Cuộc sống của người đàn ông vô gia cư gốc Việt ở nơi nghèo nhất Hong Kong và sự tương phản nghiệt ngã của thành phố hoa lệ bậc nhất hành tinh

Đối lập với ánh đèn rực rỡ suốt đêm ngày – biểu trưng cho sự phồn thịnh của Hong Kong là những mảng màu u tối của đói nghèo.

Đối lập với ánh đèn rực rỡ suốt đêm ngày – biểu trưng cho sự phồn thịnh của Hong Kong là những mảng màu u tối của đói nghèo, những phận người vô gia cư sống lay lắt tạm bợ trên hè phố.

Sự tương phản nghiệt ngã ở Hong Kong hoa lệ, giá đất đắt đỏ nhất hành tinh

Với những "rừng" cao ốc tráng lệ cùng ánh đèn quảng cáo rực rỡ suốt đêm ngày, đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) là một thành phố hoa lệ đúng nghĩa. Hong Kong cũng nổi tiếng với thị trường bất động sản sôi động và đắt đỏ bậc nhất thế giới, nơi đây cả khi chi trả tới hàng ngàn USD tiền thuê nhà, người ta cũng không thể có được một nơi ở tử tế, tiện nghi. 

Đối lập với nhịp sống hào nhoáng ở nơi được mệnh danh là "thành phố không ngủ" này là những mảng màu u tối của đói nghèo, những phận người vô gia cư sống lay lắt tạm bợ trên hè phố. Ngày càng nhiều người bị đẩy ra lề đường, sống cuộc sống "màn trời chiếu đất", cũng không ít người chủ động lựa chọn sống vô gia cư thay vì trú ngụ trong những căn nhà "quan tài" siêu nhỏ và thiếu các điều kiện sống tối thiểu.

Cuộc sống của người đàn ông vô gia cư gốc Việt ở nơi nghèo nhất Hong Kong và sự tương phản nghiệt ngã của thành phố hoa lệ bậc nhất hành tinh-1
Ánh sáng biểu trưng cho sự phồn thịnh ở Hong Kong hoa lệ.

Theo số liệu chính thức năm 2018, có 1.127 người vô gia cư ở Hong Kong, tuy nhiên các tổ chức từ thiện cho rằng con số thực tế lên tới gần 2.000 người và có thể tiếp tục tăng mạnh theo thời gian.

Cuộc sống của người đàn ông vô gia cư gốc Việt ở nơi nghèo nhất Hong Kong và sự tương phản nghiệt ngã của thành phố hoa lệ bậc nhất hành tinh-2Cuộc sống của người đàn ông vô gia cư gốc Việt ở nơi nghèo nhất Hong Kong và sự tương phản nghiệt ngã của thành phố hoa lệ bậc nhất hành tinh-3
Người vô gia cư sống lay lắt trong một công viên ở Sham Shui Po.

Hơn một nửa trong số 1.127 người vô gia cư được khảo sát cho biết họ đã sống như vậy hơn 5 năm. Trong số này, có tới 244 người thừa nhận họ đã ngủ trên hè phố hơn một thập kỷ. Số liệu khảo sát cũng chỉ ra, hơn một nửa số người vô gia cư ngủ trong công viên, sân chơi và bãi đỗ xe. Các địa điểm khác được họ lựa chọn bao gồm gầm cầu vượt, nhà vệ sinh công cộng, trạm xe buýt và cửa hàng thức ăn nhanh mở cửa 24/24.

Phần lớn người vô gia cư cho biết, họ không có khả năng trả tiền thuê nhà do thất nghiệp. Những người khác buộc phải sống "không nhà" do không thể tìm được nhà ở giá cả phải chăng, hoặc không tìm được nơi ở sau khi ra tù hay sau khi rời các cơ quan khác. Một số khác lại khẳng định đó là cuộc sống họ chủ động lựa chọn.

Cuộc sống của người đàn ông gốc Việt ở nơi nghèo nhất Hong Kong

Ông Nguyễn Văn Sơn là một trong số 17 người vô gia cư sống ở cây cầu bộ hành trên phố Yen Chow tại Sham Shui Po, quận nghèo nhất Hong Kong.

Cuộc sống của người đàn ông vô gia cư gốc Việt ở nơi nghèo nhất Hong Kong và sự tương phản nghiệt ngã của thành phố hoa lệ bậc nhất hành tinh-4
Ông Sơn sống ở cây cầu bộ hành thuộc phố Yen Chow tại Sham Shui Po, quận nghèo nhất Hong Kong.

Cuộc sống của người đàn ông vô gia cư gốc Việt ở nơi nghèo nhất Hong Kong.

