Đàn ông ly hôn, Tết đến mới thấm thía hai tiếng gia đình

Tết đến tôi mới thấm thía hai tiếng gia đình. Tôi nhớ cái tiếng băm chặt, nấu nấu xào xào, cái dáng tất tả lo vun vén chu toàn cái Tết gia đình của vợ đến nao lòng.


Tết đến tôi mới thấm thía hai tiếng gia đình. Tôi nhớ cái tiếng băm chặt, nấu nấu xào xào, cái dáng tất tả lo vun vén chu toàn cái Tết gia đình của vợ đến nao lòng.

Tôi năm nay 55 tuổi, ly hôn gần 20 năm rồi, cũng thèm khát một gia đình với vợ con đầm ấm quây quần nhưng vết thương trong quá khứ khiến tôi e sợ.

Đến cuối cùng tôi vẫn vò võ, đi sớm về hôm một mình. Thời gian trước, bạn bè hay rủ tụ tập, chè chén nhưng say rượu về nhà, không có bàn tay phụ nữ chăm sóc tôi thấy cô độc. Những lúc này, tôi chỉ ước như ngày xưa ốm, sốt hầm hập có bát cháo trắng vợ nấu và viên thuốc cảm đưa kề miệng.

Tết đến, tôi mới thấm thía hai tiếng gia đình. Cái không khí Tết, cái tiếng băm chặt, nấu nấu xào xào, tất tả chạy ngược chạy xuôi lo vun vén chu toàn cái Tết của mỗi nhà, dù là hình thức bên ngoài, nhưng sâu thẳm bên trong chứa đựng tình yêu thương vô vàn của mỗi thành viên.

Ngày trước, vào 27, 28 Tết tôi cũng đều đi sắm cành đào chơi Tết, dọn dẹp nhà cửa. Sau đó, tôi chở vợ đi chợ, sắm đôi gà, vài cân gạo nếp đồ xôi làm mâm cơm tất niên cho tươm tất.
 

Đàn ông ly hôn, Tết đến mới thấm thía hai tiếng gia đình
Cành đào mang Tết đến. Ảnh: Phạm Tân

Khoảnh khắc cùng vợ mổ gà, nấu nướng nó bình dị lắm, đơn sơ lắm nhưng đó là hạnh phúc, là giá trị thiêng liêng, gắn kết vợ chồng với nhau.

Nhìn con xúng xính tấm áo mới, hớn hở vui đùa cùng lũ bạn cùng xóm, tôi thấy cuộc đời bình yên đến lạ.

Đêm 30 tôi dẫn vợ con đi dạo phố, ngắm người qua lại, chỉ thấy tràn ngập những nụ cười và ánh mắt hi vọng.

Cả nhà mua ít muối, gạo, một cành lộc nhỏ xinh, xanh biêng biếc đón giao thừa. Chúng tôi về xông nhà, thắp nén nhang trầm, mùi nhang quyện với mùi hoa thơm lan tỏa vào không khí...

Một thứ mùi vị chỉ ngày Tết mới có, nó không chỉ tác động vào khứu giác, cảm giác mà còn chạm vào tận ngóc ngách sâu thẳm của trái tim. Để bất cứ ai, dù ở bất cứ nơi đâu, khi gặp thứ mùi vị này cũng đều khao khát và tìm về gia đình mỗi dịp Tết đến.

Cuộc đời ai cũng phạm sai lầm, không nhiều thì ít nhưng dù bất cứ chuyện gì xảy ra đừng bao giờ để vuột mất gia đình của mình, vì mất rồi thì mãi mãi chẳng bao giờ tìm lại được.

20 năm, vợ tôi một mình nuôi con, dựng vợ gả chồng cho chúng rồi bà ấy cũng ở vậy. Hai vợ chồng vẫn cứ đau đáu về quá khứ nên chẳng ai đi bước nữa.

Đôi lần gặp vợ ngoài chợ, vẫn dáng người nhỏ bé, vẫn đôi mắt đượm buồn nhưng thời gian đã lấy đi tuổi xuân của bà ấy.

Mất 20 năm tôi mới thấm thía được lỗi lầm và biết trân trọng hai tiếng gia đình. Người phụ nữ của tôi chắc vẫn đang đợi tôi nối lại sợi dây thiêng thiêng của tình phu thê, sợi dây vì nông nổi của tuổi trẻ, tôi đã tự tay cắt đứt.

Sáng nay, dạo chợ xuân, tôi đã chọn mua được cành đào bích và chậu hoa thủy tiên, thứ bà ấy thích nhất.

Ngày mai, tôi nhất định sẽ sang bên đó, lại mổ gà, nấu nướng cùng vợ. Chỉ có điều, từ giờ tôi sẽ nắm giữ hạnh phúc này mãi mãi…

Theo Vietnamnet


đàn ông

Ly hôn


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.