sống và dạy dỗ các con nên người.

Chị Lê Nguyên (33 tuổi) ở Hà Nội phát hiện ung thư vú giai đoạn IV khi đang làm mẹ của hai đứa con nhỏ. Cuộc sống hôn nhân gia đình mới bắt đầu với chị 6 năm qua, những tưởng phía trước sẽ là quãng ngày cả nhà rộn vang tiếng cười sau ngày dài lao động nhưng ngày nhận kết quả biết mình bị ung thư vú, chị Nguyên đã cùng chồng sắp xếp lại cuộc sống. Chị cố gắng sống vui vẻ bên các con, tập trung hoàn thành những nhiệm vụ của một người vợ, một người mẹ sẽ phải làm, nhất là nghĩa vụ nuôi dạy con nhỏ.

Thấy khối u tưởng tắc tia sữa, đi khám giật mình phát hiện ung thư 

Mắc bệnh hiểm nghèo, trải qua nhiều đợt điều trị xạ hóa chất. Thế nhưng, người mẹ ấy không cho phép mình gục ngã, luôn mỉm cười và vui vẻ. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ít ai có thể nghĩ chị Nguyên đang mang trong mình “bản án tử hình” – thứ bệnh mà khi nhắc đến ai cũng phải rợn người hoảng sợ.

Theo lời chị Nguyên, vào tháng 2/2018 chị thấy bên ngực phải có dấu hiệu khối u cứng ngắc xuất hiện nhưng không gây đau đớn, vì đang nuôi con nhỏ nên nghĩ chỉ là tắc tia sữa bình thường, chị không đi khám.

Tưởng tắc sữa ai ngờ ung thư, mẹ HN lặng người nghe con nói mẹ chết, con sống với ai?-1
Mắc ung thư vú nhưng chị Lê Nguyên vẫn cố gắng sống vui vẻ bên các con, tập trung hoàn thành những nhiệm vụ của một người vợ, một người mẹ sẽ phải làm. Ảnh minh họa

Để thêm một thời gian sau khi thấy khối u đó ngày càng to lên, chị tức tốc đi khám thì được bác sĩ thông báo u sơ tuyến vú do ứ đọng tia sữa lâu ngày. Sau thăm khám chị được hẹn lịch để mổ bóc khối u sơ. Tại bệnh viện chị được các bác sĩ chỉ định chọc tế bào xét nghiệm, các chỉ số cho thấy chị có nguy cơ mắc ung thư.

Không muốn mất thêm thời gian nghi ngờ và làm chậm quá trình điều trị nếu mắc bệnh. Chị Nguyên lập tức đến bệnh viện K xin làm sinh thiết, lúc này khối u ở ngực phải của chị đã rất to, đến bác sĩ khám cũng phải giật mình, các dấu hiệu như đầu vú bắt đầu chảy dịch, hạch xuất hiện nhiều ở cổ và nách.

“Hoảng loạn tìm các thông tin đến ung thư vú trên báo chí, truyền thông thì các dấu hiệu cho thấy chị đã 100% mắc ung thư vú” – chị Nguyên nói.

Sau chụp chiếu và siêu âm, chị được các bác sĩ đọc kết quả ung thư vú phải giai đoạn IV, khối u có kích thước 10*10cm, có dấu hiệu di căn vào gan. Chị nhập viện truyền hóa chất, sau đó trở về nhà đón Tết Kỷ Hợi cùng gia đình chị tiếp tục quay lại bệnh viện điều trị.

Hai đứa con thơ cần mẹ

Ngày nhận tin mình mắc ung thư giai đoạn muộn, chị Nguyên vô cùng hoang mang và không muốn tin vào sự thật. Bởi trước đó sức khỏe của chị hoàn toàn phát triển bình thường, không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy chị mắc ung thư. Chị ăn uống tốt và không bị sụt cân,

Thấy bản thân khỏe vô cùng mà đi khám biết mình đã bị ung thư giai đoạn IV thì thật sự khó tin. Thế nhưng, sau tất cả đã là “bản án” thì mình phải chấp nhận và nhìn thẳng vào sự thật” – người mẹ kém may mắn chia sẻ.

Điều mà chị Nguyên trăn trở nhất sau khi đọc kết quả mắc ung thư có lẽ là hai chữ gia đình. Với người mẹ trẻ kém may mắn ấy là còn cả một tổ ấm cần vợ cần mẹ. Chị Nguyên có một công việc ổn định, hai đứa con nhỏ, một bé 6 tuổi và bé còn lại 2 tuổi.

