Bức ảnh "Tomoko trong bồn tắm" từng khiến cả thế giới phải rùng mình và sự thật ám ảnh về căn bệnh Minamata

Ánh mắt của người mẹ và hình ảnh thân thể bị tàn phá đáng buồn của đứa con đã khiến nhiều người xem bị ám ảnh suốt cuộc đời

Ánh mắt của người mẹ và hình ảnh thân thể bị tàn phá đáng buồn của đứa con đã khiến nhiều người xem bị ám ảnh suốt cuộc đời.

"Tomoko trong bồn tắm" là một bức ảnh được chụp bởi phóng viên ảnh người Mỹ W. Eugene Smith vào một ngày tháng 12 năm 1971. Bức ảnh đen trắng mô tả một người mẹ đang bế đứa con gái dị tật của mình trong một bồn tắm truyền thống của Nhật Bản. Ánh mắt của người mẹ và hình ảnh thân thể bị tàn phá đáng buồn của đứa con đã khiến nhiều người xem bị ám ảnh đến mãi về sau. Bức ảnh đã lột tả được rõ ràng và chân thực nhất những tác động khủng khiếp của căn bệnh Minamata lên cơ thể và tâm trí của con người.

Bức ảnh Tomoko trong bồn tắm từng khiến cả thế giới phải rùng mình và sự thật ám ảnh về căn bệnh Minamata-1

Bức ảnh "Tomoko trong bồn tắm" nổi tiếng của nhiếp ảnh gia W. Eugene Smith

Bệnh Minamata hay còn gọi là bệnh nhiễm độc thủy ngân, là một căn bệnh thần kinh do người bệnh ăn phải cá, hải sản nhiễm thủy ngân. Căn bệnh này có triệu chứng làm tứ chi run rẩy, tầm nhìn bị ảnh hưởng, mất khả năng thính giác, nói chuyện khó khăn, trường hợp nghiêm trọng có thể gây tê liệt, hôn mê, cuối cùng là tử vong. Nếu bào thai trong bụng mẹ bị nhiễm độc thủy ngân do người mẹ ăn phải cá nhiễm độc thì trẻ sinh ra sẽ bị dị tật bẩm sinh và dễ tử vong sớm.

Trường hợp đầu tiên mắc bệnh được phát hiện ở thành phố Minamata, Kumamoto, Nhật Bản vào năm 1956, nhưng mãi đến tận năm 1968, chính phủ Nhật mới ra tuyên bố rằng căn bệnh này là do công ty Chisso làm ô nhiễm môi trường mà gây nên. Về sau người ta lấy tên thành phố để đặt luôn cho căn bệnh.

Theo điều tra, nhà máy hóa học của Tập đoàn Chisso đã cho xả chất thải methyl thủy ngân ra biển, chất hóa học cực độc này đã tích tụ sinh học lại trong nhuyễn thể và cá ở vịnh Minamata và biển Shiranui. Tính theo số liệu năm 2001, đã có hơn 2000 người mắc bệnh và hơn 1700 trường hợp trong đó đã tử vong.

Bức ảnh Tomoko trong bồn tắm từng khiến cả thế giới phải rùng mình và sự thật ám ảnh về căn bệnh Minamata-2

Sau khi được xuất bản lần đầu tiên trên tạp chí Life, bức ảnh "Tomoko trong bồn tắm" đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới và góp phần khiến dư luận quan tâm và chú ý đến căn bệnh Minamata nhiều hơn. Sau đó các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi cho các nạn nhân đã diễn ra khắp mọi nơi trên thế giới. Bức ảnh này được coi là tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp nhiếp ảnh của Smith.

Hình ảnh người mẹ, Ryoko Uemura, đang ôm đứa con gái bị dị tật nghiêm trọng của mình, Tomoko, trong bồn tắm kiểu truyền thống Nhật Bản đã gây xúc động mạnh với hàng triệu người. Tomoko trong bức ảnh lúc này đã 16 tuổi, bị nhiễm độc thủy ngân khi còn là một bào thai do mẹ cô ăn phải cá từ vùng biển ô nhiễm. 

Bức ảnh Tomoko trong bồn tắm từng khiến cả thế giới phải rùng mình và sự thật ám ảnh về căn bệnh Minamata-3

Sự lan truyền chóng mặt của bức ảnh đã khiến gia đình Uemura trở nên nổi tiếng. Ông Yoshio Uemura đã nói trong một cuộc phỏng vấn rằng: "Bức ảnh đã trở nên nổi tiểng trên toàn thế giới và kết quả là chúng tôi đã phải đối mặt với một số lượng vô cùng lớn các cuộc phỏng vấn từ báo đài. Tôi nghĩ rằng việc này sẽ giúp ích cho cuộc đấu tranh xóa bỏ ô nhiễm ở Minamata, vì vậy gia đình chúng tôi đã đồng ý phỏng vấn và chụp ảnh. Thế nhưng, một tin đồn bắt đầu lan truyền khắp khu phố rằng chúng tôi đang được hưởng lợi tài chính từ sự quan tâm của dư luận và xã hội. Điều này hoàn toàn sai sự thật. Chúng tôi không bao giờ nghĩ đến việc đem một bức ảnh như thế ra để làm thương mại.

Những tin đồn cứ thế tiếp tục kéo dài dai dẳng và không có dấu hiệu dừng lại. Mặc dù Tomoko không nói, nhưng tôi chắc rằng cô bé đang cảm thấy lo lắng và buồn bã. Cô bé không bao giờ mỉm cười nữa và ngày một yếu đi. Ngoài những mũi tiêm và thuốc giảm đau thì điều duy nhất khiến Tomoko bớt đau đớn chính là tình yêu từ gia đình. Có lẽ đó chính là thứ khiến cho cô bé có thể sống lâu được đến thế."

Tomoko mất năm 1977 ở tuổi 21. Năm 1997, 20 năm sau khi Tomoko qua đời, một nhà công ty truyền hình Pháp đã liên lạc với gia đình Uemura để xin phép sử dụng bức ảnh nổi tiếng của Smith trong một bộ phim tài liệu về những bức ảnh nổi bật nhất trong thế kỉ 20, và một lần nữa muốn được phỏng vấn gia đình về căn bệnh Minamata cùng bức ảnh. Tuy nhiên, ông Yoshio đã từ chối và không muốn hình ảnh của con gái mình bị khai thác thêm nữa vì ông muốn để Tomoko được yên nghỉ.Bức ảnh Tomoko trong bồn tắm từng khiến cả thế giới phải rùng mình và sự thật ám ảnh về căn bệnh Minamata-4

10 năm trước khi Eugene Smith chụp bức ảnh về Tomoko, ông đã từng nói: "Có nhiều mối liên hệ trong những bức ảnh của tôi, một nhịp điệu mà bạn có thể cảm nhận được, giữ nhu cầu của xã hội và khoa học. Tiến bộ vừa giúp ích vừa làm tổn hại đến nhân loại, và tôi bị cuốn vào cuộc đấu tranh của con người để tiến lên và lùi lại cùng một lúc."

Jim Hughes, người sáng lập ra tạp chí Camera Arts đã nói rằng, Tomoko trong bồn tắm là một kiệt tác của Eugene Smith. Bức ảnh ngoài việc chứa một nỗi kinh hoàng và bi kịch cụ thể thì còn chứa đựng lòng trắc ẩn và tình người.

Ngày nay, dù nhiều thập kỉ đã trôi qua, bức ảnh nổi tiếng này vẫn còn gây ám ảnh cho người xem.

Theo Helino


bệnh thần kinh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.