Vaccine Pfizer và Moderna có ảnh hưởng tới khả năng sản xuất tinh trùng không?

Nghiên cứu đã cho thấy vắc xin phòng Covid mRNA bước đầu không có ảnh hưởng tới khả năng sản xuất tinh trùng của nam giới.

Cuối tháng 2/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại về việc liệu có một loại vaccine COVID-19 có thể sản xuất thành công trong vòng 18 tháng không. Nhưng chỉ 8 tháng sau đó, đã có hơn 320 ứng viên tham gia vào cuộc đua nghiên cứu và thử nghiệm trên toàn cầu, đưa vaccine COVID-19 trở thành loại vaccine có tốc độ nghiên cứu nhanh nhất trong lịch sử. Tính đến tháng 12/2020, trên toàn thế giới đã có hơn 200 “ứng cử viên vaccine” đang được phát triển để phòng chống đại dịch COVID-19. Trong số này, có ít nhất 52 loại vaccine đã và đang được thử nghiệm trên người.

Thông thường, tất cả ứng cử viên vaccine sẽ được đánh giá trước khi tìm ra loại vaccine nào được phát hiện là an toàn và hiệu quả. Ví dụ, trong số tất cả các loại vaccine được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và động vật thí nghiệm, chỉ có khoảng 7/100 vaccine là đủ tốt để chuyển sang thử nghiệm lâm sàng (thử nghiệm trên người).

Trong số các loại vaccine được đưa vào thử nghiệm lâm sàng, chỉ có khoảng 1/5 là thành công. Do đó, việc có nhiều loại vaccine khác nhau đang được nghiên cứu phát triển sẽ làm tăng cơ hội có một hoặc nhiều loại vaccine thành công (được chứng minh là an toàn và hiệu quả cho các nhóm dân số ưu tiên theo dự kiến).

Có 3 cách tiếp cận chính để thiết kế ra các loại vaccine. Sự khác biệt chính của 3 cách thiết kế đó là:

(1) Sử dụng toàn bộ virus hay vi khuẩn để tạo ra vaccine;

(2) Chỉ sử dụng những thành phần của virus có tác dụng khởi phát hệ thống miễn dịch;

(3) Chỉ sử dụng những vật liệu di truyền của virus nhằm cung cấp cho cơ thể các hướng dẫn để tạo ra các protein cụ thể (giống protein có trong virus) có tác dụng khởi phát hệ thống miễn dịch.

Không giống như các phương pháp tiếp cận vaccine sử dụng toàn bộ vi khuẩn bị làm suy yếu/chết hoặc các bộ phận của một vi khuẩn, vaccine acid nucleic (loại số 3) chỉ sử dụng một phần vật liệu di truyền để cung cấp hướng dẫn cho các protein cụ thể, không phải toàn bộ vi khuẩn.

DNA và RNA là những "bản thiết kế" để tế bào của cơ thể con người sử dụng để tạo ra các protein.

DNA đầu tiên được biến thành RNA thông tin (messenger RNA), từ đó làm bản thiết kế để tạo ra các protein cụ thể - vaccine mRNA. Vaccine đưa phân tử RNA được tổng hợp vào tế bào của cơ thể.

Khi đã vào trong tế bào, mRNA tổng hợp của vaccine hoạt động như một mRNA tự nhiên, khởi động tổng hợp protein mới (bình thường protein này do virus tổng hợp).

Đến lượt protein mới này kích hoạt đáp ứng miễn dịch của cơ thể chống lại protein của virus. Như vậy cơ thể được nhận vaccine, vừa tạo kháng nguyên (protein của virus), vừa tạo đáp ứng miễn dịch chống lại protein này (kháng thể + đáp ứng tế bào).

Phương pháp tiếp cận axit nucleic là một cách mới nhất để phát triển vaccine. Trước đại dịch COVID-19, chưa có loại vaccine nào vượt qua quy trình phê duyệt để sử dụng cho người, mặc dù đã có một số vaccine DNA, bao gồm cả các vaccine ngừa bệnh ung thư đang được thử nghiệm trên người.

Vaccine Pfizer và Moderna có ảnh hưởng tới khả năng sản xuất tinh trùng không?-1

Do đại dịch, nghiên cứu trong lĩnh vực này đã tiến triển rất nhanh, một số vaccine mRNA cho COVID-19 đã và đang được cấp phép sử dụng.

Hai vaccine mRNA, BNT162b2 (Pfizer-BioNTech) và mRNA-1273 (Moderna), đã nhận được giấy phép sử dụng khẩn cấp từ Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ. Mặc dù có hiệu quả cao và ít tác dụng phụ được tìm thấy trong các thử nghiệm lâm sàng nhưng chỉ có 56% người ở Hoa Kỳ cho biết muốn tiêm vaccine.

Một trong những lý do khiến việc chần chừ sử dụng vaccine là nỗi lo sợ tác dụng tiêu cực tiềm ẩn đối với khả năng sinh sản.

