Bức chân dung quý hiếm lột tả nỗi đau tột cùng của Công nương Diana và sự thật nhói lòng phía sau cùng câu nói ám ảnh

Đằng sau bức chân dung nhuốm màu u buồn ấy là cuộc sống đầy nghẹt thở của bông hồng nước Anh khiến người đời sau ám ảnh.

Vào cuối tháng 1 vừa qua, bức tranh chân dung quý hiếm của Công nương Diana đã được bán với giá cao hơn 10 lần so với dự kiến. Bức tranh ban đầu được định giá là 20.000 USD (453 triệu đồng) nhưng giá bán thực tế lại lên tới con số 201.600 USD (4,5 tỷ đồng).

Vì sao tác phẩm này lại có giá trị đến như vậy? Ít ai biết rằng giá trị tinh thần đằng sau bức chân dung này là thứ không có gì có thể đong đếm được.

Bức chân dung quý hiếm lột tả nỗi đau tột cùng của Công nương Diana và sự thật nhói lòng phía sau cùng câu nói ám ảnh-1
Bức tranh chân dung lột tả tâm trạng u buồn của Công nương Diana.

Bức chân dung có "1-0-2"

Bức tranh sơn dầu có tựa đề "Diana, Công nương xứ Wales", được vẽ vào năm 1994 bởi cố nghệ sĩ người Mỹ Nelson Shanks khiến bất cứ ai khi nhìn vào cũng cảm thấy ám ảnh. Bức tranh lột tả gương mặt chất chứa nhiều ưu tư muộn phiền của bông hồng nước Anh nhất là đôi mắt trĩu nặng u buồn.

Theo nhà đấu giá nổi tiếng Sotheby's, bức chân dung đã phản ánh "những tổn thương chất chứa trong lòng Diana vào giữa những năm 1990 đồng thời nó cũng thể hiện sự kiên cường bên trong con người bà".

Bà Diana, họa sĩ Shanks và vợ ông là Leona đã trở thành những người bạn thân thiết trong thời gian vẽ tranh chân dung cho Công nương. Theo truyền thông quốc tế, bức tranh quý hiếm ấy được thực hiện khi ông Shanks nhận nhiệm vụ vẽ bức chân dung đầy đủ về con người của Công nương Diana.

Bà Diana thường xuyên đến studio của họa sĩ Shanks và tình bạn của cả hai đã nảy nở và phát triển trong suốt hơn 35 tiếng đồng hồ làm việc bên nhau. Một trong những bức hình hậu trường về quá trình vẽ tranh cho thấy cố Công nương nở nụ cười rạng rỡ trước ống kính trong khi người họa sĩ đang chăm chú vẽ tranh tại Tite Street Studio ở London.


Bức chân dung quý hiếm lột tả nỗi đau tột cùng của Công nương Diana và sự thật nhói lòng phía sau cùng câu nói ám ảnh-2
Công nương Diana để chân trần, nở nụ cười vui vẻ tại studio vẽ tranh.

Bức chân dung đầy đủ của bà Diana gần giống như người thật sau khi hoàn thành đã từng được trưng bày ở Cung điện Kensington. Tuy nhiên, bức tranh sơn dầu u buồn của cố Công nương vẫn khiến người ta ám ảnh hơn cả. Hiếm có bức tranh nào khắc họa chân thực và rõ nét cảm xúc của Diana vào thời điểm hôn nhân giữa bà với Thái tử Charles đã kết thúc cùng nhiều áp lực bủa vây xung quanh.

Trong một bức thư được viết vào năm 1994, Công nương Diana đã bày tỏ sự yêu mến và trân trọng của mình đối với vợ chồng họa sĩ Shanks. "Tôi nhớ bạn và Leona ở London, vì khi đến studio tôi cảm nhận được đó là nơi trú ẩn an toàn, luôn tràn ngập tình yêu thương và sự cổ vũ", cố Công nương viết.

3 năm sau đó, bông hồng nước Anh qua đời trong vụ tai nạn xe hơi thảm khốc còn họa sĩ Shanks trút hơi thở cuối cùng vào năm 2015 ở tuổi 77 sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Câu chuyện nhói lòng phía sau

Mới đây, bà Leona, vợ của cố họa sĩ lừng danh Nelson Shanks đã chia sẻ câu chuyện nhói lòng trong quá trình thực hiện bức tranh đặc biệt cho thấy nỗi khổ mà Công nương Diana đã phải gánh chịu trong suốt một thời gian dài mà công chúng không thể nào nhìn thấy rõ.

"Khi được mời vẽ tranh cho Công nương, ông ấy nói rằng đó là một vinh dự. Tuy nhiên, bà Diana muốn gặp họa sĩ trước khi thực hiện tác phẩm. Chúng tôi đã đến Cung điện Kensington và dành 1 tiếng đồng hồ để nói chuyện với bà ấy", vợ cố họa sĩ Nelson Shanks kể lại cuộc gặp mặt đầu tiên với bông hồng nước Anh.

