"Mẹ ơi, mẹ làm vợ con khóc 6 lần một tuần, con yêu mẹ lắm, nhưng giờ con không thích mẹ nữa rồi"

Khi cảm nhận được nỗi khổ vợ phải chịu đựng, tôi càng yêu thương và chiều chuộng vợ nhiều hơn với mong muốn bù đắp cho cô ấy.

Tôi và Linh kết hôn ngay sau khi ra trường, với chúng tôi mọi việc yêu đương, cưới xin đều khá suôn sẻ. Dù điều kiện không giàu có nhưng tôi luôn thầm nghĩ rằng, chỉ cần hai chúng tôi cố gắng, đồng lòng thì cuộc sống sẽ tốt đẹp. Theo đánh giá của tôi, vợ là người hiền lành, biết nhẫn nhịn và sống khá kín đáo. Tôi nghĩ, Linh rất hợp với mẹ tôi bởi tính bà cũng chăm chỉ, đảm đang. 

Còn nhớ thời yêu nhau, mỗi lần Linh đến nhà chơi, mẹ đều tự tay chuẩn bị những bữa cơm thật ngon, nấu món cô ấy thích để tiếp đãi. Vừa ăn, mẹ chồng và con dâu tương lai lại nói chuyện về các vấn đề gia đình, xã hội... đầy hứng thú và vui vẻ. Trong lòng tôi luôn ao ước chọn được người con gái mẹ ưng ý, nên trông Linh với mẹ hợp nhau như vậy tôi rất hài lòng. Tôi có cảm giác mẹ cũng xem cô ấy như con ruột của mình nên chắc hẳn trong tương lai sẽ không có sự khúc mắc nào giữa mẹ chồng nàng dâu như nhiều nhà khác.

Bố tôi mất sớm, chỉ có 2 mẹ con nương tựa lẫn nhau nên khi có thêm con dâu mẹ tôi cũng tỏ ra mừng rỡ. Còn tôi luôn mong hai vợ chồng tu chí làm ăn rồi sinh thật nhiều con để vui nhà vui cửa. Tôi nghĩ khi có tiền rồi, sẽ không để mẹ vất vả mà thuê giúp việc để vừa chăm bà vừa chăm cả con tôi.

Nhưng chỉ nửa tháng sau khi kết hôn, tôi để ý tính tình mẹ bỗng thay đổi, mẹ săm soi vợ từng ly từng tí. Mẹ yêu cầu Linh nhiều điều khắt khe về việc làm dâu, đối nhân xử thế trong nhà cũng như anh em họ hàng. Bất cứ trong họ nhà ai có tiệc tùng hiếu hỉ mẹ đều bảo vợ tôi nghỉ làm đến giúp. Có hôm vợ phải làm rất nhiều việc từ nấu nướng cho đến rửa bát. Dù rất mệt nhưng vợ tôi cũng cố làm chỉ để mẹ chồng vui lòng. Đôi lúc tôi thương vợ lắm khi nghe cô ấy phàn nàn về cách sống trong gia đình, nhưng tôi vẫn gạt đi nói: "Thôi mẹ già rồi, em chịu khó chiều mẹ tí".

Khoảng 3 tháng sau vợ tôi mang thai, bị ốm nghén nặng không làm được việc gì nên tôi đưa vợ về nhà ngoại nghỉ ngơi thì mẹ cứ lẩm bẩm: "Con dâu gì mà mới lấy chồng đã lấy lí do về nhà mẹ đẻ ở rồi. Liệu có ở đó mãi được không hay là chỉ trốn tránh việc nhà và không chịu chăm bà già này?". Tôi cũng khuyên mẹ: "Mẹ thông cảm cho vợ con, vì mẹ cũng có tuổi rồi nên con để cô ấy về nhà ngoại một thời gian, đỡ nghén con đón vợ về".

Mẹ ơi, mẹ làm vợ con khóc 6 lần một tuần, con yêu mẹ lắm, nhưng giờ con không thích mẹ nữa rồi-1

Khi cảm nhận được nỗi khổ vợ phải chịu đựng, tôi càng yêu thương và chiều chuộng vợ nhiều hơn với mong muốn bù đắp cho cô ấy. Nhưng dường như mẹ lại "ghen tị" vì điều này, mẹ quay ra hạch sách vợ tôi về chuyện ăn uống. Bản thân tôi thấy vợ nấu ăn ngon rồi nhưng mẹ có hôm chê mặn, có hôm chê nhạt, có hôm thì bảo chán ăn món này lắm rồi phải đổi món khác đi.

Sau khi vợ tôi sinh con, giữa mẹ và vợ lại càng nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Vợ tôi chăm con theo phương pháp hiện đại, để con tự chủ động trong bữa ăn. Còn mẹ thì cứ xúc và đút cho cháu bằng được. Vì chuyện này mà mối quan hệ của họ ngày càng trở nên căng thẳng, khó gắn kết. Bản thân tôi luôn muốn hài hòa mọi việc nhưng đúng là thế hệ của mẹ đi trước nhiều năm rồi, giờ cũng nên có nhiều cái cần thay đổi. Nhưng nói thì mẹ không nghe và luôn khăng khăng với quan điểm của mình.

Một hôm đi làm về, tôi thấy vợ đang ngồi khóc thút thít trên ghế sofa. Không cần hỏi gì tôi đã biết ngay là có chuyện, chắc hẳn là mẹ lại gây khó dễ với vợ rồi. Tôi đưa vợ về phòng an ủi, ôm vợ vào lòng thật chặt. Sau đó, tôi ra ngoài nói chuyện với mẹ: "Mẹ ơi, mẹ làm vợ con khóc 6 lần một ngày vì những chuyện chẳng đâu vào đâu. Dù con yêu mẹ nhưng thực sự con không thích điều này chút nào. Mẹ hãy thay đổi cách sống để gia đình mình được êm ấm, nếu không con không thể an tâm mà đi làm được".

Mẹ ngồi lặng lẽ không nói gì nhưng dường như bà đã nhận ra lỗi sai của mình. Tôi mong từ giờ bà nhìn mọi việc dưới góc độ dễ dàng và thoáng hơn. Với bất cứ bà mẹ nào cũng vậy, cũng nên thông cảm và thương con dâu hơn bởi họ là người sống với mình cả đời. Hơn nữa, con dâu từ nhà họ đến nhà chồng ở phải chịu bao nhiêu áp lực hòa nhập. Nếu mẹ chồng không xem con dâu là con cái trong nhà thì sẽ dễ gây bất hòa, chướng ngại, sống không vui vẻ được. 

(quangminh...@gmail.com)

Theo Vietnamnet


mẹ chồng nàng dâu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.