Lớp trưởng xin từ chức sau hơn 10 năm ra sức kêu gọi họp lớp

Đến hẹn lại lên, người làm lớp trưởng như tôi phải gọi điện, nhắn tin, kết nối bạn bè về họp lớp, chúc Tết thầy cô.

Tôi tốt nghiệp phổ thông hơn 10 năm. Sau khi hoàn thành chương trình đại học, tôi về làm viên chức ở quê nhà Đồng Nai. Các bạn học phổ thông của tôi đa số đều có công việc ổn định.

Một số bạn đi làm xa, dịp Tết mới về thăm bố mẹ, gia đình. Những dịp như thế, nhiều bạn muốn gặp nhau để ôn lại chuyện cũ.

Từ lần họp lớp đầu tiên, các bạn bảo tôi làm lớp trưởng thì phải chủ động kết nối bạn bè, lên lịch gặp nhau. Tôi thấy đề nghị này cũng hợp lý nên hồ hởi nhận trách nhiệm.

Buổi họp lớp lần đầu diễn ra vào ngày mùng 3 Tết, khá suôn sẻ và vui vẻ. Bởi phần lớn đều đang học đại học, không vướng bận gia đình. Lớp có 35 bạn thì ngày hôm đó cũng tập hợp được 30 bạn. Cả nhóm ăn uống, trò chuyện đã đời rồi rủ nhau đến nhà thầy chủ nhiệm cũ chúc Tết.

Lớp trưởng xin từ chức sau hơn 10 năm ra sức kêu gọi họp lớp-1

Mỗi lần kêu gọi bạn cũ họp lớp, lớp trưởng thường cảm thấy rất mệt mỏi. (Ảnh minh họa: Cottonbro studio/Pexels).

Sau lần họp lớp thành công, chúng tôi hân hoan hẹn nhau năm sau gặp lại vào mùng 3 Tết. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và hăm hở nhận nhiệm vụ nhắc các bạn họp lớp vào các năm sau.

Thế nhưng, chuyện vui ngày họp lớp chỉ kéo dài được 3-4 lần thì bắt đầu nảy sinh nhiều muộn phiền. Từ chỗ hăm hở, tôi cảm giác mệt mỏi và gặp nhiều phiền phức từ nhiệm vụ mời bạn cũ họp lớp.

Đến năm nay, từ 25 Tết, tôi đã nhắn lên nhóm Zalo của lớp cũ, nhắc các bạn sắp xếp thời gian, mùng 3 Tết gặp nhau.

Hồi đáp tin nhắn của tôi chỉ có sự im lặng hoặc “Năm nay, vợ mình bầu bì nên mình không tham gia”, “Hôm đó, mình bận nên hẹn các bạn năm sau”, “Năm nay, tôi ăn Tết ở TP.HCM, không về quê”…

Với những người có lý do, tôi không mất thêm thời gian “lôi kéo”. Những bạn im lặng, không trả lời thì tôi phải gọi điện hoặc nhắn tin trực tiếp. Một số bạn đưa ra nguyên nhân ngại họp lớp rất cục bộ, phản cảm…

Phải nghe, đọc những lý do trời ơi đất hỡi như ghét con A, mặc cảm nhà nghèo, ngại tốn kém… khiến tôi căng thẳng. Không chỉ nghe đọc, tôi còn phải dùng đủ ngôn từ vuốt ve, hòa giải, thuyết phục để các bạn đến đông đủ.

Chưa dừng lại ở đó, chuyện địa điểm họp lớp, ăn uống ở đâu, đi thăm những thầy cô nào… cũng được mọi người tranh luận liên tục. 

Vợ thấy tôi cứ cầm điện thoại nói chuyện họp lớp thì tỏ vẻ bực bội. Cô ấy chì chiết nhà bao việc mà tôi cứ thích “vác tù và hàng tổng”.

Ngẫm lời vợ mắng cũng có lý, tôi viết một tin nhắn dài xin thôi chức lớp trưởng. Trong nội dung tin nhắn, tôi nhờ bạn khác có sức chịu đựng dẻo dai hơn tôi đảm nhận trách nhiệm mời gọi họp lớp.

Đọc tin nhắn của tôi, các bạn trên nhóm đều thả biểu tượng khóc òa. Thế nhưng, mấy ai thực sự hiểu được nỗi lòng của kẻ làm lớp trưởng như tôi. 

 

Theo vietnamnet.vn

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/lop-truong-xin-tu-chuc-sau-hon-10-nam-ra-suc-keu-goi-hop-lop-2104234.html

họp lớp


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.