Hàn Quốc: Kinh doanh hải sản còn ảm đạm hơn thời Covid-19 vì Nhật Bản xả nước thải hạt nhân

Ngày 24/8, thêm một ngày nữa, nhiều chợ hải sản ở các thành phố ven biển nổi tiếng của Hàn Quốc vắng vẻ khách đến mua hàng.

Cả người buôn bán và ngư dân bày tỏ lo ngại về sinh kế của họ trong bối cảnh thị trường tiêu thụ hải sản giảm nhanh sau việc Nhật Bản xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Hãng Reuters đưa tin, ngày 24/8, Nhật Bản bắt đầu xả nước phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển Thái Bình Dương.

Theo Công ty Điện lực Tokyo, nhà máy Fukushima đang trữ hơn 1,3 triệu tấn nước và trong số đó, 31.200 tấn sẽ được xả ra biển sau khi được xử lý thông qua hệ thống lọc gọi là "Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến".

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã tiến hành việc kiểm nghiệm bằng cách thả cá bơn vào bể nước thải nhiễm xạ đã được lọc của nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Kết quả cho thấy nước đã qua xử lý đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế, nhưng những người ăn hải sản và ngư dân ở Hàn Quốc vẫn cảnh giác về tác động tiềm ẩn đối với sức khỏe. Chính vì vậy mà hoạt động kinh doanh hải sản gặp trắc trở.

Người mua rụt rè

Tối 23/8, một nhóm người dân đang thưởng thức cá sống tại Chợ buôn bán hải sản Noryangjin ― một cảnh tượng hiếm hoi những ngày nay.

Một số người đến chợ cá lớn nhất Hàn Quốc ở phía Nam Seoul này đều có chung một tâm lý là tự hỏi khi nào hoặc liệu họ có chuyến ghé thăm lần sau hay không vì lo ngại về độ an toàn của hải sản.

Hàn Quốc: Kinh doanh hải sản còn ảm đạm hơn thời Covid-19 vì Nhật Bản xả nước thải hạt nhân-1
Một người đàn ông đứng trước bể cá tại Chợ buôn bán hải sản Noryangjin của Seoul vào ngày 22 tháng 8.

Lee Na-yeon, 26 tuổi, nói với tờ The Korea Times: “Tôi đột ngột quyết định đến thăm bạn mình sau khi nghe tin về việc xả nước thải sắp tới”.

Lee Jung-sook, 26 tuổi, đi cùng bạn mình, cũng cho biết: "Tôi thích cá sống nên tôi là khách thường xuyên ở đây. Nhưng hiện tại, giữa những lo ngại về vấn đề nước thải, tôi đang tự hỏi liệu mình có ghé thăm lần nữa không".

Như 2 phụ nữ bày tỏ, việc xả nước ở Fukushima đang làm dấy lên mối lo ngại của nhiều người dân địa phương, khiến thị trường hải sản biến động.

Người bán lao đao

Chợ Jagalchi, chợ hải sản nổi tiếng nhất ở thành phố cảng phía Đông Nam Busan và thị trấn cá sống Millak gần đó, nổi tiếng với cụm nhà hàng sashimi, vẫn gần như vắng tanh khách vào ngày 24/8. Chợ cá Dongmun trên đảo Jeju ở phía Nam cũng có rất ít người đến mua.

“Trước đây, chợ thường nhộn nhịp vào khoảng 10 giờ sáng và từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối, nhưng giờ chợ chẳng khác gì một xa lộ vắng bóng khách”, một thương lái hải sản ở độ tuổi 50 đang kinh doanh ở chợ Dongmun cho biết. Chợ Dongmun đã hoạt động được hơn 20 năm.

Hàn Quốc: Kinh doanh hải sản còn ảm đạm hơn thời Covid-19 vì Nhật Bản xả nước thải hạt nhân-2
Khách hàng đi dạo quanh Chợ Noryangjin.

“Việc kinh doanh trong thời kỳ đại dịch Covid-19 thậm chí còn tốt hơn cả thời điểm này”, người đàn ông nói.

Ông Shim Myung-soo, một ngư dân 58 tuổi đến từ thành phố ven biển phía Tây Gunsan, nói với hãng thông tấn Yonhap rằng ông và nhiều ngư dân đang lo ngại cho sinh kế và sự sống còn của họ do nhu cầu tiêu thụ hải sản sụt giảm mạnh, đặc biệt là trước lễ Chuseok (còn gọi là Jungchu, là ngày Tết Trung Thu, cũng được coi là lễ tạ ơn của người Hàn Quốc) sắp diễn ra vào tháng tới.

Như mọi năm, mùa lễ này là cơ hội làm ăn của nhiều thương lái buôn bán hải sản. Nhưng năm nay thì khác.

“Tôi thấy nản khi nghĩ đến việc buôn bán những ngày tới. Tôi nghĩ lượng tiêu thụ hải sản đã giảm 1/4 và giá có thể còn xuống thấp hơn nữa”, ông Shim nói. "Tôi không biết phải tiếp tục như thế nào đây".

Ông cho biết ông đang đông lạnh số cá chưa bán được khi lượng hàng tồn kho của ông ngày càng tăng lên và các xe chở dầu dùng để vận chuyển cá sống thì phải tạm dừng hoạt động.

