Vợ suốt ngày giận dỗi chỉ vì tôi không đưa hết tiền lương

Đàn ông làm ra tiền sao phải giao hết cho vợ? Khi cần, ngửa tay xin vợ phải trình bày rõ lý do, tôi thấy vừa buồn cười, vừa không đúng.

Tôi năm nay 35 tuổi, vợ ít hơn tôi 9 tuổi. Chúng tôi cưới nhau vừa tròn một năm, chưa có con nhưng thường xuyên cãi nhau, chỉ vì vợ muốn tôi giao nộp hết tiền lương cho cô ấy.

Sở dĩ, tôi lấy vợ muộn vì mải lo làm ăn. Ở tuổi 34, tôi đã có nhà, có xe. Vợ lấy tôi về chẳng phải lo gì cả. Hai vợ chồng đều đi làm và có thu nhập. Tôi không bao giờ hỏi lương của vợ bao nhiêu. Thu nhập của tôi mỗi tháng trên dưới 30 triệu đồng, tôi đưa cho vợ 10 triệu đồng để chi tiêu sinh hoạt trong nhà. Số còn lại, tôi giữ chi tiêu cá nhân và tiết kiệm.

Hai vợ chồng son, con chưa có, tôi nghĩ số tiền tôi đưa cùng lương của vợ thoải mái để cô ấy chi tiêu. Thế nhưng, vợ suốt ngày đề nghị tôi giao hết tiền lương cho cô ấy.

Vợ tôi nói, trước đây tôi một mình sao cũng được. Giờ có vợ, sau này còn có con, tiền bạc trong nhà nên quy về một mối để dễ bề kiểm soát, từ đó chi tiêu và tiết kiệm hợp lý.

Việc tôi giữ lại phần lớn tiền lương, theo vợ tôi là không nên. Cô ấy cho rằng, đàn ông giữ tiền trong người dễ hư hỏng. Tóm lại, vợ tôi muốn giữ hết tiền lương của tôi, chỉ trừ lại cho tôi 3-4 triệu đồng chi tiêu cá nhân.

Vợ suốt ngày giận dỗi chỉ vì tôi không đưa hết tiền lương-1

Vợ cho rằng, đàn ông giữ tiền dễ hư hỏng và muốn tôi nộp hết lương cho cô ấy giữ (Ảnh minh họa: TD).

Tất nhiên, tôi không đồng ý. Tôi bảo với vợ, nhà người ta lấy nhau về, cùng nhau làm ăn, chắt chiu mua đất, mua nhà rất vất vả. Còn em lấy anh, nhà đã sẵn để ở, xe đã sẵn để đi, chỉ cần đi làm mà ăn, sinh con đẻ cái cho vui cửa vui nhà. Em cứ thoải mái sống, nhòm ngó vào túi tiền của chồng làm gì cho đau đầu.

Cả hai vợ chồng, mỗi lần cãi nhau chỉ có liên quan đến chuyện ai giữ tiền, nói qua nói lại thành giận nhau, rất mệt mỏi.

Vài hôm trước, tôi có dịp gặp lại một người bạn học cũ. Cậu ấy lấy vợ sớm, con đã lớn. Hai năm trước, vợ cậu ấy ngoại tình. Vì cậu ấy không thể tha thứ nên hai người ly hôn.

Sau khi ly hôn, ngoài căn nhà chung đứng tên hai vợ chồng để lại cho vợ ở nuôi con, cậu ấy hoàn toàn tay trắng.

Bao nhiêu năm nay, tiền cậu ấy làm ra đều tin tưởng giao hết cho vợ. Giờ vợ nói số tiền đem về chỉ đủ nuôi con, chẳng dư dả đồng nào. Đàn ông gần 40 tuổi bỏ vợ, sống xa con, tài khoản 0 đồng, thật là bi đát.

Vợ chồng người ta sống chung cả chục năm còn chẳng biết lòng dạ đổi thay khi nào. Huống hồ, tôi và vợ cưới nhau mới có một năm, làm sao tôi dám tin tưởng trao hết tiền bạc, mồ hôi công sức của mình cho vợ nắm giữ.

Đó là chưa kể đưa tiền cho vợ thì dễ, khi cần lấy lại rất khó. Đàn ông làm ra tiền cuối cùng lại ngửa tay xin vợ, phải trình bày rõ lý do, nghĩ nó vừa buồn cười, vừa không đúng.

Chị gái tôi biết chuyện, nhất mực đứng về phe vợ tôi. Chị ấy bảo vợ tôi không đòi hỏi gì quá đáng, cái vợ tôi muốn giữ không chỉ là tiền. Thực ra, đàn ông kiếm tiền cũng chủ yếu lo cho gia đình. Đàn ông giao tiền cho vợ giữ chứng tỏ "tâm" của anh ta đặt ở đó.

Có lẽ vì là phụ nữ với nhau nên suy nghĩ giống nhau. Nhưng nói thật, nếu phải giao hết tiền cho vợ, tôi cảm thấy không an tâm chút nào. Với đàn ông, tiền cũng như đồ bảo hộ, cho mình cảm giác an toàn và thoải mái.

Thế nhưng, việc suốt ngày cãi nhau với vợ vì một việc như thế này khá mệt mỏi. Hôm qua, vợ hỏi một câu khiến tôi suy nghĩ: "Anh yêu tiền như vậy, sao không sống một mình đi, lấy vợ để làm gì?".

Anh em đã có vợ lâu năm cho tôi hỏi: Sau khi giao nộp hết lương cho vợ, anh em cảm thấy như thế nào? Có anh nào hối hận rồi lại "hồn ai nấy giữ, tiền ai nấy tiêu" không?

 

 

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/tinh-yeu-gioi-tinh/vo-suot-ngay-gian-doi-chi-vi-toi-khong-dua-het-tien-luong-20231024150430968.htm

tiền lương


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.