Ông Sơn rời Việt Nam sang Hong Kong từ năm 1981-1982 rồi làm công việc tháo dỡ nhà cũ. Thời điểm đó, Hong Kong đang phát triển với tốc độ chóng mặt, hàng loạt nhà cao tầng mọc lên. Được một thời gian, đến khoảng những năm 2000, ông không tìm được nhiều công việc tay chân như hồi trẻ nên buộc phải lao vào con đường đi bán thuốc lá lậu và 5 lần 7 lượt bị bắt. Vợ con cũng bỏ ông mà đi, ông phải dọn ra ngoài ở, không tiền, không công việc, ông buộc phải sống vất vưởng ở cây cầu suốt thời gian dài.

Ông kể: "Vào buổi sáng, tôi dọn dẹp khu một chút. Tôi tưới nước cho những cái cây của tôi, cứ phải tưới 3 lần 1 ngày vì ở đây giờ nóng lắm. Tôi thường ăn bánh mì hoặc mì gói, đôi khi nhịn 1-2 bữa cũng chẳng sao".

Cuộc sống của người đàn ông vô gia cư gốc Việt ở nơi nghèo nhất Hong Kong và sự tương phản nghiệt ngã của thành phố hoa lệ bậc nhất hành tinh-5Cuộc sống của người đàn ông vô gia cư gốc Việt ở nơi nghèo nhất Hong Kong và sự tương phản nghiệt ngã của thành phố hoa lệ bậc nhất hành tinh-6
Là người vô gia cư và đã trên 60 tuổi, ông Sơn chỉ nhận được trợ cấp 3.485 đô la Hong Kong mỗi tháng. "Nếu tôi chi tiêu tằn tiện hết mức thì cũng đủ. Tôi có vài công việc tạm thời, chẳng hạn dọn dẹp, nhưng lúc làm, lúc không. Khi còn trẻ và còn sức lực, tôi làm việc chăm chỉ hơn, giờ tôi già yếu rồi không đủ sức nữa. Tôi có vấn đề cá nhân. Tôi từng suy nghĩ rất nhiều, về việc gia đình chia ly, mỗi lần nghĩ đến chuyện đó tôi lại đau đầu, nên giờ tôi không bận tâm nữa. Nếu có việc thì tôi làm, có thức ăn thì tôi ăn, có bao nhiêu tiền thì tôi tiêu bấy nhiêu", ông Sơn nói.

McRefugees – Những người "tị nạn" tại cửa hàng thức ăn nhanh

Khi chi phí sinh hoạt ở Hong Kong không ngừng tăng lên, ngày càng nhiều người đổ xô tới các cửa hàng McDonalds, không phải vì đồ ăn nhanh giá rẻ mà là để kiếm chỗ ngủ. Thuật ngữ "McRefugee" cũng từ đó mà ra đời (refugee là từ tiếng Anh, nghĩa là "tị nạn"). "McRefugee" dùng để chỉ những người ngủ qua đêm tại cửa hàng thức ăn nhanh và bị đuổi ra ngoài trước khi cửa hàng phục vụ bữa sáng.

Theo Tổ chức vì Cộng đồng Hong Kong (SoCO), năm 2018 có ít nhất 384 người ngủ qua đêm tại McDonalds, trong khi con số này là 256 người vào năm 2015 và 57 người vào năm 2013. Số lượng người tìm đến chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh phục vụ 24/7 này cũng đang tăng ngoài tầm kiểm soát.

Cuộc sống của người đàn ông vô gia cư gốc Việt ở nơi nghèo nhất Hong Kong và sự tương phản nghiệt ngã của thành phố hoa lệ bậc nhất hành tinh-7
Cửa hàng thức ăn nhanh trở thành ngôi nhà thứ hai của người vô gia cư ở Hong Kong.

So – từng là một người bán cá - bắt đầu chọn McDonalds như ngôi nhà thứ hai của mình từ năm 2017 sau khi mất việc.

Suốt nhiều tháng, anh đứng bên ngoài cửa hàng McDonald chờ đợi những thực khách cuối cùng kết thúc bữa ăn đêm của mình. Vào một ngày đẹp trời, anh nhớ lại, nhân viên McDonald để cho các McRefugees vào trong vào khoảng 11h30 đêm. Mỗi người sẽ tìm một chỗ nằm cho mình và chợp mắt trước khi bị đánh thức vào khoảng giữa 5-7 giờ sáng hôm sau bởi mùi trứng xúc xích McMuffins thơm nức mũi tràn ngập cửa hàng.

"Tôi không cảm thấy sợ", So nói, "Khi không có một xu dính túi, bạn chẳng còn gì để sợ cả". Người đàn ông 39 tuổi bộc bạch, cuộc đời anh đã trượt dài do nghiện ma túy. Anh rơi vào nợ nần và dần xa lánh gia đình.