Con phố phía trước Chợ Nông sản và Hải sản Mapo ở phía Tây thủ đô Seoul trở nên tĩnh lặng lạ thường hôm 22/8, vài giờ sau khi Nhật Bản công bố kế hoạch xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển.

Hàn Quốc: Kinh doanh hải sản còn ảm đạm hơn thời Covid-19 vì Nhật Bản xả nước thải hạt nhân-3
Con phố phía trước Chợ Nông sản và Hải sản Mapo ở phía Tây Seoul.

Theo một chủ cửa hàng ở chợ Mapo, lợi nhuận kinh doanh của cửa hàng của ông là 21 triệu won (tương đương 380 triệu đồng) vào năm 2020, nhưng đã giảm mạnh xuống còn 14 triệu won (250 triệu đồng) vào năm 2021 và chỉ còn 11 triệu won (200 triệu đồng) vào năm ngoái.


"Cú đánh" mạnh nhất là các đơn đặt hàng ngày càng giảm từ các cơ quan tập thể như trường học, quán bar, nhà hàng và doanh trại quân đội.

Lee Seung-hee, một thương gia kinh doanh hải sản đông lạnh tại chợ, cho biết: “Có vẻ như chúng tôi đang ở giai đoạn khó khăn hơn so với thời điểm các trường học tạm dừng cung cấp bữa ăn do Covid-19”.

Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi các thương gia buôn bán thủy sản địa phương ngày càng lo lắng về thái độ miễn cưỡng tiêu thụ hải sản của người dân.

Jung Yang-ho, chủ tịch hiệp hội thương mại của chợ Mapo, cho biết: “Tôi đã bán sản phẩm ở đây được 25 năm và chưa bao giờ trải qua một cuộc suy thoái sâu sắc như vậy”.

Ông nói thêm: “Kể từ khi Nhật Bản đưa ra vấn đề xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển, doanh số bán hải sản của chúng tôi liên tục sụt giảm”.

Giá cả giảm mạnh

Một thùng cá đuôi vàng, một loài cá được ăn sống hoặc nấu chín phổ biến, thường có giá 40.000 - 50.000 won (724.000 - 906.000 VNĐ) tại Chợ cá hợp tác Busan - nơi xử lý khoảng 30% tổng lượng hải sản phân phối trên toàn đất nước Hàn Quốc.

Hôm 24/8, một thùng cá này đã được bán với giá thấp hơn một nửa so với giá thông thường, trong khi giá cá thu, loài hải sản chủ yếu của người Hàn Quốc, có giá rẻ hơn bình thường khoảng 10% đến 20%.

Hàn Quốc: Kinh doanh hải sản còn ảm đạm hơn thời Covid-19 vì Nhật Bản xả nước thải hạt nhân-4
Một số quầy bán cá tại Chợ Nông sản và Hải sản Mapo ở phía Tây Seoul.

Tin tức về việc Nhật Bản xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý cũng khiến các thương gia lo lắng trước lễ hội cá trích mề dự kiến khai mạc vào tuần tới tại chợ Myeongji ở Busan.

Cheon Dong-sik, người phụ trách tổ chức, cho biết: “Tôi không biết ngư dân và thương nhân có thể đối phó như thế nào trong tình hình này. Công việc kinh doanh chỉ mới bắt đầu phục hồi sau làn sóng di cư của khách hàng trong 3 năm qua do đại dịch”.

Nỗ lực giảm thiểu tác động

Hiện chính quyền thành phố Seoul có kế hoạch mở rộng mạnh mẽ các cuộc thử nghiệm hàng ngày đối với tất cả các loại hải sản có nguồn gốc ở bất kỳ đâu và công bố kết quả cho toàn thể người dân biết.

Hàn Quốc: Kinh doanh hải sản còn ảm đạm hơn thời Covid-19 vì Nhật Bản xả nước thải hạt nhân-5
Một cuộc kiểm tra độ phóng xạ được tiến hành đối với hải sản nhập khẩu từ Nhật Bản tại Chợ Noryangjin vào ngày 23/8/2023.

Chính quyền khu vực tỉnh Gangwon cũng có kế hoạch mở rộng các cuộc kiểm tra độ phóng xạ đối với hải sản, từ 2 lần một tháng sang tiến hành hàng ngày. Trong khi đó, các nhà chức trách đảo Jeju tăng phạm vi kiểm tra độ phóng xạ thường xuyên lên khoảng 200 loài hải sản từ 70 loài trước đó.

Chính quyền khu vực tỉnh Nam Kyungsang cho biết họ sẽ phát trực tiếp các cuộc kiểm tra độ phóng xạ của mình trên YouTube và mời người dân giám sát.

Theo Phụ Nữ Việt Nam

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/han-quoc-kinh-doanh-hai-san-con-am-dam-hon-thoi-covid-19-vi-nhat-ban-xa-nuoc-thai-hat-nhan-20230826104816726.htm

hải sản

Nhật Bản

Hàn Quốc


Hà Nội: Huấn luyện viên thể hình 32 tuổi nhồi máu cơ tim vì lý do bất ngờ
Các bác sĩ Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E vừa can thiệp cấp cứu và thành công cứu sống một nam thanh niên nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp. Điều đáng nói, nam thanh niên này chỉ mới 32 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh, thường xuyên luyện tập thể hình nhưng vẫn có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và có thể để lại những di chứng nặng nề.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.