Bà Leona nhớ như in khung cảnh gặp mặt ấy, khác xa so với những gì bà tưởng tượng: Công nương đã không đi giày. Bà Leona kể lại: "Công nương chạy dọc hành lang và khi bà ấy xuất hiện thì nở nụ cười rất tươi tắn, tự nhiên. Diana không đi tất và cũng không đi giày. Khi chồng tôi hỏi bà ấy muốn được vẽ ở tại Cung điện hay trong studio của chúng tôi, Công nương đáp lại rằng: 'Chỗ của ông đi. Tôi muốn ra khỏi đây'". Câu nói ám ảnh ấy cho thấy sự ngột ngạt và muốn chạy thoát khỏi cuộc hôn nhân bất hạnh của Công nương Diana, một "con chim quý bị mắc kẹt trong lồng son" chỉ có thể vùng vẫy tìm kiếm những giây phút ít ỏi được sống theo ý mình muốn.


Bức chân dung quý hiếm lột tả nỗi đau tột cùng của Công nương Diana và sự thật nhói lòng phía sau cùng câu nói ám ảnh-3
Công nương Diana bên họa sĩ tài ba cùng bức chân dung đầy đủ của bà.

Lần đầu tiên bông hồng nước Anh đến studio, bà Leona đã kính cẩn chào hỏi và gọi Diana là "Công nương". Tuy nhiên điều này khiến bông hồng nước Anh cảm thấy khó chịu.

Bà Leona cho hay: "Khi ấy, tôi nghĩ đó là giao thức bắt buộc nhưng bà Diana nói rằng nếu tôi còn tiếp tục làm như vậy thì sẽ không thể trở thành bạn bè của nhau. Vì vậy, từ đó, chúng tôi gọi bà ấy là Diana. Bà ấy không mong đợi bất kỳ sự đối xử đặc biệt nào. Diana vui vẻ ngồi ở đó với đôi chân trần".

Bà Leona cũng kể về sự ám ảnh của Công nương Diana liên quan các tay săn ảnh. Sự đeo bám dai dẳng của họ đã khiến bà phải rơi nước mắt. "Diana đã nói về việc các tay săn ảnh theo đuổi bà ấy ở khắp mọi nơi. Diana cảm thấy thật khó khăn trong việc mang lại cho hai con trai một cuộc sống bình thường.

Một lần khi bà ấy mời chúng tôi đi ăn tối, chồng tôi đã đưa Diana đến xe của chúng tôi, nhiều tay săn ảnh đã nhảy ra khỏi bụi cây và trèo lên nắp ca-pô xe hơi. Điều này khiến bà ấy bật khóc. Tôi có thể hiểu tại sao bà ấy thích ở trong studio đến vậy", vợ cố họa sĩ cho biết thêm.

Cũng vào thời điểm đó, cựu sĩ quan quân đội James Hewitt, người từng làm vệ sĩ cho Diana đã xuất bản cuốn sách kể về mối tình lãng mạn giữa ông ta với bông hồng nước Anh kéo dài trong 4 năm.

Bức chân dung quý hiếm lột tả nỗi đau tột cùng của Công nương Diana và sự thật nhói lòng phía sau cùng câu nói ám ảnh-4
James Hewitt và Công nương Diana từng duy trì mối quan hệ tình cảm trong 4 năm.

Bà Leona nhớ lại: "Khi cuốn sách của Hewitt ra mắt, Diana đã ở cùng chúng tôi. Bà ấy cảm thấy bị phản bội, hết lần này đến lần khác, một người mà bà ấy nghĩ rằng có thể tin tưởng rút cuộc lại là kẻ phản bội. Tôi nghĩ đây là một trong những cú sốc lớn nhất của Diana. Bà ấy chưa bao giờ kể cho chúng tôi nghe về mối tình ấy và chúng tôi cũng không bao giờ hỏi".

Có thể nói rằng vợ chồng họa sĩ Nelson Shanks chính là chỗ dựa tinh thần, đem đến một thế giới tự do và thoải mái cho Công nương Diana sau những chuỗi ngày tù túng, cùng cực đến đỉnh điểm. Hơn ai hết, họ chính là người bạn tâm giao của bông hồng nước Anh nên họ hiểu rõ tâm trạng chất chứa đầy u buồn mà Diana luôn cố gắng chôn giấu.

Bức tranh sơn dầu trên không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà nó còn khắc họa chân thực một phần nào đó bên trong con người Công nương Diana để công chúng có thể hiểu rõ hơn, đồng cảm và thấu hiểu bà hơn.


Theo Pháp luật và bạn đọc

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phapluat.suckhoedoisong.vn/buc-chan-dung-quy-hiem-lot-ta-noi-dau-tot-cung-cua-cong-nuong-diana-va-su-that-nhoi-long-phia-sau-cung-cau-noi-am-anh-162220602000742315.htm

Hoàng gia Anh

Công nương Diana


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.