Tháng 11/2017, anh được Ng – một nhân viên xã hội của tổ chức SoCO phát hiện và giúp anh vào một trung tâm tạm trú dành cho người vô gia cư.

Không thể trở lại công việc bán cá do một vết thương ở cánh tay sau nhiều năm cầm dao, So cho biết anh vẫn tích cực tìm việc và đã xin việc ở hệ thống đường sắt MTR.

"Nếu tìm được việc thì tôi sẽ có thể tính đến việc tìm nơi ở. Dù chỗ đó nhỏ như một cái nhà lồng cũng chẳng sao vì tôi chỉ ở một mình thôi. Khi nào tìm được việc, tôi mới có thể đối mặt với gia đình mình", So ngậm ngùi.

Từ cuộc sống ngột ngạt trong nhà lồng đến cuộc sống bấp bênh trên hè phố

Mật độ dân cư đông đúc với quỹ đất gần như đã hết, giá nhà đất cũng như chi phí thuê nhà ở không ngừng tăng lên đã dồn ép nhiều người thu nhập thấp, buộc họ phải tìm đến những căn nhà lồng, nhà "quan tài" – loại căn hộ siêu nhỏ có giá thuê từ 1.000-4.000 đô la Hong Kong (tương đương 127-510 USD) mỗi tháng.

Dù giá thuê cao ngất ngưởng nhưng các khu nhà này vô cùng chật chội, thường nhỏ hơn một chỗ đậu xe, cực kỳ bất tiện, đông đúc, kém thông thoáng và ngột ngạt, chưa kể đến nguy cơ hỏa hoạn.

Có những nơi nhà bếp và nhà vệ sinh được gộp thành một, người sống phải o ép mình trong diện tích không gian chỉ từ 1,3 - 4,6 m2 không khác gì một chiếc lồng.

Ước tính có tới 200.000 người ở Hong Kong phải sinh tồn trong những căn nhà như vậy.

Cuộc sống của người đàn ông vô gia cư gốc Việt ở nơi nghèo nhất Hong Kong và sự tương phản nghiệt ngã của thành phố hoa lệ bậc nhất hành tinh-8
Các tình nguyện viên phát thức ăn và nước uống bên ngoài khu lều tạm bợ trên cầu ở Mong Kok.

Với những người không thể chi trả tiền thuê nhà, chân cầu, gầm cầu vượt và cầu tàu là những lựa chọn tiếp theo dù cuộc sống ở những nơi như thế rất bấp bênh với nỗi lo bị trục xuất luôn thường trực.

Cứ vài ba tháng họ lại bị yêu cầu rời đi và phải chuyển tới các nhà tạm trú do chính quyền quản lý, nơi thời gian lưu trú bị giới hạn vỏn vẹn 6 tháng, đôi khi chỉ 3 tháng.

Ở Sham Shui Po - quận nghèo nhất Hong Kong, một lối đi có mái che trở "nhà" của khoảng 15 người đàn ông vô gia cư.

Cuộc sống của người đàn ông vô gia cư gốc Việt ở nơi nghèo nhất Hong Kong và sự tương phản nghiệt ngã của thành phố hoa lệ bậc nhất hành tinh-9
Ông Lee Tim-choi khoe nơi ngủ của mình giữa đống khăn bẩn lùng nhùng.

Người nào may mắn thì có giường gấp. Những người khác như Lee Tim-choi (70 tuổi) thì tự chế nệm ngủ bằng vài chiếc khăn bẩn.

Lee là người vô gia cư đã 30 năm nay. Thời trẻ, ông làm những công việc lặt vặt để trả tiền thuê nhà. Không may, một tai nạn giao thông vào năm 1989 đã tước đi khả năng lao động của Lee và buộc ông phải gắn bó với chiếc xe lăn kể từ đó.

Lee từng đến ở nhà tạm trú nhiều lần. Gần đây nhất, ông sống trong một viện dưỡng lão nhưng sau đó quyết định rời đi, nói rằng ông rất buồn với cách đối xử của các nhân viên ở đó.

Lee hoài nghi về những nỗ lực giúp đỡ của chính quyền và cho rằng cơ hội để ông thoát khỏi cuộc sống màn trời chiếu đất hiện tại là rất hy hữu.

"Tôi không sống được bao lâu nữa. Nhưng chỉ cần bạn có một trái tim hướng thiện, bạn sẽ chẳng có gì phải sợ cả", Lee nói.

Bên cạnh số đông người vô gia cư bất đắc dĩ, vẫn có những người gọi cuộc sống vất vưởng nơi hè phố là "lựa chọn cá nhân". Trong số đó có Simon Lee - người vô gia cư hạnh phúc nhất ở Hong Kong.