Nỗi lo sợ một phần bắt nguồn từ việc virus SARS-CoV-2 có liên quan đến suy giảm các thông số tinh trùng nhưng độc tính của vaccine với hệ sinh sản lại không được đánh giá trong các thử nghiệm lâm sàng.

Vì vậy, 1 nghiên cứu tại Đại học Miami đã tiến hành đánh giá so sánh những biến đổi về các chỉ số trong tinh dịch đồ của những người tiêm 2 loại vắc xin Pfizer-BioNTech và Modena.

Họ đã lựa chọn những tình nguyện viên khỏe mạnh từ 18 đến 50 tuổi thông qua tờ rơi và email. Hội đồng đạo đức của Đại học Miami đã phê duyệt nghiên cứu sau khi nhận được sự đồng ý bằng văn bản từ tất cả những người tham gia.

Toàn bộ các đối tượng nghiên cứu đều đã được khám sàng lọc trước để đảm bảo họ không có các vấn đề tiềm ẩn gì về khả năng sinh sản.

Những người có các triệu chứng COVID-19 hoặc kết quả xét nghiệm dương tính trong vòng 90 ngày đã bị loại trừ. Những người tham gia được yêu cầu cung cấp mẫu tinh dịch sau 2 đến 7 ngày kiêng quan hệ, trước khi nhận liều vắc xin đầu tiên và khoảng 70 ngày sau liều thứ hai.

Phân tích tinh dịch đã được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa nam học được đào tạo theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới và bao gồm khối lượng tinh dịch, mật độ tinh trùng, khả năng di chuyển của tinh trùng và tổng số tinh trùng.

Từ ngày 17 tháng 12 năm 2020 đến ngày 12 tháng 1 năm 2021 đã tiến hành thu thập các mẫu nghiên cứu của 45 nam giới (tuổi trung bình, 28 tuổi) trước khi tiêm chủng.

Các mẫu tiếp theo thu được trung bình 75 ngày sau liều thứ hai. Nghiên cứu đã kết thúc vào ngày 24 tháng 4 năm 2021.

Các mẫu trước tiêm chủng được lấy sau khoảng thời gian kiêng khem trung bình là 2,8 ngày và các mẫu sau tiêm chủng là 3 ngày.

Trong số 45 người đàn ông, 21 người (46,7%) tiêm Pfizer-BioNTech và 24 người (53,3%) tiêm Modena.

Mật độ tinh trùng trung bình ban đầu và tổng số lần lượt là 26 triệu/mL và 36 triệu. Sau liều vắc xin thứ hai, mật độ tinh trùng trung bình tăng đáng kể lên 30 triệu/mL và tổng số trung bình lên 44 triệu. Khối lượng tinh dịch và khả năng di chuyển của tinh trùng cũng tăng lên đáng kể (Bảng).

Vaccine Pfizer và Moderna có ảnh hưởng tới khả năng sản xuất tinh trùng không?-2

Biểu đồ cũng cho thấy sự thay đổi của tổng số tinh trùng của những người tham gia đều ở mức cơ bản cho mỗi người (Hình).

Vaccine Pfizer và Moderna có ảnh hưởng tới khả năng sản xuất tinh trùng không?-3

Trong nghiên cứu này về các thông số tinh trùng trước và sau khi tiêm 2 liều vắc-xin COVID-19 mRNA, không có sự giảm đáng kể nào về các thông số tinh trùng trong nhóm nhỏ nam giới khỏe mạnh này.

Vì vắc-xin chứa mRNA chứ không phải vi-rút sống, nên ít có khả năng vắc-xin sẽ ảnh hưởng đến các thông số của tinh trùng.

Mặc dù những kết quả này cho thấy sự gia tăng có ý nghĩa thống kê đối với tất cả các thông số tinh trùng, nhưng mức độ thay đổi nằm trong sự biến thiên bình thường của từng cá thể và có thể bị ảnh hưởng bởi hồi quy về giá trị trung bình. Ngoài ra, sự gia tăng có thể do thời gian kiêng cữ tăng lên trước mẫu thứ hai.

Một số hạn chế của nghiên cứu bao gồm:

1. Số lượng nam giới đăng ký tham gia chưa lớn

2. Nhóm nghiên cứu đều là các nam giới khỏe mạnh, thời gian theo dõi ngắn và thiếu nhóm đối chứng. Ngoài ra, trong khi phân tích tinh dịch đồ là nền tảng của việc đánh giá khả năng sinh sản của nam giới, thì nó lại là một công cụ dự báo không hoàn hảo về khả năng sinh sản.

Mặc dù vẫn còn 1 số hạn chế nhưng nghiên cứu đã cho thấy vắc xin phòng Covid mRNA bước đầu không có ảnh hưởng tới khả năng sản xuất tinh trùng của nam giới.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Xem link gốc Ẩn link gốc https://doanhnghieptiepthi.vn/vaccine-pfizer-va-moderna-co-anh-huong-toi-kha-nang-san-xuat-tinh-trung-khong-161213007203508408.htm

Vaccine Covid-19

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.