Virus tay chân miệng B5 ở Việt Nam khác biệt so với toàn cầu

Nghiên cứu từ nhóm khoa học gia Việt Nam - Anh cho thấy virus EV-A71 phân nhóm B5 gây bệnh tay chân miệng nặng có thể là dòng mới nổi.

Theo bài công bố trên tạp chí y học Emerging Infectious Diseases số tháng 2-2024 của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, làn sóng bệnh tay chân miệng với nhiều ca nặng ở Việt Nam vừa qua do sự "tái xuất" của dòng virus độc lực cao EV-A71 với 2 phân nhóm B5 và C1.

B5 và C1 đều có nguồn gốc từ EV-A71 mới du nhập vào Việt Nam theo kết quả phân tích phát sinh loài. Trong đó, B5 chiếm ưu thế và nhiều trẻ lớn bị ảnh hưởng hơn so với các đợt bùng phát trước.

Ngoài ra, B5 có thể đại diện cho một dòng mới nổi do đột biến không đồng nghĩa đặc trưng bởi sự thay thế axit amin (S17G) duy nhất ở VP1 và vì chúng tạo thành một dòng khác biệt trong cây phát sinh gene B5 toàn cầu.

Virus tay chân miệng B5 ở Việt Nam khác biệt so với toàn cầu-1
Điều trị cho trẻ mắc tay chân miệng nặng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh: HẢI YẾN

Nghiên cứu tiến hành trên 101 trong số 659 trẻ mắc tay chân miệng được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) trong 6 tháng đầu năm 2023, có sự đồng ý tham gia bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.

Nhiều kỹ thuật đã được thực hiện bao gồm xét nghiệm để xác định dòng virus tay chân miệng các bệnh nhi mắc, giải trình tự toàn bộ bộ gene 16 mẫu dương tính với B5, phân tích phát sinh loài...

Đợt bùng phát tay chân miệng năm 2023 ngoài liên quan đến sự tiến hóa của mầm bệnh còn do sự tích lũy đủ số lượng trẻ nhỏ nhạy cảm trong quần thể.

Điều này có thể liên quan đến những năm đại dịch COVID-19 với nhiều biện pháp phòng bệnh hô hấp được triển khai, vốn cũng ngăn việc lây lan tay chân miệng.

Theo các tác giả, vẫn cần nghiên cứu thêm về phân nhóm EV-A71 B5 này, cũng như tăng cường giám sát EV-A71 để có thêm thông tin nếu xảy ra bùng phát ở Việt Nam hay các nơi khác trong tương lai.

Công trình dẫn đầu bởi TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM; cùng các cộng sự từ Sở Y tế TP HCM, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU - Anh, đặt tại TP HCM), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Y dược TP HCM và Đại học Oxford (Anh).

Nghiên cứu cũng có sự tài trợ bởi tổ chức Wellcome Trust (Anh).

Virus tay chân miệng EV-A71 là dòng độc lực cao hơn các loại Coxsackievirus thường gây ra các đợt dịch hàng năm. Phân nhóm C4 của EV-A71 từng gây ra một đợt dịch tay chân miệng nặng với nhiều ca tử vong ở trẻ nhỏ vào năm 2011.

Trong khi đó, đợt dịch tay chân miệng 2023 ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp cho đến những tháng cuối năm.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, có khoảng 12.500 ca tay châm miệng được ghi nhận, trong đó có 7 ca tử vong. Trong đó 42,7% số ca mắc và tất cả 7 ca tử vong rơi vào tháng 6-2023.

Trao đổi với Báo Người Lao Động mới đây, BS Trương Hữu Khanh, cố vấn khối Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết tình hình dịch bệnh này hiện đã lắng xuống.

Đợt cao điểm tiếp theo của bệnh tay chân miệng theo thông lệ hàng năm sẽ đến vào khoảng tháng 4-5.

Theo Người Lao Động

Xem link gốc Ẩn link gốc https://nld.com.vn/virus-tay-chan-mieng-b5-o-viet-nam-khac-biet-so-voi-toan-cau-196240206074214968.htm

tay chân miệng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.