Cuộc sống của người đàn ông vô gia cư gốc Việt ở nơi nghèo nhất Hong Kong và sự tương phản nghiệt ngã của thành phố hoa lệ bậc nhất hành tinh-10
Simon Lee có lẽ là người vô gia cư hạnh phúc nhất Hong Kong.

Người đàn ông 52 tuổi này đã từ bỏ tầng lớp trung lưu để trở thành một người vô gia cư không một xu dính túi, sống qua ngày nhờ thức ăn thừa của cửa hàng McDonald và các suất ăn thiện nguyện phát tại một đền thờ đạo. Simon Lee coi đó là cách giúp xã hội tiết kiệm các nguồn lực.

"Tôi duy trì cuộc sống ở mức tối thiểu. Tôi không tiêu tiền nên cũng không cần phải kiếm tiền. Tôi không ham hư danh và vật chất. Mọi người thường mặc định là người vô gia cư bẩn thỉu, rách nát và thô lỗ. Nhưng những người vô gia cư cũng có cách sống của riêng mình. Chúng tôi sống rất đàng hoàng", ông nói.

Simon Lee cũng không kết hôn và chủ động cắt đứt mọi liên hệ với gia đình. Với ông, cuộc sống không nhà cửa là cách giải thoát ông khỏi gánh nặng vật chất và nỗi đau do các mối quan hệ mang lại.

Những nỗ lực thất bại của chính quyền Hong Kong

Những người chủ động lựa chọn cuộc sống vô gia cư và hài lòng với nó chỉ là con số rất nhỏ. Phần lớn người vô gia cư ở Hong Kong vẫn đang phải chật vật từng ngày với cuộc sống thiếu thốn đủ đường, không được chăm sóc về y tế.

Theo Ng - một nhân viên xã hội của Tổ chức Cộng đồng (SoCO), tình trạng vô gia cư diễn ra vì chính quyền Hong Kong không muốn đối phó với nó.

Cuộc sống của người đàn ông vô gia cư gốc Việt ở nơi nghèo nhất Hong Kong và sự tương phản nghiệt ngã của thành phố hoa lệ bậc nhất hành tinh-11

Khi giá bất động sản và chi phí cho thuê tăng vọt, chính quyền đã cam kết xây thêm nhà ở công cộng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong khi ngày càng nhiều người dân bị đẩy xuống dưới mức nghèo khổ. Nhưng quỹ đất hạn chế đã buộc các quan chức thừa nhận không thể đạt được mục tiêu.

Khi tình trạng thiếu hụt ngày càng trầm trọng, thời gian chờ đợi để được ở nhà trợ cấp đã tăng lên lâu nhất trong gần hai thập kỷ. Để có được một suất trong nhà ở trợ cấp, thời gian đợi trung bình là 5 năm 1 tháng đối với hộ gia đình và 2 năm 9 tháng đối với người cao tuổi.

Đối với những người không thuộc hai diện này, thời gian đợi có thể lâu hơn nhiều. Có người chờ đợi tới 20 năm kể từ khi đăng ký mà vẫn chưa được xét duyệt. Cuối cùng, nhiều người chẳng buồn đăng ký vì thời gian chờ đợi quá mệt mỏi.

Cuộc sống của người đàn ông vô gia cư gốc Việt ở nơi nghèo nhất Hong Kong và sự tương phản nghiệt ngã của thành phố hoa lệ bậc nhất hành tinh-12

Chính quyền Hong Kong cũng cố gắng cung cấp các nơi tạm trú cho người vô gia cư nhưng theo các tổ chức xã hội, nỗ lực này chỉ mang tính chất ngắn hạn. Ng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng giới hạn lưu trú tại các nhà tạm trú này từ 3-6 tháng, lên ít nhất là 1 năm.

Các tổ chức phi chính phủ Hong Kong cũng thúc giục chính quyền địa phương áp dụng chính sách thân thiện với người vô gia cư. Nhiều trường hợp người vô gia cư bị trục xuất đột ngột mà chính quyền không hề thương lượng hay thông báo trước.

Việc chính quyền buộc 8 người vô gia cư tại cầu tàu Kwun Tong phải rời đi giữa tiết trời lạnh giá hồi tháng 1/2018 từng khiến dư luận dậy sóng phẫn nộ.

Nếu chính quyền Hong Kong không có những giải pháp toàn diện, lâu dài và cách tiếp cận chủ động hơn, số người vô gia cư tại đây sẽ còn tiếp tục tăng và ánh sáng phồn thịnh của đảo ngọc này sẽ mãi không thể chiếu sáng góc khuất u tối của những phận người nghèo đói không nhà cửa.

Theo Helino 


người vô gia cư ở Hong Kong

người nghèo Hong Kong

vô gia cư


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.