WHO cảnh báo quảng cáo sữa công thức ở Việt Nam có nhiều sai lệch

Theo báo cáo toàn cầu của WHO công bố sáng 7/8, nhiều chiến lược tiếp thị sữa công thức tại Việt Nam sử dụng thông điệp "bóng bẩy, dễ gây hiểu lầm", quảng cáo không đủ căn cứ khoa học về việc có thể cải thiện chiều cao, cân nặng.

Trong báo cáo công bố kết quả nghiên cứu đa quốc gia về Tiếp thị sữa công thức ảnh hưởng đến quyết định nuôi dưỡng trẻ tại sự kiện hưởng ứng Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ ngày 7/8, Tiến sĩ Juliawati Untoro, Trưởng nhóm Dinh dưỡng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Khu vực Tây Thái Bình Dương, cho hay các nhà sản xuất, bán hàng đã sử dụng thông điệp tiếp thị "bóng bẩy và dễ gây hiểu lầm".

"Họ sử dụng hình ảnh, tuyên bố sai lệch về khoa học, khiến người tiêu dùng lầm tưởng rằng sữa công thức gần bằng hoặc tốt hơn sữa mẹ như dưỡng chất HMO và DHA", đại diện của WHO cho biết.

Nghiên cứu này diễn ra từ từ tháng 8/2019 đến tháng 4/2021, trên 8 quốc gia đại diện cho các châu lục và vùng lãnh thổ khác nhau như Anh, Trung Quốc, Nam Phi, Nigeria, Bangladesh, Việt Nam...

Báo cáo này cho rằng sữa ở Việt Nam được tiếp thị qua nhiều kênh và nhiều cách, phổ biến và tràn lan. 

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy việc tiếp thị này có ảnh hưởng lớn đến thái độ của bà mẹ, người tiếp xúc. Theo đó, 82% bà mẹ Việt biết về sữa công thức giai đoạn 2 (trẻ ở độ tuổi 6-12 tháng) và 96% trong đó cho rằng sữa công thức là cần thiết. Điều này làm suy giảm tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Tiến sĩ Juliawati Untoro cho hay, nhiều chiến lược tiếp thị sữa công thức ở Việt Nam "thường sai lệch khoa học", bao gồm những tuyên bố không có đủ căn cứ khoa học như sữa công thức có thể cải thiện chiều cao, cân nặng hoặc sự phát triển trí não của trẻ. Những tuyên bố tiếp thị này làm trầm trọng thêm những thách thức mà các cha mẹ phải đối mặt, bằng cách làm gia tăng sự lo lắng về việc cho con bú và chăm sóc trẻ sơ sinh.

"Thông điệp tiếp thị sữa cũng đưa ra tuyên bố các loại sữa chuyên biệt có thể giải quyết được các vấn đề phổ biến ở trẻ sơ sinh như đau bụng, trào ngược, quấy khóc mặc dù không có đủ bằng chứng về hiệu quả", kết quả nghiên cứu cho hay.

Cán bộ y tế là đối tượng mục tiêu, "công cụ chính" trong chiến lược tiếp thị sữa công thức

Thậm chí, các hãng sữa sử dụng cán bộ y tế để tạo sự tin tưởng, uy tín khi tiếp thị, sẵn tràng trả hoa hồng, tổ chức hội nghị, đào tạo, tài trợ cho nghiên cứu, hàng hóa, quà tặng và chi trả các chuyến đi quảng bá sản phẩm.

Theo nghiên cứu này, cán bộ chuyên môn y tế là đối tượng mục tiêu và là "công cụ chính" trong chiến lược tiếp thị của các công ty sữa công thức. Lý do là bởi, các cán bộ y tế có thể tiếp cận cá nhân, có vai trò đáng tin cậy và là các kênh giáo dục chính về thực hành nuôi dưỡng trẻ sơ sinh.

"Các cán bộ y tế ở Việt Nam, Marốc và Nigeria, theo nghiên cứu có sự liên hệ với các công ty sữa công thức là phổ biến", kết quả nghiên cứu cho biết. 

Liên quan quy định cấm quảng cáo sữa, Nghị định số 100 của Chính phủ năm 2014 về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, quy định cấm quảng cáo sữa công thức cho trẻ dưới 24 tháng và yêu cầu ghi nhãn, thông tin, giáo dục và quảng cáo phù hợp. 

Theo các chuyên gia để giải quyết các lỗ hổng của pháp luật, cần kiểm soát truyền thông qua nền tảng kỹ thuật số, củng cố các cơ chế giám sát và thực thi pháp luật để bảo vệ sức khỏe và sự phát triển của trẻ em khỏi các hoạt động tiếp thị thương mại gây hại. Đồng thời củng cố thúc đẩy sáng kiến bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ.

 

Theo vietnamnet.vn

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/who-canh-bao-quang-cao-sua-cong-thuc-o-viet-nam-co-nhieu-sai-lech-2174619.html?fbclid=IwAR2Lw4ci1XNJb1EypVU18oDTHZ45Qj-fO0C_p6p8LlQlJsKWYwDZJjf43uY

sữa công thức


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.