Lần đầu ăn Tết ở nhà riêng, vui đâu chẳng thấy, chỉ ước được về quê chồng

Lần đầu được ăn Tết ở nhà riêng, tôi vô cùng háo hức. Thế nhưng, đối mặt với hàng tá việc chuẩn bị cho Tết, tôi chỉ ước có mẹ chồng bên cạnh.


Tết của tôi trôi qua như thế nào? Tôi nhớ lại mà còn thấy “cảm lạnh”, may mắn là cuối cùng cũng hết Tết.

Lấy chồng 10 năm, tôi đã trải qua 9 cái Tết ở nhà chồng. Quê chồng tôi ở một thị trấn nhỏ ở Tây Nguyên.

Tôi là người gốc TP.HCM, kết hôn và chọn sống gần nhà ba mẹ. Vợ chồng tôi quanh năm ở thành phố. Vì vậy, dịp lễ Tết, chúng tôi đều dành thời gian về thăm bố mẹ chồng.

Năm nào, chúng tôi cũng về chơi Tết từ ngày 27, 28 tháng Chạp đến tận mùng 5, 6 tháng Giêng. 

Hàng năm, trước khi về quê ăn Tết, tôi chỉ loanh quanh siêu thị mua hoa và trái cây, bày biện cho có lệ. Chủ yếu, tôi mua sắm bánh mứt, quà cáp… biếu nhà chồng.

Năm đầu làm dâu, tôi còn đặt báo thức dậy sớm, phụ bố mẹ chồng làm gà, gói bánh chưng… Kể từ khi tôi mang thai rồi sinh con, mẹ chồng ưu ái cho con dâu “ngồi chơi”.

Con tôi lớn, bố mẹ chồng vẫn không bắt tôi làm việc gì, ngoài buộc lạt, rửa chén, xào rau… Biết con dâu không quen thời tiết, ông bà có hôm để tôi ngủ đến tận 8-9h. 

Có lẽ, tôi sướng quá sinh tệ, cảm thấy Tết như thế thật nhàm chán. Mấy năm gần đây, học theo phong trào “đòi ăn Tết nhà ngoại” của các chị em đồng nghiệp, tôi muốn chồng sắp xếp một năm ở lại TP.HCM ăn Tết.

Vì nhà ngoại vốn dĩ gần nên tôi không đòi hỏi về ngoại ăn Tết. Tôi chỉ muốn trải nghiệm 1 năm tự mình trang trí nhà cửa, cúng kiếng, du xuân…

Kế hoạch đòi ăn Tết ở TP.HCM của tôi thất bại liên tiếp, bởi ngay cả ba mẹ của tôi cũng không đồng tình.

Tôi mang nỗi ấm ức ấy trong suốt 3 năm liền và mơ đến cái Tết dắt con du xuân giữa phố phường nhộn nhịp, chứ không phải “cứ mở mắt ra là ăn” ở thị trấn xa xôi.

Năm nay, chồng tôi có lịch trực đến mùng 2 Tết. Ban đầu, tôi có chút hụt hẫng nhưng lại thấy vui. Cơ hội ăn Tết theo tưởng tượng của tôi đã đến và chắc chắn không ai có thể ngăn cản.

Niềm vui của tôi không tày gang. Cuộc chiến với Tết của tôi diễn ra cực kỳ khốc liệt. Chồng vắng nhà liên tục, một mình tôi vừa làm việc vừa dọn dẹp nhà cửa, thêm con gái nhỏ cứ réo “mẹ ơi đi chơi!”.

Lần đầu ăn Tết ở nhà riêng, vui đâu chẳng thấy, chỉ ước được về quê chồng-1
Tôi mệt lả khi vừa làm việc vừa chuẩn bị Tết. Ảnh minh họa: PX

29 Tết, tôi tranh thủ buổi tối, chen chân vào siêu thị mua sắm. Không khí đi chợ Tết ngày nhỏ lại trở thành cơn ác mộng. 

Tôi xếp hàng ở quầy mua trái cây, thực phẩm sang quầy thu ngân, ra đến bãi giữ xe lại tiếp tục chờ… 

23h 29 Tết, đường phố thưa thớt người đến kỳ lạ. Tôi sực nhớ, mọi người về quê ăn Tết hết rồi. 

Lúc này, trong đầu tôi chỉ có hình ảnh đêm 29 Tết thảnh thơi ngồi ôm con, sưởi ấm bên nồi bánh chưng ở quê chồng. Nhớ mùi chăn màn thơm mùi nắng mà mẹ chồng giặt sẵn cho vợ chồng con trai, cháu nội về dùng. Nhớ, ngày 29 Tết xách giỏ theo sau, cùng mẹ chồng lượn lờ khắp chợ…

Đêm giao thừa ở phố, giữa tiếng pháo hoa đì đùng, mẹ con tôi tựa cửa sổ nhìn ngắm. Con gái chê tiếng pháo hoa ồn ào, bịt tai, chui vào giường đi ngủ. Tôi lủi thủi dọn mâm cúng giao thừa, đóng cửa, ngồi ăn bánh mứt một mình.

“Giờ này mà ở quê, cả nhà đang uống nước trà, ăn bánh mứt, kể cho nhau nghe đủ thứ chuyện…”, tôi lại nhớ về những cái Tết đã qua.

Tôi thở dài, chỉ mong ngày mùng 1 trôi qua thật nhanh. Được ở nhà mình, tự do tự quyết nhưng sao vị Tết nhạt nhòa đến thế.

 

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/lan-dau-duoc-an-tet-o-nha-rieng-vui-dau-chang-thay-chi-uoc-duoc-ve-que-chong-2250205.html

Tết Nguyên Đán


Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp
Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.