Chồng muốn đón mẹ ở quê lên sống chung, vợ sốc, trằn trọc suốt mấy đêm

Chồng đề nghị đón mẹ chồng lên sống chung vì bà đã già yếu, không có ai chăm sóc. Ban đầu tôi đã 'sốc' vì lời đề nghị này.

Tôi kết hôn đã hơn 10 năm, có 2 con nhỏ. Cuộc sống gia đình nhìn chung êm đềm. Chồng tôi là người chăm chỉ, tôn trọng vợ. Chồng tôi chỉ còn mẹ, bố đã mất từ lâu. Mẹ chồng tôi vẫn ở quê, cách Hà Nội hơn trăm cây số. Chị gái chồng ở cách đó khoảng 20km.

Mối quan hệ giữa tôi và mẹ chồng suốt mười năm qua vẫn tốt đẹp, có lẽ vì chúng tôi ở xa nhau, ít xảy ra va chạm. Tôi vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm bà. Các dịp lễ, Tết tôi đều về quê, thực hiện chu toàn bổn phận làm dâu.

Cuộc sống cứ thế yên ả trôi đi cho tới mấy hôm trước, chồng tôi đề nghị một chuyện khiến tôi không khỏi băn khoăn. Nói thực là ban đầu tôi khá “sốc”.

Anh bảo, mẹ dạo này đau yếu nhiều, hay phải đi bệnh viện khám xét. “Anh nghĩ nên đón mẹ lên Hà Nội để tiện chăm sóc. Em thấy thế nào?". Tôi biết anh đã suy nghĩ rất nhiều trước khi nói ra điều này vì anh biết tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sống chung với mẹ chồng.

Không phải vì bà khó tính hay tôi ghét bỏ gì bà, mà bởi tôi hiểu rằng khoảng cách thế hệ, sự khác biệt trong lối sống sẽ khiến cả hai bên khó tránh khỏi những va chạm.

Sống xa nhau, tôi có thể làm tròn đạo hiếu, vẫn giữ được sự thoải mái trong cuộc sống riêng tư. Còn nếu sống chung, bao nhiêu tình huống có thể xảy ra, từ chuyện nấu ăn, dọn dẹp, sinh hoạt hàng ngày cho đến việc nuôi dạy con cái...

Tôi vốn quen với nhịp sống riêng của gia đình nhỏ, một sự thay đổi lớn như thế này thực sự làm tôi lo lắng.

 

Chồng muốn đón mẹ ở quê lên sống chung, vợ sốc, trằn trọc suốt mấy đêm-1

Ảnh minh họa: Depositphotos

Tôi không che giấu sự ngần ngại của mình trước đề nghị của anh nhưng anh nhìn tôi đầy chân thành: "Anh biết em sẽ thấy khó xử. Nhưng mẹ đã già rồi, để mẹ ở quê một mình anh không yên tâm. Chị T. cách đó 20 cây số, không thể thường xuyên qua lại chăm sóc mẹ được.

Anh nghĩ tốt nhất là đón mẹ lên, khi nào sức khỏe mẹ ổn định hơn thì lại để mẹ về quê".

Tôi biết anh chỉ nói vậy thôi, chứ bà đã lên rồi thì rất khó đưa bà về quê.

Tôi chưa kịp trả lời chồng thì mẹ chồng gọi điện. Bà khéo léo nói: "Mẹ biết hai đứa cũng bận rộn, mẹ không muốn ảnh hưởng đến cuộc sống vợ chồng con. Nhưng thằng H. cứ khăng khăng đón mẹ lên".

Nhà chồng càng lịch sự, khéo léo thì tôi lại càng khó nghĩ và áy náy nếu từ chối.

Tôi nghĩ về những năm đầu mới cưới, khi chúng tôi chưa có nhà, chính bà đã góp gần hết số tiền tiết kiệm để giúp chúng tôi có một mái ấm riêng. Giờ đây khi bà già yếu, tôi từ chối đón bà lên chăm sóc, điều đó liệu có nhẫn tâm quá không?

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Không phải tôi không thương mẹ chồng, chỉ là tôi sợ mâu thuẫn sẽ nảy sinh, sợ mất đi sự tự do trong chính ngôi nhà của mình.

Nhà tôi không rộng rãi gì, chỉ có 2 phòng ngủ, nếu bà lên, có lẽ tôi sẽ phải sắp xếp lại mọi thứ. Tôi cũng không muốn con cái phải sống trong bầu không khí căng thẳng nếu chẳng may tôi và bà có những bất đồng trong lối sống.

Tôi trằn trọc mấy đêm nay, tự hỏi mình có đang ích kỷ. Chăm sóc mẹ chồng là đạo hiếu nhưng liệu có ai bắt buộc con dâu phải gánh vác trọng trách này không? Nếu là mẹ ruột tôi, tôi có đắn đo nhiều như vậy không? Tôi không dám trả lời.

Sáng hôm sau, tôi quyết định nói chuyện thẳng thắn với chồng. Tôi trình bày những lo lắng của mình, về không gian sống, về sự khác biệt trong sinh hoạt, về việc tôi sợ mẹ chồng và mình sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Tôi cũng đề xuất phương án thuê người chăm sóc bà ở quê.

Chồng tôi im lặng một lúc rồi bảo “để anh suy nghĩ thêm”. Còn tôi vẫn băn khoăn không biết mình làm vậy có đúng không.

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/chong-muon-don-me-o-que-len-song-chung-vo-soc-tran-troc-suot-may-dem-2372233.html

mẹ chồng


'Chìa khóa' để bình đẳng trong hôn nhân
Hôn nhân không chỉ là câu chuyện của tình yêu mà còn là hành trình của sự đồng hành và sẻ chia. Trong xã hội hiện đại, khái niệm bình đẳng trong hôn nhân đang trở thành một tiêu chuẩn quan trọng, không chỉ để xây dựng mối quan hệ lành mạnh mà còn để đảm bảo sự bền vững cho gia đình.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.