Mọi thứ sẽ chấm dứt nếu một ngày chị không chiến thắng nổi bệnh tật, những ngày đầu truyền hóa chất và bị ảnh hưởng bởi tâm lý, mỗi khi có người hỏi thăm, chị Nguyên lại như muốn phát điên.

Những ngày sau đó khi rời bệnh viện về nhà, chị trấn tĩnh bản thân, nghĩ nhiều hơn về sự sống. Ý thức được việc không có sự lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận và chữa trị. Nghĩ được như vậy nên chị sắp đặt lại cuộc sống, yêu đời lạc quan hơn.

Tưởng tắc sữa ai ngờ ung thư, mẹ HN lặng người nghe con nói mẹ chết, con sống với ai?-2
Ảnh minh họa

Sốc lại tinh thần sau thời gian đầu bi lụy vì bệnh tình, chị Nguyên bàn bạc với chồng bằng mọi giá phải chữa bệnh để kéo dài thời gian sống và dạy bảo các con nên người, dẫu cho có phải bán hết đất đai. Mỗi buổi sáng chị đều đặn thức giấc chuẩn bị đồ ăn và đưa các con đi học, chiều lại đến trường đón các con trở về nhà.

Mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo nhưng bà mẹ hai con chưa một ngày nào cho phép mình bỏ cuộc và thôi nuôi nấng những mục tiêu. Chia sẻ về định hướng chăm sóc nuôi dạy con nhỏ, chị Nguyên cho biết đang giáo dục con theo phương pháp hiện đại.

Chuẩn bị cho con tâm lý đón nhận thông tin mẹ không thể sống lâu

Với mong muốn giúp con phát triển toàn diện: Thể chất, trí thông minh, trí tuệ xúc cảm và năng lực vượt qua nghịch cảnh… Chị áp dụng phương pháp Glenn Doman là chương trình được thực hiện tại nhà. Chị Nguyên xác định người thầy đầu tiên và tốt nhất của con chính là bố mẹ.

Bên cạnh đó, chị Nguyên cũng không quên rèn tính riêng biệt, tính tự lập, tự do mang tính kỷ luật cho các con theo quan điểm Montessori (là một phương pháp giáo dục trẻ bằng việc học tập thông qua các giáo cụ trực quan).

Dù dạy con theo bất cứ hướng nào, chị luôn đề cao các hoạt động trải nghiệm. Thông qua đó mẹ sẽ được hướng dẫn và cùng con phát triển, tạo nên sự đồng điệu trong suy nghĩ, giúp con dễ dàng nhận thức và chấp nhận sự thật.

Khi biết mình bị bệnh, chị đã nghĩ đến những đứa con thơ. Chị nghĩ phải làm thế nào các con chị mạnh mẽ, tâm lý ổn định để đón nhận thông tin mẹ mình sẽ không thể sống lâu được, bằng việc mỗi ngày mỗi giờ chị đều tận dụng mọi không gian để gần gũi và trò chuyện với các con về bệnh ung thư, về sức khỏe...

Chị Nguyên lặng người nhắc lại giọng điệu ngây ngô của hai đứa con nhỏ: “Khi mình nói với con là mẹ sẽ không thể sống được lâu. Chúng nó đều không tin và hồn nhiên hỏi “mẹ không sống thì con sống với ai?”. Cả hai đứa đều thông minh, khôn khéo nhưng trước sự thật đó thì người lớn còn khó mà chấp nhận huống nhi là những đứa trẻ”.

Khi biết tin bị bệnh hiểm nghèo chắc chắn ai cũng sẽ suy sụp, nhưng mỗi người đều có một cách lựa chọn khác nhau. Với người mẹ 8X này, chị không chỉ chọn mạnh mẽ cho riêng mình mà còn rèn cho các con bản lĩnh, sự lạc quan.

Tính đến thời điểm bây giờ, theo những lời chị Nguyên chia sẻ, chị đã trả qua 4 đợt truyền hóa chất, nhờ cơ địa đáp ứng thuốc tốt nên gan cũng có tiến triển tích cực. Việc chỉ phải làm chính là đứng lên và nuôi dạy các con sống một cuộc đời đầy ý nghĩa. Có như vậy chị mới thấy mình làm đúng với thiên chức của một người mẹ.

Theo Khám Phá


ung thư

bệnh ung thư

ung thư vú


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.